Rèn luyện kỷ luật cho mèo

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Khi bạn rất yêu quý chú mèo của mình, việc rèn kỷ luật cho chú ta có thể rất khó khăn. Ngay cả khi mèo hư, mèo vẫn có thể dễ thương tới mức bạn không muốn quát tháo hoặc chỉ ra chỗ sai của mèo. Có thể còn có những lúc, mèo khiến bạn tức phát điên, nhưng mọi nỗ lực đưa mèo vào kỷ luật đều nhanh chóng đổ bể. Thậm chí, bạn còn hoang mang “không biết mình là chủ của nó, hay nó là chủ của mình?” Bạn có thể dạy cho mèo cách cư xử ngoan ngoãn nếu dùng đúng phương pháp.

Ảnh minh họa

Các bước[sửa]

Chuẩn bị rèn kỷ luật cho mèo[sửa]

  1. Nhận ra những sự phức tạp. Việc huấn luyện mèo có thể dễ hoặc khó. Chó thường sẵn sàng làm vui lòng chủ nhân hơn, vì thế, nói chung chúng cũng dễ huấn luyện hơn mèo. Tuy nhiên, mèo cũng có thể được huấn luyện nếu bạn hiểu cách mèo nghĩ và tương tác với con người. Việc huấn luyện mèo cần tới rất nhiều sự kiên nhẫn, và khó nhất là tạo động lực cho mèo.[1]
  2. Tìm yếu tố tạo động lực cho mèo. Chú mèo nào cũng sẽ thích một thứ mà nhờ có nó, mèo sẽ chịu nghe lời bạn. Điểm mấu chốt này chính là yếu tố tạo động lực cho mèo. Thứ đó thường sẽ là món ăn vặt mà mèo rất thích. Đối với vài chú mèo, đó sẽ là một miếng cá ngừ, đối với vài chú mèo khác, đó lại là món thịt gà được nấu chín.
    • Dù bạn dùng món ăn gì, hãy cầm nó trong tay và thưởng cho mèo ngay khi mèo vâng lời bạn.
    • Không bao giờ được đánh mèo nếu mèo không làm theo lời bạn. Mèo sẽ giận bạn vì điều đó và không nghe lời bạn nữa. [1]
  3. Yêu thương mèo. Bước đầu tiên để rèn luyện kỷ luật cho mèo là khiến mèo chịu nghe lời. Việc này sẽ không xảy ra nếu bạn không thiết lập được một mối quan hệ ấm áp và yêu thương với mèo. Tình huống đó sẽ cực kì căng thẳng. Tạo nên một mối quan hệ tốt với mèo ngay từ đầu là việc quan trọng. Điều đó sẽ đảm bảo rằng mèo tôn trọng bạn, muốn làm bạn hài lòng và chịu nghe lệnh của bạn.
    • Nếu bạn vừa nhận nuôi một chú mèo, hãy chú ý tới mèo thật nhiều. Dành thời gian ôm ấp nếu mèo chấp nhận điều đó. Nếu không, hãy thử nói chuyện và vuốt ve càng nhiều càng tốt, và thỉnh thoảng thưởng đồ ăn cho mèo. Việc này có thể tốn từ vài ngày tới vài tuần, tuỳ vào việc mèo cần bao lâu để làm quen với bạn và môi trường mới.
  4. Dành thời gian chơi với mèo con. Dù việc đưa mèo con vào kỉ luật ngay khi mèo hư là việc quan trọng, bạn vẫn nên dành thời gian để tìm hiểu về tính cách của chúng. Có thể có một số yếu tố cụ thể làm ảnh hưởng tới phản ứng của mèo tới việc rèn luyện kỷ luật của bạn. Nếu bạn có một chú mèo con, chú ta sẽ hay nổi giận, tò mò và thiếu kinh nghiệm. Sẽ mất nhiều thời gian hơn để mèo con biết đúng sai, vì thế, hãy kiên nhẫn khi mèo đang ở trong quá trình học hỏi.
    • Mặt khác, nuôi mèo con cũng có thể là một lợi thế. Nếu bạn là người chủ duy nhất mà mèo con từng có, bạn có thể gây ảnh hưởng nhiều hơn tới hành vi của mèo.[2]
  5. Đối phó với những chú mèo lớn hơn. Nếu bạn vừa nhận nuôi một chú mèo đã trưởng thành, hoặc nếu chú mèo cần được rèn kỷ luật đã được bạn nuôi từ lâu và giờ đã lớn, hãy nhớ rằng chúng đã hình thành cá tính riêng. Mèo có thể đã quen với một số hình thức kỷ luật nhất định, và bạn sẽ phải cố gắng nhiều hơn để chỉ ra đúng sai cho mèo.
    • Tuy nhiên, mèo trưởng thành có thể sẽ trầm tính, hiểu nhanh và ít chống đối hơn.[2]
  6. Xem xét những trải nghiệm trước kia của mèo. Trước khi rèn kỷ luật, hãy nghĩ tới cuộc sống của mèo trước khi được bạn nuôi. Nếu mèo của bạn từng ở trại phối giống, được đối xử tốt, chăm sóc tốt và ăn uống đầy đủ, mèo sẽ không có những hành vi bắt nguồn từ việc bị tổn thương trong quá khứ. Nếu mèo có xuất thân từ một nơi bạo lực hoặc liên tục bị đánh đập, có thể bạn sẽ phải nỗ lực nhiều hơn.
    • Hãy nhớ rằng những chú mèo được nhận nuôi hoặc bị bạo hành sẽ sợ hãi và nghi ngờ bạn - cũng như môi trường sống mới, tuỳ vào những trải nghiệm trong quá khứ với chủ cũ.[2]
  7. Chú ý tới cá tính của mèo. Cá tính của mèo cũng có thể đa dạng và phức tạp như cá tính của chủ nhân. Hãy tự hỏi vài câu hỏi để hiểu được cá tính của mèo. Loại mèo bạn nuôi là gì? Bạn thấy chú mèo của mình nhút nhát, dễ hài lòng, lười biếng hay tình cảm? Cá tính riêng của mèo có thể giúp bạn quyết định cách phản ứng trong những trường hợp cụ thể.
    • Những chú mèo dễ sợ hãi sẽ cần được tiếp cận một cách nhẹ nhàng khi rèn kỷ luật. Bạn cần phải nỗ lực giành được sự tin tưởng của mèo trước khi đưa mèo vào kỷ luật.
    • Một chú mèo hung dữ sẽ cần được đánh giá bởi chuyên gia hành vi động vật, nhờ đó bạn sẽ không bị thương khi tìm cách kỷ luật mèo.[3]

Huấn luyện mèo của bạn[sửa]

  1. Cung cấp đồ dùng cần thiết cho mèo. Để mèo không gặp rắc rối, hãy cung cấp cho mèo nhiều đồ dùng để chúng thực hiện những hành vi theo bản năng tự nhiên. Mèo thích chạy, cắn, cào và khám phá thiên nhiên, vì thế, bạn cần phải cung cấp cho mèo những món đồ chơi thân thiện để đáp ứng những nhu cầu đó. Việc này sẽ ngăn ngừa được nhiều vấn đề về kỷ luật do mèo đã cảm thấy hài lòng. Có rất nhiều cách để bạn đáp ứng những nhu cầu cơ bản của loài mèo.
    • Cung cấp cột mài móng cho mèo. Hãy mua một hoặc nhiều cột mài móng và đặt quanh nhà để mèo có thể mài móng. Nó sẽ giúp mèo không cào vào đồ đạc, tường nhà hoặc những đồ vật khác của bạn.
    • Mua đồ chơi cho mèo nhai và cắn. Đồ chơi để nhai, những quả bóng nhỏ và chuột nhồi bông có thể giúp mèo sử dụng bản năng săn mồi mà không cắn hoặc làm đau bạn. Chúng cũng ngăn mèo nhai những món đồ khác trong nhà.
    • Tạo không gian riêng cho mèo hoặc lều chơi đùa trong nhà để mèo có thể chơi cả ngày. Mèo rất thích nhảy, trèo và khám phá, vì thế, hãy tạo ra cho mèo một hệ thống để leo trèo, hoặc bố trí một góc riêng “thân thiện với mèo” trong nhà để mèo có thể nghịch ngợm mà không làm hỏng đồ đạc.
  2. Thưởng cho những hành vi tốt. Để cho mèo biết khi nào mèo đã làm tốt là một việc quan trọng. Điều đó sẽ giúp mèo hiểu rằng hành vi đó nên được lặp lại. Những hành vi tốt có thể là: biết dùng chậu cát đúng cách, ăn và uống hợp lí, cào vào cột mài móng thay vì cào đồ đạc, chơi đồ chơi thay vì nghịch đồ của bạn. Thực hiện việc này thường xuyên cũng rất quan trọng. Khen thưởng khi mèo có hành vi tốt thật thường xuyên để mèo biết rằng mình đang làm đúng. Đồ ăn vặt là cách thưởng cho mèo phổ biến. Tuy nhiên, đừng làm quá vì việc thưởng đồ ăn có thể khiến mèo bị tăng cân.
    • Bạn cũng có thể khen thưởng bằng cách chú ý tới mèo. Nói chuyện với mèo bằng giọng nhẹ nhàng, vuốt ve hoặc để mèo rúc vào người là những cách để mèo biết bạn thực sự trân trọng những hành động của mèo.
  3. Chơi với mèo. Một cách để giúp mèo có hành vi đúng và cũng là cách để khen thưởng mèo là chơi đùa cùng nhau. Khi đang ở trong nhà, bạn hãy mang ra một món đồ chơi tương tác mà cần phải có bạn chơi dùng Ví dụ, rất nhiều chú mèo thích vờn những chiếc lông hoặc vật thể sáng bóng được buộc vào que. Dành thời gian để chơi trò vờn đồ vật với mèo bất kì khi nào có thể. Mèo sẽ vừa được tập thể dục vừa cảm thấy được chủ yêu thương.
    • Một lựa chọn khác là dùng bút lade. Vài chú mèo rất thích chơi với bút lade, và bạn có thể chĩa bút vào khắp nơi mà vẫn có thể ngồi yên vị trên ghế. Vài người cho rằng trò chơi này không phù hợp vì mèo sẽ chẳng bao giờ thực sự “bắt được” cái chấm lade màu đỏ, trong khi những người khác lại cho rằng việc được đuổi bắt mới là quan trọng.

Rèn kỷ luật cho mèo[sửa]

  1. Sử dụng tông giọng đặc biệt. Có lúc mèo sẽ có những hành vi cần được rèn kỷ luật. Cũng quan trọng như việc để mèo biết khi nào mèo làm đúng, bạn cần phải chỉ cho mèo biết những việc mèo không được làm. Bạn phải thực hiện nhất quán để mèo biết hành vi đó là xấu. Hãy sử dụng một tông giọng đặc biệt khi mèo không ngoan. Không cần thiết phải la hét vì việc đó sẽ khiến mèo sợ hãi. Thay vào đó, hãy dùng tông giọng nghiêm khắc để mèo biết mình đã làm sai. Mèo sẽ nhận ra ngay mỗi khi có hành động không tốt.
    • Để thêm phần hiệu quả, hãy gọi cả tên mèo, ví dụ “Mun hư!” với tông giọng nghiêm khắc. Việc đó sẽ giúp mèo nhận ra mình đã làm sai, tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là mèo có thể sẽ liên hệ tên của mình với hành vi xấu. [4]
  2. Đưa mèo ra khỏi tình huống xấu. Có hai cách để đưa mèo ra khỏi tình huống có hành vi không tốt. Bạn có thể cách li mèo. Ví dụ, nếu mèo định ăn đồ ăn của bạn, bạn có thể cho mèo vào phòng ngủ trong khi đang ăn tối. Dù tiếng mèo kêu có thể khiến bạn đau lòng, nhưng việc này sẽ dạy mèo biết rằng hành vi trên không được lặp lại.
    • Bạn cũng có thể đưa mèo ra khỏi phòng sau khi túm vào gáy mèo. Nếu mèo chống đối, cào hoặc cắn bạn, bạn có thể túm gáy mèo và nói “Không!”. Nếu mèo vẫn hư, hãy bế mèo lên và mang mèo sang phòng khác, vẫn phải nói không với mèo.
    • Không bao giờ nhấc mèo lên khỏi mặt đất bằng cách tóm gáy. Việc đó có thể làm mèo đau và mèo sẽ cào bạn. Hãy lưu ý rằng vết mèo cắn có thể biến thành một vết nhiễm trùng nghiêm trọng.[5]
  3. Sử dụng biện pháp gây ác cảm với nước. Để mèo ngừng làm một việc nhất định, bạn có thể vẩy một ít nước từ bình nước vào đúng thời điểm để ngăn chặn những hành vi không mong muốn. Những hành vi đó có thể nhảy lên bàn hoặc cắn lá cây. Bạn phải làm một cách kín đáo để mèo không biết rằng bạn là người vẩy nước. Hãy vẩy nước vào mèo khi mèo không nhìn bạn hoặc đang quay lưng về phía bạn. Nếu không, mèo sẽ liên hệ bạn với nước, và sẽ cảnh giác hoặc sợ bạn sau khi bạn vẩy nước sai thời điểm.
    • Vài người cho rằng biện pháp gây ác cảm không có hiệu quả với mèo, nhưng nó vẫn có thể thành công tuỳ vào chú mèo nhà bạn.[6]
  4. Đặt bẫy. Bạn có thể đặt bẫy cho mèo để ngăn mèo thực hiện hành vi xấu. Ví dụ, nếu mèo thường cào xé cuộn giấy vệ sinh, hãy đặt một chai nước rỗng bên trên cuộn giấy, như vậy, chai nước sẽ rơi xuống và khiến mèo sợ khi nghịch cuộn giấy. Nếu mèo thích nhảy lên bàn bếp, hãy dán băng dính hai mặt hoặc giấy nhôm trên bề mặt bàn, nhờ đó, mèo sẽ liên hệ bàn bếp với cảm giác khó chịu. Những nỗi sợ hữu hình đó sẽ khiến mèo có tính kỷ luật tốt hơn.[7]
    • Có những tấm thảm đuổi mèo mà bạn có thể mua được, chúng thường tạo ra một cú điện giật rất nhẹ ở chân mèo mỗi khi mèo bước lên đó.
  5. Luôn kiên định và nhất quán. Dù bạn phạt mèo bằng hình thức gì, bạn luôn phải kiên định. Dù chú mèo của bạn có đáng yêu nhất thế giới, bạn vẫn phải thể hiện rằng bạn nghiêm túc với những hành vi xấu của mèo. Bạn cũng cần phải nhất quán. Mỗi lần mèo có hành vi khó chấp nhận, bạn cần nhanh chóng phản ứng để mèo biết liên hệ hành vi xấu với hình phạt. Nếu bạn không phạt ngay mà để sau đó mới làm, mèo sẽ không hiểu vì sao mèo bị phạt và sẽ sợ bạn.

Lời khuyên[sửa]

  • Đừng nói quá to hoặc dữ dằn. Tông giọng của bạn sẽ ảnh hưởng tới mèo, dù mèo không thể hiểu hết những gì bạn nói.
  • Không kích động mèo bằng bất kì cách nào. Hãy để mèo yên khi ngủ hoặc trốn tránh. Đuổi theo mèo sẽ gây ra sự đối đầu không mong muốn.
  • Không đánh mèo hoặc ném đồ vật vào mèo. Việc đó sẽ khiến mèo giận và sợ bạn, huỷ hoại một mối quan hệ tốt đẹp.
  • Nếu mèo của bạn có hành vi hung dữ, hãy trao đổi với chuyên gia về hành vi động vật hoặc bác sĩ thú y để xin lời khuyên.
  • Không bao giờ bế một chú mèo hung dữ lên, vì nó có thể cắn bạn. Vết mèo cắn có thể gây ra nhiễm trùng nghiêm trọng. Nếu bạn bị cắn, hãy gặp bác sĩ ngay lập tức.
  • Đừng quá thô bạo với mèo, nếu không, bạn sẽ bị coi là hành hạ động vật.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. 1,0 1,1 https://www.aspca.org/pet-care/virtual-pet-behaviorist/cat-behavior/training-your-cat
  2. 2,0 2,1 2,2 Canine and Feline Behavior for Veterinary Technicians and Nurses. Edited by Julie Shaw and Debbie Martin. John Wiley & Sons, Inc. 2015
  3. http://www.vet.cornell.edu/fhc/health_information/brochure_aggression.cfm
  4. Behavior Problems of the Dog and Cat 3: Behavior Problems of the Dog and Cat. G.M. Landsberg, W. L. Hunthausen and L. J. Ackerman. Elsevier. 2013
  5. http://www.medscape.com/viewarticle/739023_5
  6. http://www.catbehaviorassociates.com/the-squirt-bottle-controversy/
  7. http://www.vcahospitals.com/main/pet-health-information/article/animal-health/undesirable-behavior-in-cats/197
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này