Bảo vệ môi trường

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Việc từng bước bảo vệ môi trường và tái sử dụng dễ dàng hơn bạn nghĩ. Bạn có thể góp sức mình bằng cách thay đổi những thói quen thường ngày của bản thân. Để bảo vệ môi trường, hãy giảm thiểu tiêu thụ năng lượng và nước, thay đổi thói quen ăn uống, đi lại để bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên, cũng như thay đổi không gian nhà ở và sân vườn thân thiện hơn với môi trường. Khi lối sống của bạn đã thân thiện hơn với môi trường, bạn cũng có thể tham gia các hoạt động giáo dục cộng đồng để họ thực hiện những điều tương tự.

Các bước[sửa]

Thay đổi thói quen hàng ngày[sửa]

  1. Tắt các thiết bị điện khi không sử dụng. Nếu bạn không sử dụng bất kỳ thiết bị điện nào, hãy tắt chúng đi. Các thiết bị điện bao gồm đèn, vô tuyến, máy tính, máy in, v.v.
    • Sử dụng thiết bị hẹn giờ để tắt đèn trong một khung giờ mỗi ngày. Nhiều cửa hàng điện máy có bán các sản phẩm hẹn giờ; thiết bị hẹn giờ có thể được gắn vào phích cắm để kiểm soát năng lượng truyền tới đèn.
    • Bạn cũng có thể tìm được các loại máy sưởi và quạt điện với thiết bị hẹn giờ. Thiết bị này sẽ tự động ngắt điện máy sưởi và quạt điện khi trời nóng hoặc lạnh vào ban đêm. Phần lớn các thiết bị hẹn giờ sẽ tự động ngắt điện sau một tiếng.
  2. Rút phích cắm khỏi ổ điện khi có thể. Việc giữ nguyên phích cắm điện, ví dụ như phích cắm sạc pin máy tính hoặc máy nướng bánh mì, sẽ sử dụng năng lượng "bóng ma". Ngay cả khi một thiết bị điện đã được tắt đi, thiết bị đó vẫn sẽ sử dụng năng lượng, bởi các bộ phận điện tử trong thiết bị vẫn thường xuyên sử dụng điện.[1] Tốt nhất bạn nên rút phích cắm các thiết bị điện khi không sử dụng chúng trong 36 giờ tới (hoặc hơn thế).
    • Sử dụng ổ cắm chia điện để tắt nhiều thiết bị cùng một lúc chỉ bằng một công tắc. Bạn có thể cắm phích điện của toàn bộ các thiết bị mà mình sử dụng trong một khoảng không gian – ví dụ như máy tính – vào một ổ chia. Khi xong việc, bạn chỉ cần bấm công tắc để ngắt điện truyền vào ổ chia.
    • Đo lượng điện năng mà thiết bị của bạn sử dụng hoặc tìm hiểu mức tiêu thụ điện năng thông thường. Tại Hoa Kỳ, bạn có thể tự đo lượng điện năng bằng dụng cụ Kill-a-Watt. Bạn cắm thiết bị điện qua Kill-a-Watt và dụng cụ này sẽ đo lượng điện năng tiêu thụ. Kill-a-Watt cũng có thể cho bạn biết liệu một thiết bị nào đó vẫn đang hao tổn điện năng ngay cả khi đã tắt.
  3. Thay chiếc máy sấy quần áo nhà bạn bằng dây phơi quần áo cổ điển. Việc này sẽ giúp quần áo của bạn có hương thơm sảng khoái, đồng thời cũng thân thiện với môi trường. Máy sấy quần áo là thiết bị sử dụng điện năng lớn nhất trong các hộ gia đình, chỉ sau tủ lạnh và điều hòa. Nếu bạn sử dụng máy sấy quần áo, hãy dọn sạch lỗ thông hơi máy sấy để đảm bảo an toàn cũng như hiệu suất điện cao nhất.
    • Khi sử dụng máy giặt, hãy đảm bảo bạn đã có đủ một mẻ giặt. Đừng chỉ cho một vài món đồ vào máy giặt, làm vậy sẽ tốn nước. Bạn nên đợi cho đủ một mẻ quần áo bẩn để tiết kiệm nước và điện.
    • Nếu muốn, bạn cũng có thể giặt quần áo bằng tay hoặc mua một chiếc máy giặt tiết kiệm điện không tiêu tốn nước.
  4. Ít sử dụng điều hòa hoặc không sử dụng điều hòa. Điều hòa tiêu tốn rất nhiều điện. Hãy sử dụng gió tự nhiên hoặc quạt để làm mát càng nhiều càng tốt.
    • Nếu sử dụng điều hòa nhiệt độ, bạn chỉ nên để nhiệt độ thấp hơn một chút so với nhiệt độ bên ngoài. Đặt điều hòa ở nhiệt độ thấp sẽ chỉ tốn thêm điện và cũng không làm mát nhanh hơn.
  5. Đóng các cửa gió điều hòa trong nhà bạn. Nếu bạn không sử dụng một số phòng trong nhà, hãy đóng toàn bộ cửa gió điều hòa và cửa ra vào tại các phòng này. Khi thường xuyên làm vậy, bạn sẽ giảm thiểu được năng lượng hao tổn vào việc sưởi ấm hoặc làm lạnh những không gian ít được sử dụng.
  6. Không sử dụng máy tập thể dục. Thay vì sử dụng các thiết bị tập thể dục, bạn nên dùng một chiếc xe đạp thật (hay xe đạp một bánh), đi bộ tới những địa điểm gần nhà hoặc đi dạo. Thể dục đường phố (calisthenics), chống đẩy và các bài tập không dùng tạ cũng đem lại hiệu quả.
  7. Dùng chăn ấm hoặc mặc áo len dài tay vào mùa đông. Mặc ấm và giảm nhiệt độ bộ điều nhiệt xuống một vài độ. Nếu bạn sống tại Hoa Kỳ, hãy đặt nhiệt độ bộ điều nhiệt ở mức 20°C vào mùa đông, thậm chí là thấp hơn vào ban đêm. Mỗi một độ tăng lên là thêm 6-8% năng lượng mất đi.[2]
  8. Tiết kiệm nước. Một gia đình bốn người tại Hoa Kỳ trung bình sử dụng 1.514 lít nước mỗi ngày.[3] Bạn nên lựa chọn có ý thức để giảm lượng nước tiêu thụ.
