Trấn an mèo

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Cho dù có yêu mèo hay không, bạn cũng sẽ không muốn đối mặt với con mèo đang tức giận và buồn bã. Mèo có thể cảm thấy buồn bã vì nhiều lý do: di chuyển trên phương tiện, đi khám bác sĩ thú y, tiếng sấm sét inh ỏi, người lạ trong nhà, mèo lạ xuất hiện ở ngoài, hoặc nhiều nguyên nhân khác. Nếu mèo quá không vui đến nỗi gầm gừ, kêu meo meo một cách chói tai, hoặc chạy quanh phòng điên cuồng để tìm chỗ ẩn nấp, chúng cần được giúp đỡ để lấy lại tinh thần. Bạn có thể bắt đầu trấn an mèo bằng cách kiểm soát môi trường xung quanh và cung cấp không gian riêng tư cho chúng. Nếu không hiệu quả, bạn nên trao đổi với bác sĩ thú y về biện pháp y tế hữu ích đối với mèo.

Các bước[sửa]

Tiếp cận mèo bị kích động hoặc lo sợ[sửa]

  1. Bảo đảm an toàn cho cả bạn lẫn thú cưng đầu tiên. Chỉ tiếp cận mèo trong trường hợp cần thiết, chẳng hạn như lúc đi khám bác sĩ thú y. Hầu hết mèo đang bị kích động cần được ở một mình thay vì âu yếm hoặc bồng bế. Nếu bắt buộc phải tiếp cận mèo, điều đầu tiên bạn cần làm khi mèo đang lo lắng đó là bảo vệ bản thân và sau đó là vật nuôi. Mèo trong tình trạng hoảng loạn hay kích động sẽ cắn và cào móng lên người chủ. Sự hung hăn ép buộc này có nghĩa là mèo quá lo lắng đến nỗi sẽ cào cắn bất kỳ người nào gần đó nếu chúng không thể tiếp cận đồ vật hoặc thứ làm chúng lo lắng.
    • Bạn phải tiếp cận mèo đang lo lắng một cách cẩn thận.
    • Thận trọng khi lại gần mèo, nên mang quần áo dài.
    • Chuẩn bị sẵn khăn trong trường hợp cần phải bắt mèo.
  2. Nói chuyện nhẹ nhàng và hành động chậm rãi. Nói chuyện điềm tĩnh với mèo. Ví dụ, bạn có thể nói "Bình tĩnh nào Lu, bình tĩnh nào. Suỵt!" Ngồi yên lặng và chờ cho đến khi mèo trở nên điềm tĩnh, và cho chúng biết rằng không có gì nguy hại và gây đe dọa.[1]
    • Nói nhỏ và sử dụng tông giọng trầm.
    • Hát có tác dụng xoa dịu tinh thần cho mèo giống như khi nói chuyện thì thầm. Bài hát vui vẻ hoặc trầm lắng đều có tác dụng. Không nên hát lớn tiếng, ầm ĩ, hoặc thay đổi tông liên tục.
    • Mở chương trình thư giãn trên tivi.
  3. Nhử mèo tiến lại gần bạn. Cho mèo ăn nếu chúng vẫn còn bất kham. Thức ăn ướt thường hấp dẫn hơn đối với mèo so với thức ăn khô và cá thì có mùi thơm hơn thịt.
    • Cho mèo leo lên cao để cảm thấy an toàn và có thể quan sát diễn biến xung quanh.
    • Nếu có thể, bạn nên vuốt mặt mèo bằng ngón tay cái từ sóng mũi trở xuống.
  4. Cách ly mèo nếu chúng vẫn cảm thấy lo lắng. Đưa mèo vào phòng kín để chúng ở một mình và trấn tĩnh lại.[1] Đóng hết cửa phòng có mèo bên trong, hạ rèm cửa để chúng không thể nhìn ra ngoài. Đưa trẻ em và thú cưng khác ra khỏi phòng để tạo môi trường yên tĩnh và an toàn để mèo giảm thiểu căng thẳng.
    • Để đưa mèo vào phòng ở một mình, dùng khăn bọc kín mèo chừa lại phần đầu. Sau đó đưa chúng vào phòng yên tĩnh, chẳng hạn như phòng ngủ, kèm theo khay vệ sinh, cho đến khi chúng bình tĩnh lại.

Tìm kiếm giải pháp lâu dài cho mèo đang lo lắng hoặc căng thẳng[sửa]

  1. Tìm hiểu nguyên nhân khiến mèo bị kích động. Sau khi sự cố đã qua, bạn cần đánh giá lại tình hình. Yếu tố nào khiến cho mèo trở nên như vậy? Nếu điều này xảy ra một lần, chẳng hạn như công nhân xây dựng có mặt trong nhà, bạn có thể chuẩn bị cho lần tới và đưa mèo vào phòng yên tĩnh cho đến khi họ rời đi. Nếu có mèo hoang xuất hiện bên ngoài, bạn có thể áp dụng biện pháp xua đuổi chúng, chẳng hạn như xịt nước hoặc thuốc đuổi mèo ra khỏi sân vườn.
    • Nếu tình trạng tái diễn nhiều lần (chẳng hạn như di chuyển bằng xe, thú cưng khác, sấm sét), bạn có thể dạy mèo cách đối mặt với tình huống.
  2. Sử dụng pheromone để trấn an mèo.[2] Pheromone là chất tiết ra từ các tuyến trên cơ thể mèo, bao gồm mặt, chân, lưng và đuôi để giao tiếp với những con mèo khác. Một số pheromone, chẳng hạn như tiết ra từ mặt khi mèo chà xát đồ vật hoặc con người, có tác dụng trấn an mèo đang căng thẳng.
    • Các nhà khoa học đã tổng hợp các chất này ở dạng vòng cổ, xịt, khăn ẩm, và máy khuếch tán sử dụng điện.
  3. Sử dụng biện pháp trấn an khác không dùng thuốc. Có nhiều phương pháp không dùng thuốc có tác dụng trấn an mèo đang lo lắng hoặc căng thẳng. Tinh dầu hoặc hỗn hợp thảo dược có thể tái tạo pheromone và sử dụng làm pheromone tổng hợp. Thực phẩm bổ sung cũng được chứng minh là có tác dụng giảm căng thẳng lo âu ở mèo. Thành phần trong chất bổ sung giúp hỗ trợ cân bằng chất tự nhiên của mèo có tác dụng thư giãn. Chúng được chế biến ở dạng lỏng, viên nhai và thuốc uống.
    • Bọc cơ thể (áo bọc thư giãn) là phương pháp trấn an khác không dùng thuốc. Loại vải và bọc Velcro này được dùng để bọc kín cơ thể mèo và tạo áp lực nhẹ lên các huyệt làm mèo cảm thấy thư giãn. Nguyên tắc tương tự như bọc em bé hoặc dùng khăn bọc kín mèo.
    • Không phải con mèo nào cũng phản ứng tốt với việc mang bọc hoặc pheromone hay hỗn hợp. Bạn cần phải thử nghiệm và tìm ra phản ứng của mèo đối với những sản phẩm này.
  4. Cân nhắc sử dụng thuốc tạm thời. Một số con mèo có cấu trúc hóa học cụ thể đòi hỏi phải dùng thuốc để chống lại tình huống gây căng thẳng hoặc lo âu. Bạn có thể cho mèo dùng thuốc tạm thời khi di chuyển trên xe hoặc gặp gỡ một số người. Có nhiều loại thuốc với tác dụng trấn an mèo trong tình huống tạm thời xảy ra nhanh. Những thuốc này yêu cầu phải bác sĩ thú y khám và kê toa nhằm đảm bảo mèo đủ sức khỏe để dùng thuốc.[3]
    • Không phải con mèo nào cũng đều phản ứng với cùng một loại thuốc, vì thế bác sĩ thú y thường khuyến cáo thử nghiệm thuốc ban đầu tại nhà để kiểm tra phản ứng của mèo với thuốc an thần.
    • Ghi nhớ rằng một số thuốc an thần cần được dùng tối thiểu một tiếng trước khi di chuyển hoặc xảy ra tình huống gây căng thẳng để phát huy tác dụng nếu mèo lo âu cực độ.
  5. Trao đổi với bác sĩ thú y về loại thuốc an thần dành cho mèo. Có nhiều loại thuốc an thần sử dụng cho mèo. Chúng đều có tác dụng phụ và cẩn trọng khi dùng cho mèo bị bệnh thận, tim, và tiểu đường. Chỉ có bác sĩ thú y mới có thể tư vấn loại thuốc phù hợp cho thú cưng của mình. Thuốc an thần dành cho mèo bao gồm:
    • Benzodiazepine. Một số thuốc bao gồm alprazolam, midazolam, và lorazepam. Đây là những loại thuốc hay dùng cho mèo. Chúng có tác dụng nhanh khắc phục tình trạng sợ hãi và lo âu ở mèo tác động lên phần não giống như rượu bia ảnh hưởng đến con người. Lưu ý: KHÔNG BAO GIỜ cho mèo uống rượu bia.
    • SARI. Trazodone là một loại thuốc nằm trong nhóm này. Chúng có tác dụng giảm lo âu nhanh chóng.
    • Clonidine và gabapentin. Hai loại này có tác dụng an thần và chống lo âu ở động vật bao gồm loài mèo.
    • Chlorpheniramine và Benadryl là thuốc chữa dị ứng và cảm lạnh dùng để an thần ở mèo.
    • Phenobarbital là thuốc an thần khác dùng cho mèo.
  6. Tìm hiểu phương pháp điều trị lâu dài. Có nhiều giải pháp dài hạn dành cho những con mèo liên tục rơi vào tình trạng lo âu. Đối với mèo bị căng thẳng cực độ, phương pháp dùng thuốc lâu dài (uống hằng ngày trong vài tháng đến vài năm) là giải pháp tốt nhất giúp cho cuộc sống của thú cưng và người chủ trở nên thoải mái hơn. May mắn là hiện nay có những loại thuốc khá an toàn có tác dụng khắc phục mất cân bằng hóa học ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống.
    • Những thuốc này bao gồm: Amitriptyline (thuốc chống trầm cảm dành cho động vật bị căng thẳng), Buspirone Hydrochloride (khắc phục nỗi ám ảnh, chẳng hạn như sợ người mặc đồng phục hoặc sấm sét), Clomipramine (Clomicalm), và Fluoxetine (Reconcile, Prozac).
    • Để thuốc có tác dụng hiệu quả, chúng cần phải “tích lũy” trong cơ thể của mèo, vì thế phải mất 6 tuần mới xác định được tác dụng của chúng lên vật nuôi.
    • Ngoài ra, không nên ngừng thuốc đột ngột hoặc sẽ gây ra tác dụng nghiêm trọng. Giải pháp tốt nhất đó là giảm dần liều thuốc để cơ thể điều chỉnh phù hợp.

