Cách tăng tốc độ đọc

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Bạn muốn cải thiện tốc độ đọc? Đọc nhanh hơn không phải là lướt qua toàn bộ quyển sách hay tài liệu mà không hề hiểu hay thấy hứng thú với những gì nêu trong đó mà là bạn học cách tăng tốc độ đọc nhưng vẫn nắm bắt được đầy đủ thông tin một cách thú vị. Hãy bắt đầu với Bước 1 ngay dưới đây.

Ảnh minh họa

Các bước[sửa]

Thay đổi Thói quen Xấu[sửa]

  1. Hạn chế “đọc” các từ trong đầu. Khi đọc, một số người có xu hướng phát âm các từ – dù bằng cách đọc thầm hoặc cảm giác như âm thanh của từ đó phát ra trong đầu. Hiện tượng này được biết đến với cái tên là nhẩm từ và là một trong những vấn đề lớn tác động đến tốc độ đọc của bạn.
    • Dù rằng việc đọc to từng từ là một cách rất hiệu quả trong việc dạy trẻ em tập đọc, nhưng đối với việc tăng tốc độ đọc thì không. Việc nhẩm từ chỉ giúp bạn đạt được tốc độ bạn phát âm ra từ đó, mà sự thật thì tốc độ đó chưa thực sự nhanh.
    • Bằng cách loại bỏ thói quen nhẩm từ, bạn có thể đọc nhanh gấp hai hay ba lần so với trước kia. Bạn có thể hạn chế thói quen nhẩm từ bằng cách hoạt động miệng như nhai kẹo cao su, ngâm nga gì đó hoặc làm bất cứ hoạt động nào khiến miệng của bạn bận rộn mà quên đi việc đọc ra tiếng. Việc bỏ thói quen nhẩm từ trong đầu có vẻ khó khăn hơn một chút, nhưng bạn có thể làm được bằng cách tập trung, luyện tập và vận dụng nghệ thuật tĩnh tâm.[1]
  2. Hạn chế đọc từng từ. Một “tật” khác khiến tốc độ đọc của bạn giảm đi đáng kể đó là việc đọc từng từ đơn lẻ. Thay vào đó, bạn nên cố gắng đọc theo nhóm hay cụm từ.
    • Ví dụ, phần lớn những người đọc chưa có kinh nghiệm sẽ đọc cụm từ “con ngựa ở trong chuồng” là “con” + ”ngựa” + “ở” + “trong” + “chuồng”, tức là đọc từng từ một cách riêng rẽ. Tuy nhiên, bộ não của chúng ta có một khả năng tuyệt vời đối với việc điền thông tin vào chỗ trống, vậy nên nếu bạn có thể luyện cho bộ não xử lý câu “con ngựa ở trong chuồng” như một mẩu thông tin chứa hai từ khóa là “con ngựa” và “chuồng”, não bộ sẽ điền những từ còn lại vào vị trí hợp lý. Bằng cách đó, bạn có thể hiểu được trọn vẹn nghĩa của một đoạn văn chỉ với 50% số từ. Cách này sẽ giúp tăng tốc độ đọc của bạn một cách đáng kể.
  3. Vượt qua chuyển động không hiệu quả của mắt. Khi trẻ em tập đọc, chúng thường được dạy là hãy nhìn từng từ một trước khi chuyển sang từ tiếp theo. Tuy nhiên, đôi mắt của chúng ta có khả năng nhìn được bốn đến năm từ cùng một lúc, vì thế, cách nhìn từng từ một chỉ khiến cho việc đọc của chúng ta trở nên kém hiệu quả.
    • Hãy cố gắng thả lỏng cơ mặt và ánh mắt của bạn khi đọc – điều này sẽ giúp bạn có thể nhìn được nhiều từ cùng lúc. Hãy cố gắng đọc theo cụm ít nhất bốn đến năm từ cùng lúc trước khi nhìn sang nhóm từ khác.
    • Thêm vào đó, bạn nên cố gắng sử dụng tầm nhìn ngoại vi khi đọc. Tầm nhìn ngoại vi cho phép bạn đọc cả câu mà không cần đổi hướng nhìn, do vậy sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian đọc.
  4. Hạn chế lặp lại. Lặp lại là việc đọc đi đọc lại một câu hai đến ba lần bất kể bạn cố ý làm việc đó hay không. Rõ ràng việc này không những khiến bạn mất thời gian mà cũng không giúp bạn hiểu thêm về tài liệu bạn đang đọc.
    • Một số người đọc lại vì họ quên mất mình đã đọc đến đâu, vì vậy họ quay lại đoạn đầu hoặc phần đầu trang để tìm lại xem mình đã đọc đến đoạn nào. Bạn có thể tránh được điều này bằng cách sử dụng bút nhớ, dùng tay, bút viết hoặc giấy nhớ để đánh dấu trong quá trình đọc.
    • Những người khác đọc lại vì họ cảm thấy mình chưa nắm bắt được ý nghĩa của đoạn văn sau lần đọc đầu tiên. Để không gặp phải tình huống này, bạn cần đảm bảo rằng mình hoàn toàn tập trung từ lần đọc đầu tiên – bạn nên coi việc đọc như một hoạt động chủ động thay vì bị động – vì thế hãy tập trung ngay từ đầu để tránh việc phải đọc lại.
    • Ngoài ra, bạn cũng cần xác định xem thông tin nào thực sự cần phải đọc lại – nếu bạn đã nắm được ý chính của một câu hoặc một đoạn văn (dù bạn không hiểu được ý nghĩa của từng từ) thì việc đọc lại chẳng khác nào lãng phí thời gian của bạn.[2]
  5. Hạn chế sự xao lãng. Rất nhiều người có tốc độ đọc chậm đơn giản chỉ vì môi trường mà họ chọn để ngồi đọc không phù hợp. Nếu bạn muốn đọc nhanh đồng thời vẫn tiếp thu được nội dung của tài liệu, bạn cần phải loại bỏ những nguyên nhân gây xao lãng từ cả môi trường và từ bản thân bạn.
    • Đừng nên đọc ở một nơi ồn ào, như khi mọi người đang nói, tivi hay đài đang bật. Như vậy bạn sẽ cảm thấy bị phân tâm và điều này sẽ khiến bạn phải đọc lại một vài đoạn văn nào đó hoặc phải nhẩm từ để việc đọc thuận lợi hơn. Hãy đọc ở những nơi yên tĩnh, đừng ôm đồm nhiều việc một lúc mà hãy chỉ tập trung vào việc đọc thôi.
    • Nguyên nhân gây xao lãng nội tại như nghĩ về một vấn đề ở cơ quan hay về việc sẽ ăn gì tối nay cũng cần được loại bỏ. Để từ bỏ việc độc thoại có thể là một việc khó -- bạn cần phải tập trung thực sự -- nhưng nếu bạn có thể làm được điều đó, tốc độ đọc của bạn sẽ được cải thiện lên trông thấy.[3]

Thay đổi Cách Đọc[sửa]

  1. Xem trước tài liệu. Một trong những cách hiệu quả nhất để tăng tốc độ đọc đó là xem qua tài liệu trước khi đọc. Bằng cách này bạn có thể có được cảm nhận ban đầu về nội dung tài liệu và bạn cũng có thể xác định được việc có nhất thiết phải đọc toàn bộ nội dung được viết ra hay không.
    • Bạn có thể xem trước tài liệu bằng cách đọc toàn bộ đoạn đầu tiên và đoạn cuối cùng của bài viết cũng như câu đầu tiên của mỗi đoạn văn.
    • Khi đọc những câu này, hãy chú ý đến tiêu đề, các gạch đầu dòng và các từ khóa. Dù rằng những thông tin này không thực sự đầy đủ, nhưng chúng sẽ giúp bạn xác định những phần quan trọng nhất để đọc và những phần bạn có thể bỏ qua.
    • Đây là một bí quyết rất hay khi bạn cần đọc và nắm bắt được những bài viết dài, phức tạp với nội dung xa lạ. [4]
  2. Tìm ra những từ quan trọng nhất. Một bí quyết khác là đọc lướt qua toàn bộ tài liệu và chọn ra những từ khóa. Bằng cách này, bạn có thể hiểu được điểm cơ bản của bài viết mà không phải lãng phí thời gian vào tiểu tiết.
    • Ví dụ, trong câu “con sư tử đáng sợ đang lén lút săn mà con mồi của nó – con linh dương – không hề hay biết”, ta không nhất thiết phải đọc cả câu để nắm bắt được nội dung chính. Bằng các đọc đọc lướt, bạn sẽ thấy các cụm từ “con hổ - săn – con linh dương” có thể giúp bạn hiểu trọn vẹn nghĩa của câu. Cách này sẽ giúp bạn tiết kiệm được một nửa thời gian cần thiết để đọc toàn bộ câu văn mà vẫn không bỏ sót quá nhiều thông tin. Phương pháp này phù hợp nhất với các bài ngắn và đơn giản như các bài viết trên báo hoặc tạp chí.
  3. Đọc câu đầu tiên và câu kết thúc của mỗi đoạn văn. Nếu bạn đang đọc một bài, một cuốn sách hoặc một bài báo cho một mục đích duy nhất là lấy thêm thông tin thì việc đọc câu đầu và câu cuối của mỗi đoạn văn rất hiệu quả, nhất là khi bạn đã biết một số thông tin trong đó.
    • Nhiều tác phẩm tả thực thường lặp đi lặp lại và bao gồm những diễn giải dài dòng cho một khái niệm đơn giản. Nếu bạn đã nắm được khái niệm đó thì không nhất thiết phải đọc từng dòng trong đoạn văn.
    • Cách này cũng có thể áp dụng với các tác phẩm báo chí – nếu mục đích duy nhất của bạn là có được một cái nhìn tổng thể về nội dung, bạn sẽ nhận ra được lượng thông tin đáng kể chỉ với việc đọc câu đầu và câu cuối của tác phẩm.
  4. Bỏ qua những phần bạn đã biết. Nếu bạn đang cố gắng cải thiện tốc độ đọc, bạn nên làm quen với việc bỏ qua những phần thông tin mà bạn đã biết, vì khi đó việc đọc những phần thông tin này chỉ có tác dụng thêm thắt phần nào vào những gì sẵn có.
    • Bạn có thể xác định được các phần đáng đọc trong toàn văn bản bằng cách đọc lướt để tìm từ khóa hoặc đọc câu đầu của mỗi đoạn văn. Hai cách này có thể mang đến cho bạn cái nhìn tổng thể về nội dung trong văn bản và giúp bạn xác định xem có nên đầu tư thời gian vào đó không.
    • Ngay cả đối với những bài bạn không có hứng thú, bạn cũng có thể áp dụng phương pháp này. Trong trường hợp bạn đang đọc hồi ký hoặc tư liệu lịch sử chẳng hạn, bạn có thể bỏ qua các phần không cuốn hút đối với bạn. Điều này có thể đi ngược lại bản năng tự nhiên của một người đọc, nhưng sẽ tiết kiệm được thời gian của bạn đồng thời bạn vẫn giữ được sự hứng thú với bài viết đó.
    • Đối với phương pháp này, bạn không nên cảm thấy tồi tệ khi bỏ dở cuốn sách mà bạn không thấy thích hay không học được gì từ đó. Rất nhiều cuốn sách được viết ra một cách cẩu thả và không hề giải thích được gì nhiều về những khái niệm phức tạp. Hãy thử đọc 10% mỗi cuốn sách bạn chọn và nếu bạn không thấy cuốn sách đó có gì hay ho, hãy bỏ qua và đọc cuốn khác. Bằng cách đó bạn sẽ tiết kiệm được thời gian và về lâu dài bạn sẽ được lợi nhiều hơn.
  5. Ghi nhớ những thông tin quan trọng nhất. Một trong những vấn đề mà người đọc gặp phải khi bắt đầu đọc nhanh đó là sự khó khăn trong việc tiếp nhận và ghi nhớ những thông tin mà họ đã đọc. Ngoài giải pháp tối ưu nhất là đọc một cách hiệu quả và tập trung thì cũng có một số phương pháp cụ thể mà bạn có thể thử.
    • Liên hệ các khái niệm trong cuốn sách với những điều bạn đã biết. Liên hệ các ý tưởng phức tạp với kinh nghiệm, kí ức hay cảm giác của cá nhân bạn sẽ khiến cho việc tiếp cận thông tin trở nên dễ dàng hơn. Ví dụ với từ tiếng Pháp “heureux” (có nghĩa là hạnh phúc) nếu bạn liên hệ nó với một kỉ niệm đẹp bạn đã trải qua thì bạn sẽ dễ dàng nhớ được từ đó.
    • Đánh dấu những thông tin quan trọng và viết tổng kết. Hãy sử dụng bút nhớ khi bạn đọc (hoặc gấp mép các trang) để đánh dấu các khái niệm hoặc ý tưởng quan trọng. Khi bạn đã đọc xong, hãy xem lại các phần đã đánh dấu và tổng kết cuốn sách bằng 200 đến 300 từ dựa trên cách phần quan trọng đó. Cách này sẽ giúp bạn có được các tư liệu tham khảo mà bạn có thể dùng sau này, ngoài ra cũng giúp bạn nhớ được các ý tưởng đó.[5]

Cải thiện Tiến độ Đọc[sửa]

  1. Thực hành mỗi ngày. Bạn khó có thể dễ dàng có được nhiều kỹ năng cần thiết để tăng tốc độ đọc, vì thế bạn cần thực hành các kỹ năng đó mỗi ngày cho tới khi việc vận dụng các kỹ năng ấy trở thành phản xạ. Chỉ với 15 đến 20 phút mỗi ngày có thể tạo nên một sự khác biệt đáng kể trong tốc độ đọc của bạn.
    • Bạn cần thời gian để cải thiện tốc độ đọc vì đây chính là học đọc theo một cách hoàn toàn mới. Hãy nhớ rằng bạn đã mất nhiều năm để học đọc khi bạn còn bé, vì vậy hãy kiên nhẫn trong quá trình cải thiện tốc độ đọc.
    • Một cách hay để kiểm tra sự tiến bộ của bạn đó là thường xuyên bấm giờ. Hãy cài đặt một khoảng thời gian xác định và đếm xem bạn đọc được bao nhiêu từ một phút. Bạn càng tập luyện nhiều thì số từ bạn đọc được mỗi phút càng tăng lên.
  2. Hãy bắt đầu với những bài viết đơn giản. Để bắt đầu với việc luyện tập nhằm tăng tốc độ đọc, một bài viết đơn giản là lựa chọn lý tưởng – đó có thể là một bài viết bạn yêu thích hoặc có ý nghĩa với bạn.
    • Một số tài liệu như sách về du lịch, hồi ký của người nổi tiếng có thể là các lựa chọn sáng suốt. Việc khởi đầu với một cuốn sách có quá nhiều kiến thức như một cuốn sách về vật lý sẽ khiến bạn nản chí.
    • Khi các kỹ năng của bạn đã được cải thiện và bạn biết cách tìm kiếm những gì bạn cần trong một văn bản tức là bạn đã trang bị được cho bản thân những điều cần thiết cho việc đọc các tài liệu dài và phức tạp hơn. Đến lúc này bạn sẽ tiếp tục phát triển các kỹ năng phù hợp nhất với mình và học được cách tìm ra các điểm mấu chốt trong một văn bản.
  3. Sử dụng thẻ chỉ mục hoặc ngón tay để xác định tốc độ. Việc sử dụng ngón tay, bút hay thẻ chỉ mục để lần theo những gì bạn đang đọc là một ý tưởng rất hay. Ngón tay, bút hay thẻ chỉ mục lúc này có vai trò như một con trỏ và sẽ giúp bạn không đọc nhầm hay phải đọc lại, và đó không phải là lợi ích duy nhất mà con trỏ mang lại.
    • Bằng cách di chuyển con trỏ mau lẹ qua các dòng và theo chiều dọc của trang sách, bạn có thể xác định tốc độ bạn muốn, vì mắt bạn sẽ khiến bạn buộc phải theo dấu con trỏ.
    • Hãy coi đôi mắt bạn như một nam châm luôn bị cuốn hút theo chuyển động của con trỏ trên trang sách – con trỏ đi đến đâu, mắt bạn theo đến đó!
  4. Thay đổi thái độ với việc đọc. Ngoài việc áp dụng các phương pháp cụ thể để tăng tốc độ đọc, việc xem xét thái độ đọc của bản thân bạn cũng quan trọng không kém.
    • Thay vì coi việc đọc như việc cầu nguyện hay một việc gì đó mà bạn buộc phải làm, hãy coi việc đọc như một cơ hội – để giải trí, để học được thêm những điều mới, để mở rộng nhân sinh quan.
    • Chủ đề của văn bản không quan trọng – đó có thể là một cuốn sách về xác suất hay lịch sử khai khoáng ở Colorado – nếu bạn tiếp cận chủ đề với một cái đầu mở và một tinh thần quyết tâm học hỏi, bạn sẽ cảm thấy toàn bộ quá trình cải thiện tốc độ đọc sẽ trở nên thú vị và dễ dàng hơn.
  5. Biết khi nào cần đọc chậm lại. Trái lại với những lợi ích của việc đọc nhanh, một điều quan trọng mà bạn cần nhận ra đó là khi nào cần đọc chậm lại và cần phải thực sự đọc để hiểu toàn bộ những gì bạn đang đọc.
    • Việc đọc lướt chẳng có lợi ích gì nếu nó cản trở bạn hiểu toàn bộ tài liệu và ghi nhớ các thông tin hữu ích. Vì thế, một trong những kỹ năng quan trọng nhất bạn cần phát triển là khả năng nhận biết khi nào bạn nên đọc chậm.
    • Thêm vào đó, có một số dạng văn bản mà bạn không bao giờ nên đọc lướt hoặc đọc quá nhanh. Ví dụ như truyện viễn tưởng, văn học cổ điển, thơ và kịch. Những dạng văn bản này là các tác phẩm mang tính nghệ thuật và sáng tạo mà trong đó mỗi câu chữ được viết ra có chủ đích và thậm chí là đã qua phân tích lựa chọn. Bạn sẽ bỏ qua rất nhiều giá trị của các tác phẩm đó nếu bạn đọc chúng quá nhanh.[6]

Lời khuyên[sửa]

  • Trẻ em thường mắc sai lầm khi tập đọc, vì thế chúng cần đọc chậm và đều. Đừng cố gắng thúc đẩy quá trình này, vì quá trình này sẽ là nền móng vững chắc trong việc xây dựng các kỹ năng tốt cho việc đọc. Nếu bạn muốn dạy trẻ đọc nhanh hơn, hãy tiến hành một cách từ từ. Nếu trở thành một hình thức tra tấn với trẻ, trẻ sẽ đánh mất hoàn toàn niềm yêu thích với việc đọc. Khi con bạn đã có một vốn từ vựng đáng kể và yêu thích đọc sách, bạn có thể nghĩ đến việc giúp bé cải thiện tốc độ đọc với một trong các phương pháp đã nêu trên đây.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này