Phát hiện luồng plasma di chuyển nhanh hơn vận tốc ánh sáng
Một chùm plasma kỳ lạ trong vũ trụ có những đặc điểm trái ngược với các quy luật vật lý khi dường như di chuyển nhanh hơn vận tốc ánh sáng.
Thiên hà M87, do hai thiên hà khác sáp nhập lại với nhau, phun ra một luồng sáng plasma lớn. Các nhà khoa học cho rằng, khí gas bị hút vào lỗ đen khổng lồ ở trung tâm thiên hà, sau đó nóng lên và từ trường phun nó ra ngoài, theo Futurism.
Năm 1918, nhà thiên văn học Heber Curtis lần đầu tiên nhìn thấy dải sáng khổng lồ kết nối với thiên hà M87. Bằng cách sử dụng các công cụ đo, Curtis ước tính chiều dài của nó khoảng 6.000 năm ánh sáng.
Kính viễn vọng không gian Hubble của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) giám sát sự phát triển mở rộng của chùm sáng từ năm 1995 đến năm 1999. Sau 4 năm chụp ảnh, các nhà khoa học phát hiện luồng plasma phóng ra phía ngoài di chuyển nhanh hơn phần plasma phun ra từ lỗ đen, nghĩa là nó phải di chuyển nhanh hơn vận tốc ánh sáng.
Năm 2013, sau 13 năm chụp ảnh, luồng sáng plasma bắt đầu chuyển động dưới dạng xoắn ốc như nút chai làm cho nó ngày càng thêm bí ẩn hơn.
Kể từ lần quan sát đầu tiên luồng sáng plasma ở thiên hà M87, các nhà thiên văn cũng ghi nhận hiện tượng tương tự xảy ra trong nhiều thiên hà khác. Mặc dù nguyên nhân gây ra nó vẫn còn là điều bí ẩn, nhưng dữ liệu thu thập được sẽ giúp các nhà khoa học tìm hiểu cách thức lỗ đen tạo ra hoặc phá hủy các thiên hà trong vũ trụ.
"Chúng ta có thể nhìn thấy luồng sáng plasma trong suốt cuộc đời của một người. Mọi thứ đang chuyển động. Thật đáng kinh ngạc, tốc độ của nó rất đáng chú ý vì quá mạnh mẽ", Eileen Meyer, nhà vật lý tại Đại học Baltimore Maryland, Mỹ, cho biết.
Nguồn[sửa]
- Lê Hùng, VnExpress