Điều trị nấm móng chân

Từ VLOS
(đổi hướng từ Điều trị Nấm móng chân)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Nấm móng, hay Onychomycosis, là bệnh về da phổ biến mà nấm gây nhiễm trùng một phần của móng, bao gồm giường móng, mầm móng hoặc đĩa móng.[1] Nấm móng có thể dẫn đến vấn đề về thẩm mỹ, gây đau, khó chịu và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Nếu nhiễm trùng nghiêm trọng, nấm móng có thể gây thương tổn vĩnh viễn cho móng hoặc lan ra khỏi móng.[2] Nếu bị nấm móng chân, bạn có thể làm theo hướng dẫn đơn giản dưới đây để điều trị nấm và trả lại vẻ khỏe mạnh ban đầu cho móng.

Các bước[sửa]

Treating Toenail Fungus Medically[sửa]

  1. Nhận biết dấu hiệu. Bạn cần biết nấm móng chân có dấu hiệu như thế nào trước khi muốn điều trị. Nấm móng không có triệu chứng nhất định. Dấu hiệu phổ biến nhất đó là cảm giác đau ở móng. Dấu hiệu của nhiễm trùng nấm gồm có sự thay đổi trong móng, ví dụ như thay đổi màu sắc. Móng sẽ có những vệt màu vàng hoặc trắng ở hai bên, thường là do sự tích tụ của bụi ở dưới hoặc quanh móng, mép ngoài của móng trở nên dày và nhọn, móng nhô cao hoặc lỏng ra và móng dễ gãy.[3]
    • Nấm móng thường được điều trị vì lý do thẩm mỹ. Tuy nhiên, nấm móng có thể trở nên nghiêm trọng và cần được điều trị. Ví dụ, nếu nhiễm trùng nghiêm trọng, nấm móng có thể gây thương tổn vĩnh viễn cho móng. Nhiễm trùng có thể lan ra ngoài móng, đặc biệt là nếu bạn thuộc nhóm nguy cơ cao, ví dụ như người bị tiểu đường hoặc suy giảm hệ miễn dịch. Nếu nấm móng chân không được điều trị, người thuộc nhóm nguy cơ cao có thể bị viêm tế bào, một dạng nhiễm trùng mô da.[4]
    • Nấm móng chân thường là do nấm gây ra, ví dụ như nấm Trichophyton Rubrum. Ngoài ra, nấm có thể là do nấm mốc và nấm men không thuộc nấm da (non-dermatophyte) gây ra, phổ biến nhất là loại nấm Candida.[1]
  2. Không dùng thuốc không kê đơn. Tình trạng nấm móng khó điều trị và nhiễm trùng tái phát là rất phổ biến. Trái với suy nghĩ thông thường, kem kháng nấm không kê đơn thường được dùng để chữa nấm da chân và không giúp chữa nấm móng hiệu quả. Nguyên nhân là vì loại kem này không thể thấm vào móng. [5]
  3. Dùng thuốc đường uống. Cách hiệu quả nhất để loại bỏ nấm móng là điều trị từ bên trong bằng thuốc kháng nấm kê đơn qua đường uống. Điều trị bằng thuốc uống có thể mất 2-3 tháng hoặc lâu hơn. Thuốc kháng nấm kê đơn qua đường uống gồm có Lamisil, thường được kê đơn với liều 250 mg mỗi ngày trong vòng 12 tuần. Tác dụng phụ của thuốc bao gồm phát ban, tiêu chảy hoặc thay đổi về men gan. Người có vấn đề về gan hoặc thận không nên dùng thuốc này.
    • Bạn có thể thử dùng thuốc Itraconazole (Sporanox), thường được kê đơn với liều 200 mg mỗi ngày trong vòng 12 tuần. Tác dụng phụ gồm có buồn nôn, phát ban hoặc thay đổi về men gan. Người có vấn đề về gan không nên dùng thuốc này. Ngoài ra, Sporanox cũng có thể tương tác với hơn 170 loại thuốc khác như Vicodin và Prograf. Vì vậy, bạn nên trao đổi với bác sĩ để đảm bảo thuốc chữa bệnh không tương tác với Sporanox.[6]
    • Trước khi nhận toa thuốc, bạn nên cung cấp thông tin cho bác sĩ nếu bạn bị bệnh gan, có tiền sử bị trầm cảm, hệ miễn dịch yếu hoặc rối loạn chức năng tự miễn dịch. Các thuốc trên có thể gây nhiễm độc gan.
  4. Thử dùng thuốc kháng nấm kê đơn dạng thoa tại chỗ. Thuốc thoa tại chỗ không được khuyến khích dùng riêng và thường được dùng với thuốc đường uống để giảm thời gian điều trị. Ngoài ra, thuốc thoa tại chỗ sẽ là một lựa chọn tốt nếu bạn không thực sự tin tưởng liệu pháp đường uống hoặc chưa muốn bắt đầu điều trị bằng thuốc đường uống trong thời gian dài.
    • Bạn có thể dùng thuốc Ciclopirox, dạng dung dịch 8% có thể dùng thoa hàng ngày trong vòng 48 tuần. [7]
    • Có thể thử dùng thuốc Jublia - loại thuốc mới nhất để điều trị nấm móng, dung dịch 105 có thể thoa hàng ngày trong vòng 48 tuần.
    • Thuốc kê đơn dạng thoa tại chỗ có thể hiệu quả nếu nhiễm trùng không lan đến mầm móng, lớp tế bào ở dưới móng. Có thể hỏi bác sĩ để biết được liệu nhiễm trùng đã lan đến mầm móng chưa.
  5. Trao đổi với bác sĩ về phương pháp phẫu thuật. Nếu bị nấm móng chân nghiêm trọng, bạn cần điều trị bằng cách phẫu thuật. Phương pháp phẫu thuật gồm có loại bỏ một phần móng hoặc loại bỏ hoàn toàn móng. Sau khi móng bị nhiễm trùng được phẫu thuật loại bỏ, bạn có thể thoa kem kháng nấm để ngăn tái nhiễm trùng ở móng mới.
    • Phẫu thuật loại bỏ hoàn toàn móng thường không cần thiết.[8]
  6. Cân nhắc phép điều trị không dùng thuốc, không phẫu thuật. Những phương pháp này không yêu cầu bạn phải uống thuốc hoặc tiếp nhận phẫu thuật. Ví dụ như phương pháp mở ổ móng, tức loại bỏ mô chết hoặc nhiễm trùng và cắt ngắn móng. Lựa chọn này được dùng cho trường hợp nhiễm trùng nghiêm trọng hoặc nhiễm trùng khiến móng phát triển bất thường.
    • Thông thường, bác sĩ sẽ thoa thuốc mỡ Ure lên móng và băng móng lại. Cách này giúp làm mềm móng trong vòng 7-10 ngày và sau đó, bác sĩ có thể dễ dàng loại bỏ phần móng bị nấm. Đây là quy trình không gây đau đớn.[9]
  7. Thử điều trị bằng laze. Phương pháp điều trị bằng laze cũng có sẵn nhưng rất tốn kém. Phép điều trị này dùng tia tập trung cao để tiêu diệt nấm ở vị trị nhiễm nấm. Có thể phải điều trị bằng laze nhiều lần để loại bỏ hoàn toàn nấm, đồng nghĩa với việc bạn phải chi trả thêm tiền cho mỗi lần điều trị. [8]
    • Phép điều trị này vẫn đang được thử nghiệm. Điều trị bằng laze không được khuyến cáo sử dụng thường xuyên cho đến khi các nghiên cứu thêm được tiến hành.

Sử dụng Phép điều trị Thay thế[sửa]

  1. Thoa dầu Vick’s VapoRub. Bạn có thể dùng dầu thoa không kê đơn của hãng Vick’s để điều trị nấm. Nghiên cứu cho thấy thoa dầu VapoRub hàng ngày trong vòng 48 tuần cũng có hiệu quả tương tự như các thuốc thoa tại chỗ như Ciclopirox 8% trong việc điều trị nấm móng.[10] Để điều trị nấm móng bằng dầu Vick's VapoRub, đầu tiên, bạn phải giữ cho móng thật sạch và khô ráo. Sau đó, dùng ngón tay hoặc tăm bông để thoa một lượng nhỏ dầu VapoRub lên vùng bị nấm, tốt nhất nên thoa vào buổi tối. Áp dụng phép điều trị trong 48 tuần.
    • Nấm móng có thể biến mất trước 48 tuần nhưng bạn vẫn nên tiếp tục thoa thêm vài tuần nữa để đảm bảo nấm móng được chữa khỏi hoàn toàn.
  2. Sử dụng dầu cây trà. Dầu cây trà là chất kháng nấm tự nhiên. Một nghiên cứu cho thấy dầu cây trà rất hiệu quả trong việc điều trị nấm móng. 18% bệnh nhân dùng dầu cây trà 2 lần mỗi ngày trong vòng 24 tuần đã chữa khỏi được nấm móng.[11] Để điều trị nấm móng bằng dầu cây trà, bạn nên dùng dung dịch 100% vì dầu có độ đậm đặc thấp vẫn chưa được chứng minh là hiệu quả trong điều trị nấm móng.[12]
    • Móng phải sạch và khô ráo khi thoa dầu lên. Dùng tăm bông thoa một lượng nhỏ dung dịch dầu cây trà lên vùng nhiễm nấm 2 lần mỗi ngày trong vòng 6 tháng.
  3. Thử dùng chiết xuất lá Snakeroot. Trong một nghiên cứu đối với 110 bệnh nhân, các chuyên gia nhận thấy chiết xuất Snakeroot có hiệu quả tương tự như thuốc thoa tại chỗ. Bạn có thể thoa chiết xuất Snakeroot lên vùng nhiễm nấm 3 ngày 1 lần trong vòng 4 tuần, 2 lần một tuần trong 4 tuần tiếp theo và 1 lần mỗi tuần trong 4 tuần kế tiếp.
    • Ở một số quốc gia như Mỹ, chiết xuất lá Snakeroot thường không có sẵn. Đây là nguyên liệu truyền thống của Mexico và chủ yếu có ở quốc gia này.[13][14]
  4. Ngăn ngừa nấm móng tái phát. Có nhiều tình huống khiến bạn có nguy cơ cao bị nhiễm nấm móng. Người lớn tuổi, người bị tiểu đường, người có hệ miễn dịch yếu hoặc tuần hoàn kém sẽ có nguy cơ cao hơn. Nếu thuộc vào nhóm này, bạn cần cẩn thận hơn để ngăn ngừa nấm móng. Biện pháp phòng ngừa gồm có mang giày hoặc dép xăng-đan khi đến nơi công cộng có điều kiện ẩm ướt như hồ bơi hoặc phòng tập thể hình, cắt ngắn và giữ cho móng chân thật sạch, luôn giữ cho đôi chân được khô ráo và lau khô chân sau khi tắm.
    • Nên mang vớ (tất) sạch và có khả năng thấm. Vớ từ chất liệu len, ni-lông và polypropylene sẽ giúp giữ cho chân luôn khô ráo. Ngoài ra, bạn nên thay vớ thường xuyên.
    • Vứt bỏ giày dép cũ sau khi đã chữa khỏi nấm móng. Giày dép cũ có thể còn mang nấm. Ngoài ra, bạn nên mang giày hở ngón để giảm độ ẩm.
    • Không dùng chung bấm móng tay hoặc dụng cụ làm móng. Lựa chọn tiệm làm móng một cách thận trọng.
    • Sử dụng bột hoặc dung dịch xịt kháng nấm để giảm nguy cơ nhiễm nấm.
    • Tránh sơn móng hoặc sử dụng sản phẩm nhân tạo trên móng. Thói quen sơn móng có thể giữ ẩm và tạo môi trường ẩm ướt cho nấm phát triển.[15]

Lời khuyên[sửa]

  • Không mang chung giày dép với người khác khi bị nấm móng. Bạn có thể vô tình để lại bào tử nấm trong giày của người khác và gây lây nhiễm nấm.
  • Đi khám bác sĩ ngay nếu nhiễm trùng nấm không khỏi hoặc vị trí nhiễm trùng trở nên đau đớn, đỏ hoặc có mủ bên trong.
  • Nói chuyên với bác sĩ để được giúp đỡ hoặc tìm kiếm phương pháp điều trị tự nhiên tại nhà.
  • Liệu pháp tự nhiên không phải lúc nào cũng có tác dụng. Nếu tình trạng nấm móng không cải thiện sau khoảng 1 tuần, bạn nên đi khám bác sĩ để được tư vấn những phép điều trị khác.
  • Nếu có vấn đề về sức khỏe như tiểu đường, bệnh nấm móng có thể gây biến chứng nghiêm trọng hơn như viêm tế bào, một dạng nhiễm khuẩn trên da.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây