Các nguyên nhân gây tử vong trong ung thư

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Ung thư là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai trên thế giới với 8,8 triệu ca tử vong trong năm 2015 [1]. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cứ khoảng 6 người tử vong thì có 1 người tử vong vì ung thư[1].

Ảnh: Internet

Ung thư đã giết người như thế nào?[sửa]

Cách thức gây tử vong trong ung thư thường do sự phối hợp của nhiều nguyên nhân. Ngoài ra, nó còn phụ thuộc rất nhiều vào loại ung thư và cơ quan nào mắc bệnh. Một số loại ung thư thường chỉ xuất hiện triệu chứng ở giai đoạn trễ, khi bướu đã lan tràn hoặc di căn xa.

Tuy nhiên có các nguyên nhân thường gặp gây ra tử vong trong ung thư:

Nhiễm trùng[sửa]

Nhiễm trùng là nguyên nhân chính gây ra 36% trường hợp tử vong vì ung thư[2] và là nguyên nhân phối hợp trong 68% trường hợp [2]. Đây là nguyên nhân hàng đầu trong nhiều loại ung thư thường gặp như ung thư phổi, ung thư vú, ung thư dạ dày ruột. Bản thân ung thư cũng như các phương pháp điều trị có thể làm suy yếu hệ miễn dịch nên khiến cho bệnh nhân dễ mắc các bệnh nhiễm trùng và diễn tiến nặng hơn. Mặt khác, việc gia tăng các dòng vi khuẩn kháng thuốc trong những năm gần đây làm cho các lựa chọn các loại kháng sinh để điều trị cho bệnh nhân nhiễm trùng nói chung và bệnh nhân ung thư nói riêng ngày càng gặp nhiều khó khăn.

Lời khuyên:

  • Hãy rửa tay thường xuyên trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi chơi với các loại thú cưng, sau khi sử dụng các phương tiện và đồ vật công cộng. Việc này nên được thực hiện không chỉ đối với bệnh nhân mà cả những người thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhân như gia đình, bạn bè.
  • Kiểm tra nhiệt độ cơ thể khi cảm thấy nóng trong người, ớn lạnh, hay mệt mỏi hơn mọi ngày.
  • Không tự ý dùng thuốc và hãy gặp bác sĩ ngay khi có các dấu hiệu của nhiễm trùng như: sốt, ho, đau họng, nghẹt mũi, tiêu chảy, nôn ói, đỏ hoặc sưng bất cứ vùng nào của cơ thể.
Nguồn: Vụ điều trị Bộ Y tế

Xuất huyết nặng hay tắc mạch[sửa]

Nguyên nhân này chịu trách nhiệm chính trong 18% các trường hợp tử vong vì ung thư[2] và là nguyên nhân phối hợp của 43% trường hợp[2].

Xâm lấn các cơ quan khác[sửa]

Di căn đến các cơ quan khác là yếu tố tiên lượng xấu đối với bệnh nhân ung thư. Tỉ lệ sống 5 năm của các bệnh nhân được chẩn đoán là có di căn xa khoảng 0-17%[3] đối với các loại ung thư thường gặp như ung thư vú, ung thư phổi, ung thư dạ dày, ung thư đại tràng, ung thư cổ tử cung.

Đây cũng là nguyên nhân hàng đầu chịu trách nhiệm cho 42%[4] số ca tử vong trong ung thư vú. Thường do bệnh được chẩn đoán ở giai đoạn trễ, hoặc tái phát sau quá trình điều trị.

Lời khuyên:

  • Thực hiện tầm soát phát hiện sớm đối với các ung thư có thể tầm soát như ung thư vú, ung thư cổ tử cung.
  • Sau quá trình điều trị, cần tuân thủ lịch tái khám của bác sĩ để phát hiện sớm sự tái phát của ung thư.

Suy hô hấp[sửa]

Đây là nguyên nhân chính của 19%[2] trường hợp tử vong trong ung thư.

Đối với ung thư phổi, các mô phổi lành mạnh không còn đủ hoặc thậm chí khối u có thể làm nghẽn một phần của phổi hoặc do các nhiễm trùng ở phổi khiến cho bệnh nhân không thể hấp thụ đủ lượng oxy cho cơ thể dẫn đến suy hô hấp.

Các loại ung thư khác có thể di căn đến phổi, thường gặp như ung thư vú, ung thư tinh hoàn, ung thư đại trực tràng. U di căn có thể một hay nhiều, ảnh hưởng ít hoặc nhiều tới chức năng hô hấp của phổi, làm bệnh nhân khó thở, nặng hơn là suy hô hấp và cuối cùng dẫn đến tử vong nếu tình trạng suy hô hấp không được cải thiện.

Suy kiệt[sửa]

Suy kiệt chịu trách nhiệm chính cho 1%[2] các trường hợp tử vong vì ung thư. Suy kiệt thường xảy ra ở các bệnh nhân bị ung thư thực quản, ung thư dạ dày giai đoạn trễ khiến bệnh nhân không thể ăn uống. Ngoài ra, tác dụng phụ của các liệu pháp điều trị ung thư làm bệnh nhân ăn uống kém đi do giảm cảm giác thèm ăn, nôn ói, rối loạn tiêu hóa.

Lời khuyên:

  • Hãy dùng các thức ăn lỏng hoặc mềm, những loại thức ăn yêu thích, chia thành nhiều bữa ăn nhỏ.
  • Ăn uống cùng gia đình hay bạn bè để cảm thấy ngon miệng hơn.
Nguồn: Internet

Có phải ung thư là chắc chắn tử vong?[sửa]

Đầu tiên, cần nhấn mạnh rằng không phải cứ mắc ung thư là cầm chắc cái chết. Khả năng sống sót sau 5 năm của bệnh nhân ung thư tùy thuộc vào loại ung thư và đặc biệt là giai đoạn lúc phát hiện ung thư. Ung thư được phát hiện ở giai đoạn sớm có tiên lượng tốt hơn nhiều, vì vậy việc tầm soát phát hiện sớm có vai trò rất quan trọng trong điều trị của nhiều loại ung thư.

Nguồn: Theo “Bài giảng ung bướu học” – Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Ung thư “phòng hơn chữa”![sửa]

Hiện nay tuy có rất nhiều loại ung thư chưa có phương tiện tầm soát phát hiện sớm hiệu quả, nhưng có tới 30-50%[1] có thể phòng ngừa được. Thế nên việc hình thành các thói quen lành mạnh như không hút thuốc, uống rượu bia vừa phải, thực hiện tầm soát sớm với các loại ung thư có khả năng tầm soát đặc biệt với các đối tượng nguy cơ cao, đồng thời cải thiện môi trường sống có vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại ung thư của toàn thể nhân loại.

Tác giả[sửa]

  • Chịu trách nhiệm nội dung: Lê Ngọc Quỳnh Thơ
  • Góp ý nội dung: BS Trần Hoàng Hiệp

Tài liệu tham khảo[sửa]

  1. 1,0 1,1 1,2 Cancer – Facts sheet http://www.who.int/mediacentre/factsheets/fs297/en/
  2. 2,0 2,1 2,2 2,3 2,4 2,5 Causes of death in cancer patients https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/1056415
  3. Ung thư vú – Bài giảng ung bướu học – Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch
  4. Causes of death in breast cancer: a clinicopathologic study. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/7388758
Rss.jpg
Mời bạn đón đọc các bài viết tiếp theo bằng cách đăng kí nhận tin bài viết qua email hoặc like fanpage Thuvienkhoahoc.com để nhận được thông báo khi có cập nhật mới.

Nguồn[sửa]

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này