Tìm một chú mèo làm thú cưng

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Nhiều người yêu thích chia sẻ cuộc sống với loài vật, và mèo là một trong những thú cưng được ưa chuộng nhất. Tìm nuôi thú cưng mới là một trải nghiệm đầy hứng thú, nhưng bạn cần nhớ rằng mèo là loài vật có nhiều nhu cầu. Để tìm một chú mèo làm thú cưng, quan trọng là bạn cần cân nhắc về trách nhiệm của chủ nuôi và chọn đúng chú mèo hợp với bạn và lối sống của bạn để cả hai có thể tận hưởng cuộc sống cùng nhau!

Các bước[sửa]

Cân nhắc những nhu cầu của mèo[sửa]

  1. Tự hỏi tại sao bạn muốn nuôi mèo. Điều quan trọng là bạn cần hiểu động lực nào khiến bạn muốn nuôi mèo để lựa chọn được chú mèo thích hợp nhất. Một số lý do thường thấy là:
    • Tìm một tình yêu trung thành và vô điều kiện
    • Lấp đầy khoảng trống vì vừa mất đi một người bạn hoặc một chú thú cưng khác.
    • Tìm bạn cho trẻ nhỏ và dạy chúng về trách nhiệm
    • Làm bầu bạn cho người nào đó
  2. Suy nghĩ xem liệu bạn có sẵn sàng cho sự ràng buộc dài hạn không. Khi nuôi thú cưng là bạn cũng nhận một trách nhiệm lớn, và quyết định nuôi một chú mèo cũng có nghĩa là bạn phải gắn với trách nhiệm đó trong khoảng 15 đến 18 năm. Bạn cần hiểu rằng mình sẽ có chú mèo làm bầu bạn trong mười mấy năm tới, nhưng cũng phải giữ bổn phận trong từng ấy năm. Hãy chắc chắn rằng mình sẵn sàng chăm sóc chú mèo của bạn suốt đời trước khi ra những quyết định tiếp theo.
  3. Suy nghĩ xem bạn có đủ tiền nuôi một chú mèo không. Nếu là ở Mỹ, ngoài tiền mua mèo lúc ban đầu - một số tiền có thể rất cao nếu muốn mua mèo từ người gây giống - bạn còn phải cân nhắc đến những chi phí khác nữa. Đừng quên là bạn sẽ cần mua thức ăn, đến bác sĩ thú y, làm thẻ nhận dạng, gắn chíp và các chi phí đột xuất khác nữa. Các món tiền đó có thể dồn lại thành chi phí khá lớn. Hiệp hội Phòng chống Ngược đãi Động vật (ASPCA) ước tính số tiền chủ mèo bỏ ra trong năm đầu tiên vào khoảng 1.035 USD.[1]
  4. Cân nhắc những vấn đề phát sinh khi nuôi mèo. Bạn rất muốn nuôi một chú mèo, và có thể bạn đủ khả năng nuôi, nhưng có một số yêu cầu khác mà bạn cần cân nhắc trước khi xác định việc nuôi mèo có phù hợp với hoàn cảnh hiện tại của bạn không:[2]
    • Bạn có nuôi các loại thú cưng không, và liệu chúng có phản ứng tốt với chú mèo mới về không?
    • Khu dân cư bạn ở có được phép nuôi mèo không?
    • Nghề nghiệp và đời sống xã hội của bạn có cho phép bạn dành đủ thời gian chăm sóc và chơi với mèo không?
    • Bạn sẽ xử lý thế nào với chú mèo khi đi nghỉ?
    • Bạn hoặc người trong nhà bạn có bị dị ứng với mèo, lông mèo, bụi đất và vảy từ da mèo không?
    • Nhà bạn có trẻ nhỏ cần một chú mèo có tố chất đặc biệt nào không?

Xác định nơi có thể tìm được chú mèo hoàn hảo[sửa]

  1. Đến nơi cứu trợ động vật. Tuy rằng mèo ở những nơi này hầu hết là mèo lai, nhưng bạn vẫn có thể tìm được mèo thuần chủng. Mèo ở nơi cứu trợ động vật cũng đã được bác sĩ thú y kiểm tra và thường đã được thiến hoặc triệt sản trước khi cho người nhận nuôi. Đây là một trong những lựa chọn ít tốn kém nhất, và việc nhận nuôi một chú mèo cũng có nghĩa là bạn cho nó một cuộc sống thứ hai, một việc làm nhân ái.[3]
  2. Liên hệ với nhóm giải cứu động vật. Có nhiều tổ chức chuyên giải cứu mèo và tìm người nhận nuôi chúng. Một số tổ chức tiếp nhận mọi giống mèo, số khác lại chỉ chuyên cứu trợ một số giống mèo đặc biệt. Bạn có thể tìm kiếm trên mạng hoặc liên hệ với hội cứu trợ động vật ở địa phương để tìm gợi ý, vì họ thường cùng làm việc với nhau. Nhiều nhóm cứu trợ không lấy phí nhận nuôi mà đề nghị “phí quyên góp” với số tiền không nhiều.[3]
  3. Tránh các tiệm bán thú cưng. Bạn cần hết sức thận trọng với các tiệm bán thú cưng. Nhiều mèo con ở đây là từ các trại gây giống vật nuôi, nơi người ta chỉ chú trọng gây giống càng nhiều càng tốt mà không quan tâm đến chất lượng. Mèo ở đó thường sinh ra với dị tật bẩm sinh và lớn lên trong điều kiện nuôi nhốt chật chội, do đó có thể dẫn đến các vấn đề về hành vi. Hơn nữa giá cả ở đó cũng đắt hơn nhiều so với phí nhận nuôi ở hội cứu trợ động vật, thường đến vài trăm đô la.[3]
  4. Tìm những người gây giống. Nếu định mua một giống mèo đặc biệt nào đó, bạn hãy nghiên cứu kỹ lưỡng để tìm người gây giống có uy tín. Mèo thuần chủng cũng đắt hơn nhiều (hàng trăm, thậm chí hàng ngàn đô la), do đó bạn nên tìm hiểu mức giá trung bình để đảm bảo mua được đúng giá.[3]
  5. Nhận nuôi mèo đi lang thang. Điều quan trọng đầu tiên là phải xác minh mèo lang thang; bạn hãy chú ý các tờ rơi thông báo tìm mèo thất lạc trong khu phố, liên hệ với các trung tâm cứu trợ động vật và đưa mèo đến bác sĩ thú y kiểm tra xem có gắn chíp không. Nếu đó thực sự là mèo sống lang thang, việc đưa mèo đến bác sĩ thú y để kiểm tra và thiến/ triệt sản là điều cần thiết.[3]

Chọn con mèo tốt nhất[sửa]

  1. Nghiên cứu đặc tính của các giống mèo khác nhau. Các giống mèo khác nhau có các đặc điểm riêng biệt và bạn nên tìm hiểu để quyết định giống mèo thích hợp nhất với cuộc sống của mình. Mặc dù mỗi giống mèo chỉ có dưới 10% số mèo được coi là “thuần chủng”, nhưng sự hiểu biết chung về các giống mèo cũng có ích ngay cả khi bạn chỉ muốn nuôi một chú mèo thông thường:[4]
    • Giống tự nhiên: Mèo thuộc nhóm này có bộ lông dài và dày phát triển khi ở khí hậu lạnh; cơ thể phục phịch, vuông vức và là nhóm mèo lười vận động nhất trong ba nhóm mèo thuần chủng. Các giống phổ biến thuộc nhóm này là mèo lông ngắn Anh và Mỹ, mèo Ba Tư và mèo Maine Coon (mèo lông dài Mỹ).
    • Giống ngoại lai hoặc Hybrids: Được coi là nhóm ở giữa, các con mèo này có mắt hơi trái xoan, đầu có dạng chữ V trung bình, cơ thể gầy hơn và cơ bắp hơn các giống khác. Chúng có mức năng lượng trung bình, ngoại trừ giống Abyssinian có mức năng lượng cao. Các giống phổ biến khác thuộc nhóm này là mèo Nga mắt xanh và mèo Ocicat.
    • Giống Phương Đông: Nhóm mèo này có nguồn gốc từ khí hậu ấm hơn, do đó thân hình chúng rất ít mỡ, bộ lông mỏng hơn, chân, đuôi, tai và cơ thể rất dài. Nhóm mèo này hiếu động và ồn ào nhất trong ba nhóm mèo thuần chủng. Các giống mèo phổ biến thuộc nhóm này là mèo Xiêm, mèo Miến Điện và mèo Cornish Rex.
  2. Cân nhắc tuổi của mèo sao cho phù hợp nhất với bạn. Bạn nên cân nhắc lượng thời gian mà bạn có thể dành để huấn luyện và chơi với mèo, đồng thời cũng nên tính đến hành vi của nó. Nếu bạn làm việc toàn thời gian hoặc có con nhỏ, có lẽ tốt nhất là nên nuôi một chú mèo trưởng thành, vì mèo con và mèo nhỡ thường phải huấn luyện và trông chừng nhiều hơn.[5] Nếu đây là lần đầu tiên nuôi mèo, bạn nên cố gắng tránh những chú mèo quá đòi hỏi (sự quan tâm, không gian, v.v…) vì đó có thể là thách thức lớn đối với người mới bắt đầu nuôi mèo.
  3. Tìm một chú mèo có tính cách phù hợp với bạn. Mặc dù đã nghiên cứu để quyết định giống mèo nào thích hợp nhất với cuộc sống của mình, bạn cũng phải hiểu rằng đó chỉ là “khả năng tốt nhất”. Bạn cần đến vài lần và tương tác với chú mèo mà bạn định chọn trước khi quyết định. Ngoài ra, nơi cứu trợ động vật cũng sẽ có lời khuyên hữu ích để giúp bạn tìm được một chú mèo có cá tính phù hợp với bạn.[3]
  4. Trao đổi với người gây giống hoặc nơi cứu trợ động vật về việc cho mèo làm quen với nhà mới. Một điều rất quan trọng nữa là chú mèo bạn chọn phải cảm thấy thoải mái khi tương tác với những người khác và các thú cưng khác trong nhà. Khi đến xem mèo, bạn nhớ đưa con, vợ, chồng của bạn hoặc người sẽ thường xuyên tiếp xúc với mèo. Nếu đang nuôi thú cưng, bạn hãy nói chuyện với người tư vấn ở đó về cách cho mèo làm quen với các thú cưng khác để lường trước các vấn đề có thể xảy ra.[6]
  5. Kiểm tra các dấu hiệu rõ rệt cho thấy bệnh tật của mèo. Người tạo giống sẽ hiểu rõ hơn về tiền sử và các xu hướng của mèo, nhưng nhóm cứu trợ động vật sẽ chỉ có thể đoán về các bệnh trước đây của mèo và cho biết chi tiết về tình trạng hiện tại của nó. Mặc dù nơi cứu trợ động vật sẽ không trao mèo bệnh cho người nhận nuôi, nhưng việc tìm hiểu về các dấu hiệu bệnh ở mèo là cấn thiết để bạn có thể hỏi và quan sát:[7]
    • Thay đổi trong việc uống nước (uống nhiều hơn hoặc ít hơn) có thể cho thấy mèo bị tiểu đường hoặc bệnh thận.
    • Lên cân hoặc sụt cân đột ngột dù vẫn ăn bình thường có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường hoặc cường giáp.
    • Hơi thở hôi có thể là do sâu răng, bệnh về răng hoặc rối loạn tiêu hóa, trong khi hơi thở có mùi ngọt hoặc mùi hoa quả là biểu hiện của bệnh tiểu đường.
    • Để ý thói quen “chải chuốt” của mèo. Nếu một chú mèo trước kia thường hay liếm lông cẩn thận bỗng nhiên bắt đầu để lông bù xù, thì đây là dấu hiệu cho thấy mèo có căn bệnh tiềm tàng nào đó. Ngược lại, nếu mèo liên tục liếm lông có thể là do nó đang căng thẳng, lo lắng, đau hoặc dị ứng.
  6. Chuẩn bị cho mèo về nhà. Trước khi đưa mèo về, bạn hãy chọn một phòng khám thú y gần nhà và hẹn đưa mèo đến khám một lần trong vài ngày đầu tiên khi mèo về nhà. Nhớ hỏi nơi cứu trợ động vật và người gây giống về hồ sơ sức khỏe của mèo! Sắp xếp nhà cửa và mua mọi thứ cần thiết cho mèo. Bạn có thể xem bản liệt kê ở mục “Những thứ bạn cần” bên dưới.

