Ấp trứng gà

Từ VLOS
(đổi hướng từ Ấp Trứng gà)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Ấp trứng gà là một trải nghiệm cực kỳ đáng làm, việc này yêu cầu phải có kế hoạch tốt, sự tận tụy, linh hoạt và kỹ năng quan sát. Trứng gà có thời gian ấp khoảng 21 ngày và có thể được ấp bằng cách dùng lò ấp gia cầm chuyên dụng trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm được theo dõi cẩn thận, hoặc để gà mái ấp trứng. Hãy đọc hướng dẫn dưới đây để biết cách ấp trứng gà bằng cả hai phương pháp.

Các bước[sửa]

Chọn Trứng gà và Phương pháp Ấp[sửa]

  1. Tìm nơi có trứng gà giống. Trứng gà giống phải được lấy từ các trại giống hoặc trang trại gia cầm, phải có gà trống trong đàn gà để đảm bảo trứng có thể nở thành gà con nếu như bạn không nuôi gà đẻ trứng. Bạn có thể mua trứng giống từ những người nuôi gà ở trang trại của họ. Hãy chắc chắn là bạn đã hẹn trước với người bán trứng có uy tín để có được đúng giống gà và số lượng trứng bạn cần. Hội khuyến nông ở khu vực bạn ở hoặc các chuyên gia khuyến nông có thể cho bạn gợi ý về các nguồn cung cấp trứng.[1]
    • Trứng gà mà bạn thấy ở cửa hàng tạp hóa không phải là trứng gà giống và không thể ấp thành gà con.
    • Để phòng bệnh và vì các lí do sức khỏe, tốt nhất bạn nên mua trứng từ một nguồn duy nhất.
    • Nếu bạn muốn tìm giống gà quý hoặc đặc biệt, có thể bạn sẽ phải tìm đến một trại giống chuyên biệt.
  2. Thận trọng với quá trình giao nhận trứng gà. Bạn nên cẩn thận nếu như mua trứng trên mạng và để họ giao trứng đến nhà, đặc biệt nếu như đây là lần đầu bạn tiến hành ấp trứng gà. Trứng gà được vận chuyển từ xa sẽ khó nở hơn so với trứng của đàn gà bạn nuôi hoặc mua ở địa phương.
    • Trung bình, trứng không bị vận chuyển xa sẽ có khoảng 80% cơ hội nở, trong khi đó cơ hội nở của trứng được giao từ xa chỉ khoảng 50%.[1]
    • Tuy vậy, nếu như trứng gà bị va đập hoặc lắc mạnh trong quá trình giao hàng thì có thể tất cả sẽ không nở được ngay cả khi bạn làm đúng mọi quy trình cần thiết.
  3. Chọn trứng một cách thông minh. Nếu như bạn có thể tự chọn trứng để ấp, có rất nhiều thứ bạn nên biết. Bạn nên lấy trứng từ những con gà mái được chăm sóc tốt, khỏe mạnh và đã đẻ được vài lứa; chúng dễ kết hợp với gà trống và cho ra những quả trứng có tỉ lệ nở thành con cao (khoảng ba quả). Gà mái đẻ cũng cần được ăn một chế độ ăn phù hợp cho quá trình đẻ trứng.
    • Loại bỏ trứng quá lớn hoặc quá nhỏ, hoặc có hình dạng khác thường. Trứng lớn khó nở con hơn và trứng nhỏ thì cho ra gà con quá bé.
    • Loại bỏ trứng có vỏ mỏng hoặc bị nứt. Những quả trứng như vậy khó có thể cung cấp độ ẩm cần thiết cho quá trình phát triển bình thường của gà con. Vỏ trứng mỏng hoặc bị nứt cũng dễ khiến cho vi khuẩn hoặc mầm bệnh xâm nhập vào trong.
  4. Bạn cần hiểu rằng bạn sẽ ấp ra cả những con gà trống. Một điều quan trọng bạn cần nhớ là trứng gà sẽ nở ra với tỉ lệ 50:50 gà trống và gà mái. Nếu bạn sống trong thành phố, những con gà trống có thể là một vấn đề và nuôi chúng có thể trái với quy định của khu phố (vì chúng hay gáy)! Nếu bạn không thể nuôi được gà trống, hãy sẵn sàng tìm một nơi ở khác cho chúng. Kể cả nếu bạn giữ nuôi chúng, bạn sẽ phải cân nhắc việc sắp xếp chỗ ở cho chúng để tránh lũ gà trống quá ham đạp mái đến mức làm gà mái bị thương.[1]
    • Bạn cần hiểu rằng không có cách thông thường nào để biết một quả trứng là gà trống hay gà mái cho tới khi nó nở ra gà con. Mặc dù tỉ lệ gà trống và gà mái thường là 50:50, bạn cũng có thể không may ấp ra 7 con gà trống trong số 8 quả trứng, mà như vậy thì sẽ khó có thể có một đàn gà đẹp.[1]
    • Nếu bạn có ý định nuôi toàn bộ gà trống, có một số việc bạn cần cân nhắc, ví dụ như bạn cần phải đảm bảo là có đủ không gian chuồng nuôi để gà mái không bị những con gà trống ham đạp mái làm bị thương. Những con gà mái bị như vậy có thể bị dứt hết lông đầu và lưng, mào bị thương, hoặc tệ hơn, có thể bị cựa gà trống đâm thủng người. Ngoài ra, nếu có nhiều gà trống thì chúng sẽ đánh nhau để giành gà mái.
    • Thông thường nên giữ tỉ lệ một con gà trống cho khoảng 10 con gà mái. Đây cũng là một tỉ lệ tốt nếu như bạn muốn đàn gà của mình đẻ trứng giống.
  5. Quyết định dùng lò ấp trứng hoặc gà mái ấp. Bạn có hai lựa chọn khi bạn muốn ấp trứng gà: dùng lò ấp trứng hoặc để gà mái ấp. Cả hai đều có những ưu điểm và khuyết điểm mà bạn cần cân nhắc trước khi tiến hành.[1]
    • Lò ấp trứng là lồng được kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm và thông gió đầy đủ. Với lò ấp trứng, bạn là người duy nhất chịu trách nhiệm với những quả trứng. Bạn có trách nhiệm chuẩn bị lò ấp, theo dõi nhiệt độ, độ ẩm và sự thông gió trong lò ấp, cũng như lật trứng trong quá trình ấp. Các lò ấp nhỏ có thể mua được, nhưng bạn cũng có thể tự làm lấy một chiếc. Nếu bạn mua lò, hãy đọc các thông số kỹ thuật và hướng dẫn kèm theo.
    • Gà mái có thể được dùng để ấp trứng, mặc dù không phải nó đẻ ra những quả trứng đó. Điều này rất tuyệt vời, một lựa chọn có tính tự nhiên cho việc ấp trứng. Hãy chắc chắn là bạn chọn đúng giống gà ấp trứng, những giống gà ấp trứng bao gồm Gà lông xù, Gà tam hoàng, Gà vàng và Gà ri.[1]
  6. Biết được những ưu điểm và khuyết điểm của từng phương pháp. Tất nhiên, cả hai phương pháp ấp bằng lò hoặc bằng gà mái ấp đều có những lợi thế và bất lợi cho người làm việc ấp trứng. Biết được những điều đó sẽ giúp bạn đưa ra quyết định cuối cùng phù hợp hoàn cảnh của bạn.
    • Ưu điểm của lò ấp: Dùng lò ấp là một lựa chọn tốt nếu như bạn không có gà mái ấp hoặc đây là lần đầu bạn ấp trứng gà. Lò ấp cho phép bạn điều khiển quá trình ấp. Nó cũng là lựa chọn tốt nhất để ấp một số lượng lớn trứng.
    • Nhược điểm của lò ấp: Điểm trừ chính của việc ấp trứng bằng lò là quá trình ấp phải hoàn toàn phụ thuộc vào một nguồn điện đáng tin cậy. Nếu bạn gặp phải một lần cắt điện đột ngột hoặc ai đó vô tình rút điện lò ấp ra, nó có thể ảnh hưởng xấu đến những quả trứng, thậm chí là làm gà con bị chết trong trứng. Nếu bạn chưa có sẵn lò ấp, bạn sẽ phải mua một cái, tùy vào kích cỡ và chất lượng, có thể sẽ rất tốn kém.
    • Ưu điểm của gà mái ấp: Dùng gà mái để ấp trứng là một lựa chọn thiết thực và tự nhiên. Với một con gà mái ấp, bạn sẽ không phải lo lắng về việc bị mất điện đột ngột làm hỏng trứng. Không phải quan tâm về chỉnh đúng nhiệt độ hoặc độ ẩm. Khi trứng đã nở ra, gà mái ấp sẽ trở thành gà mẹ chăm sóc lũ gà con. Một cảnh tượng tuyệt đẹp!
    • Nhược điểm của gà mái ấp: Gà mái bạn chọn có thể sẽ không sẵn sàng ấp khi bạn cần đến và không có cách nào ép được nó cả, vì vậy có thể bạn phải chỉnh thời gian sao cho đúng. Bạn sẽ cần phải đầu tư thêm "ổ cho gà ấp" để bảo vệ gà mái khỏi bị quá tải hoặc thiệt hại có thể xảy ra cho những quả trứng. Việc này có thể làm tăng thêm chi phí cho việc ấp trứng. Ngoài ra, một con gà mái chỉ có thể ấp được một số ít trứng trong một lứa. Những con gà to thì có thể ấp được 10-12 quả, tùy vào kích cỡ trứng, còn gà nhỏ thì chỉ có thể ấp được 6-7 quả.[1]

