19 dấu hiệu của cơ thể báo động ung thư

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Nếu bạn có một trong những triệu chứng dưới đây, hãy đến gặp bác sĩ ngay để được thăm khám toàn diện, để loại trừ bệnh ung thư hoặc phát hiện ung thư giai đoạn sớm nhất có thể.

Bạn cần nhớ những điều sau đây[sửa]

1. Bất kỳ ai cũng có thể mắc ung thư, tuy nhiên ung thư thường gặp ở những người lớn tuổi, hầu hết các ca ung thư được ghi nhận xảy ra chủ yếu ở người trên 50 tuổi.

2. Đừng quá “vô tâm” để cho điều bất thường nào xuất hiện trong cơ thể bạn ngày này qua ngày khác. Nếu bạn thấy một dấu hiệu gì bất thường hay một triệu chứng lâu ngày không hết thì hãy đi đến gặp bác sĩ ngay.

3. Những triệu chứng của ung thư có thể rất giống với triệu chứng của những bệnh lành tính khác, những triệu chứng thông thường tưởng là của một bệnh lành tính thì đôi khi nó là dấu hiệu của ung thư.

4. Ung thư nếu được phát hiện sớm, đồng nghĩa với việc điều trị có hiệu quả, thậm chí là khỏi hoàn toàn.

19 dấu hiệu[sửa]

Nếu bạn có một trong những triệu chứng dưới đây, hãy đến gặp bác sĩ ngay để được thăm khám toàn diện, để loại trừ bệnh ung thư hoặc phát hiện ung thư giai đoạn sớm nhất có thể.

1. Khó thở – tình trạng cảm thấy thở không nổi xuất hiện nhiều ngày.

2. Ho ra máu – nếu bạn ho ra máu, không cần biết là ho nhiều hay ho ít bạn phải đến gặp bác sĩ ngay lập tức.

3. Ho kéo dài – ho trên 3 tuần.

4. Khàn tiếng lâu ngày – thông thường khi bị cảm lạnh chúng ta hay bị khàn tiếng, tuy nhiên nếu bạn khàn tiếng trên 2 tuần thì đó là triệu chứng bất thường “báo động”.

5. Loét miệng không lành – thông thường chúng ta rất hay bị nhiệt miệng và sẽ thường tự khỏi sau 1-2 tuần, nếu loét miệng mà khoảng 3 tuần không khỏi thì nên đến gặp nha sĩ hoặc bác sĩ ung thư.

6. Nuốt khó, nuốt vướng – cảm giác mắc nghẹn ở cổ họng mà không tự khỏi sau vài tuần.

7. Ăn uống khó tiêu dài ngày – bình thường chúng ta sẽ cảm giác hơi khó chịu khi ăn một bữa ăn có quá nhiều thức ăn đặc biệt là thức ăn cay hoặc nhiều dầu mỡ, tuy nhiên sẽ là bất thường nếu bạn cứ liên tục cảm giác ăn uống khó tiêu dài ngày, thậm chí là có cảm giác đau bụng âm ỉ lâu ngày.

8. Thay đổi thói quen đi tiêu – đi tiêu nhiều lần trong ngày, lúc tiêu chảy lúc táo bón, phân nhỏ dẹt, hay có cảm giác mót rặn mà kéo dài trên 4-6 tuần.

9. Đi tiêu ra máu – sẽ rất dễ nhầm lẫn bệnh trĩ và ung thư đại trực tràng.

10. Đi tiểu ra máu – không phải là một dấu hiệu thường gặp trong bệnh ung thư nhưng các ung thư vùng tiết niệu có thể làm cho bạn tiểu ra máu.

11. Tiểu khó – tiểu gấp, tiểu thường xuyên, tiểu đau là triệu chứng thường gặp của nhiễm trùng tiểu, đặc biệt rất hay gặp ở phụ nữ nhưng nó cũng có thể là triệu chứng của ung thư.

12. Sụt cân – sự thay đổi cân nặng là một điều hết sức bình thường, nhưng nếu sụt cân quá nhanh thì cần phải đáng lưu tâm.

13. Xuất huyết âm đạo bất thường – xuất huyết âm đạo ngoài “ngày đèn đỏ”, xuất huyết sau giao hợp hoặc xảy ra ở phụ nữ đã mãn kinh.

14. Sự thay đổi bất thường ở tuyến vú – sờ thấy một khối cứng không đau hoặc một bên vú to hơn bất thường, thay đổi màu sắc da của vú, đau vú, chảy dịch núm vú.

15. Khối u – nếu bạn sờ thấy khối u hay khối sưng bất cứ chỗ nào trên cơ thể của mình thì hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ ung thư ngay.

16. Nốt ruồi – thông thường nốt ruồi thì không ảnh hưởng gì đến cuộc sống của chúng ta, tuy nhiên hãy cẩn thận nếu phát hiện nốt ruồi đột ngột to nhanh lên, thay đổi màu sắc hoặc chảy dịch, chảy máu.

17. Vết thương da không lành – thông thường cơ thể chúng ta có khả năng “tự hàn gắn vết thương”, được chăm sóc tốt thì vết thương sẽ lành rất nhanh, nếu như bạn thấy trên da có nốt ruồi, mụn cóc hay vết thương mà đột nhiên lở loét, rỉ máu, không lành trong nhiều tuần, thậm chí là bạn không có cảm giác đau thì đó đều là những dấu hiệu bất thường.

18. Đổ mồ hôi ban đêm – nó có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nhiễm trùng hoặc thậm chí có thể gặp ở những phụ nữ quanh thời gian mãn kinh, nhưng nó cũng có thể là dấu hiệu của một ung thư.

19. Đau không giải thích được – khi bạn càng lớn tuổi thì hay gặp những vấn đề về xương khớp gây đau, tuy nhiên nếu bạn đau trên 4 tuần mà không thể giải thích do một bệnh lý nào khác thì bạn cần gặp bác sĩ ngay.

Nếu bạn có một trong các triệu chứng trên không đồng nghĩa với bạn mắc ung thư vì có rất nhiều bệnh lý lành tính khác cũng có những triệu chứng tương tự, tuy nhiên đây là những triệu chứng “báo động” bạn phải lưu tâm đến sức khỏe của mình. Là những bác sĩ làm trong lĩnh vực điều trị ung thư, chúng tôi cảm nhận được sự khủng hoảng tinh thần của các bệnh nhân khi đối diện với căn bệnh hiểm nghèo này, nhưng “ung thư biết sớm trị lành”, nếu bạn được điều trị hiệu quả bạn sẽ có một cuộc sống bình thường và đóng góp rất lớn cho cộng đồng và xã hội.

Tác giả[sửa]

BS Trần Hoàng Hiệp

BS nội trú BV Ung bướu TPHCM

Bộ môn Ung thư – ĐH Y dược TPHCM

Nguồn tham khảo: Cancer Research UK

Rss.jpg
Mời bạn đón đọc các bài viết tiếp theo bằng cách đăng kí nhận tin bài viết qua email hoặc like fanpage Thuvienkhoahoc.com để nhận được thông báo khi có cập nhật mới.

Nguồn[sửa]

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này