Thuần hoá mèo

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Để thuần hoá một chú mèo hoang, bạn sẽ cần nhiều thời gian, kiến thức, sự kiên nhẫn và cẩn trọng tối đa. Mèo hoang chính là mèo nhà đã thuần hoá nhưng phải quay lại lối sống hoang dã và không tiếp xúc với con người. Nếu chú mèo đó có vẻ khoẻ mạnh và bạn muốn thuần hoá nó, hãy lưu ý rằng mèo có thể sợ hãi và cắn bạn. Tuy nhiên, nếu bạn tìm thấy hoặc được giao chăm sóc một chú mèo đi lạc đang sợ hãi, nhưng chú mèo này có thể chịu được việc tiếp xúc với con người mà không cào hay cắn, bạn có thể tiến hành thuần hoá mèo. Có thể bạn sẽ không hoàn toàn biến nó trở lại thành mèo nhà được, nhưng nó có thể trở thành một chú mèo được nuôi thả ngoan ngoãn.[1] Đôi khi, tất cả những gì bạn cần chỉ là sự kiên nhẫn cao độ để biến một chú mèo đang sợ hãi thành một con vật nuôi đáng yêu. Mục tiêu đầu tiên là phải khiến cho mèo cảm thấy thoải mái khi ở bên bạn. Sau đó, mèo phải được đưa đi khám sức khoẻ để đảm bảo không mắc bệnh tật gì.

Các bước[sửa]

Quan sát bản tính của mèo[sửa]

  1. Hiểu tính cách của mèo. Hãy quan sát mèo trong vài ngày. Bằng cách đó, bạn có thể xác định được bản tính của mèo, nhất là khi được con người tiếp cận. Mèo có e dè hoặc sợ hãi con người không? Mèo có giận dữ không?
    • Nếu bạn thấy chú mèo đó có vẻ nguy hiểm, đừng tìm cách tiếp cận nó. Thay vào đó, hãy gọi cho đội kiểm soát động vật hoặc một tổ chức nhân đạo nào đó vì chỉ có họ mới có thể bắt giữ và tiếp cận mèo hoang một cách chuyên nghiệp.
  2. Quan sát ngôn ngữ cơ thể của mèo. Mèo thể hiện cảm xúc bằng ngôn ngữ cơ thể một cách rõ rệt.[2] Ví dụ:
    • Một chú mèo đang giận dữ hoặc bực mình có thể cụp tai, đồng tử mắt nở to, vẫy đuôi qua lại, cong lưng và lông dựng đứng. Thông thường, mèo sẽ gầm gừ. Đó là dấu hiệu cho thấy bạn nên lùi ra xa.
    • Nếu không bỏ chạy thì mèo sẽ nằm rạp xuống đất hoặc cụp đuôi vào giữa hai chân sau khi sợ hãi. Hãy cẩn trọng khi thuần hoá những chú mèo như vậy.
    • Ngược lại, một chú mèo bình tĩnh sẽ dựng thẳng tai về phía trước để nghe ngóng, và đuôi cũng sẽ hướng lên trời. Lông của chú mèo này sẽ ở trạng thái bình thường. Mèo có thể còn vươn người, nằm xuống hoặc lăn qua lại. [3]
  3. Theo dõi sức khoẻ tổng quát của mèo. Dù bạn không thể tới gần, nhưng bạn vẫn có thể quan sát tình trạng sức khoẻ của mèo từ xa. [4] Hãy kiểm tra xem mèo có bị gày gò hoặc hốc hác không. Có thể mèo đang bị đói. Quan sát bộ lông để biết mèo đang khoẻ mạnh hay không. Nếu bộ lông có vẻ xơ xác, rụng nhiều hoặc có chỗ bị trụi lông, có thể mèo đang ốm. Để ý xem mèo có vấn đề gì khác không, ví dụ như đi khập khiễng, có vết cắt, vết sưng... [5]
  4. Tránh xa những chú mèo nghi bị bệnh dại. Mèo hoang thường không được tiêm phòng và có nguy cơ bị mắc vi-rút dại. Dù rất hiếm, nhưng bệnh dại ở mèo thường xuất hiện chủ yếu ở những chú mèo nuôi thả và chưa được tiêm phòng. Triệu chứng của bệnh dại có thể rất đa dạng và mất hàng tháng mới bộc lộ sau khi mèo bị mắc vi-rút dại.
    • Các dấu hiệu điển hình của bệnh dại ở mèo bao gồm: ốm yếu (đờ đẫn, bỏ ăn, yếu ớt) và/ hoặc thay đổi hành vi (hung dữ, tăng động, mất định hướng, liệt, co giật).[2]
    • Nếu bạn gặp một chú mèo với những triệu chứng trên, hãy gọi đội kiểm soát động vật và đừng tìm cách tiếp cận.

Để mèo tự làm quen với sự hiện diện của bạn[sửa]

  1. Cho mèo làm quen với giọng nói của bạn. Nếu mèo có vẻ dễ thuần hoá, bước tiếp theo sẽ là giúp nó làm quen với sự hiện diện và giọng nói của bạn. Hãy tới ngồi gần và trò chuyện với mèo bằng tông giọng nhẹ nhàng, dễ chịu.[6]
  2. Đưa cho mèo đồ ăn khô hoặc ướt. Khi đang trò chuyện, hãy để xuống cho mèo một ít đồ ăn. [7] Bạn nên làm việc này trong khoảng ba ngày. Trong lúc đó, đừng vội tìm cách tiếp xúc với mèo.
    • Sau ba ngày, quan sát những ngôn ngữ cơ thể tích cực ở mèo để xem nó đã cảm thấy thoải mái với sự hiện diện của bạn chưa. Một chú mèo đang hài lòng sẽ dựng thẳng tai, đuôi và cong lưng. Lông mèo sẽ ở trạng thái bình thường và mèo có thể rên gừ gừ.
  3. Thử tiếp cận mèo bằng đồ ăn. Dùng một thìa đầy đồ ăn ướt hoặc cá ngừ đóng hộp và đưa về phía mèo. Gọi tên hoặc gọi “mèo con!”. Nếu mèo rít lên, điều đó nghĩa là mèo đang sợ và cần thêm thời gian để làm quen với sự hiện diện của bạn. Dành thời gian để giúp mèo cảm thấy thoải mái khi ăn uống bên cạnh bạn.
  4. Để ý dấu hiệu hung dữ. Nếu mèo thể hiện bất kì dấu hiệu hung dữ nào, ví dụ như gầm gừ hoặc gào lên, bạn hãy cho mèo thêm thời gian để làm quen với bạn. Bạn cũng có thể cân nhắc tới việc gọi đội kiểm soát động vật.
  5. Dùng sản phẩm pheromone dành cho mèo. Nếu bạn cần trợ giúp để khiến mèo cảm thấy thoải mái hơn, bạn có thể sử dụng các sản phẩm pheromone dành cho mèo. Đó là hợp chất mô phỏng mùi hương pheromone ở mèo để giúp mèo bình tĩnh lại.[8] Bạn có thể xịt sản phẩm này ở khu vực xung quanh mèo. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng âm thanh khi xịt có thể khiến mèo sợ hoặc tức giận.
    • Ngoài ra, còn có sản phẩm pheromone dạng lỏng để bạn có thể bôi vào các khu vực nhất định. Bạn cũng có thể thử dùng sản phẩm dạng khuếch tán nếu mèo đang ở trong khu vực kín.
  6. Vuốt ve mèo bằng thìa. Hãy tìm một chiếc thìa gỗ dài hoặc spatula. Bọc vải mềm xung quanh nó. Vải lông cũng rất hiệu quả. Nhẹ nhàng đưa thìa ra đủ gần để chạm vào mèo mà không làm nó bị kích động. Khi mèo đang ăn, hãy từ từ đưa thìa ra để vuốt ve. Bạn có thể phải thử vài lần trong vài ngày thì mèo mới quen với việc này.
    • Nếu mèo bỏ chạy, đừng đuổi theo. Bạn có thể vuốt ve mèo sau.

