Cách đọc sách để thu được hiệu quả tối đa
Cách đọc sách để thu được hiệu quả tối đa liệu có phải đơn giản chỉ là: Mở sách ra, Đọc sách, Đóng sách lại, Chuyển sang đọc quyển tiếp theo.
Đọc sách có vẻ là một việc khá dễ thực hiện đúng không? Và điều này đúng trong một số trường hợp. Nếu bạn chỉ đơn thuần đọc với mục đích giải trí hay giết thời gian thì chắc chắn việc đọc sách sẽ trở nên rất dễ dàng. Tuy nhiên, có một kiểu đọc khác đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực tiếp thu ít nhất một giá trị nào đó từ quyển sách đang cầm trên tay (cho dù đó là sách giấy hay sách điện tử). Lúc đó, có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi nhận ra rằng việc đọc sách không đơn giản chỉ là mở sách ra và đọc những gì được viết trong đó.
Mục lục
- 1 Tại sao ta cần được hướng dẫn cách đọc sách?
- 2 Đọc theo cấp độ Kiểm tra
- 3 Đọc theo cấp độ Phân tích
-
4
Hãy
cùng
tìm
hiểu
Cách
đọc
sách
để
thu
được
hiệu
quả
tối
đa:
- 4.1 Bước 1: Hãy tìm hiểu chút thông tin về tác giả và những tác phẩm khác của họ.
- 4.2 Bước 2: Thực hiện nhanh việc Kiểm tra
- 4.3 Bước 3: Đọc hết quyển sách một cách khá nhanh
- 4.4 Bước 4: Chỉ sử dụng phương tiện trợ giúp khi cần
- 4.5 Bước 5: Cố gắng tự trả lời 4 câu hỏi sau đây
- 4.6 Bước 6: Phê bình và chia sẻ suy nghĩ của bạn với người khác
- 5 Tại sao phải đọc theo cấp độ Phân tích?
- 6 Nguồn
Tại sao ta cần được hướng dẫn cách đọc sách?[sửa]
“Một số sách cần được thưởng thức, số khác cần được học thuộc, và một số cần được nghiền ngẫm và lĩnh hội.”– Francis Bacon
Vào năm 1940, Mortimer Adler đã cho xuất bản lần đầu quyển sách mà ngày nay được xem là tác phẩm kinh điển trong lĩnh vực học thuật, How To Read A Book. Sau đó những quyển sách khác cung cấp rất nhiều thông tin liên quan cũng được phát hành, nhưng những gì chúng ta sắp tìm hiểu hôm nay được đúc kết từ lời khuyên của Adler vào thời điểm gần 75 năm về trước.
Ông kết luận rằng có 4 cấp độ đọc sách:
1. Sơ cấp – Cấp độ này đúng như tên gọi của nó, là những gì ta được học ở tiểu học và căn bản giúp ta hiểu được những từ ngữ trong trang sách, đọc nó và theo dõi dàn ý cơ bản hoặc lối hiểu, nhưng chỉ có vậy không hơn.
2. Kiểm tra – Cơ bản đây là cấp độ lướt. Bạn xem xét những điểm nổi bật của sách, đọc phần mở đầu và kết luận, cũng như cố gắng tiếp thu những gì tác giả muốn truyền đạt càng nhiều càng tốt. Tôi dám chắc bạn đã làm việc này nhiều lần khi thực hiện những bài tập đọc hồi cấp ba.
3. Phân tích – Đây là cấp độ đòi hỏi bạn phải đắm chìm vào chủ đề quyển sách. Bạn đọc chậm rãi và kĩ lưỡng, ghi chú, tra cứu những từ ngữ và các thông tin tham khảo mà bạn chưa hiểu, và cố gắng đồng cảm với tác giả để thật sự hiểu được những gì họ nói.
4. Khái quát – Hầu hết các nhà văn và giáo sư thường làm việc này. Đây là khi bạn đọc nhiều quyển sách nói về cùng một chủ đề và hình thành một lập luận hoặc một ý tưởng độc đáo thông qua việc so sánh đối chiếu với tư tưởng của các tác giả khác. Lúc này người đọc cần đầu tư thời gian và nghiên cứu chuyên sâu, và bạn có thể không phải đọc sách kiểu này nhiều sau khi học hết đại học, trừ khi đó là yêu cầu công việc hoặc là sở thích của bạn.
Bài viết Cách đọc sách để thu được hiệu quả tối đa sẽ đề cập đến cấp độ Kiểm tra, Phân tích, và chúng ta sẽ tập trung chủ yếu vào cấp độ Phân tích. Đọc theo cấp độ Kiểm tra vẫn rất hữu ích, đặc biệt trong trường hợp bạn cố gắng học những kiến thức mới một cách nhanh chóng, hoặc chỉ muốn nắm ý chính. Tôi sẽ không nói về cấp độ cuối cùng đơn giản vì các độc giả bình thường không làm việc này nhiều.
Đọc theo cấp độ Kiểm tra[sửa]
Như đã đề cập ở trên, kiểu đọc này phù hợp trong một số thời điểm nhất định. Kiểm tra đặc biệt hữu ích khi bạn đang lựa chọn sách ở một hiệu sách và quyết định xem quyển sách trước mặt có đáng tiền không. (Tin tốt là bạn cũng có thể áp dụng kiểu đọc này với sách điện tử – trong hầu hết trường hợp, bạn có thể nhìn lướt qua bìa sách, mục lục, lời giới thiệu… trước khi quyết định mua quyển sách đó.) Cấp độ này cũng có ích khi bạn cố gắng học một kiến thức mới nhanh chóng, hoặc khi bạn chỉ muốn nắm ý chính về vấn đề nào đó. Đây cũng là kiểu đọc sách tuyệt vời mà bạn nên áp dụng để cập nhật thông tin mới trong nghề; những quyển sách liên quan đến một lĩnh vực nào đó thường có đầy những thông tin và chương sách không phù hợp cho công việc của bạn, và việc Kiểm tra giúp bạn thu thập những thông tin thật sự hữu ích mà không cần tốn thời gian đọc những tài liệu không liên quan.
Bạn thường có thể có cảm nhận tốt về một quyển sách khi áp dụng cấp độ Kiểm tra qua các bước sau: (Nhằm thu được tối đa lợi ích từ cách đọc này, bạn có thể thực hành ngay với một quyển của mình – bạn sẽ chỉ mất tầm 5-10 phút.)
Bước 1: Đọc tựa đề và xem bìa trước và bìa sau[sửa]
Điều này nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng nếu chú ý thì bạn có thể sẽ thu thập được nhiều thông tin hơn bạn nghĩ chỉ bằng việc đọc bìa sách. Tựa đề của quyển sách là gì? Hãy bỏ ra 10 giây để suy nghĩ về tựa chính và tựa phụ. Tựa sách truyền đạt điều gì? Ta thường đánh giá tựa sách quá vội vàng, nhưng những tựa đề đó lại thường giúp ta có những hiểu biết sâu sắc về ý nghĩa quyển sách. Tôi nghĩ về một vài tác phẩm kinh điển mình đã đọc gần đây, The Sun Also Rises, The Grapes of Wrath, cả Frankenstein nữa.
Những cái tên này ẩn chứa rất nhiều ý nghĩa. Với Frankenstein, tôi được biết rằng sách thật ra viết về bác sĩ Victor Frankenstein nhiều hơn là về con quái vật mà ông tạo ra. Đó là tác phẩm viết về tính người trong ông hơn là tính kinh dị. Có hình ảnh nào trên bìa sách không? Những hình ảnh ấy có thể thể hiện điều gì? Người ta thường đầu tư rất nhiều thời gian và tiền bạc để thiết kế bìa nên đừng bỏ qua điểm này. Phần giới thiệu ở bìa sau đề cập những gì? Thông thường, ta có thể xem lướt qua nhưng nếu để ý thì ta sẽ thấy những phần này đưa ra một cái nhìn tổng quan khá hữu ích và súc tích về nội dung thật sự của quyển sách. Ta phải thừa nhận rằng ngày nay đôi khi các tựa đề, bìa sách và lời giới thiệu được thiết kế chủ yếu nhằm mục đích tiếp thị và tăng doanh số thay vì cung cấp thông tin về quyển sách, nhưng những phần này thường vẫn có thể cung cấp cho ta những gợi ý có giá trị về nội dung bên trong.
Hãy chú ý đến hình ảnh của bìa sách. Những hình ảnh ấy có thể thể hiện điều gì?
Bước 2: Đặc biệt chú ý đến những trang đầu tiên: mục lục, lời giới thiệu, lời mở đầu…[sửa]
Đây là những trang vô cùng hữu ích. Mục lục sẽ cho bạn biết những phần chính của sách, đối với thể loại sách “người thật việc thật” (non-fiction) thì nó sẽ cung cấp ngay cho bạn nhiều thông tin hơn về những gì bạn cần tìm hiểu. Đối với tác phẩm hư cấu thì khó hiểu hơn một chút, và nhiều quyển tiểu thuyết không hề có mục lục, nhưng nếu có thì hãy đọc nó.
Bước 3: Đối với sách “người thật việc thật”, hãy xem lướt qua tiêu đề và đọc chương tổng kết[sửa]
Thật ra các tiêu đề thường cung cấp rất nhiều thông tin bạn cần biết trong bất kỳ quyển sách nào thuộc thể loại này. Đoạn văn bên dưới các tiêu đề thường nêu lên trọng tâm hoặc chủ đề chính của phần đó. Bạn cũng có thể đọc phần tổng kết để cảm nhận xem tác giả nghĩ mục đính chính hay ý nghĩa của quyển sách là gì. Việc này tương đối khó áp dụng đối với thể loại hư cấu, vì sách không có nhiều tiêu đề (ngoại trừ tựa đề chương) cho bạn tìm hiểu, và ít nhất là với tôi thì tôi chắc chắn chưa muốn biết ngay đoạn kết của tác phẩm. Dù tôi biết có khá nhiều người thích đọc đoạn kết trước; tôi vẫn không thể hiểu nổi vì sao họ làm vậy.
Bước 4: Thử đọc những lời phê bình về quyển sách[sửa]
Nguồn thông tin mà bạn thường tìm đến nhiều nhất có thể là Internet. Thông thường, lời phê bình được đánh giá cao nhất thường cung cấp rất nhiều thông tin về quyển sách – bao gồm phần tóm tắt và/hoặc một vài điểm ưu và khuyết điểm của sách. Rủi thay, bạn cũng có thể đọc phải những bình luận không chính xác hoặc thiếu chân thật. Một số nhận xét tiêu cực từ những người có thể chỉ mới đọc một chương và không thích một điều gì đó trong sách (hãy xem thêm cách phê bình sách ở bên dưới), hoặc thậm chí chưa hề đọc quyển đó! Và đôi khi người ta đơn giản chỉ muốn chống đối hoặc cố “hãm hại” tác giả. Và đáng buồn là một số tác giả và nhà xuất bản đôi khi sẽ trả tiền để nhận được những lời bình luận tích cực nhưng không chân thật (một gợi ý giúp bạn nhận ra mánh lới này là khi toàn bộ những đánh giá tích cực đều được đăng lên cùng ngày/tuần quyển sách ra mắt). Vì thế hãy xem xét xếp hạng tổng của quyển sách, sau đó đọc một vài nhận xét cho rằng tác phẩm là xuất sắc, trung bình cũng như rất tệ, và đánh giá độ tin cậy của những lời phê bình đó nhằm có được cái nhìn tổng quát về chất lượng quyển sách.
