Thuyết phục mèo bệnh ăn uống

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Không có gì đau lòng hơn khi phải chứng kiến một chú mèo con đang bị ốm lại không thể ăn uống được gì. Nếu thú cưng của bạn bỏ ăn, có thể chúng đã mắc bệnh hoặc trầm cảm. Trong trường hợp mèo con không ăn uống hơn một ngày, bạn cần đưa chúng đi khám bác sĩ thú y. Trong lúc này, bạn có thể tranh thủ thuyết phục mèo con ăn uống tại nhà.

Các bước[sửa]

Cho mèo bệnh ăn[sửa]

  1. Cho ăn từng lượng nhỏ thường xuyên. Khi mèo con bị ốm, bạn chỉ nên chuẩn bị ít thức ăn nhưng phải cung cấp thường xuyên. Do đó, cách một đến hai tiếng bạn có thể cho thú cưng ăn một lần với lượng nhỏ, miễn sao giờ ăn không trùng với giờ ngủ nghỉ của chúng.
    • Lưu ý rằng bạn nên đánh thức mèo con dậy để ăn uống nếu chúng còn rất nhỏ.[1]
  2. Thay đổi loại thức ăn dành cho mèo con. Đôi khi mèo con bị bệnh không thích ăn thực phẩm hằng ngày và cần phải thay đổi loại thức ăn mới để tăng cảm giác thèm ăn. Bằng biện pháp thay đổi nhãn hiệu hoặc vị thực phẩm, bạn có thể khuyến khích mèo con thử loại thức ăn mới. Trong trường hợp mèo con đang đau ốm, chỉ cần ít thức ăn cũng đủ giúp tạo nên sự khác biệt.[2] Dưới đây là một số loại thực phẩm mà bạn có thể cho mèo con ăn:
    • Thức ăn dành cho mèo làm từ nước thịt
    • Thức ăn dành cho trẻ em có vị thịt gà đóng gói sẵn
    • Gà luộc[3]
    • Cơm trắng không thêm gia vị
  3. Tham khảo ý kiến bác sĩ thú y về chế độ dưỡng bệnh. Chế độ này đặc biệt dành cho động vật đau ốm không thể ăn uống bình thường được. Loại này chứa rất nhiều dưỡng chất, vì thế một chú mèo con nặng 1 kg sẽ cần nạp calo hằng ngày bằng 1/3 hộp thức ăn. Hai chế độ ăn uống phổ biến dành cho thú cưng đó là Hills AD (dành cho mèo và chó), và Royal Canin Feline. Hai loại này có vị hấp dẫn bao gồm:
    • Protein có tác dụng phục hồi các mô cơ thể và tăng cường hệ miễn dịch.
    • Chất béo và carbohydrat cung cấp năng lượng chuyển hóa để bộ phận cơ thể của mèo con hoạt động trơn tru và chống lại viêm nhiễm.
    • Kẽm và kali là hai chất giúp làm lành vết thương nhanh hơn.
    • Vitamin E và C, cộng thêm Taurine có chức năng chống oxy hóa giúp giải độc cho cơ thể, và củng cố hệ miễn dịch
  4. Thử hâm nóng thức ăn. Nếu mèo con bị nghẹt mũi, chúng sẽ ngừng ăn vì hai lý do: một là mèo con không thể ngửi được mùi thức ăn và không thể ăn uống trong tình trạng bị nghẹt mũi. Bạn có thể hâm nóng thức ăn (không hâm quá 30 giây bằng lò vi sóng) và sau đó cho chúng ăn. Nhiệt giúp tăng mùi vị thức ăn và có thể khuyến khích mèo con ăn một ít. Ngoài ra thức ăn nóng cũng có vị ngon hơn.
    • Bạn có thể dùng ống hút dịch tiết để thông mũi cho mèo con và giúp chúng ăn uống dễ dàng hơn.
  5. Không giấu thuốc vào thức ăn của mèo con. Mèo con bị ốm cần uống thuốc, nhưng bạn không nên giấu thuốc vào thức ăn của chúng. Mèo con có thể phát hiện ra thuốc bằng lưỡi và mũi, và sẽ không ăn nếu có thuốc trong đó. Việc giấu thuốc sẽ chỉ khiến cho thú cưng không bao giờ đụng vào thức ăn một lần nữa, cho dù là có thuốc hay không.
    • Để riêng thuốc sang một bên và ép mèo con ăn thường xuyên. Chúng có thể không thích điều này và đây là hành động không dễ dàng gì, nhưng bạn buộc phải thực hiện.
  6. Bảo đảm mèo con uống đủ nước. Bạn cần cung cấp nhiều nước cho thú cưng của mình. Tình trạng mất nước ở mèo con có thể rất nghiêm trọng và khi chúng bị ốm, hậu quả có thể tăng lên gấp nhiều lần. Nếu mèo con không chịu uống nước, bạn có thể thêm nước vào thức ăn. Điều này không những tăng vị hấp dẫn cho món ăn mà còn cung cấp nước cho mèo con.
    • Điều đầu tiên cần kiểm tra khi mèo con từ chối uống nước đó là đĩa nước có sạch hay không. Mèo con không thích uống nước bẩn.
  7. Thử cho mèo con ăn bằng tay. Cho một lượng thức ăn nhỏ lên tay và đưa gần sát miệng mèo con. Không nên đưa ngón tay và miệng chúng vì sẽ gây khó chịu. Để mèo con tự liếm thức ăn và hết sức kiên nhẫn.
  8. Thử cho mèo con ăn bằng ống tiêm. Nếu biện pháp cho ăn bằng ngón tay không hiệu quả, bạn có thể chuyển sang dùng ống tiêm. Tháo kim tiêm ra ngoài, sau đó cho thức ăn lỏng vào ống. Ẵm mèo con nhẹ nhàng và đưa ống vào miệng tạo thành một góc. Không nên đưa thẳng vào miệng chúng vì sẽ làm thức ăn chảy vào phía trên cổ họng gây nghẹn. Đưa ống tiêm sang trái hoặc phải và ép một lượng nhỏ thức ăn vào sát cuống lưỡi. Mèo con sẽ nuốt thức ăn ở cuống lưỡi. Lặp lại vài lần cho đến khi thú cưng đã ăn đủ lượng yêu cầu, thay đổi vị trí ống tiêm nhằm tránh chà xát một điểm trong miệng quá nhiều.
    • Thử dùng bột thay thế sữa dành cho mèo nếu bác sĩ thú y không cung cấp thức ăn lỏng. Không nên dùng sữa thường.
    • Thức ăn nên ở nhiệt độ phòng, nói cách khác là nên hơi âm ấm nhưng không quá nóng.

Chăm sóc mèo con bị bệnh[sửa]

  1. Cho mèo con uống meloxicam. Meloxicam (ngoài ra còn được biết đến như là Metacam) thuộc nhóm dược phẩm NSAID (Thuốc kháng viêm không chứa steroid). Meloxicam có tác dụng kiềm chế enzym COX-2 sản xuất prostaglandin, ngăn chặn viêm nhiễm gây nên tình trạng sốt. Meloxicam là thuốc an toàn và hữu ích trong việc giảm sốt.
    • Liều lượng khuyến cáo dành cho mèo con là 0,05mg/kg meloxicam mỗi ngày. Do đó, mèo con nặng 1,1 kg cần uống 0,1 ml Metacam dành cho mèo. Bạn cần lưu ý rằng meloxicam được sản xuất thành hai nhóm: dành cho chó (1,5mg/ml) và dành cho mèo (0,5mg/ml). Metacam dành cho chó có tác dụng gấp ba lần, và bạn cần hết sức cẩn trọng khi dùng cho mèo vì rất dễ sử dụng quá liều.
    • Chỉ dùng Meloxicam cho thú cưng uống đủ nước. Vật nuôi bị thiếu nước sẽ bị ảnh hưởng chức năng thận; nguồn cung cấp máu đến thận giảm đi sẽ khiến cho mèo con bị suy thận.
    • Nên dùng Meloxicam trong hoặc sau khi ăn. Nếu mèo không ăn uống, bạn có thể dùng ống tiêm cho chúng ăn một ít để lót bụng. Không cho mèo con uống Metacam khi bụng còn rỗng vì sẽ ngăn máu cung cấp đến dạ dày gây lở loét.
    • Không kết hợp meloxicam cùng hoặc sau khi uống các loại NSAID hoặc steroid khác. Nếu không sẽ gây loét dạ dày, loét đường tiêu hóa, và chảy máu gây mất máu nghiêm trọng.
  2. Giữ ấm cho mèo con. Nếu bị lạnh chúng sẽ rơi vào tình trạng lờ đờ và chậm hồi phục, khiến bạn khó thuyết phục chúng ăn uống hơn.
  3. Chuẩn bị ổ nằm tiện nghi. Mèo ốm thường dễ bị tổn thương, và chúng sẽ hồi phục nhanh hơn nếu có một chỗ để nghỉ ngơi. Bạn có thể chuẩn bị ổ nằm hoặc thùng bìa cứng trải ít khăn.
  4. Tìm kiếm sự trợ giúp thú y nếu cần thiết. Trong trường hợp mèo con có vẻ yếu ớt, hoặc triệu chứng đau ốm kéo dài hơn một ngày, bạn cần đưa chúng đi gặp bác sĩ thú y.

Chăm sóc mèo con bị trầm cảm[sửa]

  1. Nhận biết dấu hiệu mèo con bị trầm cảm. Ngoài hành vi ăn uống, bạn có thể nhận diện một số triệu chứng trầm cảm ở mèo con. Những triệu chứng này bao gồm thiếu năng lượng và ngủ nhiều hơn bình thường, không có hứng thú hoạt động, trở nên trốn tránh, hoặc tỏ ra hung hăn.
  2. Dành thời gian với mèo con. Lý do phổ biến dẫn đến tình trạng mèo con bị trầm cảm là do bạn không quan tâm nhiều đến chúng. Để khắc phục chứng trầm cảm của thú cưng và khuyến khích chúng ăn uống bình thường, bạn nên chơi đùa và thể hiện tình yêu thương đối với chúng càng nhiều càng tốt. Ẵm mèo con vào lòng khi đang làm việc hay xem phim, chơi đùa với chúng vào buổi sáng và chiều, cũng như khen ngợi chúng bằng cách thưởng đồ ăn và trao tình thương mến.
  3. Tìm trò chơi giải trí cho mèo con. Không phải lúc nào bạn cũng ở nhà chơi đùa với thú cưng. Do đó bạn nên mua đồ chơi để mèo con có thứ tiêu khiển trong lúc bạn vắng nhà, chẳng hạn như cây leo, đồ chơi, trụ mài vuốt, và trò chơi tìm thức ăn.[4]
    • Cân nhắc tìm bạn cho mèo con. Nếu đủ khả năng, bạn có thể nuôi thêm một con mèo để chúng có thể vui đùa với nhau. Tuy nhiên, bạn cần ghi nhớ rằng việc nuôi thêm mèo con sẽ khó khăn hơn nếu thú cưng của bạn đã trưởng thành.
  4. Cân nhắc liệu mèo con bị trầm cảm có phải do bị bệnh hay không. Nếu bạn quan tâm chăm sóc và thường xuyên thể hiện tình yêu thương với mèo con, chúng sẽ không bị trầm cảm chỉ vì bạn không chơi đùa với chúng. Thay vào đó, mèo con trở nên trầm cảm do bệnh tật hoặc bị thương. Nếu không tìm ra được lý do khiến thú cưng bị trầm cảm, bạn nên đưa chúng đi khám bác sĩ thú y.

Sử dụng thuốc kích thích khẩu vị do bác sĩ thú y chỉ định[sửa]

  1. Dùng thuốc kích thích khẩu vị nếu những biện pháp khác không hiệu quả. Một vài loại thuốc có tác dụng tăng cảm giác thèm ăn. Đây thường được xem là biện pháp chữa trị cuối cùng vì một số lý do. Đầu tiên, hầu hết các loại dược phẩm này đều dành cho người, vì thế việc chia viên thuốc thành liều lượng phù hợp là rất khó. Thứ hai, cơ thể của mèo con vẫn chưa phát triển chức năng gan và thận hoàn chỉnh. Các bộ phận này chưa đủ khả năng chuyển hóa thuốc, do đó mèo con sẽ dễ bị ngộ độc thuốc quá liều so với mèo trưởng thành. Lý do cuối cùng đó là những loại thuốc này có tác dụng phụ gây cảm giác khó chịu kể cả chỉ dùng với lượng nhỏ.[5]
  2. Tham khảo ý kiến của bác sĩ thú y. Chuyên gia chăm sóc vật nuôi có trình độ sẽ kê đơn thuốc phù hợp cho mèo con (nếu có). Các loại thuốc phổ biến được liệt kê dưới đây để bạn có thể trao đổi với bác sĩ thú y, và tìm hiểu tác dụng cũng như liều lượng nói chung.
  3. Cân nhắc mirtazapine. Đây là thuốc dành cho người thuộc nhóm thuốc chống trầm cảm ba vòng. Mặc dù thực tế rằng không có bằng chứng nào cho thấy tại sao điều này xảy ra, nhưng chúng lại có tác dụng kích thích sự thèm ăn của mèo. Thuốc viên được sản xuất với liều lượng tối thiểu là 15 mg, và liều lượng dành cho mèo trưởng thành là 3,5 mg, tương đương ¼ viên thuốc. Đối với mèo con nặng dưới 1 kg, bạn sẽ rất khó xác định liều lượng phù hợp và cuối cùng là cho chúng uống từng miếng vụn nhỏ. Áp dụng liều lượng này 3 ngày một lần.
  4. Xem xét sử dụng cyproheptadine. Đây cũng là thuốc dành cho người kháng histamin và chẹn thụ thể serotonin. Vẫn không xác định được lý do tại sao, nhưng thuốc này lại có tác dụng kích thích sự thèm ăn ở mèo. Bạn có thể áp dụng liều lượng 0,1-0,5 mg/kg uống hai đến ba lần một ngày. Thuốc viên được sản xuất với liều nhỏ nhất là 4 mg. Ví dụ, mèo con nặng 1 kg cần uống 1/8 viên thuốc 4 mg, và bạn cần lưu ý rằng mèo con chỉ đạt cân nặng 1 kg khi chúng được 3 tháng tuổi.
  5. Tham khảo ý kiến bác sĩ về thuốc tiêm tĩnh mạch diazepam. Một số con mèo có phản ứng tốt với thuốc tiêm tĩnh mạch diazepam, khiến chúng nhận thức được cơn đói. Thuốc chỉ có tác dụng khi tiêm vào tĩnh mạch, và đối với mèo con thì rất khó tìm tĩnh mạch đủ lớn để tiêm thuốc. Liều lượng khuyến cáo là 0,5-1,0 mg/kg chỉ tiêm một lần duy nhất vào tĩnh mạch. Vì thế, mèo con nặng 1 kg cần tiêm 5 mg/ml nhũ tương diazepam.
  6. Cân nhắc tiêm Vitamin B. Vitamin B đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì khẩu vị. Nếu mức Vitamin B, đặc biệt là Vitamin B12 trong thành ruột hoặc trong máu giảm xuống quá thấp, mèo con sẽ rơi vào tình trạng chán ăn. Điều này có thể được khắc phục bằng cách tiêm bốn mũi vitamin B dưới da bốn tuần một lần. Liều lượng khuyến cáo là 0,25 ml tiêm dưới da bốn tuần một lần.
  7. Cẩn thận với thuốc tiêm steroid. Tác dụng phụ của steroid đó là tăng cảm giác thèm ăn. Trong nhiều trường hợp, không nên cho mèo con dùng thuốc này vì steroid làm ảnh hưởng đến hệ miễn dịch, suy giảm khả năng chống lại bệnh tật. Tuy nhiên, nếu mèo con được bảo vệ bằng thuốc kháng sinh, và bác sĩ thú y đánh giá steroid không ảnh hưởng xấu đến tình trạng bệnh hiện tại, chúng có thể dùng một liều steroid để tăng cảm giác thèm ăn. Liều lượng chuẩn thường không cố định, dao động từ 0,01-4 mg/kg dexamethasone, nhưng chỉ nên dùng một liều nhỏ hạn chế nhằm kích thích khẩu vị của mèo con. Vì thế, mèo con nặng khoảng 2 kg cần được tiêm vào cơ bắp 0,5 mg dexamethasone có nồng độ 2 mg/ml tương đương 0,25 ml .

Lời khuyên[sửa]

  • Phát nhiều thể loại nhạc nhẹ. Nếu nhận thấy mèo con phản ứng với một loại nhạc nào đó, bạn có thể bật lên trong lúc vắng nhà. Điều này giúp thú cưng cảm thấy trấn an và không bị trầm cảm.

Cảnh báo[sửa]

  • Nếu muốn thuyết phục mèo con ăn uống lại, bạn nên chờ một thời gian sau khi chúng ăn no trước khi cho ăn tiếp. Nếu mèo con ăn quá nhiều cùng lúc, chúng có thể bị nôn mửa và cảm thấy khó chịu hơn.
  • Nếu đã dùng mọi biện pháp mà mèo con vẫn không ăn uống gì, bạn cần đưa chúng đi khám bác sĩ thú y để tìm ra nguyên nhân tiềm ẩn.
  • Đưa mèo con đi khám bác sĩ thú y nếu chúng bỏ ăn hơn một ngày.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]