Suy nghĩ vượt khuôn khổ

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Vậy là ở nơi làm việc người ta yêu cầu bạn suy nghĩ vượt ra ngoài khuôn khổ? Hay bạn thực sự muốn có một ý tưởng sáng tạo để viết cuốn tiểu thuyết mới của mình? Bạn đừng lo! Cũng như bao nhiêu kỹ năng khác, tư duy vượt khuôn khổ có thể phát triển thông qua luyện tập. Để bắt tay vào phát triển kỹ năng tư duy sáng tạo, bạn hãy xem bước 1.

Các bước[sửa]

Tìm ra những Giải pháp Sáng tạo[sửa]

  1. Thay đổi không gian của bạn. Điều quan trọng là bạn phải bước ra khỏi mọi khuôn sáo để nuôi dưỡng sự sáng tạo. Phải làm sao để thay đổi những nếp cũ là một trong những ý tưởng chung của những người tư duy thành công và sáng tạo. Điều này có nghĩa là bạn có thể tạo ra một trình tự riêng biệt, hoặc cũng có thể đơn giản chỉ là tìm cách thay đổi.[1]
    • Tắm vòi sen. Thật lạ lùng là tắm vòi sen lại đem đến lợi ích trong việc này, vì người ta hay nảy ra những ý tưởng tuyệt vời khi đang đứng dười vòi sen (rồi lại quên mất khi đi lấy giấy và bút). Nếu bạn bị bế tắc trong suy nghĩ, hãy nhảy vào dưới vòi sen, cầm theo giấy bút và xem điều gì xảy ra kế tiếp.
    • Đi dạo. Cũng như tắm vòi sen, dường như việc đi dạo cũng nuôi dưỡng sự sáng tạo. Cho dù đó là khúc dạo đầu cho một dự án sáng tạo hay chính là một phần của dự án đó, đi dạo cũng khơi dòng cảm hứng sáng tạo. Steve Jobs từng tổ chức những cuộc họp đi dạo để khuấy động ý tưởng. Tchaikovsky nhiều lần đi dạo quanh làng trước khi cho ra đời tác phẩm cuối cùng của ông.
    • Tạo ra khoảng cách tâm lý giữa lề thói hàng ngày của bạn và thời gian cho sự sáng tạo. Nhà văn Toni Morrison sáng nào cũng ngắm mặt trời mọc trước khi bắt đầu viết lách. Bà cảm thấy việc này giúp bà bước vào thế giới sáng tạo của mình.
  2. Động não. Với hàng ngàn vạn ý tưởng nảy ra, đặc biệt là các ý tưởng lạ lùng và hơi điên rồ, ta có thể chọn được vài ý tưởng thực sự tốt. Việc động não có thể giải phóng lối suy nghĩ của bạn, giúp bạn không bị kẹt trong kiểu mẫu tư duy cũ kỹ.[2]
    • Bước động não không tính đến việc có khả thi hay không. Bạn đừng gò bó mình khi động não. Đây là lúc chào đón mọi ý tưởng, dù chúng có vẻ ngớ ngẩn hay hão huyền đến thế nào. Nếu bắt đầu giới hạn bản thân trong giai đoạn này của trò chơi tư duy, bạn sẽ không thể tiến xa được.
    • Trong giai đoạn này, tránh tự nói với mình những câu thay vì khuyến khích lại dập tắt sự sáng tạo. Hãy tự ngăn mình lại mỗi khi thốt ra: “Nó sẽ không có tác dụng”, “Chúng ta chưa làm kiểu này bao giờ”, “Chúng ta không thể giải quyết vấn đề này”, “Chúng ta không có đủ thời gian”.[3]
    • Lấy ví dụ, bạn bế tắc khi viết một truyện mới. Thay vì cứ quanh quẩn ám ảnh về đoạn tiếp theo, bạn hãy bắt đầu ném ra các ý tưởng cho những việc xảy ra sau đó, hoặc suy nghĩ xem câu chuyện sẽ tiến triển ra sao nếu phá bỏ ranh giới cho những điều bạn có thể viết (thậm chí có thể bạn cần thay đổi cái kết để làm cho câu chuyện hợp lý).
  3. Đặt lại khái niệm cho vấn đề. Nhìn vào vấn đề hoặc dự án theo một cách mới mẻ là một phần trong quá trình tìm ra các giải pháp và ý tưởng sáng tạo. Nhìn sự vật trên góc độ mới cho phép bạn thấy được các giải pháp mới mà bạn có thể không suy xét đến nếu không làm như vậy. May mắn thay, có những hỗ trợ vững vàng mà bạn có thể áp dụng để đặt lại khái niệm.[4][5]
    • Lật ngược vấn đề. Điều này có thể thực hiện theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng; lật ngược một bức tranh thực sự có thể khiến bạn dễ vẽ hơn, vì não của bạn phải tập trung vào cách để tạo ra nó hơn là vào ý tưởng nào cần thể hiện. Điều này cũng hiệu quả đối với những vấn đề về khái niệm khác nữa.
    • Lấy ví dụ, nếu bạn đang viết một cuốn sách và lúng túng chưa biết làm sao để kết nối nhân vật chính với một sự kiện nào đó trong truyện, vậy thì bạn hãy tự hỏi mình, “Nhân vật này có nhất định phải đóng vai chính không? Câu chuyện sẽ như thế nào nếu lấy một nhân vật khác vào vai chính? Hay có thể dùng nhiều hơn một nhân vật làm vai chính?”
    • Tiến hành ngược lại. Đôi khi bạn cần tập trung vào giải pháp trước, và bắt đầu từ giải pháp đó, bạn phát triển bằng cách đi ngược lại. Ví dụ như, bạn đang làm ở bộ phận quảng cáo tại tòa báo, và tờ báo của bạn đang mất dần lợi nhuận vì không kiếm đủ quảng cáo. Bạn hãy bắt đầu từ kết quả cuối cùng tốt nhất (kiếm được nhiều quảng cáo tốt). Bạn tiến hành ngược lại bằng cách liên lạc với những ngành và nhóm doanh nghiệp có thể đem lại những quảng cáo có lợi nhất cho bạn.
  4. Mơ mộng. Mơ mộng giúp bạn liên tưởng, hình thành các kiểu mẫu và nhớ lại kiến thức. Đây là chiếc chìa khóa mở ra cho bạn cách suy nghĩ vượt khuôn khổ, vì nó có thể giúp bạn liên tưởng đến những kết nối mà nếu không mơ mộng thì có lẽ bạn không nghĩ đến. Vậy là, khi bạn mơ mộng, những ý tưởng hay nhất đã không biết từ đâu nảy ra trong đầu bạn.[6]
    • Hãy dành thời gian để mộng tưởng. Tắt máy tính, tivi và điện thoại. Nếu bạn cứ liên tục cắm đầu vào những thứ gây xao lãng, não của bạn sẽ khó mà nghỉ ngơi và liên tưởng.
    • Bạn có thể mơ mộng khi đi dạo hay khi tắm (đây cũng là một lý do tại sao đi dạo và tắm có thể dẫn tới lối suy nghĩ sáng tạo). Hãy mơ mộng vào buổi sáng khi còn nằm trên giường, và buổi tối trước khi vào giấc ngủ.
