Trà dược dưỡng sinh mùa thu

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Mùa thu, mưa ít gió nhiều, độ ẩm trong không khí giảm thấp, khí táo với đặc tính khô hanh dễ làm hao tổn phần dịch trong cơ thể gây nên các hiện tượng khô háo ở mũi họng và da dẻ. Bởi thế, theo quan niệm của y học cổ truyền, nguyên tắc dưỡng sinh ăn uống trong mùa thu phải chú trọng bổ dưỡng phần âm, cung cấp đầy đủ dịch thể để giúp cho các tạng phủ, đặc biệt là phế và thận, hoạt động được thuận lợi.

Trà dược là một trong những loại thực - dược phẩm dễ được nhiều người ưa dùng để phòng chống bệnh tật, bảo vệ và nâng cao sức khỏe trong mùa thu. Nhưng, vấn đề là ở chỗ phải biết lựa chọn và sử dụng loại nào cho phù hợp để đạt được hiệu quả cao nhất và phòng tránh được các tác dụng không mong muốn. Dưới đây xin được giới thiệu một số loại trà dược thường dùng trong mùa thu để độc giả tham khảo và vận dụng.

Bài 1: Nhân sâm 120 g, thiên môn 240 g, mạch môn 240 g, sinh địa 240 g, thục địa 240 g. Các vị sấy khô, thái vụn, trộn đều, mỗi ngày dùng 30 g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.

Công dụng: ích khí dưỡng âm, phù chính cố bản, dùng rất thích hợp cho những người lớn tuổi, hình thể gầy yếu, mắc các bệnh đường hô hấp, ho khan, khó thở, môi khô miệng khát, dễ mỏi mệt, đại tiện táo… Nghiên cứu thực nghiệm đã chứng minh bài trà dược này có khả năng nâng cao thể lực, cải thiện hệ thống miễn dịch và điều tiết hoạt động của tuyến vỏ thượng thận. Người có tuổi bị viêm phế quản mạn tính và hen phế quản dùng khá công hiệu.

Bài 2: Nấm linh chi 9 g, ngân nhĩ (mộc nhĩ trắng) 12 g, đường phèn vừa đủ. Hai vị thái vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, hòa với đường phèn uống thay trà trong ngày.

Công dụng: dưỡng âm nhuận phế, giảm ho trừ đờm, an thần ích trí, dùng rất thích hợp cho những người bị ho lâu ngày, môi khô miệng khát, mất ngủ, đầu choáng mắt hoa, hay quên, tinh thần mỏi mệt, đại tiện táo kết… Trong bài, nấm linh chi đã được chứng minh là do có tác dụng nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống thần kinh, ức chế phản ứng quá mẫn, thúc đẩy quá trình hồi phục của tế bào niêm mạc phế quản, giảm ho, long đờm. Ngoài ra, loại nấm quý này còn có tác dụng điều hòa huyết áp, cải thiện lưu lượng tuần hoàn động mạch vành, tăng cường sức co bóp cơ tim, nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống miễn dịch không đặc hiệu.

Bài 3: Nhân sâm 10 g, mạch môn, ngũ vị tử 10 g. Các vị sấy khô tán vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 15 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.

Công dụng: ích khí sinh tân dịch, dưỡng âm cầm mồ hôi, dùng rất thích hợp cho những người suy nhược sau ốm dậy, dễ mỏi mệt, khó thở, miệng khô họng khát, ngủ kém hay mê mộng, hồi hộp, mắc các bệnh lý đường hô hấp lâu ngày gây ho kéo dài, ho khan, khó khạc đờm. Đây chính là công thức của Sinh mạch tán, một bài thuốc cổ nổi tiếng, đã được chế thành các dạng thuốc tiêm, thuốc uống để điều trị các bệnh lý tim mạch như sốc do tim, viêm cơ tim giai đoạn hồi phục, thiểu năng mạch vành, suy tim, hội chứng yếu nút xoang

Bài 4: Ngọc trúc 12 g, mạch môn 12 g, sa sâm 12 g, sinh địa 12 g. Các vị sấy khô tán vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 15 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.

Công dụng: dưỡng âm, sinh tân dịch, nhuận táo, dùng rất tốt cho những người bị các bệnh có sốt giai đoạn hồi phục như sốt xuất huyết, viêm phế quản, viêm phổi, viêm cơ khớp… có các triệu chứng như mệt nhiều, miệng khô họng khát, lưỡi đỏ, người gầy, có thể có ho khan, đổ mồ hôi trộm, đại tiện táo, tiểu tiện vàng… Khi dùng, nếu có hiện tượng đầy bụng, chậm tiêu và đi lỏng thì cho thêm bạch biển đậu sao vàng 10 g, mạch nha 15 g, gừng tươi một lát.

Bài 5: Đông trùng hạ thảo 5 g, sa sâm 10 g, hai vị tán vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau 30 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày.

Công dụng: bổ phế ích thận, nhuận táo dưỡng âm và giảm ho, dùng rất tốt cho những người bị suy nhược cơ thể, hay có cảm giác nóng bức về chiều, đổ mồ hôi trộm, người gầy, miệng khô họng ráo, đại tiện hay táo. Trong bài, đông trùng hạ thảo là một vị thuốc quý có công dụng bồi bổ, ích khí dưỡng tinh, giảm ho, long đờm, bình suyễn; sa sâm có tác dụng dưỡng phế, bồi bổ phần âm. Hai vị phối hợp với nhau thành một công thức trà dược bổ dưỡng rất tốt trong mùa thu.

ThS.Hoàng Khánh Toàn

Liên kết đến đây