Tính tỷ lệ tăng trưởng bền vững

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Tỷ lệ tăng trưởng bền vững là tỷ lệ mà doanh nghiệp có thể tăng lợi nhuận mà không phải đi vay từ các tổ chức tín dụng hoặc nhà đầu tư. Đối với chủ sở hữu doanh nghiệp nhỏ, tỷ lệ này mô tả lợi nhuận tăng lên hàng năm mà không phải đầu tư thêm bằng vốn tự có hoặc đi vay ngân hàng. Chủ doanh nghiệp lớn hay nhỏ đều phải tính tỷ lệ tăng trưởng bền vững, và sử dụng chúng để quyết định liệu họ có đủ vốn đáp ứng yêu cầu phát triển lâu dài hay không.

Các bước[sửa]

Tính tỷ lệ tăng trưởng bền vững[sửa]

  1. Chia doanh thu cho tổng tài sản. Đây là tỷ lệ sử dụng tài sản, phần trăm doanh thu hàng năm tính trên tổng tài sản.
    • Ví dụ: Tổng tài sản cuối năm là 100 tỷ đồng. Tổng doanh thu cả năm là 25 tỷ đồng. Tỷ lệ sử dụng tài sản là 25/100, hay 25%, có nghĩa là mỗi năm bạn tạo được doanh thu tương đương 25% tổng tài sản.
  2. Chia lợi nhuận ròng cho tổng doanh thu. Đây là tỷ suất sinh lời của công ty, hay tỷ lệ phần trăm trong tổng doanh thu được giữ lại cuối năm sau khi thanh toán mọi chi phí. (Lợi nhuận ròng bằng doanh thu trừ chi phí).
    • Ví dụ: Lợi nhuận ròng là 5 tỷ đồng. Tỷ suất sinh lời là 5/25, hay 20%, có nghĩa là hàng năm bạn giữ lại cho công ty 20% doanh thu, phần còn lại thanh toán chi phí kinh doanh.
  3. Chia tổng nợ cho tổng vốn chủ sở hữu. Đây là tỷ lệ sử dụng tài chính của công ty.
    • Tính tổng vốn chủ sở hữu bằng tổng tài sản trừ tổng nợ.
    • Ví dụ: Tổng nợ là 50 tỷ đồng. Tổng vốn chủ sở hữu là 50 tỷ đồng. Tỷ lệ sử dụng tài chính là 100%.
  4. Nhân tỷ lệ sử dụng tài sản, tỷ suất sinh lời và tỷ lệ sử dụng tài chính với nhau. Nhân ba tỷ lệ vừa được tính với nhau, ta được tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE). Chỉ số ROE là tỷ lệ lợi nhuận công ty giữ lại và sử dụng để sinh lời trong tương lai.[1]
    • Ví dụ: nhân ba tỷ số với nhau 25% x 20% x 100% được chỉ số ROE bằng 5%.
  5. Chia tổng giá trị cổ tức cho lợi nhuận ròng. Đây là tỷ lệ cổ tức, phần trăm thu nhập chi trả cho cổ đông. (Nếu bạn sở hữu doanh nghiệp nhỏ, bất kỳ khoản tiền nào bạn giữ lại cho mình vào cuối năm, ngoài tiền lương, được gọi là cổ tức).
    • Ví dụ: Lợi nhuận ròng là 5 tỷ đồng. Giá trị cổ tức là 0,5 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức sẽ là 0,5/5 = 10%.
  6. Trừ 100% cho tỷ lệ cổ tức. Đây là tỷ lệ lợi nhuận giữ lại của công ty, hay phần trăm thu nhập ròng được công ty giữ lại sau khi chi trả cổ tức.
    • Ví dụ: 100% - 10% = 90% là tỷ lệ lợi nhuận giữ lại.
    • Tỷ lệ lợi nhuận giữ lại công ty rất quan trọng vì chỉ số này cho biết số thu nhập sẽ chi trả cho cổ tức trong tỷ lệ tăng trưởng bền vững và giả định việc tiếp tục trả cổ tức với tỷ lệ như vậy trong tương lai.
  7. Nhân tỷ lệ lợi nhuận giữ lại với chỉ số ROE. Đây là tỷ lệ tăng trưởng bền vững. Chỉ số này mô tả lợi nhuận thu được từ việc đầu tư kinh doanh mà không phải phát hành thêm cổ phiếu, đầu tư thêm vào vốn chủ sở hữu, vay thêm nợ hay tăng lợi nhuận cận biên.[1]
    • Ví dụ: nhân chỉ số ROE vừa được tính với tỷ lệ lợi nhuận giữ lại 5% x 90% để được tỷ lệ tăng trưởng bền vững là 4,5%. Như vậy, doanh nghiệp có thể đạt tỷ lệ tái đầu tư lợi nhuận là 4,5% hàng năm.

Áp dụng tỷ lệ tăng trưởng bền vững[sửa]

  1. Tính tỷ lệ tăng trưởng thực tế của doanh nghiệp. Tỷ lệ này đơn giản là sự gia tăng doanh thu trong một khoảng thời gian nhất định. Chia doanh thu tại thời điểm hiện tại cho doanh thu tại thời điểm khởi đầu. Bạn nên tính tỷ lệ tăng trưởng thực tế theo thời kỳ dùng để tính tỷ lệ tăng trưởng bền vững.
    • Tỷ lệ tăng trưởng thực tế sẽ thay đổi theo tháng, quý hoặc theo bất cứ khoảng thời gian nào bạn dùng để báo cáo kết quả tài chính. Vì tỷ lệ tăng trưởng thực tế chỉ là tỷ lệ thay đổi doanh thu nên chỉ số này sẽ biến động thường xuyên.
    • Khi tính tỷ lệ tăng trưởng thực tế, chú ý là số liệu doanh thu được tính theo khoảng thời gian bằng nhau. Nếu bạn so sánh doanh thu từ quý IV năm trước với tháng đầu tiên của năm sau, tỷ lệ tăng trưởng sẽ lớn hơn rất nhiều so với thực tế. Đảm bảo bạn so sánh các đại lượng bằng nhau, cụ thể là tuần với tuần, tháng với tháng, quý với quý, năm với năm, v.v...
  2. So sánh tỷ lệ tăng trưởng thực tế với tỷ lệ tăng trưởng bền vững. Doanh nghiệp của bạn có thể tăng trưởng nhanh hơn, chậm hơn hoặc bằng với tỷ lệ bền vững. Mặc dù tăng trưởng nhanh có vẻ là chỉ số tích cực, nhưng tỷ lệ tăng trưởng vượt mức bền vững có nghĩa doanh nghiệp không có đủ tiền mặt để đáp ứng nhu cầu kinh doanh ở tốc độ doanh nghiệp đang phát triển. Nếu tỷ lệ tăng trưởng bền vững của bạn cao hơn tỷ suất sinh lời trên vốn sở hữu, điều đó có nghĩa là doanh nghiệp của bạn hoạt động không như mong muốn.
    • Ví dụ, hãy hình dung một công ty xây dựng tạo ra những ngôi nhà. Để khởi nghiệp, chủ sở hữu đầu tư 100 tỷ đồng, và vay ngân hàng 100 tỷ. Sau một năm kinh doanh, chủ doanh nghiệp tính toán tỷ lệ tăng trưởng thực tế và tỷ lệ tăng trưởng bền vững, và thấy rằng tỷ lệ thực tế cao hơn nhiều so với tỷ lệ bền vững. Khi tăng doanh thu, anh ta cần thêm vốn để trang trải chi phí lao động và nguyên vật liệu để xây thêm nhà nhằm tăng thu nhập. Mặc dù tăng doanh thu tốt cho doanh nghiệp, nhưng chủ sở hữu không thể trang trải được hết chi phí nếu không đi vay. Hiểu được sự khác biệt giữa các tỷ lệ tăng trưởng, chủ doanh nghiệp có thể lên kế hoạch về việc vay vốn ở đâu hay liệu có nên làm chậm lại sự phát triển của công ty.
    • Tuy tỷ lệ tăng trưởng thực tế cao không phải lúc nào cũng có tính tiêu cực, song điều đó có nghĩa là doanh nghiệp cần trang trải cho chi phí vận hành tăng lên bằng cách phát hành thêm cổ phiếu, vay nợ mới, giảm cổ tức và tăng lợi nhuận cận biên. Hầu hết chủ doanh nghiệp mới thành lập không muốn vay thêm nợ hay phát hành thêm cổ phiếu trong những năm đầu, và muốn giảm tỷ lệ tăng trưởng ở mức bền vững.[2]
    • Tỷ lệ tăng trưởng thực tế thấp hơn mức tăng trưởng bền vững lại cho thấy doanh nghiệp của bạn không hoạt động tốt như mong muốn.[2]
  3. Điều chỉnh việc kinh doanh. Sử dụng kiến thức bạn đã học về tỷ lệ tăng trưởng thực tế và bền vững để thay đổi kế hoạch kinh doanh. Nếu muốn duy trì tỷ lệ tăng trưởng cao hơn mức bền vững, bạn cần trang trải cho chi phí tăng lên trước khi thu lợi nhuận lớn hơn. Cân nhắc đi vay, phát hành thêm cổ phiếu, đầu tư vốn cá nhân hoặc giảm cổ tức. Nếu bạn không muốn làm những việc này, hãy giảm tỷ lệ tăng trưởng của công ty về mức bền vững và không cần tăng thêm vốn để trang trải chi phí.[3]
    • Nếu tỷ lệ tăng trưởng thực tế thấp hơn mức bền vững, bạn có nhiều tài sản hơn cần thiết. Nếu bạn không có kế hoạch mở rộng sản xuất, bạn nên trả nợ hoặc trả cổ tức cho cổ đông.
  4. Giữ vững quan điểm. Hãy nhớ rằng các tỷ lệ tăng trưởng được tính toán dựa trên kết quả hoạt động trong quá khứ và không hoàn toàn dự báo được tương lai. Tỷ lệ tăng trưởng thực tế và bền vững sẽ không khớp với nhau một cách hoàn hảo, vì vậy, bạn nên sử dụng các tỷ lệ này như một công cụ định hướng việc ra quyết định kinh doanh, chứ không phải là căn cứ để làm trì hoãn việc ra quyết định hay hạn chế kinh doanh. Theo thời gian, tỷ lệ tăng trưởng bền vững sẽ có nhiều ý nghĩa hơn và doanh nghiệp của bạn cũng ngày càng có uy tín hơn. Trong năm đầu tiên hoạt động, tỷ lệ tăng trưởng thực tế và bền vững có thể dao động đáng kể, đó là điều bình thường.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]