Phát triển năng lượng gió – kinh nghiệm của một số nước
Mục lục
Năng lượng gió: Mới và đầy sức sống
Mặc dù điện gió bắt đầu được thế giới để ý đến từ 25 năm trước, nhưng chỉ trong gần 10 năm trở lại đây nó mới khẳng định được vị trí trên thị trường năng lượng thế giới khi sản lượng điện gió tăng trưởng một cách ngoạn mục với tốc độ 28%/năm, cao nhất trong tất cả các nguồn năng lượng hiện có (Hình 1). Sự phát triển thần kỳ này của điện gió có được là nhờ vào một số thay đổi quan trọng trong thời gian qua.
Đầu tiên phải kể đến những tiến bộ về công nghệ có tính đột phá trong thời gian qua đã giúp giảm giá thành điện gió xuống nhiều lần, đồng thời tăng công suất, hiệu quả, và độ tin cậy của các trạm điện gió. Cụ thể là nếu như vào năm 1990, công suất trung bình của một trạm điện gió ở Đan Mạch và Đức chỉ vào khoảng 200 KW, thì đến năm 2002 đã lên tới 1,5 MW và hiện nay các nước này đang phát triển các tuốc bin lớn cỡ 5-10 MW nhằm phát triển các trạm điện gió trên thềm lục địa. Hiệu quả của các trạm điện gió này cũng được cải thiện từ 2 đến 3% mỗi năm, góp phần vào việc giảm 30% giá thành điện gió trong vòng 12 năm.
Một lý do quan trọng nữa giải thích sự phát triển đột biến của điện gió trong 10 năm trở lại đây là nguy cơ khủng hoảng năng lượng của các nước đã phát triển cũng như mối quan tâm ngày càng cao của các nước này về bảo vệ môi trường đã tiếp thêm sức mạnh cho những nỗ lực tìm kiếm các dạng năng lượng tái tạo thân thiện với môi trường, trong đó điện gió hiển nhiên là một ứng cử viên sáng giá.
Trong các nước chủ trương phát triển năng lượng gió, Đức vẫn là nước dẫn đầu với công suất vào cuối năm 2004 lên tới 16.649 MW, chiếm hơn 30% tổng công suất điện gió của thế giới. Ngay sau Đức là Tây Ban Nha và Mỹ lần lượt chiếm 19% và 16% tổng công suất điện gió thế giới. Một điều đáng lưu ý là không chỉ các nước đã phát triển mà cả một số nước đang phát triển (đặc biệt là những nước đông dân như Ấn Độ và Trung Quốc) cũng quyết định đầu tư để phát triển điện gió. Trong phần dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu kinh nghiệm phát triển điện gió của ba nước Ấn Độ, Trung Quốc, và Philippines là ba nước có trình độ phát triển không quá cách biệt đối với Việt Nam.
Các bài học của Ấn Độ, Trung Quốc và Philippines
Ấn Độ
Ấn Độ là một trong hai nước đang phát triển nằm trong Top 10 nước dẫn đầu về công suất điện gió (nước kia là Trung Quốc). Năm 2004, công suất điện gió tăng thêm của Ấn Độ đứng thứ ba trên thế giới, chỉ sau CHLB Đức, Tây Ban Nha, đứng trên cả Anh và Mỹ. Các nỗ lực này đã đưa Ấn Độ vươn lên hàng thứ năm trên thế giới về công suất (Hình vẽ) Tính đến tháng 3/2005, công suất điện gió của Ấn Độ đạt mức 3.595 MW, và chỉ riêng trong năm 2004 Ấn Độ đã lắp đặt mới được 1.112 MW, đạt mức tăng trưởng 45%. Nếu lấy năm 2000 làm mốc, khi Ấn Độ mới chỉ có 1.220 MW điện gió, thì chỉ sau 5 năm, công suất điện gió của Ấn Độ đã tăng lên 3 lần.
Năm 1980 đánh dấu bước khởi đầu của chiến lược phát triển năng lượng gió của Ấn Độ khi Cơ quan Nguồn năng lượng (sau chuyển thành Bộ Năng lượng) của nước này được thành lập nhằm mục đích đa dạng hóa nguồn năng lượng để phục vụ cho sự phát triển nhanh của nền kinh tế (tốc độ tăng trưởng bình quân của Ấn Độ trong 10 năm qua là khoảng 6-7 %/năm). Cơ quan này đã tiến hành nghiên cứu, xác định, và triển khai các dự án năng lượng gió và sau đó đưa vào kinh doanh. Chính phủ Ấn Độ cũng đã ban hành một số chính sách ưu đãi để hỗ trợ cho dự án. Các công ty công nghiệp và thương mại, đặc biệt là các công ty tư nhân, đã tận dụng những ưu đãi này của nhà nước để tiến hành đầu tư một cách mạnh mẽ. Kết quả là các công ty này (trong đó 97% là các công ty tư nhân) đã tự sản xuất được các bộ phát điện, và hơn thế, một số nhà sản xuất đã có thể bắt đầu xuất khẩu sản phẩm của mình.
Bài học của Ấn Độ cho thấy một khi có chính sách khuyến khích đúng đắn, kết hợp với những nghiên cứu kỹ thuật công phu và định hướng chính sách phát triển rõ ràng của nhà nước thì các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân năng động, sẽ mạnh dạn đầu tư và phát triển thị trường điện gió một cách tương đối hiệu quả mà không cần sự can thiệp và đầu tư lớn của nhà nước. Nếu như các nguồn năng lượng thủy điện và hạt nhân đòi hỏi mức độ đầu tư ban đầu rất lớn và tiềm tàng mức độ ảnh hưởng ngoại tác (externality) cao, và vì vậy thường đòi hỏi sự can thiệp của nhà nước, thì các trạm điện gió có quy mô vừa phải hoàn toàn nằm trong tầm với của các nhà đầu tư tư nhân. Tất nhiên, nhà nước cần tạo cơ sở và hành lang pháp lý cũng như có những biện pháp kiểm tra, giám sát cần thiết để đảm bảo những đầu tư của khu vực tư nhân không đi ngược lại lợi ích của xã hội.
Trung Quốc
Với một bờ biển dài, Trung Quốc là một quốc gia có nhiều tiềm năng về năng lượng gió. Dự án điện gió thử nghiệm đầu tiên của Trung Quốc được bắt đầu từ năm 1986. Trong 20 năm qua, tận dụng các khoản viện trợ nước ngoài và các khoản vay lãi suất thấp, Trung Quốc đã phát triển thêm nhiều khu điện gió, hòa mạng vào lưới điện quốc gia. Năm 1994, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Điện của Trung Quốc đã ra quyết định đẩy mạnh phát triển năng lượng gió, một quyết định hết sức khó khăn. Lý do là vì vào thời điểm đó, năng lượng gió trên thế giới vẫn chưa phát triển, đồng thời nhiệt điện than khá rẻ và vẫn còn tương đối dồi dào. Hiểu được điểm yếu này của điện gió so với các nguồn năng lượng truyền thống khác, Bộ Năng lượng của Trung Quốc đã định hướng phát triển điện gió thông qua việc giảm giá thành bằng cách phát triển những dự án quy mô lớn, đồng thời địa phương hóa các nhà máy sản xuất tuốc-bin gió. Chính quá trình địa phương hóa các nhà máy sản xuất tuốc-bin đã góp phần quyết định vào việc giảm giá thành, đồng thời giúp phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa nhờ đảm bảo cung ứng điện ổn định, tăng nguồn thu thuế, và tạo thêm công ăn việc làm cho địa phương.
Với tiền đề chính sách đúng đắn đó, thị trường điện gió ở Trung Quốc được hình thành, và đến cuối năm 2004 Trung Quốc đã có 43 khu điện gió với tổng công suất là 850 MW. Trong năm 2005, có thêm 450 MW được đưa vào vận hành. Hướng tới tương lai xa hơn, chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu đến năm 2020, công suất điện gió của nước này sẽ tăng lên tới 20.000 MW gấp 20 lần công suất hiện tại.
