Đại Việt Sử Ký Toàn Thư

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này
ĐẠI VIỆT SỬ KÝ TOÀN THƯ


Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên... soạn thảo (1272 - 1697).


Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam dịch (1985 - 1992).


Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội (Hà Nội) ấn hành (1993).


Lời giới thiệu của Nguyễn Khánh Toàn[sửa]

Một dân tộc có nền văn hóa lâu đời bao giờ cũng trọng thị, giữ gìn coi như thiêng liêng những di tích của nó, đặc biệt là dấu tích của những sự nghiệp anh hùng và quang vinh của ông cha, nòi giống, những gì nhắc lại những kỳ công của các bậc tiền bối trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, vì đời sống ấm no, hạnh phúc của các thế hệ đã qua.

Về phương diện ấy, những cái gọi là di sản văn hóa, tuy thuộc về quá khứ của một dĩ vảng không bao giờ trở lại, nhưng nó vẫn sống bởi vì những cái chúng ta làm hôm nay, trong đời sống vật chất cũng như trong đời sống tinh thần, là tiếp tục cái hôm qua.

Trong các loại di sản văn hóa của dân tộc, hiện nay chúng ta cần đặc biệt quan tâm đến các loại sách cổ về đất nước và con người, về văn hóa, xã hội, nhất là về lịch sử nước ta.

Có sự mâu thuẫn lạ đời này, là dân tộc ta có một lịch sử lâu đời với một nền văn hóa độc đáo mà nhân dân ta từ bao đời, với bàn tay và khối óc của mình, đã tự xây dựng lấy, nhưng chỉ cách đây tám, chín trăm năm, mới có người Việt viết về lịch sử đất nước mình. Còn trước đó, trong các sách của người Tàu viết, chỉ thỉnh thoảng họ mới nói đến cái đất nước của một dân tộc "man di" gọi là Giao chỉ, một mảnh đất hầu như hoang vu, con người còn sống sơ khai, cần phải được "Thiên Triều" "giáo hóa".

Vì thế mà trong suốt cả một thời gian lịch sử rất dài - hai, ba nghìn năm, dân tộc Việt Nam phải liên tục đấu tranh chống họa xâm lược của nước ngoài. Chíh trong cuộc đấu tranh đầy hy sinh gian khổ, nhưng anh hùng bất khuất ấy mà dân tộc ta xây dựng và phát triển nền văn hóa độc đáo và xán lạn của mình, tiêu biểu là nền văn hóa Đại Việt thời Lý, Trần, Lê.

Cho nên, rất dễ hiều, cách đây tám, chín trăm năm, khi lịch sử nước ta đi vào kỷ nguyên Đại Việt, xuất hiện những nhà sử học lớn như Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên.

Đối với thời kỳ lừng danh như thời Đại Việt, nó là cả một bản anh hùng ca, cái gì có liên quan đến nó, dẫu là một câu, một dòng chữ tự tay nhân vật đã sống hoặc đã chứng kiến những giờ phút huy hoàng viết ra, mà ta được đọc hay được nghe, đều là tiếng nói thân thiết từ ngàn xưa vọng lại, làm rung động tâm hồn của chúng ta biết bao.

Cho nên, việc đáng mừng là chúng ta đã tìm lại đợc bản in xưa nhất của bộ Đại Việt sử ký toàn thư. Đó là bản in theo ván khắc năm Chính Hoà thứ 18, tức năm 1697, mà trước đây tưởng như không hy vọng tìm thấy. Còn những bản in chúng ta vẫn thường dùng là những bản in sau đó, vào đời Nguyễn.

Đại Việt sử ký toàn thư là một thành tựu của nền văn hóa Đại Việt. Nó là một công trình biên soạn lịch sử đồ sộ của nhiều nhà sử học nổi tiếng của nước ta, từ Lê Văn Hưu đời Trần, qua Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, đến Phạm Công Trứ, Lê Hy đời Lê.

Bộ sự được đặt cơ sở đầu tiên với Đại Việt sử ký toàn thư 30 quyền của Lê Văn Hưu, viết xong năm 1272, trong thời kỳ chiến đấu oanh liệt chống quân xâm lược Mông - Nguyên. Nó được tiếp tục với Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên thế kỷ XV, trong giai đoạn phát triển cao nhất của nền văn hóa Đại Việt, giao đoạn của vũ công chống Minh, của Đại Cáo Bình Ngô, của chủ nghĩa yêu nước hoàn chỉnhv à tiên tiến của Nguyễn Trãi. Nó được hoàn thành và công bố năm 1697, biên chép lịch sử dân tộc từ buổi đầu dựng nước cho đến năm 1675.

Một công trình sử học được xây dựng trong bối cảnh lịch sử như thế hẳn mang hơi thở của thời đại, phản ánh được tương đối chính xác và đầy đủ thực tế hào hùng của đất nước. Và điều chắc chắn, nó là kho tư liệu phong phú không những cần thiết cho ngành sử học mà còn giúp ích cho nhiều ngành khoa học xã hội khác nữa.

Bộ Đại Việt sử ký toàn thư là một di sản vô giá của văn hóa dân tộc.

Tôi xin trân trọng giới thiệu với các nhà khoa học trong và ngoài nước, với tất cả bạn đọc, bản dịch Đại Việt sử ký toàn thư dựa trên ván khắc năm 1697 kèm theo chú giải, sách dẫn và bản chụp nguyên văn chữ Hán.

Tôi hy vọng công trình xuất bản này sẽ đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu của các nhà sử học, các nhà khoa học thuộc nhiều ngành khoa học xã hội trong nước, các nhà Việt Nam học trên thế giới và tất cả những ai muốn tìm hiểu nghiên cứu lịch sử Việt Nam.

Lời nhà xuất bản[sửa]

Năm 1967, Nhà xuất bản Khoa Học xã hội đã xuất bản bộ Đại Việt sử ký toàn thư gồm 4 tập do nhà Hán học Cao Huy Giu dịch và Giáo sư Đào Duy Anh hiệu đính. Đó là một bộ sử lớn, có giá trị, được biên soạn qua nhiều đời, gắn liền với tên tuổi của những nhà sử học nổi tiếng ngày xưa như Lê Văn Hưu thế kỷ XIII, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên thế kỷ XV, Phạm Công Trứ, Lê Hy thế kỷ XVII.

Năm 1971, bộ sử đó được tái bản lần thứ hai, có sửa chữa và bổ sung. Sau đó một thời gian, nhiều bạn đọc yêu thích lịch sử dân tộc, nhiều nhà sử học, nhiều cán bộ nghiên cứu và giảng dạy thuộc nhiều ngành, nhiều cơ quan đã yêu cầu chúng tôi tái bản lần thứ ba bộ sử ấy.

Giữa lúc đó thì Giáo sư sử học Phan Huy Lê, sau chuyến đi công tác ở Pháp về, cho chúng tôi biết việc phát hiện ra bản in xưa nhất của bộ Đại Việt sử ký toàn thư, bản Nội các quan bản, và vui lòng cho chúng tôi sử dụng bản sao chụp bản in ấy do Giáo sư đem về nước. Đấy là bản in theo ván khắc năm Chính Hoà thứ 18, tức năm 1697, còn được lưu giữ tại Thư viện của Hội Á Châu ở Paris.

Năm 1985, theo đề nghị của Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, bà C. Rageau, Giám đốc Thư Viện Trường Viễn Đông bác cổ (EFFO), đã đem sang tặng Việt Nam bộ vi phim (microfilm) bản in Nội các quan bản của Đại Việt sử ký toàn thư đang lưu giữ ở Paris và đồng ý cho Việt Nam được toàn quyền sử dụng văn bản này.

Chúng tôi đã báo cáo lên Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam (Viện Khoa học xã hội Việt Nam hiện nay) và đề nghị cho tổ chức nghiên cứu, phiên dịch và xuất bản kịp thời bộ Đại Việt sử ký toàn thư căn cứ trên bản in Nội các quan bản được in từ ván khắc năm Chính Hoà 18 (1697). Sau khi đề nghị trên được chấp nhận, một Hội đồng chỉ đạo đã được thành lập, gồm:

Chủ tịch: Giáo sư Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn

Ủy viên: (1) Giáo sư sử học Phan Huy Lê, (2) Giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản Khoa học xã hội Phạm Hựu

Sau khi ông Phạm Hựu nghỉ hưu, ông Nguyễn Đức Diệu giữ chức Giám đốc kiêm Tổng biên tập Nhà xuất bản Khoa học xãhội đã tham gia Hội đồng chỉ đạo với cương vị ủy viên thay thế ông Phạm Hựu.

Đại Việt sử ký toàn thư là một bộ sử có giá trị về nhiều mặt, là một di sản qúy báu của nền văn hoá dân tộc. Dưới sự chỉ đạo của Hội đồng, chúng tôi thấy có nhiệm vụ phải cố gắng làm sao để cho công trình xuất bản này xứng đáng với vị trí và giá trị của bộ sử. Về mặt phiên dịch, chúng tôi có tham khảo và kế thừa bản dịch cũ, nhưng phải dịch lại trực tiếp từ văn bản mới phát hiện. Chúng tôi cũng mong muốn bản dịch mới tiếp thu những thành tựu mới về ngôn ngữ tiếng Việt và dịch thuật chữ Hán trong thời gian gần đây, vừa tôn trọng ở mức độ cao nhất nội dung và phong cách của bộ sử đã ra đời cách đây gần 300 năm, vừa làm cho bạn đọc dù không biết chữ Hán vẫn hiểu đợc nội dung bộ sử đến mức tốt nhất.

Công trình xuất bản Đại Việt sử ký toàn thư gồm 4 tập:

Tập I gồm Lời Nhà xuất bản Khoa học xãhội, Lời giới thiệu của Giáo sư Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn, bài Khảo cứu về "Đại Việt sử ký toàn thư: tác giả - văn bản - tác phẩm" của Giáo sư Phan Huy Lê và bản dịch phần đầu Đại Việt sử ký toàn thư gồm Quyển thủ, Ngoại kỷ Q. 1 - 5, Bản kỷ Q 1 - 4, do nhà nghiên cứu Hán Nôm Ngô Đức Thọ dịch, chú giải, và Giáo sư Hà Văn Tấn hiệu đính.

Tập II gồm phần dịch và chú giải Bản kỷ Q.5 - 13 do nhà nghiên cứu Hán Nôm Hoàng Văn Lâu dịch, Giáo sư Hà Văn Tấn hiệu đính.

Tập III gồm phần dịch và chú giải Bản kỷ Q.14 - 19 do nhà nghiên cứu Hán Nôm Hoàng Văn Lâu dịch, Giáo sư Hà Văn Tấn hiệu đính và phần Phụ lục với bản dịch Đại Việt sử ký tục biên Q.20 - 21 của Phạm Công Trứ do nhà nghiên cứu Hán Nôm Ngô Thế Long thực hiện và Sách dẫn để tra cứu do Bộ môn phương pháp luận sử học thuộc Khoa sử Trường Đại học tổng hợp Hà Nội thực hiện.

Tập IV in lại bản chụp nguyên văn chữ Hán bản in Nội các quan bản bộ Đại Việt sử ký toàn thư.

Tập I đã xuất bản năm 1983, tập II năm 1985, trong điều kiện ấn loát chưa được tốt lắm. Vì vậy, theo quyết định của Hội đồng chỉ đạo, năm 1992 chúng tôi in lại tập I, tập II có sửa chữa và in tiếp tập III, IV.

Nhà xuất bản Khoa học xã hội xin trân trọng và vui mừng giới thiệu với bạn đọc công trình xuất bản bộ Đại Việt sử ký toàn thư.

Nhân đây, chúng tôi xin chân thành cảm ơn Hội đồng chỉ đạo do Giáo sư Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn làm Chủ tịch, cảm ơn sự tin cậy và cộng tác tích cực của Giáo sư Phan Huy Lê, Giáo sư Hà Văn Tấn, sự làm việc hết lòng của các nhà nghiên cứu Hán Nôm Ngô Đức Thọ, Hoàng Văn Lâu, Ngô Thế Long và các cán bộ biên tập Lê Văn Quýnh, Nguyễn Duy Chiếm.

Cũng nhân dịp bộ Đại Việt sử ký toàn thư ra mắt, chúng tôi xin trân trọng cảm ơn Thư viện Hội Á Châu, Trường Viễn Đông bác cổ, Trường Đại học Paris VII, Hội Khoa học xã hội của người Việt Nam tại Pháp và Giáo sư sử học lão thành Hoàng Xuân Hãn, nhà nghiên cứu Hán Nôm Tạ Trọng Hiệp, các nhà khoa học người Việt Nam tại Pháp ở Paris trước đây đã nhiệt tình giúp đỡ Giáo sư Phan Huy Lê trong việc nghiên cứu và sao chụp bản Đại Việt sử ký toàn thư ở Pháp, nay tiếp tục giúp đỡ chúng tôi trong việc chụp lại và công bố văn bản đó, chúng tôi trân trọng cảm ơn bà Vân Bùi Mộng Hùng, Giám đốc Nhà xuất bản Chân Mây Médiapoly đã hết lòng cộng tác giúp đỡ chúng tôi sao chụp và thu nhỏ, làm chế bản in Nội các quan bản bộ Đại Việt sử ký toàn thư để xuất bản tập IV.

Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, nhà thơ Cù Huy Cận đã quan tâm giúp đỡ chúng tôi và đặc biệt trân trọng cảm ơn ông Tổng Giám đốc UNESCO (Paris) đã tài trợ cho công trình xuất bản bộ Đại Việt sử ký toàn thư này, nhằm bảo vệ và phát huy một di sản quý giá của nền văn hoá truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Tác giả - Văn bản - Tác phẩm[sửa]

  • Quá trình biên soạn và tác giả (GS Phan Huy Lê)

Bộ Đại Việt sử ký toàn thư còn lại đến ngày nay là một bộ Quốc sử lớn, có giá trị, lần đầu tiên được khắc in toàn bộ và công bố vào năm Đinh Sửu, niên hiệu Chính Hoà thứ 18, triều Lê Hy Tông, tức năm 1697. Trong lời tựa của lần xuất bản đó - gọi là Tựa Đại Việt sử ký tục biên - nhóm biên soạn đứng đầu là Tham tụng, Hình bộ thượng thư tri Trung thư giám Lê Hy, cho biết bộ Quốc sử này là kết quả của một quá trình biên soạn, tu bổ qua nhiều đời: "Nước Việt ta, sử ký các đời do các tiên hiền Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên làm ra trước, Ngô Sĩ Liên, Vũ Quỳnh soạn tiếp sau, đến đời Lê Huyền Tông (1663 - 1671) sai bọn tể thần Phạm Công Trứ tham khảo sử cũ như sử ký ngoại kỷ, Bản kỷ toàn thư, Bản kỷ thực lục đều y theo danh lệ của các sử trước, lại tham xét biên soạn từ quốc triều Trang Tông Dụ Hoàng đế (1533 - 1548) "sai bọn khảo thần khảo đính sử cũ, chỗ nào sai thì sửa lại, chỗ nào đúng thì chép lấy Lại sưu tầm sự tích cũ, tham khảo các dã sử, loại biên, [biên sọan] từ Huyền Tông Mục Hoàng Đế năm Đức Nguyên thứ 2 (1675), tất cả sự thực trong 13 năm, cũng gọi là Bản kỷ tục biên. Sách làm xong, dâng lên ngự lãm, bèn sai thợ khắc in, ban bố trong thiên hạ" (Quyển thủ, Đại Việt sử ký tục biên tự, 1b - 3b).

Như vậy, bộ Đại Việt sử ký toàn thư là một công trình tập đại thành nhiều bộ sử do nhiều nhà sử học của các đời biên soạn, từ Lê Văn Hưu đời Trần, qua Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, Vũ Quỳnh đời Lê sơ, đến Phạm Công Trứ, Lê Hy đời Lê Trung hưng, cùng những người cộng sự với họ. Theo bản in từ ván khắc năm Chính Hoà 18 (1697) mang danh hiệu bản in Nội các quan bản - từ đây gọi tắt là bản Chính Hoà - bộ sử này gồm quyển thủ 24 quyển, biên chép một cách hệ thống lịch sử dân tộc từ họ Hồng Bàng đến năm 1675.


Bố cục của bộ sử như sau:

Quyển thủ: gồm các Lời tựa của Lê Hy, Phạm Công Trứ, Ngô Sĩ Liên, Biểu dâng sách của Ngô Sĩ Liên, Phạm lệ, Kỷ niên mục lục và bài Việt giám thông khảo tổng luận của Lê Trung.

Ngoại kỷ: gồm 5 quyển, từ họ Hồng Bàng đến các Sứ quân.

Quyển 1: kỷ họ Hồng Bàng, kỷ họ Thục

Quyển 2: kỷ họ Triệu

Quyển 3: kỷ thuộc Tây Hán, kỷ Trưng Nữ Vương, kỷ thuộc Đông Hán, kỷ Sĩ Vương

Quyển 4: kỷ thuộc Ngô-Tấn-Tống-Tề-Lương, kỷ tiền Lý kỷ Triệu Việt vương, kỷ Hậu lý

Quyển 5: kỷ thuộc Tùy - Đường, ký họ Ngô

Bản kỷ: gồm 19 quyển, từ triều đình đến năm 1675.

Quyển 1: kỷ nhà Đinh, kỷ nhà Lê

Quyển 2: kỷ nhà Lý: Thái Tổ, Thái Tông

Quyển 3: Thánh Tông, Nhân Tông

Quyển 4: Anh Tông, Cao Tông, Huệ Tông, Chiêu Hoàng

Quyền 5: kỷ nhà Trần, Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông

Quyển 6: Anh Tông, Minh Tông

Quyển 7: Hiến Tông, Dụ Tông, Nghệ Tông, Duệ Tông

Quyển 8: Phế Đế, Thuận Tông, Thiếu Đế, Hồ Quý Ly, Hồ Hán Thương

Quyển 9: kỷ Hậu Trần, kỷ thuộc Minh

Quyển 10: kỷ Lê Hoàng Triều: Thái Tổ

Quyển 11: Thái Tông, Nhân Tông

Quyển 12: Thánh Tông (thượng)

Quyển 13: Thánh Tông (hạ)

Quyển 14: Hiến Tông, Túc Tông, Uy Mục

Quyển 15: Tương Dực, Đà Vương, Cung Hoàng, Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Khanh

Quyển 16: Trang Tông, Trung Tông, Anh Tông, Mạc Đăng Doanh đến Mạc Mậu Hợp

Quyển 17: Thế Tông, Mạc Mậu Hợp

Quyển 18: Kính Tông, Chân Tông, Thần Tông

Quyển 19: Huyền Tông, Gia Tông

19 quyển Bản kỷ lại chia làm 3 phần:

Bản kỷ toàn thư: từ quyền 1 đến quyển 10

Bản kỷ thực lục: từ quyển 11 đến quyển 15

Bản kỷ tục biên: từ quyển 16 đến quyển 19

Bộ Đại Việt sử ký toàn thư với bố cục như trên đã được hoàn thành, khắc in và công bố vào năm 1697.

Một vấn đề khoa học được đặt ra là quá trình biên soạn từ Lê Văn Hưu đến Lê Hy diễn ra như thế nào, những ai đã tham gia vào công trình đó, đóng góp của mỗi người (haymỗi nhóm) ra sao và để lại dấu ấn gì trong bộ quốc sử cón lại đến ngày nay?

Muốn giải đáp vấn đề trên, chúng ta hãy lấy bộ Đại Việt sử ký toàn thư đời Chính Hoà làm cơ sở và ngược dòng thời gian, nghiên cứu những bộ sử tiền thân của nó, bắt đầu từ Đại Việt sử ký của Lê Văn Hưu đời Trần.


Các phần của Đại Việt Sử Ký Toàn Thư[sửa]

Đại Việt Sử Ký Ngoại Kỷ Toàn Thư 1: Hồng Bàng, An Dương Vương

Đại Việt Sử Ký Ngoại Kỷ Toàn Thư 2: Kỷ Nhà Triệu (207 - 110 TCN)

Đại Việt Sử Ký Ngoại Kỷ Toàn Thư 3: Kỷ Thuộc Hán (110 TCN - 226)

Đại Việt Sử Ký Ngoại Kỷ Toàn Thư 4: Thuộc Tấn - Tống - Tề - Lương. Lý Nam Đế (227 - 602)

Đại Việt Sử Ký Ngoại Kỷ Toàn Thư 5: Thuộc Tuỳ - Đường. Nhà Ngô (603 - 967)

Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư 1: Nhà Đinh. Nhà Tiền Lê (968 - 1009)

Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư 2: Nhà Lý (1009 - 1054)

Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư 3: Nhà Lý (1054 - 1138)

Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư 4: Nhà Lý (1138 - 1225)

Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư 5: Nhà Trần 1255 - 1293, Phần 1

Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư 5: Nhà Trần 1255 - 1293, Phần 2

Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư 6: Nhà Trần (1294 - 1329)

Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư 7: Nhà Trần (1330 - 1377)

Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư 8: Nhà Trần. Nhà Hồ (1378 - 1406)

Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư 9: Nhà Hậu Trần (1407 - 1417)

Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư 10: Khởi nghĩa Lam Sơn. Nhà Hậu Lê (1418 - 1433) Phần 1

Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư 10: Khởi nghĩa Lam Sơn. Nhà Hậu Lê (1418 - 1433) Phần 2

Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư 11: Nhà Hậu Lê (1433 - 1459) Phần 1

Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Toàn Thư 11: Nhà Hậu Lê (1433 - 1459) Phần 2

Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Thực Lục 12: Nhà Hậu Lê (1460 - 1472) Phần 1

Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Thực Lục 12: Nhà Hậu Lê (1460 - 1472) Phần 2

Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Thực Lục 13: Nhà Hậu Lê (1473 - 1497) Phần 1

Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Thực Lục 13: Nhà Hậu Lê (1473 - 1497) Phần 2

Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Thực Lục 14: Nhà Hậu Lê (1497 - 1509)

Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Thực Lục 15: Nhà Hậu Lê. Nhà Mạc (1509 - 1532) Phần 1

Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Thực Lục 15: Nhà Hậu Lê. Nhà Mạc (1509 - 1532) Phần 2

Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Thực Lục 16: Nhà Hậu Lê. Nhà Mạc (1533 - 1572)

Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Tục Biên 17: Nhà Hậu Lê. Nhà Mạc (1573 - 1599) Phần 1

Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Tục Biên 17: Nhà Hậu Lê. Nhà Mạc (1573 - 1599) Phần 2

Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Tục Biên 18: Vua Lê chúa Trịnh (1600 - 1662)

Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Tục Biên 19: Vua Lê chúa Trịnh (1663 - 1675)

Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Tục Biên 20: Vua Lê chúa Trịnh (1600 - 1619)

Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Tục Biên 21: Vua Lê chúa Trịnh (1620 - 1643)

Đại Việt Sử Ký Bản Kỷ Tục Biên 22: (1655 - 1656)

Liên kết ngoài[sửa]

Liên kết đến đây

Xem thêm liên kết đến trang này.
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này