Tiếp xúc với mèo[sửa]

  1. Mặc quần áo dài để bảo vệ cơ thể. Trước khi có thể đưa mèo đi khám sức khoẻ, tốt nhất là bạn nên mặc quần áo dài để bảo vệ cơ thể mỗi khi tiếp xúc với mèo. Hãy đeo găng tay dày, áo dài tay và quần dài để giảm thiểu tối đa nguy cơ bị cào hoặc cắn.
  2. Dùng tay để vuốt ve mèo. Sau khi đã vuốt ve mèo bằng thìa một thời gian, hãy thử luồn tay bên dưới thìa để vuốt ve mèo. Chỉ nên vuốt vai và đầu mèo.
    • Đừng chạm vào bất kỳ vị trí nào gần bụng mèo. Mèo có thể trở nên đề phòng nếu cảm thấy bị đe doạ. Chỉ khi mèo hoàn toàn tin tưởng bạn, bạn mới có thể vuốt ve bụng nó.[9]
  3. Thử bế mèo lên. Dùng khăn tắm hoặc chăn để bế mèo.[10] Hãy thực hiện việc này sau khi bạn đã vuốt ve mèo được vài lần. Chọn thời điểm khi mèo có vẻ thư thái và dễ chịu.
    • Để tới được giai đoạn này, có thể bạn sẽ tốn khá nhiều thời gian. Việc này phụ thuộc vào chú mèo đó. Một số chú mèo sẽ không bao giờ trở nên đủ thuần để có thể bế được.
    • Nếu mèo giãy giụa khi được bế, hãy thả nó ra. Nếu không, bạn sẽ bị cắn hoặc cào. Ngoài ra, bạn có thể sẽ phải cố gắng lại từ đầu nếu gặp phải tình huống này.

Mang mèo đến phòng khám thú y[sửa]

  1. Giúp mèo làm quen với lồng vận chuyển. Mèo cần phải được đưa vào trong lồng vận chuyển để có thể tới phòng khám thú y. Bạn cần phải cho mèo thời gian để làm quen với chiếc lồng.
    • Hãy mở cửa lồng trong nhà để mèo có thể tự khám phá.
    • Đặt thức ăn trước cửa lồng để mèo có hứng thú tìm hiểu.[11]
    • Chuyển đồ ăn vào trong lồng để mèo chịu bước vào bên trong.
  2. Đưa mèo đến phòng khám thú y. Nếu bạn đã có thể tiếp xúc với mèo, hãy mang nó tới phòng khám thú y càng sớm càng tốt. Tại đó, mèo có thể được khám sức khoẻ, tiêm phòng và điều trị phù hợp.
    • Mèo cần được tiêm phòng để tránh nhiều bệnh tật, ví dụ như bệnh bạch cầu. Hãy hỏi bác sĩ thú y về những loại vắc-xin cần thiết.
  3. Hỏi bác sĩ về phương pháp diệt rận và tẩy giun. Vì mèo có thể đi hoang đã lâu, nó cần phải được điều trị chấy rận và kí sinh trùng.[5] Bác sĩ thú y có thể dùng các phương pháp điều trị tại chỗ hoặc tư vấn các phương pháp khác để bạn thực hiện tại nhà.
  4. Đưa mèo đi triệt sản. Một trong những cách giúp đỡ mèo tốt nhất là đưa nó đi triệt sản để ngăn ngừa tình trạng mèo con bị bỏ rơi. Phòng khám thú y sẽ cắt đi một mẩu tai nhỏ, và đây là quá trình không đau đớn do được thực hiện khi mèo đã được gây mê. Phần đầu nhọn của tai mèo sẽ được cắt bỏ. Đó sẽ là dấu hiệu cho biết chú mèo này đã được triệt sản.[12]

Giúp mèo con đi hoang làm quen với con người[sửa]

  1. Hãy thuần hoá mèo con khi nó được 4 tới 8 tuần tuổi. Khi mèo con bắt đầu cai sữa, nó sẽ dễ thuần hoá hơn. Đây là giai đoạn mèo con trở nên độc lập với mèo mẹ. Khi mèo con đã quen với con người, nó sẽ phù hợp với việc được nhận nuôi.[13]
  2. Cung cấp cho mèo con một nơi trú ẩn an toàn. Những khi không huấn luyện cho mèo con làm quen với con người, bạn nên cung cấp cho mèo con một căn phòng nhỏ và yên tĩnh để nó được thư giãn. Đó có thể là phòng tắm hoặc một căn phòng chưa ai sử dụng.[14]
    • Bật đèn ngủ qua đêm để phòng không bị tối om.
  3. Chọn vị trí phù hợp. Sẽ rất hiệu quả nếu bạn luyện tập cho mèo con làm quen với con người ở nơi có nhiều người qua lại. Bạn có thể thử làm trong sân, nơi người khác đang làm việc hoặc chơi đùa. Nếu không, bạn có thể huấn luyện mèo ở một địa điểm tương tự trong nhà. [15]
  4. Cúi xuống ngang tầm với mèo con. Đừng đứng sừng sững bên cạnh mèo con. Hãy ngồi xuống sàn.
  5. Cho mèo con ăn đồ ăn ướt. Miễn là chú mèo con đó khoẻ mạnh, bạn có thể dùng đồ ăn để giúp mèo làm quen với người. Nhờ đó, bạn có thể khiến mèo tới gần bạn vì nó đang đói và muốn ăn thức ăn mà bạn có. Ngồi gần mèo con khi nó đang ăn.
    • Bạn còn có thể đặt đĩa đựng đồ ăn của mèo lên đùi để mèo còn tới gần bạn hơn.[15]
    • Mang đồ ăn ra chỗ khác khi bạn rời đi. Nhờ đó, mèo sẽ liên hệ bạn với đồ ăn.[15]
  6. Cho mèo liếm đồ ăn trên tay bạn. Khi mèo đã quen với sự hiện diện của bạn vào giờ ăn, hãy cho mèo ăn một ít đồ trên tay. Bạn có thể dùng đồ ăn ướt của mèo hoặc đồ ăn dành cho em bé (hãy chọn vị thịt bò hoặc thịt gà).
    • Một chú mèo con có thể ngoạm đồ ăn thay vì liếm vì đó là cách ăn tự nhiên. Mèo con còn có thể cắn nhẹ vào ngón tay bạn khi ăn nữa.
  7. Bắt đầu vuốt ve mèo con. Khi mèo con đang đói và muốn ăn, hãy thử nhẹ nhàng vuốt ve nó. Bạn có thể bắt đầu bằng cách chỉ vuốt ve ở đầu và vai mèo.
    • Nếu mèo bỏ chạy, hãy thực hiện lại bước trước lâu hơn một chút.
  8. Chuyển sang giai đoạn vuốt ve không cần tới đồ ăn. Khi mèo đã quen với sự hiện diện và vuốt ve của bạn, bạn cần phải loại bỏ thức ăn ra khỏi quy trình này. Việc này sẽ đảm bảo rằng mèo vẫn thích được vuốt ve dù không được cho ăn nữa. Hãy thử vuốt ve mèo sau khi mèo đã được ăn no.
  9. Từ từ giúp mèo làm quen với những người khác. Nếu bạn đang thuần hoá một chú mèo để người khác nhận nuôi, bạn cần đảm bảo rằng chú mèo đó sẽ quen với những người khác ngoài bạn. [15]
    • Bắt đầu cho phép từng người một tiếp cận mèo con. Những người đó cũng nên bắt đầu cho mèo con ăn bằng đĩa trước, sau đó mới dùng tay để cho ăn. Mèo con sẽ quen với giọng nói, mùi hương và cử chỉ của họ.

Lời khuyên[sửa]

  • Đừng chạm vào bụng, đuôi và bàn chân của mèo trước khi mèo biết rằng bạn sẽ không làm nó đau. Đó là những vị trí rất nhạy cảm và mèo có thể sẽ cào hoặc cắn bạn.
  • Tiến hành chậm rãi. Bạn có thể sẽ phải thực hiện quá trình này chậm hơn nếu định giúp mèo bước ra khỏi “vùng an toàn”của nó .[6]

Cảnh báo[sửa]

  • Nếu mèo có hành vi hung dữ, bạn nên tránh xa mèo ra một lúc.
  • Chỉ có những người đã được đào tạo để xử lý mèo hoang mới nên tiếp cận chúng.
  • Nếu bạn bị mèo cắn (mèo nhà hoặc mèo hoang), hãy gặp bác sĩ để điều trị vết cắn ngay lập tức. Chăm sóc vết cào của mèo cẩn thận để đảm bảo không bị nhiễm trùng. [16]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  • The Stray Cat Handbook. Tamara Kreuz. Wiley, Dec 15, 1999.