Philippines
Trong thập kỷ tới, Philippines có triển vọng trở thành quốc gia dẫn đầu về năng lượng gió trong khu vực Đông Nam Á. Một sự hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ và thành phần kinh tế tư nhân được xác lập với mục tiêu đạt công suất tối thiểu là 417 MW điện gió trong vòng 10 năm tới. Dựa vào những nghiên cứu của phòng thí nghiệm quốc gia về năng lượng tái tạo, Philippines quy hoạch một khu vực được đánh giá là rất tốt để phát triển năng lượng gió với diện tích lên tới 10.000 km2 cho dự án phát triển điện gió. Theo tính toán, tiềm năng về công suất gió của khu vực này lên tới hơn 70.000 MW, có thể cung cấp khoảng 195 tỷ kWh mỗi năm. Các nghiên cứu triển khai cho dự án này hiện vẫn đang được tiếp tục và bước đầu đưa vào thực tế.
Một viễn cảnh tươi sáng của điện gió
Tổ chức Năng lượng gió Châu Âu đang tiến hành một chiến lược phát triển rầm rộ nhất cho năng lượng gió với mục tiêu đưa năng lượng gió vào nhóm những nguồn năng lượng quan trọng nhất. Theo kế hoạch của tổ chức này, mục tiêu đến năm 2020, sản lượng điện gió sẽ đạt 94,8 GW, chiếm 12,1% tổng sản lượng điện năng của thế giới. Theo kế hoạch này đến năm 2020, tổng công suất của Châu Âu sẽ là 180 GW trong đó có 70 GW được xây dựng ngoài thềm lục địa gấp 72 lần công suất năm 1995, đủ cung cấp cho 195 triệu dân. Các kế hoạch phát triển các trạm điện gió ngoài thềm lục địa cũng đang được tiến hành để lợi dụng gió biển và ước tính sẽ chiếm trên 40% sản lượng điện gió tương lai của Châu Âu . Cũng theo dự đoán này thì năng lượng gió sẽ tăng dần và vượt qua nhiều nguồn năng lượng truyền thống nhưng tiềm ẩn rủi ro cao như điện hạt nhân và thủy điện lớn, và vào năm 2030 năng lượng gió sẽ trở thành nguồn năng lượng chiếm tỷ trọng lớn thứ hai, chỉ đứng sau nhiệt điện .
Hội đồng Năng lượng Gió Thế giới cũng đưa ra những dự báo hết sức khả quan cho triển vọng phát triển năng lượng điện gió. Theo Hội đồng này, đến năm 2020 sản lượng điện gió sẽ chiếm tới 12% trong tổng sản lượng điện năng của thế giới. Để đạt được mục tiêu này, thế giới sẽ đầu tư khoảng 100 tỷ USD mỗi năm vào điện gió, đồng thời tạo ra 2,3 triệu việc làm và giảm được một lượng đáng kể khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính. Một thị trường về năng lượng gió sẽ phát triển mạnh mẽ đưa giá thành lắp đặt cũng như vận hành điện gió xuống mức rẻ nhất, với chi phí lắp đặt khoảng 600 USD trên một đơn vị kW công suất và giá điện thương phẩm sẽ dưới 3 USD/kWh.i
Các nghiên cứu về năng lượng gió cũng như những thảo luận hiện nay đã tạo nên một không khí sôi nổi tại các hội nghị khoa học và trong dư luận xã hội. Năng lượng gió ngày càng được quan tâm hơn, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững về mặt năng lượng, đồng thời bảo đảm an ninh và sự tự chủ về năng lượng cho các quốc gia. Hơn nữa, điện gió còn tạo nên được một thị trường mới với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao và giúp tạo thêm nhiều việc làm mới cho xã hội. Các dự báo về tốc độ phát triển của năng lượng gió thường xuyên phải điều chính để phản ánh chính xác hơn tốc độ tăng trưởng vượt bậc của ngành công nghiệp điện gió. Chúng ta chắc chắn sẽ thấy được đóng góp tích cực của ngành công nghiệp điện gió một cách toàn diện vào đời sống kinh tế - chính trị thế giới trong một tương lai không xa.
Tác giả
Vũ Thành Tự Anh – Đàm Quang Minh (1 phần đã đăng trên tạp chí Tia sáng)
Xem thêm
- Năng lượng gió của Việt Nam, tiềm năng và triển vọng (cùng nhóm tác giả)