Các yếu tố nguy cơ của ung thư phổi
Một yếu tố nguy cơ là bất kỳ tác nhân nào ảnh hưởng đến khả năng mắc một bệnh nào đó, ung thư chẳng hạn. Các loại ung thư khác nhau có yếu tố nguy cơ khác nhau. Một số yếu tố nguy cơ, ví dụ như hút thuốc, có thể thay đổi được. Những yếu tố khác, như tuổi hay tiền sử gia đình có người mắc bệnh, là không thay đổi được.
Tuy nhiên, có một hay thậm chí là nhiều yếu tố nguy cơ không có nghĩa là bạn sẽ chắc chắn mắc bệnh. Và một số người mắc bệnh trong khi có ít hoặc không có yếu tố nguy cơ đã biết nào.
Sở hữu nhiều yếu tố nguy cơ cùng lúc làm tăng khả năng mắc ung thư phổi.
Mục lục
1) Hút thuốc lá[sửa]
Hút thuốc lá là số một trong những yếu tố nguy cơ của ung thư phổi. Hút thuốc lá liên quan đến hơn 85% các trường hợp mắc ung thư phổi ở Canada và khoảng 90% các trường hợp ung thư phổi ở Hoa Kì
Khói thuốc lá được biết là có thành phần hơn 7.000 chất hóa học, và với một phần nhiều trong số đó là những chất độc. Có Ít nhất 70 chất được biết là tác nhân gây ra ung thư ở người hoặc động vật.
Người hút thuốc lá có nhiều khả năng bị ung thư phổi hoặc tử vong do ung thư phổi gấp 15-30 lần so với những người không hút thuốc. Thậm chí, hút một vài điếu thuốc một ngày hoặc hút không thường xuyên cũng làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư phổi.
Nguy cơ mắc ung thư phổi bị ảnh hưởng bởi việc một người hút thuốc lá trong bao lâu, tuổi của họ khi họ bắt đầu hút thuốc và số điếu thuốc hút mỗi ngày. Số năm hút thuốc và số lượng thuốc hút trong ngày càng nhiều baonhiêu thì nguy cơ càng tăng lên bấy nhiêu.
Những người đã bỏ hút thuốc lá có nguy cơ ung thư phổi thấp hơn những người vẫn tiếp tục hút. Nhưng nguy cơ cao hơn so những người không bao giờ hút thuốc. Bỏ hút thuốc ở mọi lứa tuổi đều có thể làm giảm nguy cơ ung thư phổi.
Các loại sản phẩm thuốc lá khác như thuốc lá ít nicotine, thuốc tẩu, xì gà, thuốc lá thảo dược, shisha và thuốc lá nhai cũng có thể gây ung thư và không được coi là an toàn.
2) Hút thuốc lá thụ động[sửa]
Dù bạn không hút thuốc lá nhưng ngửi khói thuốc lá từ người hút thuốc thở ra và khói bốc lên từ một điếu thuốc, tẩu thuốc hoặc một điếu xì-gà đang cháy thì bạn được xem là người “hút thuốc lá thụ động”.
Khi một người hít thở không khí có khói thuốc lá, nó cũng giống như người đó đang hút thuốc lá. Tại Hoa Kỳ, 2 trong số 5 người lớn không hút thuốc và một nửa số trẻ em có tiếp xúc với khói thuốc lá và đã trở thành “người hút thuốc lá thu động”.
Hút thuốc lá thụ động cũng làm tăng đáng kể nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi, khoảng 7.300 người không bao giờ hút thuốc chết vì bệnh ung thư phổi do hút thuốc lá thụ động mỗi năm.
3) Radon[sửa]
Tiếp xúc với radon làm tăng nguy cơ ung thư phổi. Nguy cơ mắc ung thư phổi phụ thuộc vào lượng radon một người tiếp xúc, thời gian họ được tiếp xúc.
Radon là một chất khí tự nhiên mà bạn không thể ngửi , nếm hay nhìn thấy. Radon đến từ sự phân hủy tự nhiên của uradium hoặc kim loại phóng xạ trong đá , đất và nước ngầm. Ở ngoài trời, khí radon được pha loãng bởi không khí trong lành, nên không phải là một mối quan tâm đáng kể. Nhưng Radon có thể chui vào nhà hoặc các tòa nhà qua những khe hở ở tầng hầm hoặc những tầng dơ bẩn. Khí Radon có thể đạt những mức nguy hiểm ở những căn nhà hoặc tòa nhà kín và không được thông thoáng. Gần như cứ một trong 15 ngôi nhà ở Mỹ được cho là có nồng độ radon cao.
Radon là nguyên nhân hàng đầu của bệnh ung thư phổi ở người không hút thuốc và nguyên nhân thứ hai dẫn đến ung thư phổi ở người hút thuốc. Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA), radon gây ra khoảng 20.000 trường hợp ung thư phổi mỗi năm, là nguyên nhân thứ hai dẫn đến ung thư phổi.
4) Các chất khác[sửa]
Ví dụ về các chất tìm thấy ở một số nơi làm việc làm tăng nguy cơ ung thư phổi bao gồm:
– Amiăng là nhóm khoáng chất có trong tự nhiên . Amiăng đã được sử dụng làm vật liệu xây dựng và trong nhiều ngành công nghiệp khác nữa . Hít thở không khí có chứ amiăng làm tăng nguy cơ ung thư phổi. Những người làm việc với amiăng (ví dụ như trong các hầm mỏ, nhà máy, nhà máy dệt, nơi cách nhiệt được sử dụng, và nhà máy đóng tàu) làm tăng nhiều lần khả năng mắc ung thư phổi. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự kết hợp của việc hút thuốc và tiếp xúc với amiăng là đặc biệt nguy hiểm. Người vừa tiếp xúc với amiăng vừa hút thuốc có nguy cơ rất cao mắc bệnh ung thư phổi.
– Thạch tín: nước uống có lượng arsenic cao làm tăng nguy cơ phát triển bệnh ung thư phổi. Nguy cơ tăng thêm nữa ở những người hút thuốc.
5) Nguồn không khí bị ô nhiễm[sửa]
Có bằng chứng mạnh mẽ rằng việc tiếp xúc với nguồn không khí ô nhiễm trong thời gian dài sẽ gây ra ung thư phổi. Nguy cơ ung thư phổi gia tăng do tiếp xúc nhiều với không khí ô nhiễm. Các chất ô nhiễm trong không khí thay đổi từ nơi này đến nơi khác tùy thuộc vào nguồn khí thải trong khu vực và nguồn khí thải di chuyển đến từ nhiều khu vực khác .
Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng các thành phần riêng lẻ trông không khí bị ô nhiễm có khả năng gây ra ung thư, bao gồm: khí thải động cơ diesel, benzen , các hạt vật chất và một số hydrocarbon thơm đa vòng (PAHs ) . Nguy cơ này là ít hơn so với nguy cơ gây ra bởi hút thuốc, nhưng một số nhà nghiên cứu ước tính rằng trên toàn thế giới có khoảng 5% số ca tử vong do ung thư phổi có thể là do ô nhiễm không khí ngoài trời.
6) Cá nhân hoặc gia đình có người mắc ung thư phổi[sửa]
Nguy cơ ung thư phổi của 1 người sẽ cao hơn nếu cha mẹ, anh chị em của họ bị ung thư phổi. Những người đã bị ung thư phổi có tăng nguy cơ phát triển bệnh ung thư phổi lần hai .
Anh chị em, con cái hoặc cha mẹ của những người đã bị ung thư phổi có thể có nguy cơ cao mắc ung thư phổi. Nguy cơ tăng lên trong số người thân trong gia đình có thể là do một số yếu tố, chẳng hạn như sự ảnh hưởng về hành vi của những thành viên trong gia đình với nhau (như hút thuốc) hoặc cùng chung sống trong môi trường có chất sinh ung thư (như radon, đốt than đá …).
Các nghiên cứu khác còn chỉ ra rằng nguy cơ ung thư phổi trong một gia đình sẽ gia tăng nếu một thành viên trong gia đình phát triển bệnh ở tuổi còn trẻ.
7) Người có bệnh phổi từ trước[sửa]
Những người đã có bệnh nền ở phổi trước đây hoặc tình trạng xơ phổi sẽ tăng nguy cơ ung thư phổi. Ví dụ:
– Bệnh lao (TB) – một bệnh nhiễm trùng phổi lây lan do hít phải vi khuẩn lao.
– Bệnh tắc nghẽn mãn tính (COPD) – một căn bệnh lâu dài (bao gồm viêm phế quản mạn tính và khí phế thũng) gây hại cho phổi và thường là do hút thuốc lá
– Viêm phổi do Chlamydophila pneumoniae
8) Tiếp xúc với bức xạ[sửa]
Nguy cơ ung thư phổi tăng lên đối với những người đã từng tiếp xúc trước với bức xạ ion hóa.
Những người đã được điều trị bằng xạ trị vùng ngực để điều trị các bệnh ung thư như: u lympho Hodgkin, ung thư vú có nguy cơ cao đối với bệnh ung thư phổi. Nguy cơ tăng thêm nữa ở những người hút thuốc.
Ở Nhật Bản, những người dân đã từng tiếp xúc với bức xạ ion hóa trong các vụ nổ bom nguyên tử có nguy cơ rất cao mắc phải ung thư phổi.
Chịu trách nhiêm thông tin[sửa]
- Huỳnh Ngọc Khánh An
- Reviewer: Dr. Huynh Wynn Tran
- Lần cuối xem xét Y học: 23/6/2016
- Lần cuối chỉnh sửa: 23/6/2016
Nguồn Tham Khảo[sửa]
- http://www.cancer.ca/en/cancer-information/cancer-type/lung/risks/?region=on
- http://www.cancer.org/cancer/lungcancer-non-smallcell/moreinformation/lungcancerpreventionandearlydetection/lung-cancer-prevention-and-early-detection-risk-factors
- http://www.cdc.gov/cancer/lung/basic_info/risk_factors.htm