Đem mèo về nhà[sửa]

  1. Sắp đặt nơi ở cho mèo. Vì loài mèo có tính chiếm hữu lãnh thổ, chú mèo của bạn có thể sẽ rất căng thẳng khi bước vào ngôi nhà đầy mùi lạ và nhiều không gian tối. Để giúp mèo thích nghi dễ dàng hơn, bạn cần tạo lãnh thổ cho chú mèo của bạn:[6]
    • Chọn một không gian nhỏ làm nhà cho mèo trong vài ngày hay vài tuần đầu, tốt nhất là có đủ chỗ để nước, thức ăn và khay đi vệ sinh của mèo. Bạn cũng cần một chỗ để ngồi và tương tác (lúc đầu nên chậm rãi) với mèo cưng mới của bạn.
    • Đổ cát vệ sinh vào khay đầy khoảng 6 cm và đặt vào một nơi hẹp để tạo không gian riêng cho mèo đi vệ sinh mà không bị làm phiền (ví dụ như lấy vải che lại như màn cửa).
    • Đặt bát nước và thức ăn ở xa hộp vệ sinh của mèo.
    • Cho mèo thứ gì đó để cào như trụ hoặc thảm mài móng bán ở cửa hàng thú cưng và đặt vào mỗi phòng. Nếu cần, bạn có thể khuyến khích mèo cào vào đó (thay vì cào đi văng!) bằng cách cho một ít bạc hà mèo lên bề mặt thảm mài móng.
  2. Cho mèo làm quen với nhà mới trong môi trường được kiểm soát. Đóng các cửa ra vào, cho phép mèo ngửi và nghe ngóng xung quanh; cho mèo vào lồng xách tay trong lúc khám phá nhà nếu trong nhà bạn còn nuôi các thú cưng khác hoặc trẻ nhỏ. Cho mèo thấy nơi mà bạn dành riêng cho nó, nơi đặt hộp vệ sinh, thức ăn, giường ngủ.
  3. Dần dần cho mèo làm quen với các thú cưng khác trong nhà. Mèo là loài vật có tính chiếm hữu lãnh thổ, do đó việc làm quen phải được thực hiện từ từ. Tách riêng mèo ở một phòng, và ban đầu cho chúng ngửi mùi của nhau bằng cách lấy khăn chà xát vào từng con và bọc chúng lại. Cho thú cưng ăn đối diện nhau qua cánh cửa đóng, và dần dần mở cửa vào các thời gian khác nhau trong ngày. Nhớ rằng có thể phải mất vài tuần hoặc vài tháng để chúng cảm thấy thoải mái với nhau![8]
  4. Lường trước mức độ căng thẳng trong vài ngày đầu tiên. Bạn đừng ngạc nhiên khi thấy mèo luôn lẩn trốn và không ăn nhiều trong vài ngày đầu, thậm chí đến vài tuần sau. Nếu trong nhà còn nuôi các thú cưng khác, bạn nên dự tính trước là sẽ mất cả tháng hoặc lâu hơn để chúng làm quen với một chú thú cưng mới. Đừng ép mèo đến gần bạn; trong thời gian đầu, một số mèo sẽ trốn và không xuất hiện khi bạn vẫn còn ở đó.[6] Hãy cho mèo thời gian làm quen!
  5. Cung cấp thức ăn cho mèo. Cho dù mèo có trốn tránh bạn, bạn vẫn cần cho mèo ăn mỗi ngày hai lần và luôn để sẵn nước sạch cho nó. Việc cung cấp đủ nước cho mèo là điều cực kỳ quan trọng nếu chú mèo của bạn quá nhút nhát và không chịu ăn trong thời kỳ tập thích nghi.[2]
  6. Đem mèo đến bác sĩ thú y để kiểm tra trong tuần đầu tiên. Đem chú mèo của bạn đến bác sĩ thú y để tiêm phòng và tẩy giun nếu cần thiết. Nhớ đem theo hồ sơ sức khỏe của mèo do nơi cứu trợ động vật và người tạo giống mèo cung cấp. Bạn cũng nên cấy chíp nhận dạng cho mèo phòng khi phải phẫu thuật hoặc mèo đi lạc.
  7. Nhận ra dấu hiệu cho thấy chú mèo của bạn đang thích nghi. Để ý khi mèo bắt đầu khám phá bên ngoài vùng an toàn mà bạn tạo ra cho nó, dần dần mở thêm cửa và các không gian khác cho mèo khám phá. Nhớ đừng làm mèo sợ hay giật mình trong thời gian này! Nếu chú mèo của bạn sẵn sàng chơi đùa, bạn có thể mua vui cho mèo bằng đồ chơi và cùng chơi với nó.[6] Mèo luôn thích chơi đùa!
  8. Tận hưởng cảm giác có một chú mèo cưng! Sau khi bỏ công sức tìm hiểu loại mèo muốn nuôi, tìm được mèo và mua nó về, chuẩn bị nhà cho mèo và kiên nhẫn chờ đợi mèo thích nghi, giờ thì bạn có thể bầu bạn và tận hưởng tình yêu của chú mèo mới! Tình cảm chia sẻ giữa hai bên sẽ là một mối gắn kết bền vững và lâu dài.

Lời khuyên[sửa]

  • Bạn có thể thử làm bài trắc nghiệm sau để xác định đúng loại thú cưng muốn nuôi: http://www.aspca.org/adopt/adoption-tips/right-pet-you
  • Việc nuôi mèo có thể khá tốn kém, đặc biệt khi chúng bị bệnh, đo đó bạn hãy cân nhắc mua bảo hiểm thú cưng. Tổ chức nhân đạo có các nguồn bổ sung để thanh toán các chi phí y tế nếu bạn gặp rắc rối: http://www.humanesociety.org/animals/resources/tips/trouble_affording_veterinary_care.html
  • Mèo cần được chăm sóc ít nhất mỗi ngày một tiếng đồng hồ, bao gồm việc huấn luyện, chải lông, chơi đùa hoặc âu yếm.[2]
  • Mèo lông dài mỗi ngày cần ít nhất 20 phút chải lông để đề phòng lông dính bết vào nhau[2]

Cảnh báo[sửa]

  • Nếu muốn mua mèo làm quà tặng, bạn cần đảm bảo người nhận cùng tham gia quá trình nhận nuôi. Việc dành một bất ngờ cho ai đó là dự định tốt, nhưng điều đó không giúp mèo và người nhận làm quen trước với nhau, và đây là điều bắt buộc trong quá trình tìm nuôi một chú mèo.

Những thứ bạn cần[sửa]

  • Bát đựng nước và bát đựng thức ăn
  • Thức ăn mèo, ướt và khô
  • Cát vệ sinh cho mèo
  • Hộp đựng cát vệ sinh và đồ rây
  • Vòng cổ kèm thẻ nhận dạng có ghi số điện thoại liên lạc của bạn
  • Lồng xách tay loại cứng (như lồng nhựa) tốt hơn loại mềm (như túi) khi di chuyển vì nhiều con vật có thể bị thương trong trường hợp xảy ra tai nạn
  • Lược hoặc bàn chải (tùy vào độ dài lông mèo)
  • Dụng cụ cắt móng
  • Bàn chải đánh răng và kem đánh răng cho mèo
  • Thuốc phòng chống bọ chét và ve
  • Thuốc tẩy giun
  • Cây/nơi ẩn nấp cho mèo (tùy chọn, nhưng nên có)
  • Trụ mài móng (tùy chọn, nhưng nên có)
  • Bình xịt nước đơn giản (tùy chọn, nhưng nên có để huấn luyện mèo vào kỷ luật)
  • Nhiều loại đồ chơi cho mèo (nhất là các loại có chứa bạc hà mèo)
  • Giường cho mèo (tùy chọn)
  • Khăn giấy siêu thấm, miếng bọt biển và bàn chải, chất tẩy rửa không độc và chất khử mùi men vi sinh để dọn rửa khi có sự cố
  • Bộ sơ cấp cứu

Nguồn và Trích dẫn[sửa]