Sử dụng Lò ấp[sửa]

  1. Chọn chỗ đặt lò ấp. Để giúp lò ấp trứng duy trì được nhiệt độ ổn định, hãy đặt nó ở nơi có nhiệt độ biến động càng ít càng tốt. Đừng đặt gần cửa số bởi nó sẽ bị chiếu nắng trực tiếp. Nhiệt độ của ánh nắng có thể làm nhiệt độ tăng cao đủ để giết phôi trứng đang phát triển.[2]
    • Cắm điện lò ấp vào một nguồn điện ổn định, và đảm bảo rằng giắc cắm sẽ không dễ bị rơi ra khỏi ổ cắm.
    • Để lò ấp xa tầm tay trẻ em và thú nuôi như chó, mèo.
    • Thông thường, nơi tốt nhất để đặt lò ấp là chỗ có bề mặt bằng phẳng, không thể bị đổ hoặc bị giẫm lên, và có nhiệt độ tương đối ổn định, tránh xa những nơi hút gió và ánh nắng trực tiếp.
  2. Làm quen với cách hoạt động của lò ấp. Trước khi bạn bắt đầu ấp trứng, hãy chắc chắn bạn đã đọc kỹ hướng dẫn sử dụng lò ấp. Bạn phải biết cách vận hành quạt, đèn và các chức năng khác.[2]
    • Dùng nhiệt kế đi kèm để kiểm tra nhiệt độ bên trong lò ấp. Bạn cần làm việc này thường xuyên trong suốt 24 giờ trước khi bạn ấp trứng, để chắc chắn là nó sẽ giữ được nhiệt độ thích hợp.
  3. Điều chỉnh các điều kiện. Để có thể ấp trứng thành công, điều kiện bên trong phải ở mức hoàn hảo. Để chuẩn bị cho lò ấp tiếp nhận trứng gà, bạn phải điều chỉnh các điều kiện bên trong lò ấp đến mức tối ưu.
    • Nhiệt độ: Trứng gà nên được ấp ở nhiệt độ từ 37,2 đến 38,8 độ C (37,5 là lí tưởng). Tránh nhiệt độ ngoài khoảng 36–39 °C. Nếu nhiệt độ duy trì ở mức quá cao hoặc quá thấp trong vài ngày, khả năng nở của trứng có thể giảm nghiêm trọng.[2]
    • Độ ẩm: Độ ẩm trong lò ấp nên được duy trì ở mức 50-65% (60% là lí tưởng). Hơi ẩm được cung cấp từ một khay nước bên dưới khay trứng. Bạn có thể dùng nhiệt kế bầu ướt hoặc ẩm kế để đo độ ẩm.[2]
  4. Xếp trứng vào lò. Khi các điều kiện bên trong lò ấp đã được đặt đúng và theo dõi ít nhất 24 tiếng để xác nhận tính ổn định, đã đến lúc đưa trứng vào lò. Đừng bao giờ ấp ít hơn 6 quả trứng. Nếu bạn chỉ ấp có 2 hoặc 3 quả trứng, đặc biệt là nếu chúng đã bị vận chuyển, có khả năng việc ấp trứng sẽ không thuận lợi và có thể bạn sẽ chỉ ấp được một con gà con, hoặc là chẳng được con nào.[2]
    • Làm ấm trứng bằng với nhiệt độ phòng. Trứng được làm ấm sẽ giảm lượng nhiệt và thời gian tăng nhiệt trong lò ấp sau khi bạn xếp trứng vào.
    • Cẩn thận xếp trứng vào lò ấp. Hãy chắc chắn để trứng nằm nghiêng, đầu to hơn của quả trứng nằm cao hơn đầu nhỏ một chút. Việc này là quan trọng vì nếu đầu nhỏ cao hơn thì phôi có thể bị lệch hoặc khó phát triển và khi gà con sắp nở sẽ khó đạp vỡ vỏ trứng.[1]
  5. Hạ thấp nhiệt độ xuống sau khi xếp trứng vào. Nhiệt độ sẽ tạm thời được hạ xuống sau khi bạn đã xếp trứng vào lò, nhưng nó sẽ được điều chỉnh lại ngay nếu bạn đã hiệu chỉnh lò đúng cách.
    • Không tăng nhiệt độ nhằm bù đắp sự chênh lệch nhiệt độ vừa rồi nếu không bạn có thể làm tổn hại đến phôi trứng.
  6. Ghi lại ngày. Tính từ thời điểm đặt trứng vào lò, bạn có thể ước tính ngày nở của trứng. Trứng gà cần khoảng 21 ngày để nở khi được ấp trong điều kiện nhiệt độ lí tưởng. Những quả trứng cũ hoặc trứng đã bị gián đoạn nhiệt độ và những quả bị ấp ở nhiệt độ quá thấp vẫn có thể nở được, nhưng chúng sẽ nở sau. Nếu đến ngày thứ 21 mà trứng vẫn chưa nở hết, hãy chờ thêm vài ba ngày!
  7. Lật trứng hàng ngày. Những quả trứng cần được lật đi lật lại ít nhất 3 lần đều đặn mỗi ngày, 5 lần là tốt nhất ! Một số người thường đánh dấu X trên một mặt của trứng nhờ đó họ có thể dễ dàng theo dõi xem những quả nào đã được lật. Nếu không sẽ rất dễ mất dấu những quả đã được lật, và liệu chúng đã được lật một vòng hay chưa.[1]
    • Khi lật trứng bằng tay, tay bạn cần được rửa và lau sạch trước khi thao tác để tránh làm lây nhiễm vi khuẩn và dầu lên bề mặt quả trứng.
    • Tiếp tục lật trứng cho đến ngày thứ 18, sau đó dừng lại để gà con tự định vị cho quá trình nở của chúng.
  8. Điều chỉnh độ ẩm trong lò ấp. Độ ẩm nên được giữ ở mức 50 tới 60% suốt quá trình ấp trứng, trừ 3 ngày cuối bạn sẽ phải tăng lên mức 65%. Bạn có thể cần mức ẩm cao hơn hoặc thấp hơn tùy vào loại trứng bạn muốn ấp. Tham khảo các trại giống hoặc tài liệu từ sách báo để biết thêm về việc ấp trứng.[2]
    • Bổ sung nước trong khay nước thường xuyên để tránh độ ẩm xuống quá thấp. Luôn luôn bổ sung nước ấm.
    • Bỏ một miếng bọt biển vào khay nước nếu bạn muốn tăng thêm độ ẩm.
    • Đo độ ẩm trong lò ấp bằng nhiệt kế bầu ướt. Đọc và đồng thời ghi lại nhiệt độ trong lò ấp tại thời điểm đó. Tham khảo biểu đồ trong sách hoặc trên mạng để tìm ra mối liên hệ về độ ẩm giữa bầu ướt ướt và bầu khô.
  9. Đảm bảo rằng lò ấp được thông gió đầy đủ. Có những khe nhỏ ở bên cạnh và phần nắp của lò sấy cho phép dòng khí lưu thông, hãy chắc chắn là ít nhất một phần được mở. Bạn sẽ cần phải tăng lượng khí lưu thông khi gà con bắt đầu nở.[2]
  10. Soi trứng sau 7-10 ngày. Soi trứng là việc bạn dùng một nguồn sáng chiếu qua quả trứng để xem phôi chiếm một khoảng không gian lớn đến đâu bên trong trứng. Sau 7-10 ngày, bạn có thể thấy được sự phát triển của phôi. Soi trứng giúp bạn có thể loại bỏ những quả trứng có phôi không thể thành gà con.[2]
    • Lấy một lon nhôm hoặc hộp có thể bỏ vừa một bóng đèn.
    • Khoét một lỗ nhỏ ở đầu của lon (hộp) sao cho đường kính lỗ nhỏ hơn quả trứng.
    • Bật đèn lên.
    • Lấy một quả trứng đang ấp ra và đưa nó ra trước lỗ. Nếu thấy ánh sáng qua quả trứng rõ ràng thì có thể phôi chưa phát triển hoặc quả trứng đó không được thụ tinh. Bạn sẽ thấy một đốm màu tối nếu như phôi đang phát triển. Càng gần ngày nở phôi sẽ càng lớn hơn.
    • Bỏ những quả trứng không có phôi phát triển bình thường ra khỏi lò ấp.
  11. Sẵn sàng chờ trứng nở. Dừng lật trứng và xoay trứng 3 ngày trước ngày dự kiến trứng nở. Hầu hết những quả trứng phát triển bình thường sẽ nở đều trong vòng 24 giờ.
    • Lót vải dưới khay trứng trước khi trứng nở. Lớp vải sẽ giúp đỡ lấy lớp vỏ trứng rơi xuống và những thứ khác rơi ra khi trứng nở.
    • Tăng độ ẩm trong lò ấp bằng cách thêm nước hoặc đặt vào khay một miếng bọt biển.
    • Đóng lò ấp cho tới khi gà con đã nở hết.

Dùng Gà mái Ấp[sửa]

  1. Chọn đúng giống gà. Nếu bạn quyết định dùng gà mái để ấp trứng, bạn cần biết cách chọn đúng loại gà dùng để ấp. Một số loại gà không bao giờ ấp trứng, hoặc nếu bạn chờ đến khi gà mái của mình muốn ấp thì có thể sẽ rất mất thời gian. Những giống gà ấp tốt nhất là Gà lông xù, Gà tam hoàng, Gà vàng và Gà ri.
    • Có nhiều giống gà khác cũng ấp trứng, nhưng hãy nhớ rằng không phải một con gà biết ấp trứng thì chắc chắn nó cũng biết nuôi gà con. Ví dụ, một số giống gà có ấp nhưng không nằm ở ổ thường xuyên nên chỉ có số ít trứng nở con.
    • Một số con gà mái bị giật mình khi thấy trứng nở, và nó có thể mổ gà con hoặc bỏ rơi chúng. Nếu bạn tìm được một con gà vừa biết ấp trứng vừa biết nuôi con thì bạn là người chiến thắng!
  2. Cần phải biết những dấu hiệu của một con gà đang muốn ấp trứng. Để biết con gà mái nào đang muốn ấp trứng, bạn hãy để ý những con nào nằm im ở trong ổ và ở đó cả đêm. Bạn cũng có thể thấy được một mảng da bị trụi lông ở dưới bụng nó. Và khi bạn đến gần thì nó sẽ kêu to hoặc mổ vào tay bạn để cảnh cáo. Đó là những dấu hiệu cho thấy đó là một con gà mái có thể ấp trứng.
    • Nếu bạn chưa tin tưởng con gà của mình, trước khi đặt những quả trứng giống vào ổ, hãy thử xem nó có ở gần ổ cả ngày không. Bạn có thể đặt thử bóng gôn hoặc trứng không được thụ tinh – những quả trứng bạn sẵn sàng bỏ đi. Bạn sẽ không thể dùng một con gà mà bỏ rơi ổ trứng khi đang ấp.
  3. Chuẩn bị nơi ấp trứng. Đưa gà mái vào một chuồng riêng biệt có thể sử dụng cho cả quá trình ấp nở của trứng và giai đoạn nuôi gà con. Đặt một chiếc ổ thoải mái, gần với mặt đất trong căn phòng đó, xếp đầy vật liệu mềm làm đệm, ví dụ như phoi bào hoặc rơm rạ.
    • Nơi ấp trứng ít nhất phải là một chỗ yên tĩnh, tối, ít rác và cô lập khỏi đàn gà, không có bọ hay rận, và phải tránh được các kẻ thù tiềm ẩn.
    • Chừa không gian cho gà mái rời ổ để ăn, uống và đi lại.
  4. Xếp trứng vào ổ. Khi bạn đã yên tâm là con gà mái ấp đó có thể ấp trứng tốt và bạn đã chuẩn bị xong khu vực ấp trứng, hãy đặt trứng vào ổ. Đặt toàn bộ trứng vào một lúc để khi nở chúng sẽ nở cùng nhau trong vòng 24 giờ.
    • Xếp trứng vào ổ vào buổi tối để tránh kích động gà mẹ và tránh làm gà mẹ bỏ ổ trứng.