    • Tắm nhanh bằng vòi sen, hoặc chỉ lấy nước đầy một phần tư hay một phần ba bồn tắm.
    • Tắt vòi nước khi đánh răng.
    • Lắp đặt vòi tiết kiệm nước hoặc thiết bị sục khí, vòi hoa sen tiết kiệm nước và bồn cầu tiết kiệm nước.
    • Chỉ chạy máy rửa bát khi máy đã đầy bát đĩa.
    • Chỉ giặt đồ bằng máy giặt khi trong máy đã đầy quần áo. Nên chọn mua máy giặt cửa trước nếu có thể.
    • Nếu bạn tự rửa ô tô, hãy đỗ xe trong bãi cỏ trước nhà, sử dụng xô và miếng xốp lau rửa cũng như ống dẫn nước để rửa xe. Dùng vòi để đóng nước khi không sử dụng hoặc tắt nước sau mỗi lần rửa. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng xà phòng và các chất tẩy rửa khác sẽ trôi xuống cống rãnh (nếu có), dẫn tới ô nhiễm.
    • Nếu nhà bạn có bể bơi, bạn có thể sử dụng tấm phủ bể bơi để giảm thiểu hiện tượng bốc hơi nước và ngăn lá cây khỏi rơi xuống bể.
    • Thiết kế cảnh quan chịu hạn và cân nhắc phương pháp làm vườn xeriscape (tạm dịch là thiết kế cảnh quan bền vững giảm thiểu lượng nước tưới tiêu). Duy trì hệ thống tưới tiêu ngoài trời và không tưới nhiều hơn mức cần thiết.
  9. Tái chế nhiều nhất có thể. Sử dụng thùng phân loại rác nếu có. Tách riêng thủy tinh, kim loại, giấy, v.v.
    • Tới các trung tâm tái chế nếu khu vực nhà bạn không có thùng phân loại rác, hoặc khi bạn cần tái chế các chất liệu không được dịch vụ thu rác tái chế thu nhận.
  10. Tránh sử dụng những món đồ dùng một lần. Những thứ mà bạn sử dụng một vài lần và vứt ngay sau đó sẽ tiêu tốn tài nguyên để sản xuất, nhưng cuối cùng chúng chỉ nằm ở bãi rác suốt hàng thế kỷ.
    • Đem theo cốc hoặc chai nước, dụng cụ ăn uống và túi mua sắm bên mình. Chuẩn bị bữa trưa không rác thải.
    • Sử dụng pin có thể sạc lại thay vì pin dùng một lần. Pin không chỉ chiếm diện tích bãi phế thải mà còn không thể tiêu hủy được. A-xít từ pin cũng có thể thấm vào đất.
    • Xử lý rác thải nguy hại một cách phù hợp. Rất nhiều chất liệu, bao gồm pin, bóng đèn huỳnh quang, rác thải điện tử (hầu hết mọi thứ sử dụng pin hoặc phích cắm), chất tẩy rửa, thuốc, thuốc trừ sâu, dầu xe và sơn, không nên bị vứt bỏ trực tiếp ở bãi phế thải hay cống rãnh. Thay vào đó, hãy liên hệ với thành phố nơi bạn sinh sống để nắm bắt được thời điểm vứt bỏ phù hợp.
  11. Chỉ sử dụng lượng giấy vệ sinh mà bạn cần. Đừng lấy đến hàng mét giấy vệ sinh chỉ để lau một vết bẩn nhỏ. Hãy lấy lượng giấy phù hợp. Bạn cũng không nên dùng giấy vệ sinh quá nhiều mà thay bằng một chiếc giẻ lau hoặc miếng xốp lau rửa để dọn bếp.
    • Với các sản phẩm giấy vệ sinh mà bạn sử dụng, hãy tìm các sản phẩm được sản xuất từ 80-100% giấy tái chế, ưu tiên các loại giấy được sản xuất từ giấy hậu tiêu thụ.
    • Với những loại giẻ lau dọn nhà, hãy tìm mua vải bông lau dọn có thể sử dụng lại nhiều lần. Loại vải này không đắt, đặc biệt khi bạn mua với số lượng lớn, có thể giặt sạch và sử dụng lại hàng trăm lần.
  12. Cân nhắc sử dụng tã vải. Mẫu mã tã vải đã “nâng cấp” rất nhiều so với loại tã với ghim cài và bọc ngoài bằng ni-lông. Khi sử dụng tã vải, bạn sẽ tiết kiệm được cả một gia tài (đặc biệt khi có nhiều hơn một con nhỏ), tránh tình trạng các chất hóa học nguy hiểm tiếp cận với da bé, đồng thời cũng là một hành động đúng đắn để bảo vệ Trái Đất.
  13. Chặn thư rác. Nếu bạn nhận được một vài cuốn ca-ta-lô mà mình không dùng đến, hãy gọi điện để yêu cầu ngừng gửi ca-ta-lô tới nhà mình.
    • Nếu bạn sống tại Hoa Kỳ, hãy đăng ký tại trang trực tuyến của Opt Out Prescreen (https://www.optoutprescreen.com) để ngăn chặn việc mời mọc sử dụng thẻ tín dụng mà bạn không cần trong 5 năm hoặc mãi mãi.
  14. Làm người tiêu dùng có ý thức. Tự hỏi về ảnh hưởng của những món đồ bạn mua đối với người khác cũng như với môi trường.
    • Không mua những món đồ mà bạn không cần đến. Bên cạnh việc tiết kiệm tiền, bạn còn bảo vệ được những nguồn tài nguyên quý giá khi không mua dư thừa.
    • Cân nhắc yếu tố lâu bền khi mua đồ. Với những món đồ mà bạn mua, hãy tìm kiếm sản phẩm với độ bền lâu dài. Thử tìm “mua đồ với độ bền suốt đời” trên mạng để tham khảo các diễn đàn hay lời khuyên về những sản phẩm có độ bền cao.
    • Mua đồ đã qua sử dụng. Tái sử dụng là mục đích cao cả hơn cho những món đồ đã qua sử dụng thay vì bị vứt bỏ ở bãi rác, đồng thời bạn cũng tiết kiệm được tiền.
    • Mượn hoặc thuê những món đồ mà bạn chỉ dùng trong một thời gian ngắn hoặc thi thoảng mới dùng.

Thay đổi thói quen ăn uống[sửa]

  1. Ăn ít thịt và sữa. Các sản phẩm từ thịt và sữa tiêu tốn rất nhiều tài nguyên và không đem lại hiệu quả tương xứng. Tập ăn chay (ăn chay vẫn sử dụng trứng và sữa hoặc ăn chay hoàn toàn) là một trong những cách tốt nhất bạn có thể làm để bảo vệ môi trường và cải thiện sức khỏe bản thân.[4]
    • Tại Hoa Kỳ, Meatless Monday (tạm dịch là “Ngày thứ Hai không thịt”) là chiến dịch sức khỏe cộng đồng phi lợi nhuận khuyến khích người dân không ăn thịt một ngày trong tuần. Hãy tìm kiếm trang trực tuyến của chiến dịch này để có thông tin về các công thức nấu ăn không dùng thịt.
  2. Nếu bạn đang sinh sống tại Hoa Kỳ, đừng uống cà phê từ K-cup. K-cup là loại cốc chứa cà phê nghiền để sử dụng cho máy pha cà phê của công ty Keurig, chỉ dùng được một lần và thường bị vứt đi (mặc dù chúng có thể được tái chế nếu người sử dụng tách chúng thành giấy, nhựa và kim loại). Hàng tỷ chiếc cốc pha cà phê như vậy đã được bán ra vào năm 2014, và số lượng cốc thải ra có thể xếp được thành 12 vòng quanh Trái Đất.[5] Nên pha cà phê bằng ấm pha cà phê thông thường hoặc bình pha cà phê kiểu lọc ép (French press).
    • Dùng cốc sứ hoặc các loại cốc có thể tái sử dụng cho cà phê của bạn thay vì cốc dùng một lần.
    • Nếu bạn thích sự tiện lợi khi dùng cà phê với lượng sẵn có cho một người và đã đầu tư vào một chiếc máy Keurig, hãy tìm một chiếc cốc có thể rửa và thêm cà phê được. Bạn vẫn sẽ tiết kiệm được tiền bạc và tài nguyên so với việc mua từng chiếc cốc cho mỗi lần uống.
  3. Mua thực phẩm địa phương. Việc vận chuyển thực phẩm từ những địa điểm xa xôi sẽ tác động tiêu cực tới môi trường. Thực phẩm phải được vận chuyển bằng xe tải, tàu hỏa hoặc tàu thủy, và các phương tiện này đều sản sinh chất thải. Mua thực phẩm có nguồn gốc tại địa phương nơi bạn sinh sống sẽ giúp xóa bỏ hoặc giảm thiểu tác động xấu từ các phương tiện giao thông.[6]
    • Tại Hoa Kỳ, bạn có thể tới chợ của nông dân để tìm rau quả địa phương hoặc sử dụng dịch vụ CSA (community-supported agriculture, tạm dịch là nền nông nghiệp được cộng đồng hỗ trợ) để thường xuyên nhận được các sản phẩm tươi sống.
  4. Tránh sử dụng các sản phẩm với quá nhiều bao bì. Thông thường, năng lượng để các công ty thực phẩm tạo ra bao bì tương đương như năng lượng tiêu tốn để sản xuất thức ăn. Đừng mua những sản phẩm có bao bì riêng rẽ, bạn nên mua sản phẩm theo lố.[6]
  5. Không bỏ phí thức ăn. Lên kế hoạch các bữa ăn của bạn để không nấu nhiều hơn lượng bạn có thể ăn. Hãy giữ lại thức ăn thừa và sử dụng hết vào bữa tiếp theo. Nếu có quá nhiều thức ăn thừa, ví dụ như sau bữa tiệc, bạn hãy chia sẻ với bạn bè.
  6. Sử dụng chai nước dùng nhiều lần. Phần lớn nước máy tại các quốc gia phát triển đều an toàn để uống, tức là không cần phải mua nước đóng chai. Bạn nên mua bình thủy tinh hoặc bình kim loại để đựng nước.
    • Nếu sống tại Hoa Kỳ, bạn có thể yêu cầu báo cáo chất lượng nước từ thành phố nơi bạn sinh sống khi lo ngại về chất lượng nước.
    • Thông thường bạn sẽ không cần bình lọc nước khi sống tại Hoa Kỳ, nhưng một chiếc bình lọc nước nhỏ cũng sẽ cải thiện mùi vị nước uống. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng thiết bị làm mềm nước và hệ thống thẩm thấu ngược (thường gọi là thẩm thấu ngược RO – reverse osmosis) sẽ tiêu tốn nhiều nước hơn là lượng nước chúng đem lại.
    • Đổ đầy nước máy vào bình và để trong tủ lạnh.
    • Nếu nước máy có hơi trắng bốc lên khi mới đổ vào chai, nhiều khả năng đó chỉ là bong bóng. Thử đổ nước vào ly hoặc chai, quan sát lại sau 1-2 phút để kiểm tra liệu còn thấy hiện tượng đó nữa không.

Thay đổi thói quen đi lại[sửa]

  1. Đi bộ hoặc đạp xe trong khu vực nơi bạn sinh sống. Bạn nên đi bộ hoặc đi xe đạp nếu khoảng cách không quá xa. Những chuyến đi ngắn thường sẽ làm hại xe ô tô của bạn cũng như môi trường, vì vậy hãy đổi chiếc xe ô tô bằng đôi chân hoặc xe đạp của bạn.
    • Luôn đội mũ bảo hiểm và dụng cụ bảo vệ khi đi xe đạp.
    • Lắp đặt những thiết bị cần dùng để chở hàng trên xe đạp và đi mua sắm bằng xe đạp. Bạn có thể đựng rất nhiều món đồ trên túi buộc sau yên xe, bỏ trong rơ-moóc gắn vào xe đạp hoặc chiếc giỏ xe chắc chắn.
  2. Sắp xếp dùng chung xe để đi làm hoặc đi học. Lên kế hoạch với một vài người khác để đi chung xe tới nơi làm việc hoặc phối hợp cùng các phụ huynh trong khu phố để chung xe chở con cái tới trường.
    • Tại Hoa Kỳ, xe đi chung còn được đi vào làn dành cho phương tiện có nhiều hành khách (gọi là HOV – High Occupancy Vehicle lane). Làn đường này thường sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian đi lại và tiền bạc tiêu tốn vào xăng dầu.
    • Nếu sống gần trường con mình học, bạn có thể cân nhắc tổ chức “ngày đi bộ tới trường” cho tất cả trẻ em quanh vùng thay vì lái xe đưa con đi học. Các nhóm học sinh sẽ đi bộ tới trường theo sự giám sát và chỉ dẫn của phụ huynh. Phụ huynh trong khu phố cũng có thể thay phiên nhau dẫn đoàn học sinh.
  3. Sử dụng phương tiện công cộng. Nếu bạn sinh sống tại khu vực có xe buýt, tàu điện hoặc tàu điện ngầm, hãy sử dụng các phương tiện này để đi làm, đi học hoặc tới các địa điểm khác. Giảm thiểu các chuyến đi bằng xe ô tô sẽ giúp đường phố bớt tắc nghẽn, đồng thời lượng xăng dầu tiêu tốn cũng sẽ giảm đi.
    • Rất nhiều hệ thống xe buýt tại các thành phố lớn ở Hoa Kỳ sử dụng xe buýt dạng lai diesel-điện, giảm thiểu hơn nữa những loại khí thải nguy hại.[7]
  4. Lên kế hoạch những việc bạn cần làm và và đi một lần. Để các chuyến đi thêm hiệu quả, bạn nên xác định những địa điểm cần tới và đi cùng một chuyến. Đi cùng một lần để giảm bớt các chuyến đi, đồng thời đảm bảo bạn không lái xe vài lần qua một quãng đường.
    • Đừng quên gọi điện trước hoặc kiểm tra để xác nhận rằng bạn sẽ tới trong giờ làm việc và bạn sẽ có thứ mình muốn. Hãy đặt lịch hẹn và mua hàng trên mạng hoặc qua điện thoại.
  5. Làm việc từ xa hoặc tại nhà, nếu công việc cho phép. Một ngày làm việc từ xa mỗi tuần có thể giảm thiểu 20% việc đi lại của bạn.
  6. Sử dụng một chiếc xe ô tô lai điện (xe hybrid) hoặc xe điện toàn phần. Nếu bạn đang tìm kiếm một phương tiện mới, hãy cân nhắc mua ô tô lai điện. Loại ô tô này có thể được vận hành bằng cả xăng dầu và động cơ điện.[8] Mẫu mã xe lai điện và xe điện trên thị trường đã tăng lên rất nhiều. Khí thải từ các loại xe này không chỉ ít hơn mà việc sử dụng chúng còn giúp bạn tiết kiệm tiền xăng.
    • Nếu sinh sống tại Hoa Kỳ, bạn còn có thể được khấu trừ thuế liên bang vào năm mà bạn mua xe lai điện.[9]
  7. Bảo dưỡng ô tô của bạn. Nếu bạn có ô tô, hãy chăm sóc ô tô của bạn, thường xuyên thay dầu và màng lọc khí, sửa chữa rò rỉ ngay khi phát hiện và giữ bánh xe đầy hơi.
  8. Kiểm tra khả năng tiết kiệm xăng của phương tiện và cố gắng cải thiện tính năng này.
  9. Hạn chế đi máy bay. Dù bạn đi máy bay vì lý do công việc hay nghỉ mát, hãy giảm số lượng chuyến bay mà mình sẽ đi. Máy bay thải ra một lượng lớn khí cacbonic cũng như khí thải khác, và lượng khí này ngày một tăng lên tỷ lệ thuận với số lượng chuyến bay trên toàn cầu.[10] Hãy bảo vệ môi trường bằng cách hạn chế đi máy bay.[11]
    • Bay hạng phổ thông. Khi có nhiều người cùng trên một máy bay, tác động tới môi trường từ chiếc máy bay đó sẽ được chia đều cho nhiều người hơn.
    • Lựa chọn ở một địa điểm trong thời gian dài thay vì đi về nhiều lần.
    • Lựa chọn tàu hoặc xe buýt khi di chuyển trong khu vực.
    • Áp dụng các phương tiện kỹ thuật để họp qua video thay vì trực tiếp đi tới địa điểm họp.
  10. Nếu có thể, bạn nên sống gần nơi làm việc, trường học hoặc các địa điểm khác mà bạn thường xuyên lui tới. Nếu không, bạn nên sống gần các trạm giao thông công cộng hoặc làn đường dành cho xe đạp. Cân nhắc yếu tố giao thông khi lựa chọn nơi ở.

Thay đổi không gian nhà ở[sửa]

  1. Lắp cửa sổ ở trần nhà và đèn mặt trời. Cửa sổ trần và đèn mặt trời được lắp lên trần nhà bạn, chúng được thiết kế để không gian ngôi nhà nhận nhiều ánh sáng mặt trời hơn. Việc này sẽ giúp giảm thiểu điện năng dùng cho chiếu sáng. Một số loại đèn còn có thể biến đổi ánh sáng mặt trời thành điện năng.
  2. Sử dụng đèn huỳnh quang công suất nhỏ (thường gọi là đèn compact) hoặc bóng đèn LED. Đèn compact và đèn LED đắt hơn các loại đèn khác, nhưng chúng có tuổi đời lâu hơn các loại đèn thắp sáng thông thường. Chúng cũng chỉ sử dụng một phần tư năng lượng so với các loại khác.
    • Thay đổi những chiếc đèn mà bạn sử dụng nhiều nhất.
  3. Bít kín những khe hở. Tìm kiếm những vị trí mà không khí có thể lọt vào hoặc ra khỏi nhà. Các khe hở có thể ở xung quanh cửa ra vào, cửa sổ, ống khói, đèn âm trần hoặc những nơi khác. Hàn lại những khe hở nhỏ, và dùng các loại vật liệu cách ly hoặc mút xốp Polyurethane (PU foam) với những lỗ hổng lớn hơn.[12]
    • Sửa lại những khe hở trong tầng hầm nhà bạn bằng cách gỡ bỏ lớp cách ly, sau đó hàn hoặc sử dụng bùn đá phiến để lấp đầy lỗ hổng. Khi thay tấm cách ly, bạn cần đảm bảo tấm cách ly không bị nén ép và phải bao phủ toàn bộ phần diện tích giữa các thanh dầm. Việc bít kín các khe hở cũng sẽ giảm số lượng côn trùng và động vật gặm nhấm xâm nhập nhà bạn.
    • Lấp kín khu vực xung quanh công tắc và phích cắm điện, đặc biệt ở mặt tường ngoài. Ngắt cầu dao, kiểm tra để đảm bảo không còn dòng điện, sau đó gỡ bỏ vỏ hộp điện và xịt một lớp mút xốp Polyurethane vào khoảng không bên ngoài hộp đấu dây.
    • Kiểm tra đệm cửa ra vào và cửa sổ để đảm bảo các miếng đệm đều đã được gắn chặt. Nếu cảm thấy gió lạnh lọt vào nhà trong những ngày giá rét, bạn cần điều chỉnh hoặc thay thế đệm cửa.
    • Bút tạo khói hoặc một nén hương có thể giúp bạn biết được vị trí các khe hở trong nhà.
  4. Lắp đặt lớp cách ly trên gác mái và tường ngoài nhà bạn. Một lớp cách ly tốt là cách thức tương đối tiết kiệm để cải thiện sự tiện nghi và hiệu quả sử dụng năng lượng trong nhà bạn.
  5. Kiểm tra những điểm rò rỉ nước. Nếu vòi nước nhà bạn liên tục rò rỉ, hãy sửa vòi nước ngay lập tức. Trong trường hợp bạn không thể sửa ngay, hãy đặt xô chậu để hứng nước rò rỉ và sử dụng nước cho mục đích khác, ví dụ như tưới cây trong vườn.
    • Để kiểm tra bồn cầu, bạn có thể nhỏ một vài giọt phẩm màu vào két nước phía trên, không nhỏ trực tiếp vào bồn cầu. Đợi khoảng 10 phút và không giật nước. Nếu thấy màu lan xuống bồn cầu, bạn cần sửa bồn cầu.
  6. Lắp đặt vật dụng trang trí cửa sổ giúp tối đa hóa năng lượng bảo tồn. Lựa chọn rèm cửa hoặc màn che để giữ nhà bạn mát mẻ vào mùa hè và ấm áp trong mùa đông. Ví dụ, rèm cửa dày tại những vùng khí hậu lạnh sẽ giữ không khí ấm trong nhà vào ban đêm.
    • Nếu sinh sống tại vùng khí hậu nóng, ví dụ như miền Tây Nam nước Mỹ, bạn nên cân nhắc nhuộm màu cửa sổ hoặc dán lớp phủ phản chiếu. Việc này sẽ giúp chuyển hướng không khí nóng ra khỏi nhà bạn. Trao đổi với những công ty xây dựng tại địa phương để tìm hiểu cách thức phù hợp với hoàn cảnh của bạn. Nhuộm màu kính cửa sổ hứng ánh nắng mặt trời cũng sẽ giúp màu của chất liệu không bị phai nhanh.
  7. Trồng cây phòng hộ để bảo vệ nhà trước tác động của gió và mặt trời. Cây rụng lá cho bóng mát vào mùa hè và giúp tia nắng ấm áp chiếu vào nhà bạn trong những tháng mùa đông. Cây thường xanh sẽ tạo hàng rào chắn gió.
    • Đảm bảo bạn đã cân nhắc sự sinh trưởng của các loại cây và trồng cây đủ xa nhà để hệ thống rễ cây không ảnh hưởng tới nền móng.
  8. Duy trì chất lượng của các thiết bị gia dụng, và lựa chọn những mẫu mã tiêu thụ năng lượng hiệu quả khi cân nhắc mua món đồ mới.
    • Lau sạch dàn ngưng tủ lạnh mỗi năm một lần.
    • Làm vệ sinh lỗ thông hơi máy sấy quần áo mỗi năm một lần. Dọn sạch bộ lọc xơ vải mỗi lần bạn dùng máy sấy.
  9. Lắp đặt bồn cầu tiết kiệm nước. Bồn cầu tiết kiệm nước sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều nước mỗi năm, giúp bảo vệ môi trường và giảm tiền nước.
    • Bạn cũng có thể thử đặt một chai nước vào két nước bồn cầu. Chai nước sẽ chiếm dụng một phần thể tích trong két nước, tiết kiệm được lượng nước bằng chính thể tích đó trong mỗi lần giật nước, đồng thời đảm bảo bồn cầu hoạt động bình thường. (Đừng sử dụng gạch thay chai nước, bởi gạch có thể vỡ ra.)
    • Thử giảm mức nước trong két nước bồn cầu. Rất nhiều loại bồn cầu có cơ chế điều chỉnh để hạ thấp phao - thiết bị điều chỉnh van đầy nước trong két.
  10. Lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà bạn. Tấm pin này chuyển đổi năng lượng mặt trời thành điện năng; giá thành của chúng cũng đã giảm đi (tại Hoa Kỳ, việc lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời sẽ tốn khoảng 10 nghìn đô-la). Các hóa đơn cho gia đình có thể giảm tới 20% khi sử dụng tấm pin năng lượng mặt trời.
    • Lưu ý rằng vẫn có nhiều quan ngại về tác động tiêu cực của việc sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời tới môi trường. Hoạt động này sẽ sản sinh các loại hóa chất nguy hại và hạn chế hoạt động tái chế, bên cạnh nhiều vẫn đề khác.[13]
  11. Lựa chọn ngôi nhà nhỏ nhất có thể đáp ứng nhu cầu của gia đình bạn và đủ để chứa đồ đạc (bạn cũng nên cân nhắc giảm thiểu đồ đạc không cần thiết). Bạn sẽ tiết kiệm được tiền bạc và nhiều nguồn tài nguyên cần thiết khác để xây dựng và duy trì khu vực nhà ở, đồng thời cắt giảm chi phí sưởi ấm và làm lạnh.
    • Nếu bạn có một ngôi nhà rộng hơn mình cần, hãy cân nhắc ở cùng nhiều người khác – người nhà hoặc những người cần thuê nhà.

Thay đổi khu vườn[sửa]

  1. Làm vườn. Tạo một khoảnh vườn với rau củ quả và/hoặc thảo mộc.
    • Thử áp dụng những kỹ thuật thay thế để khu vườn nhà bạn không cần phân bón hay tưới tiêu quá nhiều. Ví dụ, việc sử dụng lớp phủ lên đất vườn sẽ giữ nước và giúp đất ẩm hơn.[14]
    • Trồng cây rau và cây ăn quả mà bạn thích để không phải mua rau quả tại cửa hàng.
    • Sử dụng thùng đựng nước hoặc các vật chứa khác để đựng nước mưa. Dùng nước này để tưới cây trong vườn nhà bạn.
  2. Giữ vườn nhà bạn thân thiện với các loài động thực vật hoang dã. Cuộc sống hiện đại cùng sự phát triển đã xâm phạm tới môi trường tự nhiên và gây rủi ro tới các loài hoang dã. Hãy thực hiện một vài bước sau đây để thay đổi vườn nhà bạn thân thiện hơn với các loài hoang dã.[15]
    • Trồng nhiều loại cây. Nhiều loài sinh vật sẽ tới thăm khu vườn của bạn nếu bạn tạo điều kiên cho chúng lui tới. Khi trồng nhiều loại cây, bạn sẽ thu hút được nhiều loài động vật.
    • Tạo hồ nước cho ếch ở sân sau nhà bạn. Quần thể ếch đang suy giảm bởi khu vực sinh sản của chúng đã dần biến mất. Ếch có thể tới nhà bạn sinh sản nếu bạn tạo môi trường sống cho chúng tại sân sau nhà mình.[16]
  3. Giảm diện tích cỏ. Khu vực cỏ mọc sẽ đòi hỏi bạn dọn dẹp bằng máy cắt cỏ, máy nhổ cỏ, cũng như những dụng cụ khác sử dụng năng lượng xăng dầu hoặc năng lượng điện. Chuyển một vài phần diện tích cỏ mọc thành vườn tược hoặc nơi trồng các loài cây bản địa. Điều này cũng sẽ thu hút các loài động vật hoang dã.[14]
  4. Tránh sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và các loại phân hóa học nhân tạo khác. Thuốc trừ sâu giết hàng trăm cá thể chim và các loài động vật khác mỗi năm. Nếu vườn nhà bạn có loại cỏ không mong muốn, hãy tự nhổ hoặc đào chúng lên, cắt nhánh cỏ, hoặc đặt thảm cỏ nhân tạo phía trên cây đó.
    • Tìm hiểu về mô hình nông nghiệp vĩnh cửu, quản lý dịch hại tổng hợp, trồng trọt đa canh cũng như các kỹ thuật khác để giảm thiểu hoặc loại bỏ nhu cầu sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón.
    • Nếu sử dụng phân hóa học, bạn chỉ nên dùng một lượng cần thiết. Đảm bảo rằng lượng phân bón thừa sẽ không trôi xuống cống hoặc sông suối.
  5. Trồng cây. Trồng một cây xanh trong vườn. Cây xanh hấp thụ khí cacbonic và nhả khí ô-xi, chúng cũng cải thiện nguồn nước địa phương và giúp đất trồng thêm màu mỡ.[17]
    • Cây rụng lá, nếu được trồng đúng cách bên nhà, sẽ giữ cho nhà bạn ấm vào mùa đông và mát vào mùa hè.
    • Nếu trồng cây ăn quả, bạn còn có thêm lợi ích nữa là được ăn hoa quả nhà trồng thay vì mua tại cửa hàng.
  6. Ủ phân hữu cơ. Chọn một khu vực trong vườn để tập trung toàn bộ chất thải trong vườn, vỏ hoa quả và các loại đồ ăn thừa. Tìm một số loài giun đất có thể xử lý các loại chất thải này, tạo ra lớp mùn giàu dinh dưỡng phục vụ thiết kế cảnh quan. Đảm bảo vị trí ủ phân hữu cơ cách xa nguồn nước.
  7. Sử dụng cào thay vì máy thổi lá. Ngừng sử dụng chiếc máy thổi lá ồn ào chạy bằng năng lượng xăng dầu hoặc năng lượng điện; thay vào đó, hãy dùng cào để dọn lá cây hoặc vụn bẩn trong vườn nhà bạn.
    • Tương tự, hãy sử dụng một chiếc chổi thay vì vòi nước để dọn dẹp khu vực được lát gạch.[18]

Tái sử dụng[sửa]

  1. Mua quần áo và những món đồ đã qua sử dụng. Tới các cửa hàng đồ cũ, đồ ký gửi để tìm quần áo và đồ đạc cũ.
  2. Quyên góp hoặc chia sẻ những món đồ gia dụng còn sử dụng được. Thay vì vứt bỏ đồ đạc, bạn có thể cân nhắc đem cho những món đồ này. Quyên góp quần áo và đồ gia dụng còn sử dụng được cho các tổ chức từ thiện. Rất nhiều tổ chức sẽ gửi xe tải tới để lấy đồ từ bạn.
    • Tại Hoa Kỳ, Craigslist.org là trang trực tuyến tiện lợi để bạn có thể mua bán và đem cho những món đồ trong khu vực mình sinh sống.
  3. Tái chế nâng cấp. Biến đổi rác rưởi vô dụng thành những món đồ thú vị và dễ thương, hoặc mới mẻ và độc đáo. Thiết kế trang sức, đồ trang trí nhà cửa và thay đổi phong cách trang phục bằng những thứ mà bạn sẵn có. Hãy tìm các bài viết trên wikiHow để tìm hiểu về cách tái chế nâng cấp thành nhiều sản phẩm khác nhau.
  4. Mua hoặc may một vài túi vải tái sử dụng. Đem túi vải khi đi mua sắm. Rất nhiều cộng đồng tại Hoa Kỳ đã cấm các cửa hàng sử dụng túi ni-lông; nhưng kể cả khi khu phố bạn sinh sống cho phép dùng túi ni-lông, bạn vẫn nên chuyển sang dùng túi tái sử dụng.

Tham gia các hoạt động xã hội[sửa]

  1. Liên hệ với cơ quan nhà nước. Gọi điện hoặc gửi thư điện tử tới Hội đồng nhân dân hoặc các cơ quan thẩm quyền địa phương. Đề xuất họ ủng hộ những hoạt động bảo vệ môi trường và khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo.
  2. Tham gia các cuộc mít-tinh. Nhiều thành phố tại Hoa Kỳ đã tổ chức mít-tinh để tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về các vấn đề liên quan đến môi trường. Để đạt hiệu quả, những sự kiện như vậy cần rất nhiều người. Hãy tham gia một cuộc mít-tinh tại địa phương bạn sinh sống. Thiết kế biển hiệu đem theo cuộc tuần hành để truyền đạt thông điệp của bạn.
    • Thuyết phục người thân và bạn bè tham gia cùng bạn.
  3. Tham gia một tổ chức bảo vệ môi trường. Bạn có thể lựa chọn một tổ chức tập trung vào một khía cạnh của môi trường. Nếu sinh sống tại Hoa Kỳ, bạn nên cân nhắc trở thành thành viên của Greenpeace, Sierra Club hoặc Environmental Defense Fund (Quỹ Bảo vệ Môi trường).[19]
  4. Viết thư tới ban biên tập của các tòa báo. Sử dụng các phương tiện truyền thông tin tức để nhấn mạnh vào các vấn đề môi trường. Viết thư tới tòa soạn báo đề cập đến nhiên liệu hóa thạch hoặc động vật hoang dã nguy cấp. Điều này có thể khơi dậy cuộc đối thoại trong cộng đồng của bạn về một vấn đề môi trường cụ thể.
    • Một cách thức thay thế là đề xuất viết một bài xã luận cho tờ báo địa phương nơi bạn sinh sống.
  5. Đóng góp cho một mục tiêu liên quan đến bảo vệ môi trường. Hãy lựa chọn một tổ chức hoạt động vì một vấn đề môi trường. Đóng góp tiền cho tổ chức này. Rất nhiều tổ chức có các mức đóng góp khác nhau, từ nhỏ đến lớn. Bạn có thể lựa chọn hình thức đóng góp hàng tháng hoặc hàng năm.
    • Tại Hoa Kỳ, các khoản đóng góp cho các tổ chức phi lợi nhuận có thể được khấu trừ vào khoản tiền phải nộp thuế. Yêu cầu cung cấp hóa đơn để bạn có thể được khấu trừ khoản tiền này khi nộp thuế.
  6. Làm công việc tình nguyện. Nhặt rác, tuyên truyền giáo dục, sửa xe đạp, mở một quán cà phê dạy cách sửa chữa vật dụng, trồng cây, quan sát quần thể chim và các loài động vật khác. Có rất nhiều cách mà bạn có thể tạo ra và phát triển một môi trường tốt đẹp hơn bằng những công việc tình nguyện.

Lời khuyên[sửa]

  • Đừng mua những món đồ mà bạn không cần đến. Việc này không chỉ hỗ trợ tiết kiệm tiền và giúp nhà cửa đỡ bừa bộn mà còn không tiêu tốn tài nguyên (vật liệu, năng lượng, công sức) cần thiết để tạo ra sản phẩm đó. Bạn có thể mượn và sử dụng món đồ đó, hay hoàn toàn không cần dùng tới món đồ đó không?
  • Không dùng túi polyetylen. Bạn có thể dễ dàng tìm được những loại túi này, nhưng chúng không thân thiện với môi trường.
  • Tránh dùng dầu cọ! Dầu cọ được chiết xuất từ dầu của cây cọ tại Indonesia và châu Phi, và là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới nạn phá rừng nhiệt đới. Hãy kiểm tra thành phần đồ ăn và mỹ phẩm của bạn; tránh những công ty xuất khẩu lượng dầu cọ lớn như PepsiCo và Nestle. Tuy nhiên, hãy hỗ trợ các công ty như Gap và Coca Cola, bởi các công ty này không sử dụng dầu cọ.
  • Bạn cũng có thể bảo vệ môi trường bằng cách bảo vệ loài ong mật cũng như các loài côn trùng khác, những loài đóng góp tích cực cho thế giới của chúng ta.
  • Cân nhắc ăn chay hoàn toàn. Tác động xấu của việc ăn chay tới các loài động vật và môi trường sẽ ở mức tối thiểu.
  • Hứng nước mưa và sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau (ví dụ như làm vườn, dọn dẹp hoặc làm bể tắm cho chim).

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây