Tái dụ Vương Thông thư

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Tái dụ Vương Thông thư  (năm 1427) 
của Nguyễn Trãi, người dịch: Trúc Khê
Tái dụ Vương Thông thư là một trong những bức thư do Nguyễn Trãi soạn thảo để gửi Vương Thông trong sự nghiệp phò giúp Lê Lợi đánh quân Minh. Đây là bức thư số 35 trong Quân trung từ mệnh tập, được Nguyễn Trãi viết vào khoảng tháng 2 năm Đinh Mùi (1427).


Thư kính đưa quan Tổng binh và các vị đại nhân.

Người giỏi dùng binh là ở chỗ hiểu biết thời thế. Được thời và có thế thì biến mất thành còn, hóa nhỏ thành lớn ; mất thời và không thế, thì mạnh hóa ra yếu, yên lại nên nguy, sự thay đổi ấy chỉ ở trong khoảng bàn tay. Nay các ông không hiểu rõ thời thế, lại che đậy bằng lời dối trá, thế chẳng phải là hạng thất phu đớn hèn ư ? Sao đủ để cùng nói việc binh được ?

Trước đây các ông trong lòng gian dối, ngoài mặt mượn cớ giảng hòa, đắp lũy đào hào, chờ quân cứu viện, lòng dạ và hành đồng bất đồng, trong ngoài bất nhất, sao đủ khiến ta tin mà không ngờ được. Cổ nhân có câu nói rằng : "Bụng dạ kẻ khác ta lường đoán được", nghĩa là thế đó. Ngày xưa nhà Tần thôn tính sáu nước, chuyên chế bốn bể, không chăm lo đức chính, thân mất nước tan. Nay Ngô[1]mạnh không bằng Tần, mà hà khắc lại quá, không đầy một năm tất sẽ theo nhau mà chết, ấy là mệnh trời, không phải sức người vậy. Hiện nay phía bắc có kẻ địch Thiên Nguyên[2], phía nam có mối lo nội loạn ở các xứ Tầm Châu[3], một khu Giang Tả[4]không tự giữ được, huống còn mưu toan đi cướp nước khác ư ? Các ông không hiểu sự thế, bị người ta đánh bại, lại còn chực dựa uy Trương Phụ[5], thế có phải là đại trượng phu chăng, hay chỉ là đàn bà thôi ?

Tình thế ngày nay, dù có vị ngôi cao[6]đem quân đến nữa, cũng chỉ càng mau chết mà thôi, huống chi Trương Phụ chỉ là đến nộp mạng, thì có gì đáng nói ? [...].

Nay các ông kế cùng lực kiệt, lính tráng mỏi mệt, trong không lương thảo, ngoài không viện binh, bám hờ khu nhỏ mọn, nghỉ tạm thành chơ vơ, há chẳng phải như thịt trên thớt, cá trong nồi sao ? Thế mà lại còn lừa dối dân ta, dụ điều phi nghĩa. Kìa những kẻ trung thần nghĩa sĩ, dù thời cùng vận khốn, cũng nếm mật nằm gai, không chịu đem lòng kia khác ; lẽ nào ngày nay, lại chịu tin theo những lời bất nghĩa của các ông. Chỉ e người Nam trong thành nhớ mến chúa cũ[7], người Ngô ở đây khốn khổ không kham thì những người chống các ông sẽ kéo nhau ra hàng ; như Trương Phi, Lã Bố[8], các ông lại bị chính thuộc hạ giết hại, đó là lẽ tất nhiên.

Nay ở các thành, từ đô ti trở xuống, đều căm giận các ông lừa dối, khuyên ta làm cỏ cả thành. Hoặc có kẻ vượt lũy trốn ra, tố cáo cả việc sắp đặt chiến cụ, sửa đóng xe thang. Những người bị khốn sẽ giết lẫn nhau, hà tất phải đợi quân sĩ của ta nữa. Nay ta suy tính hộ các ông thì cái cớ bại vong có sáu !

Nước lụt mênh mông, tường rào đổ lở, lương cỏ thiếu thốn, ngựa chết quân ốm ; bại vong đó là một !

Xưa Đường Thái Tông bắt Kiến Đức mà Thế Sung phải ra hàng ; nay bao nhiêu cửa quan hiểm trở đều có binh tướng đồn đóng, viện binh nếu đến, tất nhiên bị bại, viện binh đã bại, các ông còn trốn đằng trời ; bại vọng đó là hai !

Nước ông binh khỏe ngựa béo, nay còn để cả miền bắc phòng thủ quân Nguyên, không rỗi đâu nhìn sang nước Nam được ; bại vong đó là ba !

Can qua liên miên, chinh phạt không nghỉ, người chẳng sống yên, nhao nhao thất vọng ; bại vong đó là bốn !

Gian thần chuyên chính, chúa yếu trị vì, xương thịt hại nhau, "gia đình sinh biến" ; bại vong đó là năm !

Nay ta dấy nghĩa quân, trên dưới đồng lòng, anh hùng tận lực, quân lính càng luyện, khí giới càng tinh, vừa cày ruộng vừa đánh giặc, trong thành quân sĩ mỏi mệt, tự chuốc diệt vong ; bại vong đó là sáu !

Ngồi giữ một mảnh thành con, để chờ sáu cái cớ bại vong ấy, thật tiếc thay cho các ông ! Cổ nhân có câu : "Nước xa không cứu được lửa gần". Dù có viện binh đến đây, cũng không ích gì cho sự bại vong cả. Trước đây Phương Chính, Mã Kì[9]đem đến cửa quân dâng nộp. Như vậy trong thành sẽ khỏi nạn cá thịt[10], trong nước sẽ khỏi vạ đau thương, hòa hiếu lại thông, can qua xếp bỏ. Nếu muốn rút quân về nước, ta sẽ sửa sang cầu cống, mua sắm tàu thuyền, thủy lục hai đường, tùy theo ý muốn ; quân ra khỏi cõi, muôn phần bảo đảm được yên ổn, không lo ngại gì ; nước ta lại phụng cống xưng thần, theo như lệ trước.

Nếu không nghe theo lời ta như vậy, thì nên sắm quân dàn trận, ra giao chiến ở giữa đồng bằng để quyết một trân thư hùng, đặng xem cái tài hơn kém, không nên ngồi rũ một xó hang cùng, bắt chước cái lối đàn bà mà mang cái nhục khăn yếm như thế!

   




Chú thích cuối trang[sửa]

  1. Chu Nguyên Chương, vua Thái Tổ nhà Minh, tự xưng là Ngô Vương
  2. hậu chúa của nhà Nguyên lúc đó còn giữ một phần đất phía bắc Trung Quốc
  3. thuộc tỉnh Quảng Tây
  4. miền Giang Tô
  5. một tướng của nhà Minh mượn cớ nhà Hồ cướp ngôi nhà Trần nên đem quân xâm lược nước ta vào năm 1406
  6. chỉ vua Minh
  7. chỉ nhà nhà Trần
  8. hai nhân vật trong Tam quốc diễn nghĩa, do hà khắc với những kẻ dưới quyền nên bị thuộc hạ giết chết
  9. đô đốc quân và viên hoạn quan nhà Minh, đều chỉ huy quân Minh trấn áp cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi.
  10. ý nói bị giết hại như cá trên thớt


Bản dịch này có thể có thông tin cấp phép khác với văn kiện gốc. Tình trạng bản dịch áp dụng cho phiên bản này.
Bản gốc:
Bản dịch:
PD-icon.svg Tác phẩm này thuộc phạm vi công cộng vì thời hạn bảo hộ bản quyền của nó đã hết ở Việt Nam. Nếu là tác phẩm khuyết danh, nó đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1960. Đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1974. (Theo Điều 27, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam sửa đổi, bổ sung 2009 bắt đầu có hiệu lực từ năm 2010 và điều khoản kéo dài bản quyền đối với tác phẩm khuyết danh từ 50 thành 75 năm nhưng không hồi tố)

Ngoài ra, một tác phẩm của Việt Nam thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam theo quy định này cũng thuộc phạm vi công cộng tại Hoa Kỳ chỉ nếu nó thuộc phạm vi công cộng tại Việt Nam vào ngày 23 tháng 12 năm 1998, tức là: tác phẩm khuyết danh đã được công bố lần đầu tiên trước năm 1948; đối với các loại tác phẩm khác, tác giả (hoặc đồng tác giả cuối cùng) của nó đã mất trước năm 1948 tác phẩm chưa bao giờ được xuất bản tại Hoa Kỳ trước ngày 23 tháng 12 năm 1998. (Theo Tuyên cáo 7161 của Tổng thống Bill Clinton áp dụng Đạo luật Thỏa thuận Vòng đàm phán Uruguay (URAA) đối với các tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên tại Việt Nam)