    • Bạn không cần lo việc xếp trứng theo hướng nào. Gà mẹ sẽ lật chúng rất nhiều lần trong quá trình ấp.
  5. Chuẩn bị sẵn thức ăn và nước uống mọi lúc. Hãy chắc chắn là gà mẹ có thể ăn uống bất cứ lúc nào nó muốn, dù là nó thường chỉ rời ổ để ăn uống một lần trong ngày. Để nước đủ xa để gà mẹ lỡ làm đổ cũng không ảnh hưởng tới ổ và trứng.
  6. Cố gắng không làm ảnh hưởng đến gà mẹ và ổ trứng. Gà mẹ sẽ làm tất cả những việc cần thiết như lật và điều chỉnh vị trí trứng, và trứng sẽ được giữ ẩm và ủ ấm nhờ cơ thể của gà mẹ. Nếu bạn muốn soi trứng để kiểm tra thì cố gắng tránh làm quá thường xuyên.
    • Tuy vậy, bạn sẽ không muốn gặp vấn đề về sức khỏe và an toàn nếu như có quả trứng ung nào đó bị vỡ ra. Tốt nhất là bạn nên soi tất cả trứng một lượt vào ngày thứ 7 và thứ 10 của quá trình ấp trứng. Nếu bạn phát hiện một quả trứng ung hay không có phôi thì hãy loại bỏ nó ngay.
    • Suốt tuần cuối của quá trình ấp trứng, có thể gà mẹ sẽ luôn ở trong ổ mà không lật hay đảo trứng. Việc này là hoàn toàn tự nhiên, vậy nên hãy mặc kệ nó.
  7. Có biện pháp dự phòng. Sẽ rất bực mình nếu như một con gà mái ấp chuyên tâm vào việc ấp trứng trong 2 tuần đầu sau đó bỏ ấp, nhưng đừng thất vọng. Nếu bạn còn một con gà mái ấp khác hoặc có lò ấp thì bạn vẫn có thể cứu được ổ trứng.
  8. Hãy để mọi thứ xảy ra tự nhiên. Khi gà con bắt đầu nở, đừng tò mò xem chúng hoặc lấy trứng khỏi ổ để xem cho rõ. Trứng cần được nằm ở đúng vị trí của nó. Đừng lo nếu như tất cả trứng chưa nở hết, gà mái rất giỏi trong việc vừa tiếp tục ấp trứng và chăm sóc những con gà con đã nở. Gà mẹ thường sẽ ở quanh ổ trong vòng 36 tiếng hoặc lâu hơn để ấp nở tất cả trứng đồng thời giữ gà con mới nở ở bên dưới cánh của nó.

Lời khuyên[sửa]

  • Hãy chắc chắn là để khay uống nước đủ cao để gà con không bị rơi vào và đủ thấp thể gà con có thể uống được nước.
  • Khi lật trứng bằng tay hằng ngày hãy cẩn thận. Vỏ trứng rất giòn và dễ vỡ.
  • Chuẩn bị nước và thức ăn sẵn sàng khi gà con nở ra.
  • Nếu gà con chưa ăn trong 2-3 ngày sau khi nở thì cũng không sao; chúng có năng lượng dự trữ từ lòng đỏ chúng ăn trong trứng.

Những thứ bạn cần[sửa]

  • Lò ấp
  • Trứng đã được thụ tinh
  • Nhiệt kế phổ thông
  • Máy đo độ ẩm
  • hoặc
  • Gà mái ấp trứng
  • Khu vực ấp trứng

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây