Điều trị và phòng ngừa viêm gan A

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Viêm gan A là bệnh viêm gan do vi rút Hepatitis A gây ra. Bệnh chủ yếu lây truyền do nuốt phải thức ăn hoặc nước uống nhiễm phân của người bị viêm gan A. Đường lây truyền viêm gan A được gọi là đường phân-miệng. Đáng tiếc là đến nay vẫn chưa có phương pháp chữa khỏi viêm gan A. Mặc dù vậy, việc nghỉ ngơi đầy đủ, áp dụng chế độ ăn lành mạnh và tiếp nhận chăm sóc y tế có thể giúp kiểm soát triệu chứng bệnh. Viêm gan A ít đe dọa đến tính mạng và người bệnh thường phục hồi hoàn toàn trong vòng vài tháng.

Các bước[sửa]

Nhận biết và Chẩn đoán Viêm gan A[sửa]

  1. Nhận biết triệu chứng. Viêm gan A có nhiều triệu chứng và thường xuất hiện giữa tuần thứ 2 đến tuần thứ 6 từ khi nhiễm bệnh. Một số triệu chứng là triệu chứng phổ biến, ví dụ như sốt, trong khi đó, các triệu chứng khác, ví dụ như vàng da vàng mắt, là dấu hiệu riêng của bệnh viêm gan. Cần lưu ý rằng không phải tất cả bệnh nhân viêm gan A đều có triệu chứng bệnh. Viêm gan A có xuất hiện triệu chứng thường phổ biến ở trẻ nhỏ nhiều hơn người lớn. Khi không có triệu chứng, viêm gan A thường có các dấu hiệu sau: [1][2]
    • Đột ngột khởi phát cơn sốt
    • Ăn mất ngon
    • Mệt mỏi hoặc thiếu năng lượng
    • Buồn nôn hoặc nôn mửa.
    • Đau bụng. Vì vi rút Hepatitis tấn công gan nên cơn đau thường tập trung ở gan, tức phần bụng phải dưới xương sườn.
    • Nước tiểu sẫm màu
    • Phân nhạt màu hoặc có màu đất sét
    • Đau khớp
    • Vàng da vàng mắt. Tức tình trạng da và mắt chuyển màu vàng. Đây được xem là triệu chứng riêng của bệnh gan, mặc dù không xuất hiện ở tất cả người bệnh.
  2. Xác định xem bản thân có nguy cơ mắc viêm gan A không. Giống như hầu hết các bệnh khác, viêm gan A có thể lây nhiễm cho bất cứ ai. Tuy nhiên, một số người sẽ có nguy cơ nhiễm vi rút viêm gan A cao hơn. Những hoạt động sau được xem là yếu tố nguy cơ làm lây nhiễm viêm gan A. [2][1]
    • Du lịch quốc tế. Ngoài nước Mỹ, Canada, Tây Âu, Nhật Bản, Úc và New Zealand, viêm gan A là bệnh khá phổ biến ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Đi ra nước ngoài, đặc biệt là đến các quốc gia đang phát triển thiếu cơ sở hạ tầng vệ sinh, sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm viêm gan A.
    • Quan hệ tình dục với người nhiễm vi rút. Trong khi quan hệ, bạn có thể tiếp xúc với các hạt vi rút viêm gan A. Quan hệ tình dục với người bị viêm gan A có thể làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh.
    • Nam giới quan hệ tình dục với nhau. Viêm gan A lây truyền qua đường phân-miệng nên quan hệ tình dục nam-nam sẽ khiến đối tượng có nguy cơ lây nhiễm vi rút.
    • Tiêm chích ma túy. Việc dùng ma túy truyền qua tĩnh mạch hoặc không truyền qua tĩnh mạch đều khiến đối tượng có nguy cơ cao bị viêm gan A, đặc biệt là nếu dùng chung bơm kim tiêm.
    • Sống với người bị viêm gan A. Tiếp xúc trong gia đình có thể làm lây vi rút viêm gan A. Nếu người bị bệnh không tập thói quen vệ sinh đúng cách như rửa tay sau khi dùng nhà vệ sinh, họ sẽ lây nhiễm vi rút cho các thành viên khác trong gia đình.
  3. Đi khám bác sĩ để được xét nghiệm. Nếu gặp các triệu chứng nêu trên, bạn nên đi khám bác sĩ để được đánh giá. Bác sĩ sẽ trực tiếp kiểm tra triệu chứng. Nếu nghi ngờ bạn nhiễm vi rút viêm gan A, bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm máu để xác nhận. Kết quả xét nghiệm dương tính tức bạn đã bị nhiễm vi rút. Trong trường hợp đó, bạn không nên hoảng sợ. Mặc dù bạn sẽ thấy rất mệt mỏi trong một thời gian nhưng bệnh viêm gan A hiếm khi gây tử vong và triệu chứng bệnh thường biến mất trong vòng 2 tháng. Sau đó, bạn sẽ được miễn dịch với vi rút cả đời. Trong thời gian đó, bạn sẽ phải điều trị bệnh đúng cách. [3]

Điều trị Viêm gan A[sửa]

  1. Nghỉ ngơi nhiều. Viêm gan A sẽ hút hết năng lượng của bạn qua triệu chứng sốt, nôn mửa và tiêu chảy. Để tránh tình trạng mệt mỏi, bạn phải nạp lại năng lượng để đủ khỏe và chống lại vi rút.[4]
    • Tránh các hoạt động quá sức như tập thể dục cường độ mạnh. Bạn có thể tham gia các hoạt động nhẹ như đi bộ nếu cảm thấy đủ khỏe. Tuy nhiên, luôn phải trao đổi với bác sĩ trước khi muốn tham gia bất kỳ hoạt động nào.
    • Nếu có thể, hãy nghỉ học hoặc nghỉ làm một thời gian. Việc này sẽ giúp bạn vừa tiết kiệm được năng lượng, vừa tránh nguy cơ lây bệnh cho người khác.
  2. Uống Ibuprofen. Ibuprofen là thuốc kháng viêm giúp điều trị cơn đau và sưng do viêm gan A. Thuốc Ibuprofen gồm có các thuốc như Motrin và Advil. Ibuprofen là thuốc giảm đau thường được dùng cho người bị viêm gan vì ít gây tổn hại cho gan. Ngược lại, bạn không nên dùng Acetaminophen và Aspirin vì các thuốc này có hại cho gan và có thể gây tổn thương gan.[5]
  3. Tập thói quen vệ sinh đúng cách. Mặc dù rất mệt mỏi nhưng bạn vẫn nên cố gắng vệ sinh đúng cách. Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là sau khi dùng nhà vệ sinh và không dùng chung cốc hoặc đồ dùng ăn uống với mọi người. Cách này giúp ngăn lây bệnh cho các thành viên trong gia đình, bạn cùng phòng hoặc bất kỳ ai sống cùng bạn.
  4. Uống nhiều nước. Cơ thể cần bù lại lượng nước mất đi do nôn mửa và tiêu chảy. Nước lọc là lựa chọn tốt nhất, nhưng nếu khó ăn hoặc nuốt thức ăn, có thể bạn sẽ cần chọn loại nước chứa thêm dưỡng chất để tránh suy dinh dưỡng. Những loại nước mà bạn có thể lựa chọn gồm có nước uống thể thao Gatorade, sữa, nước ép hoa quả và thức uống bổ sung dinh dưỡng như Ensure. [6]
    • Tránh uống thức uống có cồn trong quá trình hồi phục. Đồ uống có cồn khiến gan phải hoạt động quá sức, gây tổn thương gan nghiêm trọng hoặc vĩnh viễn trong khi bạn đang hồi phục sau viêm gan A.[7]
  5. Ăn 4-6 bữa ăn nhỏ mỗi ngày. Ăn 3 bữa lớn có thể khiến bạn buồn nôn hoặc khó chịu. Vì vậy, nên chia nhỏ thời gian biểu cho bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ. Cách này giúp ngăn cảm giác buồn nôn và giúp cơ thể xử lý thức ăn hiệu quả hơn.[6]
  6. Tăng cường bổ sung protein vào bữa ăn. Protein giúp cơ thể phục hồi thương tổn nên rất cần thiết để giúp gan lành lại. Nên bổ sung 60-120 g protein mỗi ngày. Ngoài ra, nên bổ sung protein từ nguồn thực vật như đậu, đậu gà, đậu phụ, hạt diêm mạch, các loại hạt và chế phẩm từ đậu nành. So với thịt, những thực phẩm này sẽ được cơ thể trong quá trình lành bệnh xử lý tốt hơn.[8][6]
  7. Chọn thực phẩm giàu calo. Bạn sẽ nôn mửa, tiêu chảy và ăn mất ngon trong thời gian bệnh nên việc ăn thức ăn nhiều calo sẽ giúp tăng mức năng lượng. Bạn có thể tăng mức calo bằng cách bổ sung một số nguyên liệu vào bữa ăn hoặc ăn nhẹ suốt cả ngày.[9]
    • Uống sữa tươi nguyên kem thay vì sữa tách béo
    • Ăn hoa quả được đóng hộp cùng sirô để bổ sung đường
    • Cho bơ vào thức ăn để bổ sung chất béo và dầu
    • Ăn nhẹ bằng rau củ chấm nước sốt salad, các loại hạt và chế phẩm từ sữa động vật. Những thực phẩm này rất giàu chất béo và calo.
    • Ăn bánh mì, bánh mì Bagel, mì ống và thực phẩm giàu cacbon-hydrat.
    • Không ăn kiêng và tránh thức ăn không chứa chất béo. Ăn kiêng và thực phẩm không béo có hàm lượng calo thấp nên sẽ không giúp tăng năng lượng.
  8. Cân trọng lượng cơ thể ít nhất 1 lần mỗi tuần. Cơ thể sẽ mất đi dưỡng chất do nôn mửa và tiêu chảy nên bạn cần phải đảm bảo rằng mình đang ăn đủ để duy trì cân nặng. Cân nặng không thay đổi cho thấy chế độ ăn của bạn có hiệu quả. Mặt khác, nếu bị sụt cân, bạn cần tăng dung nạp calo. Nếu không dung nạp đủ calo để duy trì cân nặng, bạn có thể sẽ phải nhập viện do biến chứng của viêm gan A.[6]
    • Nên cho bác sĩ biết nếu bạn bị sụt cân. Bác sĩ có thể tiến hành kiểm tra để đảm bảo rằng bạn không gặp phải vấn đề gì khác trong quá trình phục hồi.
  9. Cảnh giác với dấu hiệu của biến chứng bệnh. Mặc dù rất hiếm nhưng bạn có thể gặp biến chứng nghiêm trọng của viêm gan A. Nếu gặp biến chứng, bạn có thể phải nhập viện và thậm chí có thể bị đe dọa đến tính mạng. Theo dõi sát sao tình trạng bệnh và đi khám bác sĩ ngay nếu gặp triệu chứng của các bệnh sau:[10]
    • Ứ mật. Đây là tình trạng mật tích tụ trong gan. Mặc dù không phải là bệnh nguy cấp nhưng bạn vẫn cần thông báo để bác sĩ có thể đưa ra phương án điều trị tốt nhất. Triệu chứng ứ mật gồm có sốt liên tục, vàng da vàng mắt, tiêu chảy và sụt cân.
    • Suy gan. Mặc dù hiếm nhưng suy gan là biến chứng rất nghiêm trọng có thể khiến gan ngừng hoạt động và có thể gây chết người nếu không được điều trị. Ngoài các triệu chứng viêm gan bình thường, dấu hiệu cuả suy gan gồm có chảy máu mũi, dễ bị bầm tím, rụng tóc, sốt cao, rét run, phù (tích tụ dịch trong chân, mắt cá chân và bàn chân), cổ trướng (tích tụ dịch trong bụng dẫn đến tình trạng phình rõ rệt) và buồn ngủ/lú lẫn. Đi khám bác sĩ ngay nếu gặp các triệu chứng trên.
  10. Giữ liên lạc với bác sĩ trong suốt quá trình phục hồi. Bạn nên đi khám bác sĩ đều đặn để được theo dõi và kiểm tra chức năng gan. Nên đặt lịch hẹn với bác sĩ và cung cấp thông tin về tình trạng bệnh để được hỗ trợ phục hồi một cách tốt nhất. [11]

Phòng ngừa Viêm gan A[sửa]

  1. Tiêm vắc-xin. May mắn là có vắc-xin giúp phòng ngừa viêm gan A hiệu quả đến 99 – 100%. Nếu chưa tiêm vắc-xin, bạn nên tham khảo ý kiến chuyên gia chăm sóc sức khỏe để được tiêm. Ngoài ra, nên hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn thuộc nhóm nguy cơ (như đã nêu ở phần 1) vì có thể bác sĩ sẽ chỉ định tiêm liều bổ sung (trợ kháng).[2][1]
  2. Rửa tay thường xuyên. Đây là cách hiệu quả nhất để tránh lây nhiễm bệnh và viêm gan A cũng không ngoại lệ. Viêm gan A lây qua đường phân nên bạn hãy rửa tay thật sạch sau khi đi vệ sinh. Nên tuân thủ hướng dẫn rửa tay đúng cách dưới đây:[12]
    • Làm ướt tay dưới vòi nước sạch đang chảy.
    • Thoa xà phòng và xoa hai tay với nhau. Nhớ xoa toàn bộ bàn tay, bao gồm mu bàn tay, giữa các ngón tay và móng tay.
    • Xoa tay khoảng 20 giây. Bạn có thể ngân nga một bài hát dài 20 giây để canh thời gian chuẩn xác.
    • Rửa tay dưới vòi nước sạch đang chảy. Nên nhớ không được dùng tay chạm vào vòi nước khi tắt nước. Có thể dùng cẳng tay hoặc khuỷu tay để tắt vòi.
    • Dùng khăn khô, sạch để lau tay hoặc để khô tự nhiên.
    • Nếu không có nước và xà phòng, bạn có thể dùng nước rửa tay có độ cồn ít nhất 60%. Thoa lượng nước rửa tay như được hướng dẫn trên nhãn sản phẩm lên tay và xoa đến khi khô nước.
  3. Rửa sạch rau củ quả. Thực phẩm muốn dùng ăn sống cần phải được rửa kỹ. Ăn phải thực phẩm đã qua tay người bị viêm gan A hoặc tiếp xúc với chất thải của người có thể khiến bạn bị nhiễm vi rút. Vì vậy, bạn nên rửa sạch thực phẩm trước khi ăn để tránh nguy cơ nhiễm bệnh. [13]
    • Rửa sạch rau củ quả dưới vòi nước chảy. Không dùng xà phòng.
    • Dùng bàn chải sạch để chà rửa nếu rau củ có lớp vỏ dày hoặc cứng, ví dụ như dưa hấu.
    • Dùng khăn giấy hoặc khăn sạch lau khô thực phẩm.
    • Tránh ăn thực phẩm hoặc uống nước vùng đang có dịch hoặc nên cần trọng để đảm bảo bạn không ăn phải thức ăn/nước uống bị nhiễm vi rút.
  4. Chế biến thức ăn ở nhiệt độ thích hợp. Cũng giống như nông sản, thịt có thể bị nhiễm vi rút viêm gan A nếu qua tay người bị bệnh. Để phòng ngừa lây nhiễm, bạn nên tuân thủ hướng dẫn về cách chế biến thịt. Thông thường, thịt phải được làm nóng đến ít nhất 63-71 độ C để tiêu diệt tác nhân gây bệnh. Bạn có thể tìm đọc các bài viết khác để biết nhiệt độ thích hợp khi chế biến các loại thịt khác nhau.

Cảnh báo[sửa]

  • Tuân thủ lời khuyên của bác sĩ. Thông tin trong bài viết này có thể dùng làm hướng dẫn nhưng không được dùng để thay thế cho lời tư vấn của bác sĩ.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây