Nobel Hòa bình 2007 - Tôn vinh nỗ lực bảo vệ trái đất

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

(LĐ) - Cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore và Uỷ ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của LHQ đã giành giải Nobel Hoà bình 2007 vì những nỗ lực trong việc tăng cường nhận thức về sự thay đổi khí hậu do con người gây ra, đặt nền tảng cho việc đối phó với tình trạng nóng lên toàn cầu.

Tài trợ giải thưởng cho quỹ môi trường

"Tôi rất vinh dự được nhận giải thưởng này", ông Gore (ảnh) nói. "Chúng ta đang phải đối mặt một vấn đề khẩn cấp của cả hành tinh. Cuộc khủng hoảng khí hậu không phải là vấn đề chính trị. Đó là thách thức đạo đức và tinh thần đối với tất cả nhân loại".

Việc ông Al Gore được trao giải Nobel Hoà bình không bất ngờ. Gần như tất cả mọi dự đoán đều dành cho ông trước đó. Cựu Phó Thổng thống Mỹ Al Gore, 59 tuổi, từ lâu đã được coi là một trong những chính trị gia bảo vệ môi trường hàng đầu của thế giới. Kể từ sau khi rời bỏ chính trường năm 2000, ông đã trở thành một chiến sĩ hoạt động tích cực vì môi trường.

Mới đây, bộ phim tài liệu về môi trường của ông - "An Inconvenient Truth" (tạm dịch: Sự thật phũ phàng) - đã đoạt giải Oscar của Viện Hàn lâm Nghệ thuật điện ảnh Mỹ. Ông Al Gore cũng là người khởi xướng chương trình hoà nhạc lớn vì môi trường, mang tên "Live Earth", được tổ chức đồng loạt tại 9 nước trên thế giới tháng 7 vừa qua.

"Những cam kết mạnh mẽ của ông được phản ánh trong các hoạt động chính trị, bài giảng, phim ảnh, sách báo, đã cổ vũ mạnh mẽ cho cuộc chiến chống lại sự biến đổi khí hậu. Ông là cá nhân đã làm hết sức mình để tạo ra sự hiểu biết trên toàn cầu về các biện pháp cần được tiến hành để chống lại sự biến đổi khí hậu", Uỷ ban Giải thưởng Nobel Na Uy nhận xét.

Và ông Al Gore tiếp tục thể hiện những cam kết mạnh mẽ của mình bằng cách tuyên bố tài trợ toàn bộ số tiền mà ông được chia trong tổng số 1,5 triệu USD giải thưởng cho Alliance for Climate Protection, tổ chức phi lợi nhuận về bảo vệ môi trường của lưỡng viện Mỹ.

Năm 2002, cựu Tổng thống Mỹ J.Carter cũng đã được trao giải Nobel Hoà bình.

Con người là nguyên nhân

Uỷ ban Giải thưởng Nobel Na Uy cho biết, trong suốt hai thập kỷ qua, Uỷ ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của LHQ đã có những nghiên cứu công phu, tạo ra sự nhất trí cao về mối liên hệ giữa hoạt động của con người đối với vấn đề nóng lên toàn cầu.

"Vấn đề ấm lên toàn cầu bao gồm cả tình trạng di trú quy mô lớn, dẫn tới sự cạnh tranh mạnh mẽ về tài nguyên của trái đất. Những thay đổi này sẽ tạo gánh nặng cho các quốc gia dễ bị tổn thương. Ngày càng có nhiều mối nguy hiểm gia tăng về xung đột bạo lực và chiến tranh trong nội bộ quốc gia hay giữa các quốc gia với nhau".

IPCC do Tổ chức Khí tượng thế giới của LHQ (WMO) và Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) thành lập năm 1988, quy tụ khoảng 2.000 nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực như khí tượng, hải dương, băng, các nhà kinh tế và các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực khác.

Các báo cáo của IPCC thuần tuý dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học, chỉ ra những khu vực có thể bị ảnh hưởng nặng nề nhất của hạn hán, lũ lụt hay bão tố,... do biến đổi khí hậu gây ra. Các báo cáo thường kỳ của IPCC, với quan điểm hoàn toàn trung lập, được xem là những lời cảnh báo nghiêm túc nhất về hậu quả khôn lường của biến đổi khí hậu.

IPCC cho rằng, năm nay, tất cả các vùng trên thế giới đều bị ảnh hưởng bởi hiện tượng khí hậu nóng lên. IPCC còn cảnh báo, một phần ba loài trên trái đất sẽ biến mất nếu nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng cho tới khi đạt mức cao hơn nhiệt độ trung bình của thập kỷ 80-90 là 3,6 độ C.

"Chúng tôi rất hạnh phúc. Nếu chỉ mình ông Al Gore được nhận giải thưởng, chúng tôi cũng vui bởi thế giới đã nhận ra tầm quan trọng của vấn đề", người phát ngôn của IPCC Traverso Saibante nói.

Với việc trao giải Nobel Hoà bình 2007 cho IPCC và Al Gore, Uỷ ban Nobel Na Uy muốn hướng sự tập trung của thế giới vào các biện pháp cấp bách cần được thực thi để bảo vệ khí hậu và giảm nhẹ mối đe doạ đối với an ninh nhân loại. Lễ trao giải Nobel Hoà bình diễn ra tại hội trường ĐH Oslo, Na Uy vào tháng 12 tới.

Trí Minh (www.laodong.com.vn)