Cài đặt máy tính bảng Android

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Máy tính bảng Android đã tiến được một chặng đường dài trong vài năm gần đây, và giờ đã mang đến nhiều tính năng hàng đầu. Trong nhiều trường hợp, máy tính bảng Android của bạn còn có thể làm được những thứ mà các dòng máy tính bảng khác không thể. Làm quen với máy tính bảng Andoird có thể hơi nản một chút, nhưng một khi bạn đăng nhập với tài khoản Google, mọi thứ sẽ bắt đầu trở nên rõ ràng hơn. Với thư viện ứng dụng đồ sộ của Android, chẳng có mấy điều mà nó không thể làm được.

Các bước[sửa]

Mở hộp và Sạc[sửa]

  1. Mở hộp máy tính bảng. Khi mới nhận máy tính bảng, bạn cần thực hiện một số thao tác trước khi sẵn sàng để bật thiết bị. Bước đầu tiên để cài đặt bất kỳ máy tính bảng Android mới nào là mở hộp thiết bị và đánh giá các món đồ và thiết bị được kèm theo nó.
    • Nếu bạn mới mua một máy tính bảng, bạn thường sẽ thấy trong hộp có một sợi cáp USB, một bộ sạc nguồn, một bản hướng dẫn sử dụng, một thẻ bảo hành, và máy tính bảng.
    • Chắc chắn rằng bạn tìm thấy bản hướng dẫn sử dụng và đọc qua một lượt để làm quen với thiết bị cũng như các chức năng cơ bản của máy tính bảng.
  2. Sạc máy tính bảng Android của bạn. Mặc dù máy tính bảng Android có thể có sẵn lượng pin đủ dùng để bật lên ngay sau khi lấy ra khỏi hộp, bạn vẫn nên sạc đầy nó trước khi sử dụng.
    • Để sạc máy tính bảng Android, cắm sợi cáp USB kèm theo vào bộ sạc nguồn hoặc vào một cổng USB trên máy tính. Cắm đầu còn lại vào cổng Micro USB ở dưới cùng thân máy. Máy tính bảng thông thường sẽ sạc nhanh hơn nếu nó được cắm vào ổ cắm tường.
    • Nếu bạn không chắc chắn dây cáp nào là dây cáp nguồn, hãy mở hướng dẫn sử dụng và đọc trang mục lục.
  3. Bật máy tính bảng lên. Sau khi đã sạc đầy pin, bật thiết bị lên bằng cách giữ nút “Power” (Nguồn) trong khoảng ba giây. Giữ nút cho tới khi màn hình hiển thị một thông báo.
    • Máy tính bảng Android thường có hai nút vật lý khác nhau ở trên đỉnh hoặc cạnh bên phải. Nút kéo dài là nút điều khiển âm lượng trong khi nút nhỏ hơn là nút Nguồn/Nghỉ của máy tính bảng.

Thực hiện Cài đặt Ban đầu[sửa]

  1. Lựa chọn ngôn ngữ. Sau khi khởi động máy tính bảng lần đầu, bạn sẽ cần phải thực hiện một loạt các bước để cài đặt nó. Phần đầu tiên của quy trình cài đặt sẽ yêu cầu bạn chọn một ngôn ngữ từ danh sách các ngôn ngữ. Vuốt danh sách, hoặc chạm vào trình đơn thả xuống để chọn ngôn ngữ.
    • Nhấn "Next" (Tiếp theo) khi bạn đã hoàn thành.
    • Lưu ý rằng hướng dẫn chính xác này sẽ có sự khác biệt tùy thuộc vào máy tính bảng mà bạn cài đặt. Các mẫu máy và nhà sản xuất khác nhau sẽ có các quy trình cài đặt khác nhau.
  2. Chọn mạng Wi-fi. Sau khi chọn ngôn ngữ, một danh sách các mạng Wi-Fi trong phạm vi sẽ hiển thị trên màn hình. Bạn cần tìm mạng Wi-Fi của mình trên trang đó. Nếu mạng của bạn không hiện lên, hãy lại gần bộ định tuyến của bạn hơn, rồi nhấn nút “Refresh List” (Làm mới Danh sách) trên màn hình.
    • Nhấn vào mạng mà bạn muốn kết nối tới. Nếu mạng đó được bảo mật, bạn sẽ được nhắc để nhập mật khẩu vào trước khi kết nối. Sử dụng bàn phím trên màn hình để nhập mật khẩu.
    • Sau khi đã nhập mật khẩu Wi-Fi, nhấn nút “Continue” (Tiếp tục) để kết nối.
    • Xem hướng dẫn này để biết thêm chi tiết về cách kết nối tới một mạng không dây.
  3. Thiết lập ngày giờ. Điều này thường được tự động phát hiện, nhưng bạn có thể điều chỉnh nếu ngày giờ chưa được máy tính bảng thiết lập chính xác. Nhấn “Next” (Tiếp theo) để tiếp tục.
  4. Đồng ý với các điều khoản sử dụng. Bạn sẽ được nhắc đọc và đồng ý với các điều khoản và điều kiện sử dụng máy tính bảng. Đọc điều khoản để biết những gì bạn có thể và không thể làm với máy tính bảng của mình theo quy định của nhà sản xuất. Nhấn “Next” (Tiếp theo) để tiếp tục.
  5. Đăng nhập với tài khoản Google của bạn. Vì Android được tạo ra bởi Google, nên nhiều trải nghiệm chính của Android, như cửa hàng Google Play và tích hợp Gmail, sẽ yêu cầu bạn phải đăng nhập với một tài khoản Google. Lúc này máy tính bảng Android của bạn sẽ yêu cầu bạn đăng nhập với một tài khoản Google có sẵn hoặc tạo một tài khoản mới. Sau khi nhập vào thông tin tài khoản của bạn, quá trình đăng nhập sẽ mất vài phút.
    • Bạn có thể bỏ qua bước đăng nhập vào tài khoản Google, nhưng bạn sẽ không thể truy cập vào nhiều chức năng của máy tính bảng. Máy tính bảng sẽ cho phép bạn tạo một tài khoản Google, hoặc bạn cũng có thể tạo một tài khoản trực tuyến.
    • Một vài máy tính bảng, như Samsung Galaxy, sẽ yêu cầu bạn đăng nhập vào tài khoản của nhà sản xuất. Điều này có thể cho phép bạn truy cập tới các dịch vụ của nhà sản xuất, như chương trình sao lưu. Giống như một tài khoản Google, tài khoản nhà sản xuất này là miễn phí.
    • Nếu bạn có một tài khoản Gmail, tài khoản YouTube, hay hồ sơ Google+, thì bạn đã có sẵn tài khoản Google rồi.
  6. Chọn các thiết lập sao lưu. Sau khi bạn đăng nhập, bạn sẽ được yêu cầu thiết lập tùy chọn sao lưu và phục hồi. Bạn có thể phục hồi các thiết lập Google của mình cho thiết bị mới, rất hữu dụng nếu bạn đã có một thiết bị Android khác. Bạn cũng có thể thiết lập máy tính bảng để tự động sao lưu vào tài khoản Google của bạn, cho phép bạn dễ dàng khôi phục hoặc di chuyển các thiết lập trong tương lai.
  7. Cài đặt thông số định vị. Màn hình tiếp theo sẽ yêu cầu bạn thiết lập các thông số định vị. Kích hoạt định vị Wi-Fi sẽ cho phép ứng dụng tìm kiếm vị trí tương đối của bạn dựa trên kết nối Wi-Fi của bạn. Ngoài ra, bạn có thể kích hoạt tính năng theo dõi vị trí GPS để định vị chính xác hơn. Điều này rất hữu dụng cho Google Maps.
  8. Đăng nhập vào các dịch vụ khác. Một vài máy tính bảng kèm theo nhiều dịch vụ khác mà yêu cầu bạn phải đăng nhập lúc này. Ví dụ, nhiều máy tính bảng Samsung Galaxy đi kèm với ứng dụng lưu trữ Dropbox miễn phí đòi hỏi bạn phải tạo một tài khoản. Các máy tính bảng khác nhau sẽ có ứng dụng đi kèm khác nhau, và không đòi hỏi bạn phải sử dụng đến chúng.
  9. Đặt tên cho thiết bị. Bước cuối cùng của việc cài đặt máy tính bảng thường là đặt tên cho thiết bị của bạn. Đây là tên sẽ xuất hiện khi thiết bị của bạn được kết nối vào mạng, hoặc khi bạn quản lý thiết bị trực tuyến.

Làm quen với Giao diện[sửa]

  1. Duyệt tới màn hình Home (Trang chủ). Màn hình Home là màn hình chính của máy tính bảng. Nó chứa các ứng dụng và các tiện ích con, là các ứng dụng thu nhỏ chạy trực tiếp trên màn hình của bạn (ví dụ: ứng dụng thời tiết hay đồng hồ). Bạn có thể di chuyển giữa các màn hình Home bằng cách vuốt sang trái và phải.
  2. Bổ sung thêm và gỡ bỏ các ứng dụng khỏi màn hình Home. Có một vài ứng dụng sẵn có trên màn hình Home. Bạn có thể di chuyển các ứng dụng này bằng cách nhấn và giữ biểu tượng ứng dụng. Nếu bạn muốn thêm ứng dụng từ danh sách các ứng dụng cài sẵn, nhấn nút “Apps” (Ứng dụng) để mở App Drawer. Nhấn và giữ bất kỳ ứng dụng nào trong danh sách và di chuyển nó tới màn hình Home.
    • Để gỡ bỏ một ứng dụng khỏi màn hình Home, nhấn và giữ biểu tượng ứng dụng và thả xuống thùng rác xuất hiện phía dưới màn hình. Thao tác này chỉ gỡ bỏ ứng dụng khỏi màn hình Home, chứ không gỡ cài đặt nó.
  3. Mở trình đơn Settings (Cài đặt). Nhấn biểu tượng Settings trên màn hình Home hoặc App Drawer để mở trình đơn Settings. Đây là nơi bạn có thể điều chỉnh tất cả các thiết lập cho thiết bị và tài khoản của bạn.
  4. Tìm kiếm với Google. Nhấn vào thanh tìm kiếm Google để mở chức năng Google Search (Tìm kiếm với Google). Bạn có thể sử dụng bàn phím trên màn hình để gõ vào thanh tìm kiếm. Google Search sẽ tìm thiết bị của bạn cũng như internet về bất kỳ điều gì khớp với các từ khóa tìm kiếm của bạn.
  5. Mở một ứng dụng. Bạn có thể chạy bất kỳ ứng dụng nào đã cài đặt bằng cách nhấn vào biểu tượng của nó. Bạn có thể chạy nhiều ứng dụng một lúc. Để chuyển đổi giữa các ứng dụng, nhấn nút Multitask (Đa nhiệm). Thao tác này sẽ mở ra một danh sách tất cả các ứng dụng bạn đang mở, cho phép bạn chuyển qua lại nhanh chóng giữa chúng.
  6. Thêm tiện ích con vào màn hình Home. Nhấn và giữ một khoảng trống trên màn hình Home. Chọn “Widget” (Tiện ích) từ danh sách, duyệt danh sách để tìm tiện ích con mà bạn muốn thêm. Các tiện ích con có nhiều kích cỡ khác nhau.
    • Bạn có thể thêm nhiều tiện ích con từ cửa hàng Google Play. Có đủ tiện ích con cho bất kỳ chức năng nào mà bạn có thể nghĩ tới, và được thiết kế để bạn truy cập thông tin nhanh chóng mà không phải mở một ứng dụng.

Sử dụng Chức năng Cơ bản của Máy tính bảng[sửa]

  1. Kiểm tra email. Nếu bạn đã đăng nhập với tài khoản Google, tài khoản của bạn sẽ được tự động thêm vào ứng dụng Email. Bạn có thể mở ứng dụng này để duyệt các thông điệp email của bạn. Nếu bạn có nhiều tài khoản email khác nhau, bạn có thể thêm chúng để tập trung tất cả thư về một chỗ.
    • Bạn cũng có thể tải về ứng dụng Gmail nếu bạn chủ yếu sử dụng Gmail cho email.
  2. Mở Google Search. Vuốt từ nút Home lên trên để mở công cụ Google Search. Bạn có thể nhập từ khóa vào thanh tìm kiếm ở trên cùng, và các thẻ với thông tin mà Google cho rằng phù hợp với bạn sẽ xuất hiện bên dưới thanh tìm kiếm.
  3. Lướt internet. Tùy thuộc vào nhà sản xuất máy tính bảng, bạn có thể có một ứng dụng “Internet”, “Browser”, hoặc “Chrome”. Tất cả những ứng dụng này đều cho phép bạn lướt internet trên máy tính bảng của mình. Các trình duyệt này làm việc rất giống với một trình duyệt web trên máy tính của bạn: nhập địa chỉ vào thanh địa chỉ ở trên cùng để truy cập một trang web.
    • Nếu bạn muốn truy cập nhiều trang web cùng lúc, nhấp vào nút ở trên cùng bên phải để mở các thẻ mới. Khi có nhiều hơn một thẻ được mở, bạn có thể nhấn nút trên cùng bên phải một lần nữa để xem tất cả các thẻ đang mở của bạn.
  4. Chơi nhạc. Nếu bạn có bất kỳ bài nhạc nào trên máy tính bảng, ứng dụng Play Music sẽ có thể phát hiện nó một cách tự động. Ứng dụng Play Music có thể truy cập được từ trình đơn App như các ứng dụng khác; chỉ cần nhấp vào biểu tượng Play Music để mở nó.
    • Khi đã mở ứng dụng Play Music, bạn sẽ nhận thấy cách bố trí khá giống với ứng dụng Play Store. Ở trên cùng, bạn sẽ có nút chức năng tìm kiếm và tài khoản tương tự. Bên dưới các nút trên cùng, bạn sẽ có một danh sách mọi album của bạn, tất cả đều được hiển thị như những ô gạch lát trên màn hình.
    • Nhấn vào mỗi ô để mở danh sách nhạc trong ô đó, hoặc nhấn vào biểu tượng ba chấm xám xếp dọc để truy cập vào các tùy chọn để thêm nó vào một danh sách hoặc chơi nó.
    • Ứng dụng Play Music có thể chơi bất kỳ bài hát nào bạn tải vào máy tính bảng, cũng như bất kỳ bài nào bạn mua từ Google Play Store. Bạn còn có thể đăng ký để truy cập không giới hạn tới thư viện Google Music tính phí theo tháng, tương tự như Spotify Premium.
    • Nếu bạn không thích ứng dụng Play Music, bạn có thể tải về các ứng dụng chơi nhạc khác như Spotify, Pandora, hay Rhapsody.

Cài đặt Ứng dụng mới[sửa]

  1. Mở cửa hàng Google Play. Biểu tượng này nằm trên màn hình Home, và trông giống như một túi mua sắm. Thao tác này sẽ mở Google Play store, nơi bạn có thể tải các ứng dụng, trò chơi, âm nhạc, sách, phim và hơn thế nữa. Mặc định Google Play store sẽ mở vào phần Ứng dụng.
  2. Duyệt các ứng dụng hàng đầu. Khi bạn mở cửa hàng lần đầu tiên, bạn sẽ thấy rất nhiều các ứng dụng và trò chơi được đề cử. Duyệt qua để xem có thứ gì hấp dẫn bạn hay không.
  3. Ngó qua các danh mục. Bạn có thể xem qua Miễn phí phổ biến nhất, Mua nhiều nhất, Ứng dụng có tổng doanh thu cao nhất (mọi lúc), và nhiều hơn thế. Những thứ này mang lại cho bạn ý tưởng tốt về những gì mọi người đang sử dụng.
  4. Tìm kiếm một ứng dụng. Sử dụng thanh tìm kiếm ở trên cùng màn hình để tìm kiếm một ứng dụng cụ thể. Các kết quả sẽ được hiển thị mỗi khi bạn gõ một ký tự.
  5. Cài đặt một ứng dụng. Sau khi chọn được một ứng dụng, bạn có thể xem xét các chi tiết và biết được người dùng khác đánh giá gì về nó. Nếu bạn quyết định rằng bạn muốn cài đặt, bạn có thể mua ứng dụng (nếu là trả phí) rồi tải về thiết bị của bạn. Một khi ứng dụng được tải về và cài đặt, nó sẽ hiện trên App Drawer và màn hình Home.
    • Nếu bạn muốn mua một ứng dụng, bạn sẽ cần phải có phương thức thanh toán gắn với tài khoản Google của mình, hoặc sẽ cần phải mua một thẻ quà Google Play.
  6. Cài đặt vài ứng dụng hữu ích. Có hàng chục nghìn ứng dụng mà bạn có thể chọn lựa, do đó khi mới bắt đầu bạn có thể sẽ thấy hơi nản lòng. Có một số ứng dụng mà hầu hết người dùng đều có thể có được lợi ích từ chúng, và là nơi tốt để bắt đầu.
    • Quản lý tập tin – Hệ điều hành Android cho bạn nhiều quyền truy cập tới các cấu phần bên trong so với iPad. Tải về ứng dụng Quản lý tập tin cho phép bạn dễ dàng xem, di chuyển, sao chép, và xóa bất kỳ tập tin nào trên máy tính bảng của bạn. “ESFile Manager” là một trong những ứng dụng quản lý tập tin phổ biến và mạnh mẽ nhất sẵn có cho Android.
    • Phát video – Các máy tính bảng rất hữu ích để xem video khi đang trên đường, nên bạn sẽ muốn có một vài ứng dụng cho phép bạn làm điều đó. Phần lớn các ứng dụng này đòi hỏi phải đăng ký, nhưng bạn có thể đã sử dụng chúng ở trên các thiết bị khác. Không nên bỏ qua Netflix và Hulu, nhưng cũng có những lựa chọn khác cho ứng dụng phát video.
    • Lưu trữ đám mây – Khi ngày càng nhiều công việc được thực hiện trên “đám mây”, hay trực tuyến, thì nhu cầu đối với các ứng dụng dành riêng cho lưu trữ đám mây cũng trở nên phổ biến hơn. Vì bạn sử dụng máy tính bảng Android, bạn sẽ muốn cài đặt Google Drive. Điều này sẽ đem lại cho bạn khả năng truy cập 15GB dung lượng lưu trữ, và cũng cho phép bạn tạo và chỉnh sửa văn bản, bảng biểu, và bài trình bày với Google. Dropbox cũng có một ứng dụng cho máy tính bảng cho phép bạn dễ dàng truy cập tới các tập tin bạn đã lưu trữ.
    • Trình duyệt web – Nếu máy tính bảng của bạn đã cài sẵn một trình duyệt “Internet” hay “Browser”, bạn có thể muốn cân nhắc thay thế bằng thứ gì đó mạnh mẽ hơn. Google Chrome có một phiên bản dành cho máy tính bảng với rất nhiều tính năng cho phép bạn đồng bộ mọi đánh dấu trang, đăng nhập và mật khẩu được lưu của bạn với phiên bản dành cho máy tính bàn. Firefox cũng có sẵn cho Android và đồng bộ với phiên bản cho máy tính bàn.
    • Tin nhắn – Máy tính bảng gần như không thể gửi được tin nhắn SMS bởi nó không có tín hiệu mạng điện thoại, nhưng bạn có thể cài đặt ứng dụng nhắn tin cho phép bạn tán gẫu với bất cứ ai ở bất cứ đâu. Các chương trình như Skype, WhatsApp, Snapchat, và Google Hangouts đều sẵn có cho các máy tính bảng Android.

Liên kết đến đây