Sẽ là vô nghĩa nếu chỉ đổ xô vào giải trình tự gene
Tập thể ba nhà khoa học người Đức đến từ Đại học Münster và Đại học Cologne đã có phản hồi trên tờ Nature số 452 (2008) đối với lời bình luận của Steven Brenner trên tờ Nature 449 khi ông này cổ vũ cho các dự án giải mã trình tự genome của James Watson và Viện J Craig Venter. Nhóm tác giả này cho rằng mặc dù việc thu thập càng nhiều càng tốt các trình tự gene cũng tỏ ra quan trọng nhưng còn những cảnh báo khác mà mọi người cần phải lưu tâm.
Thứ nhất, nhân tố điều khiển tất cả những hoạt động sống của một sinh vật từ khi nó sinh ra đến khi chết đi không phải là từ hệ genome tĩnh mà chính là tập hợp các protein đầy biến động (proteome).
Thứ hai, chỉ những nhà khoa học theo chủ nghĩa đơn giản hóa vấn đề một cách quá tả mới cho rằng để phân tích thực trạng của một cơ thể sống thì chỉ cần phân tích proteome mà không cần quan tâm đến genome.
Cuộc sống là một chuỗi các "phản ứng thực nghiệm" không thể lặp lại và kiểm soát hoàn toàn. Vô số các nhân tố môi trường thường xuyên tương tác với các nhân tố di truyền và ngoài di truyền của cơ thể. Điều này sẽ quyết định xem một cơ thể sẽ khỏe mạnh hay bệnh tật, thông minh hay ngu đần, thành công hay thất bại. Một nghiên cứu trên 44 nghìn cặp song sinh (P. Lichtenstein et al. N. Engl. J. Med. 343, 78–85; 2000) đã cho thấy chính các nhân tố môi trường chứ không phải là nhân tố di truyền là nguyên nhân gây nên các bệnh ung thư. Việc dồn sức vào giải mã trình tự gene theo đề xuất của Brenner sẽ là phí phạm và vô nghĩa nếu không tính đến các nhân tố ngoại cảnh.
Điều này không chỉ là một vấn đề hàn lâm lý thuyết. Ngày càng nhiều các nhà khoa học tập trung vào các dự án genome. Quỹ phần thưởng X đã công bố trao 10 triệu USD cho nhóm đầu tiên có thể giải mã chính xác 100 genome người trong 10 ngày. Liệu những người trúng giải có thể hiểu rằng những khám phá khoa học đằng sau những trình tự này lại là một vấn đề hoàn toàn độc lập?