Lời khuyên[sửa]

  • Kiên trì và thư giãn! Mèo sẽ khiến bạn phải mệt mỏi.
  • Nếu mèo chạy trốn và nấp đi, bạn nên để chúng yên để tự hồi phục.
  • Ngồi theo góc 45-90 độ so với mèo. Tư thế này ít gây đe dọa và gây hấn, và giúp cho mèo biết rằng chúng có thể chạy đi.
  • Đặt thức ăn cách xa mèo và lùi lại để chúng cảm thấy có thể di chuyển tự do!
  • Không vuốt ve mèo đang bị kích động. Thay vào đó, bạn nên để chúng một mình cho đến khi trấn tĩnh lại. Sau đó, bạn có thể âu yếm và thể hiện sự yêu thương.
  • Mèo có thể bị kích động và tức giận khi thường xuyên bị bắt nạt và đụng chạm. Chăm sóc mèo như con mình. Yêu thương và quan tâm chúng. Không nên tùy tiện vì mèo cũng là sinh vật sống.
  • Nếu mèo thường hay sợ hãi, bạn nên mở nhạc cổ điển êm dịu với âm lượng nhỏ trong nhà.
  • Không nên phát ra tiếng suỵt với mèo vì âm thanh này tựa như tiếng rít có thể khiến mèo khó chịu và căng thẳng hơn.

Cảnh báo[sửa]

  • Không mang vật nuôi khác vào phòng vì có thể khiến mèo căng thẳng hơn.
  • Nếu bạn tiếp cận mèo và chúng kêu rít lên và/hoặc cong lưng lại, bạn nên lùi lại thật chậm và tìm cách khác.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]