Vật liệu đen nhất thế giới có thể làm vật thể biến mất
Vantablack là một lớp phủ đặc biệt gần như không phản xạ ánh sáng, khiến những vật thể sơn chất liệu này dường như biến mất.
Vantablack ra đời lần đầu tiên vào năm 2014 và trở thành liệu đen nhất thế giới, có khả năng hấp thụ 99,96% tia cực tím, ánh sáng khả kiến và hồng ngoại, theo Live Science.
Vantablack không phải một loại sơn, chất nhuộm hay sợi, mà là một lớp phủ đặc biệt được thiết kế để sở hữu đặc tính không phản xạ ánh sáng, theo Surrey NanoSystems, công ty sản xuất Vantablack.
Từ thành phẩm phát triển đầu tiên, các nhà nghiên cứu tăng dần độ đen của vật liệu. Một phiên bản mới của Vantablack đen đến mức không một máy đo quang phổ nào có thể đo lượng ánh sáng mà Vantablack hấp thụ, nhóm nghiên cứu cho biết.
Một phiên bản của Vantablack có tên Vantablack S-VIS hiện nay có khả năng hấp thụ 99,8 % tia cực tím, ánh sáng khả kiến và hồng ngoại, đủ để khiến một vật thể 3D sắc nét trông như một hố đen.
Màu đen gần như tuyệt đối của Vantablack được tạo ra từ hàng triệu ống carbon nano. Mỗi ống nano có đường kính vào khoảng 20 nanomet (nhỏ hơn bề rộng tóc người khoảng 3.500 lần), dài khoảng 14 - 50 micron (1 micron = 0,000001 m). Trên một bề mặt có diện tích 1 cm2 có khoảng 1 tỷ ống nano.
Khi chiếu vào “rừng” ống nano, ánh sáng đi qua không gian li ti giữa các ống và nhanh chóng bị hấp thụ khi va đập với ống nano. Nhờ khả năng hấp thụ ánh sáng, Vantablack có thể được sử dụng để bổ trợ cho các camera hồng ngoại và cảm biến, các thiết bị khoa học cũng như tăng tính thẩm mỹ cho các sản phẩm xa xỉ.
Dù ứng dụng hiện nay của sản phẩm còn hạn chế do cấu trúc nanotube dễ bị tác động làm thay đổi công dụng, vật liệu này từng được ứng dụng trên một vệ tinh châu Âu phóng lên tháng 12/2015, có nhiệm vụ đo đạc vị trí các ngôi sao, theo ABC.
Nguồn[sửa]
- Vũ Phong, VnExpress
- This Spray-On Coating Makes Any Object Unbelievably Black, iflscience