  5. Đặt ra những phạm vi. Đôi khi bạn có thể gặp khó khăn khi suy nghĩ vượt khuôn khổ, vậy thì đó là lúc bạn hãy đặt ra cho mình những phạm vi căn bản nào đó. Điều này nghe có vẻ như đang ngăn cản sự sáng tạo, nhưng nếu đặt ra những phạm vi đúng, bạn sẽ thấy rằng nó thực sự mở lối cho bạn.[7]
    • Bắt đầu với chủ đề quá rộng có thể gây áp lực nặng nề cho bạn. Ví dụ, thay vì nói, “Mình làm thế nào để tăng doanh thu quảng cáo?”, bạn hãy hỏi những câu như “Mình làm thế nào để khuyến khích các doanh nghiệp trong cộng đồng tăng quảng cáo? Mình cần làm gì để khách hàng thấy rằng đăng quảng cáo trên tờ báo của mình là một lựa chọn đúng?”, hoặc “Mình có thể làm gì để tác động đến những khách hàng tiềm năng khiến họ đăng quảng cáo trên báo của mình?” hay “Mình có thể dùng hình thức ưu đãi nào để khuyến khích các doanh nghiệp đăng quảng cáo?”
    • Bạn vẫn đặt ra các câu hỏi mở, và vẫn suy nghĩ rộng rãi về nhều cách lựa chọn, nhưng bạn hãy neo những ý tưởng của bạn vào một vấn đề hay nhiệm vụ cụ thể. Điều này sẽ giúp bạn nảy ra những ý tưởng cụ thể hơn.
    • Lấy một thí dụ khác: thay vì tự hỏi, “Làm thế nào để cuốn tiểu thuyết dành cho giới trẻ của mình khác biệt so với những cuốn đã lưu hành?”, bạn hãy suy nghĩ về những phần cụ thể của cuốn truyện: “Ai sẽ là nhân vật chính? Người này có giống như mọi nhân vật chính khác không (da trắng, bình thường về tính dục, xinh đẹp nhưng lại không biết mình xinh?”) hay nếu đó là truyện giả tưởng thì, “Hệ thống phép thuật sẽ là gì? Có phải đó là những triết lý huyền ảo, hay phép thuật của phù thủy đang xuất hiện trong giới trẻ?”
    • Hoặc bạn có thể tự nhủ rằng bạn phải viết lại một cảnh trong truyện khi nhân vật của bạn không thể thực hành được phép thuật của họ. Làm thế nào để họ thoát ra khỏi tình huống đó?
  6. Tính đến khả năng xấu nhất. Nỗi sợ hãi ngăn cản sự sáng tạo. Khi hình dung ra tình huống xấu nhất, không những bạn có thể chuẩn bị ứng phó với nó, mà qua đó bạn còn có thể tự thuyết phục bản thân rằng nó cũng không tồi tệ đến mức bạn không nên thử.
    • Một ví dụ cho người làm quảng cáo: Bạn có thể suy nghĩ điều gì sẽ xảy ra nếu gắng sức thực hiện kế hoạch mới để khuyến khích các đối tác quảng cáo dài hạn (chẳng hạn như chọn vị trí tốt hơn, quảng cáo màu để được giảm giá, v.v…). Có lẽ điều tồi tệ nhất là chẳng ai để tâm đến lời mời này, hoặc bạn sẽ mất tiền vì nó. Hãy đặt ra kế hoạch ứng phó với những thất bại có thể xảy ra đó.
    • Ví dụ cho người viết tiểu thuyết: Tình huống xấu nhất có thể xảy ra là không một nhà xuất bản hay đại diện nào muốn phát hành cuốn truyện của bạn vì thực ra họ cần truyện mô phỏng theo cuốn truyện dành cho giới trẻ ăn khách nhất mới ra gần đây.

Duy trì Lâu dài sức Sáng tạo của Bạn[sửa]

  1. Loại bỏ sự tiêu cực. Điều ngăn cản bạn tư duy vượt ra ngoài khuôn khổ chính là sự tiêu cực chứ không gì khác. Nếu bạn cứ liên tục tự bảo rằng bạn không thể sáng tạo trong suy nghĩ hoặc phủ nhận mọi ý tưởng có vẻ “ngoài lề”, thì điều này sẽ hạn chế tối đa những điều mà bạn tìm được.[8]
    • Suy nghĩ xem đó là gì khi bạn tự nói với mình những ý tưởng của bạn. Khi bạn tìm ra môt ý tưởng lạ lùng cho cuốn sách của mình, bạn có ngay lập tức nghĩ rằng, “Mình không bao giờ có thể viết như vậy”? Đây chính xác là điều ngăn cản bạn không bao giờ viết cuốn truyện đó.
    • Mỗi khi bạn cảm thấy sắp phản ứng tiêu cực với những ý tưởng của mình, bạn hãy thay thế những suy nghĩ tiêu cực bằng những suy nghĩ tích cực hoặc dung hòa. Ví dụ như, nếu bạn cảm thấy mình đang nghĩ, “Mình sẽ không bao giờ có thể dụ được khách hàng đăng quảng cáo bằng những ưu đãi đó”, bạn hãy dừng lại và nói, “Mình sẽ thử xem những cách ưu đãi đó có hiệu quả hơn không.”
  2. Giữ cho óc sáng tạo của bạn luôn nhạy bén. Cũng như mọi kỹ năng khác, muốn phát triển tính sáng tạo, bạn cần phải thực hành. Ngay cả khi không có vấn đề gì đặc biệt cần đến giải pháp sáng tạo, bạn hãy cứ phát triển tính sáng tạo của mình. Nó sẽ giúp ích cho bạn khi bất ngờ phải đối mặt với tình huống phải suy nghĩ phá cách.[9]
    • Sắp xếp một từ theo thứ tự bảng chữ cái. Hãy lấy ra một từ trong tạp chí hoặc bảng thông báo và sắp xếp lại các chữ cái của nó theo thứ tự trong bảng chữ cái. Ví dụ, như từ NUMBER có thể sắp lại thành B-E-M-N-R-U. Bài tập này thúc đẩy trí não của bạn hoạt động là vì nó buộc bạn phải sử dụng mọi thông tin mà bạn nhận được (tất cả mọi chữ cái) và làm điều gì đó lạ thường với chúng. Điều này tập cho trí não của bạn tìm ra những kết nối và các giải pháp bất ngờ, đồng thời nhìn vấn đề một cách khác đi.
    • Chơi trò tìm ra công dụng khác cho những đồ vật trong nhà bạn. Việc này sẽ dạy bạn nhìn vào các sự vật và tình huống dưới con mắt khác lạ. Ví dụ như dùng chiếc ủng cũ để làm chậu trồng cây, hay làm một cái bàn từ những quyển sách.
  3. Thay đổi thông lệ thường nhật của bạn. Sức sáng tạo sẽ phát triển mạnh mẽ khi bạn không bị trói buộc trong những nếp cũ. Ngay cả những thay đổi nhỏ nhất cũng có thể giúp bạn thoát ra khỏi lối mòn và khuyến khích tư duy sáng tạo của bạn.[10]
    • Bước ra khỏi vùng an toàn của bạn. Làm những việc mới, nhất là những việc mà bạn không dự định trước, có thể giúp bạn dễ dàng đương đầu với những hoàn cảnh mới. Nó cũng mở mang trí óc và giúp bạn làm quen với những ý tưởng và những tình huống mới, nhờ đó bạn có thể nảy ra những ý nghĩ mới lạ.
    • Hãy hành động ngẫu hứng. Thỉnh thoảng hãy làm những việc mà bạn không dự định trước. Điều này buộc bạn phải thích nghi nhanh chóng và giải quyết vấn đề ngay lập tức. Bạn cũng có thể áp dụng điều này cho dự án đang triển khai của bạn.
    • Thay đổi những việc nho nhỏ. Ví dụ như, mỗi ngày bạn thay đổi đường đi từ nơi làm về nhà. Thay đổi các quán cà phê mỗi sáng bạn vẫn ghé.
  4. Nghiên cứu một ngành khác. Điều này sẽ giúp bạn thấy được những người bên ngoài lĩnh vực của bạn hoạt động ra sao, đồng thời nó cung cấp những ý tưởng mà bạn có thể dùng để kết hợp trong lĩnh vực của bạn. Các ngành nghề đó có thể hoàn toàn khác hoặc chồng chéo với ngành của bạn, nhưng như vậy cũng đủ để cho bạn một cái nhìn mới về lĩnh vực của mình.
    • Ví dụ, người trong ngành quảng cáo có thể đọc những đề tài về tâm lý hoặc quan sát hoạt động của những doanh nghiệp đang yêu cầu quảng cáo.
    • Người viết tiểu thuyết có thể đọc các tác phẩm ngoài thể loại mà họ chọn (dành cho giới trẻ), như những truyện thực, truyện thần bí và truyện cổ điển để lấy cảm hứng.
  5. Học những điều mới. Bạn càng mở rộng tầm nhìn của mình thì trí não của bạn càng có nhiều khả năng liên tưởng. Não của bạn càng tiếp nhận nhiều thông tin thì nó càng có nhiều cơ hội nảy ra những ý tưởng mới lạ.
    • Học các môn ngoài lĩnh vực của bạn. Đó có thể là bất cứ lớp học nào, từ nấu ăn (miễn là bạn không phải đầu bếp!), cho đến leo núi. Nhà văn viết tiểu thuyết có thể dùng kiến thức học được trong lớp nấu ăn để nghĩ ra một hệ thống phép thuật (những người có cảm nhận về những điều họ đang làm và không sử dụng các hướng dẫn, ngược với những người cẩn thận làm theo các hướng dẫn cụ thể).
    • Học một ngôn ngữ mới. Việc này không chỉ giúp trí óc của bạn nhạy bén và hình thành những kết nối mới, nó còn có thể mở ra cho bạn những lối suy nghĩ mới. Người làm quảng cáo có thể dùng ngôn ngữ học được mở ra phần quảng cáo song ngữ để đến được với nhiều nhóm người hơn trước.

Kết nối với những Người khác Một cách Sáng tạo[sửa]

  1. Hãy ở bên cạnh những người sáng tạo. Con người là loài động vật mang tính xã hội. Bạn sẽ được truyền cảm hứng nếu những người quanh bạn có cảm hứng. Sức sáng tạo sẽ được duy trì ở mức cao khi bạn cùng làm việc hoặc làm bạn với những người truyền cảm hứng sáng tạo cho bạn và công việc của bạn.
    • Bạn sẽ thấy điều này đặc biệt hữu ích nếu làm bạn với những người không cùng ngành nghề với mình. Những người này có thể cho bạn cách nhìn mới về công việc mà bạn không thể học được từ một người có cùng ý tưởng như mình.
    • Đó là lý do khác giải thích tại sao làm những việc ngoài vùng an toàn lại là điều quan trọng. Đó là nơi bạn sẽ gặp được những con người thách thức và khơi niềm cảm hứng sáng tạo trong bạn, những người có lối suy nghĩ khác bạn.
  2. Lưu ý đến những ý tưởng của người khác. Các ý tưởng không tồn tại một cách đơn độc. Ngay cả những người có óc sáng tạo như Salvador Dali (là một ví dụ) cũng khởi đầu ý tưởng cho tranh của ông từ những nguồn sẵn có từ trước mà ông đã tiếp nhận được. Việc lưu tâm đến những ý tưởng của người khác sẽ trau dồi cho những ý tưởng của chính bạn.
    • Bạn sẽ thấy những người khác suy nghĩ vượt ra ngoài khuôn khổ như thế nào. Học những luồng tư tưởng và lối suy nghĩ của những người khác sẽ giúp bạn tránh được tình trạng trì trệ trong suy nghĩ của mình. Bạn có thể tự hỏi, “Người bạn họa sĩ sáng tạo của mình có thể nhìn nhận vấn đề về quảng cáo này như thế nào?”
    • Bạn cũng có thể tìm hiểu ý tưởng của các nhà cải cách nổi tiếng. Bạn hãy xét xem những ý tưởng nào có hiệu quả và những ý tưởng nào không hiệu quả. Nhìn vào những cách làm của họ để khuyến khich lối suy nghĩ sáng tạo (như những ví dụ về Steve Jobs, Tchaikovsky và Toni Morrison ở phần đầu của bài viết này) và cố gắng thực hiện.
  3. Học cách lắng nghe. Có một cách để khuyến khích tư duy sáng tạo là im lặng và lắng nghe những gì người khác nói. Đây là một ý hay, một phần là vì nó giúp bạn thực sự nghe được người khác đã nói gì, và như vậy bạn sẽ không nói ra những điều đã được trình bày trước đó. Việc này cũng giúp bạn sắp xếp các ý tưởng của bạn trước khi nói.
    • Ví dụ, người làm quảng cáo cố thuyết phục một doanh nghiệp đăng quảng cáo, mà doanh nghiệp đó lại rất ghét tờ báo của mình. Nếu anh ta không thực sự lắng nghe về những lo ngại của doanh nghiệp đó (ví dụ như họ cảm thấy quảng cáo của họ không được ưu tiên, và họ không thích một số nội dung trong tờ báo), anh ta sẽ không thuyết phục được họ. Doanh nghiệp này sau đó sẽ trở thành một phần trong kế hoạch lôi kéo những người đăng quảng cáo không hài lòng quay trở lại.
  4. Hãy nhớ rằng, bạn sẽ trình bày những ý tưởng có thể không “bình thường”. Điều này chỉ nhắc nhở rằng bạn đang làm việc với những người khác, nhất là trong quan hệ công việc. Đôi khi những ý tưởng phá cách thực ra không phải là cách làm đúng.
    • Bạn cũng nên nhớ rằng những ý tưởng của bạn không phải lúc nào cũng có hiệu quả. Không sao! Đó là một phần của quá trình học hỏi, và đó là lý do mà bạn phải suy tính đến kịch bản xấu nhất khi nghĩ ra một ý tưởng mới.

Lời khuyên[sửa]

  • Hãy sẵn sàng khám phá những thứ ngoài vùng an toàn của bạn. Nó đem lại sự tươi mới, từ đó bạn có thể tìm được những điều thú vị và gặp gỡ những người mới.
  • Đọc thứ gì đó không thuộc thể loại quen thuộc của bạn. Ví dụ như, nếu bạn nghĩ mình “ghét” truyện vụ án, tại sao bạn không thử đọc một truyện? Có thể bạn sẽ ngạc nhiên thấy nó cũng hay; ngay cả khi không thấy hay, bạn cũng đã thử thách quá trình tư duy của bạn.

Cảnh báo[sửa]

  • Học cách thay đổi phong cách tư duy của bạn không phải là một quá trình dễ dàng hay nhanh chóng. Bạn hãy kiên nhẫn. Hãy tận hưởng hành trình đi tới đó.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây