Trí tuệ nhân tạo có thể thấu hiểu nỗi đau của con người?
Trí tuệ nhân tạo có thể nhìn thấu cơn đau nhờ phân tích các biểu hiện bên ngoài, kết hợp với các yếu tố như độ tuổi, giới tính và da của bệnh nhân.
Các nhà nghiên cứu đã tạo ra một hệ thống máy tính có thể xác định được mức độ đau đớn của con người bằng cách phân tích các biểu hiện của họ. Hệ thống này chính xác hơn so với những thuật toán trước vì chúng nghiên cứu cả những nhân tố như độ tuổi, giới tính và da của người tham gia.
Nhìn thấu cơn đau[sửa]
Thuật toán mới có khả năng nhìn thấu bản thân bạn – và cả chính tôi nữa! Hệ thống máy tính mới được chế tạo nhằm mục đích đo sự đau đớn mà bệnh nhân đang chịu đựng. Hệ thống đánh giá mức độ đau đớn dựa trên biểu hiện của khuôn mặt, từ đó các bác sĩ sẽ có những biện pháp điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân.
Thuật toán hoạt động bằng cách phân tích các biểu hiện thoáng qua trên khuôn mặt và sau đó xác định mức độ đau của bệnh nhân một cách khách quan – đây là điều mà các bác sĩ khó thực hiện được khi chẩn đoán cho bệnh nhân.
Nhận biết được chính xác những cơn đau là một điều rất quan trọng bởi có nhiều bệnh nhân đang trải qua những cơn đau trầm trọng và cần được giúp đỡ. Cũng có không ít người đang chống chọi với những cơn nghiện khao khát tìm kiếm những loại thuốc giảm đau – thứ tiềm ẩn nguy hiểm và càng khiến cơn nghiện gia tăng.
Nếu các bác sĩ có một phương pháp đáng tin cậy để xác định chính xác mức độ cần chữa trị của bệnh nhân, họ sẽ không phải kiểm tra xem ai đang nói dối và ai đang nói thật về tình trạng đau đớn của họ.
Trong một nỗ lực để đo mức độ đau đớn của bệnh nhân một cách khách quan, các nhà nghiên cứu đã tạo ra một thuật toán mà họ gọi là "DeepFaceLIFT". Các nhà nghiên cứu cung cấp cho "DeepFaceLIFT” những đoạn video của những người bị đau đang so vai và nhăn mặt khi thực hiện các cử động khác nhau. Sau đó, những người trong các video được yêu cầu tự đánh giá mức độ đau của họ.
Chưa thể thay thế bác sĩ[sửa]
Sau nhiều nghiên cứu và chỉnh sửa, cuối cùng DeepFaceLIFT có thể học được cách sử dụng những sự khác biệt tinh tế trong biểu cảm trên khuôn mặt để ước tính mức độ đau đớn của bệnh nhân. Những chuyển động quanh mũi và miệng tiết lộ nhiều thông tin nhất về cơn đau.
Tuy trước đây, trí thông minh nhân tạo đã được sử dụng để phân tích các biểu hiện của cơn đau, nhưng có thể xem đây là lần đầu tiên hệ thống mới cho ra những kết quả cá nhân dựa trên độ tuổi, giới tính và da của bệnh nhân. Các nhà nghiên cứu cho rằng, việc phân tích các đặc tính riêng lẻ này mang lại kết quả chính xác hơn so với những kết quả thu được chỉ từ một hệ thống duy nhất áp dụng cho tất cả mọi người.
Mặc dù thuật toán này có thể có nhiều ứng dụng hữu ích, nhưng nó không thể hoàn toàn thay thế đánh giá của bác sĩ con người trong một số trường hợp. Ví dụ, nó được thiết kế để xác định cơn đau bằng cách sử dụng những hình ảnh có chất lượng tốt và đầy đủ ánh sáng. Tuy nhiên, thực tế không phải lúc nào cũng tồn tại những điều kiện lý tưởng này nên sẽ ảnh hưởng đến độ chính xác của thuật toán.
Ngoài ra, công việc phân tích và xác định này vốn dĩ rất khó khăn bởi mỗi người có những trải nghiệm và biểu hiện khác nhau về nỗi đau. Việc diễn giải nỗi đau không giống nhau ở mỗi người, và biểu hiện của nó cũng phụ thuộc vào văn hoá cũng như thời gian mà bệnh nhân chịu đựng cơn đau. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi các mức độ đau đớn mà mỗi người tự cảm nhận khác xa các dự đoán của bác sĩ.
Bất chấp những thách thức này, các nhà nghiên cứu vẫn tiếp tục phát triển và hoàn thiện chương trình với hy vọng, nó sẽ "đo" được mức độ đau đớn của bệnh nhân một cách chính xác trong tương lai gần.
Nguồn[sửa]
- Khám Phá, Bích Trâm (Futurism)