Đọc theo cấp độ Phân tích[sửa]
Bạn không cần lúc nào cũng áp dụng kiểu đọc này. Hãy chỉ làm vậy khi bạn thật sự muốn tiếp thu tối đa những gì chứa đựng trong quyển sách trước mặt. Ngay cả Adler cũng đã nói rằng không phải quyển sách nào cũng đáng được đọc theo cách này. Tuy nhiên, nhiều quyển sách lại cần được Phân tích. Việc đọc một quyển sách hay để sau đó đơn giản cất nó lên kệ cho “đóng bụi” là một sự lãng phí về nhiều mặt. Bạn có thể áp dụng những gợi ý bên dưới cho các tác phẩm hư cấu lẫn “người thật việc thật”, nhưng tôi sẽ chỉ ra một số khác biệt.
Hãy cùng tìm hiểu Cách đọc sách để thu được hiệu quả tối đa:[sửa]
Bước 1: Hãy tìm hiểu chút thông tin về tác giả và những tác phẩm khác của họ.[sửa]
Đây là kinh nghiệm của riêng tôi. Mỗi khi chọn một quyển sách, hầu như tôi luôn tra cứu thông tin về tác giả và/hoặc chính quyển sách ấy trên Wikipedia. Tôi muốn biết tác giả bao nhiêu tuổi, có những động lực gì, nếu quyển sách thuộc thể loại tiểu thuyết thì cuộc đời người viết tương đồng với tác phẩm đến đâu… Việc này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn chút ít về cuộc đời của tác giả và hy vọng nó sẽ giúp bạn hiểu quyển sách hơn một chút.
Bước 2: Thực hiện nhanh việc Kiểm tra[sửa]
Đây chính là một phần lý do vì sao tôi lại muốn trình bày phương pháp Kiểm tra trước. Việc đọc tốt và trọn vẹn bất kỳ quyển sách nào cũng đều cần đến cách đọc này: Xem bìa sách, luôn đọc những trang mở đầu… Tôi biết rất nhiều người không bao giờ xem phần giới thiệu mà chỉ vào đọc ngay trang một. Bạn đang bỏ qua những thông tin giá trị giúp bạn định hình toàn bộ cách đọc quyển sách. Bạn không cần phải đọc ngay phần kết luận, nhưng ít nhất hãy thu thập tất cả những thông tin mà bạn có thể rút ra từ bìa sách và những trang mở đầu.
Bước 3: Đọc hết quyển sách một cách khá nhanh[sửa]
Thật ra Adler gọi đây là đọc nội dung “bề nổi”; bạn chỉ đang cố gắng hiểu được mục đích chung nhất của quyển sách. Việc này không hẳn có nghĩa là đọc nhanh mà là bạn sẽ đọc liên tục chứ không dừng lại để nghiền ngẫm thật kỹ ý nghĩa từng đoạn văn. Tức là khi có nội dung nào đó mà bạn cảm thấy khó hiểu, bạn sẽ vẫn đọc tiếp. Điều này còn có nghĩa nếu mạch truyện bắt đầu chậm lại và trở nên tẻ nhạt thì bạn sẽ không chỉ đọc vài trang một ngày mà sẽ vẫn đọc tiếp nhằm hiểu được nội dung chính của quyển sách nhanh nhất có thể. Ở bước này, bạn cần gạch dưới, khoanh tròn hoặc ghi chú những điểm mình thắc mắc, nhưng bạn chưa cần tìm câu trả lời ngay. Khi đã đọc hết quyển sách, hãy quay lại và xem xét những chỗ được đánh dấu hoặc ghi chú. Hãy cố gắng trả lời vài câu hỏi mình đã đặt ra. Nếu bạn có thời gian và thấy hứng thú, hãy đọc lại toàn bộ quyển sách một lần nữa. Tôi thường áp dụng bước này vào những tác phẩm kinh điển trong lần đọc đầu tiên, nhưng sau đó vài tháng (đôi khi là vài năm) thì tôi sẽ quay lại và đọc chậm rãi hơn một chút.
Đây chính là lúc mà nhiều người gặp khó khăn khi đọc một quyển sách cổ hoặc phức tạp hơn. Có thể bạn sẽ bỏ cuộc sau khi đọc 50 trang của The Iliad bởi vì ngôn ngữ và văn phong quá khó hiểu. Thực chất cách tốt nhất là tiếp tục đọc và hiểu những gì bạn có thể hiểu rồi sau đó quay lại đọc những điểm không hiểu. Hiểu được một chút còn tốt hơn là chẳng hiểu gì.
Bước 4: Chỉ sử dụng phương tiện trợ giúp khi cần[sửa]
Nếu trong lúc đọc bạn thấy một từ mình không hiểu, đầu tiên hãy xem xét ngữ cảnh và cố gắng giải nghĩa từ đó. Tự động não để giải quyết vướng mắc. Nếu bạn thật sự không thể tự giải quyết, hay từ đó rõ ràng quan trọng đến nỗi bạn không thể đoán mò, khi đó hãy sử dụng từ điển. Trong trường hợp cần tìm hiểu thông tin tham khảo liên quan đến lĩnh vực văn hóa mà bạn cho rằng nó góp phần lý giải một đoạn văn cụ thể, hãy tra Google. Mấu chốt là bạn có thể sử dụng các phương tiện trợ giúp quanh mình, nhưng đừng lệ thuộc vào những công cụ đó. Hãy động não một chút trước khi tìm đến sự trợ giúp của Google.
Bước 5: Cố gắng tự trả lời 4 câu hỏi sau đây[sửa]
Ừm, những câu hỏi này đáng ra phải được liệt kê ngay từ bước 1, vì bạn nên nghĩ đến những câu hỏi đó ngay từ lúc bắt đầu đọc một quyển sách. Tuy nhiên, có vẻ rõ là bạn chưa thể trả lời cho đến khi đọc xong quyển sách. Theo Adler, hành động đặt câu hỏi này chính là bí quyết của cấp độ Phân tích. Việc có thể trả lời các câu hỏi chứng tỏ ít nhất bạn đã hiểu được đôi chút về quyển sách. Nếu hoàn toàn không trả lời được thì có lẽ bạn chưa thật sự tập trung đủ. Đồng thời, cá nhân tôi cho rằng bạn nên viết (hoặc đánh máy) những câu trả lời này ra. Hãy xem đó như một trang nhật ký đọc sách. Hành động này sẽ giúp bạn lưu lại và nhớ lâu hơn so với việc chỉ trả lời câu hỏi trong đầu.
Câu hỏi 01: Tổng quan quyển sách nói về gì?
Đây cơ bản là phần giới thiệu ở bìa sau quyển sách. Tuy nhiên đừng ăn gian. Hãy sử dụng vốn từ của mình mà nghĩ ra một vài câu hay thậm chí là một đoạn văn mô tả nội dung sách. Thực chất đây có thể chỉ là nội dung “bề nổi”; bạn không cần phải viết quá sâu. Ví dụ, chàng trai gặp cô gái, chàng trai yêu cô gái, chàng trai phạm sai lầm ngu ngốc và rời xa cô gái, chàng trai chuộc lại lỗi lầm và có được cô gái.
Câu hỏi 02: Nội dung chi tiết nói về gì và cách diễn đạt như thế nào?
Đây là lúc bạn bắt đầu đi sâu hơn một chút. Adler gợi ý sau khi đọc xong lần đầu, bạn nên tự soạn một dàn ý của quyển sách, dựa vào đó bạn có thể nắm được cấu trúc cũng như nội dung chính của nó. Nhanh chóng quay lại và lật nhanh qua các trang sách, cố nhớ lại những ý chính. Việc soạn ra các ý chính khá dễ dàng khi đọc sách “người thật việc thật”. Đối với thể loại hư cấu, bạn có thể thực hiện việc này theo từng chương hoặc phân cảnh. Nếu soạn theo chương, bạn có thể đơn giản liệt kê số thứ tự/tựa đề của chương đó kèm một vài câu nói về nội dung bên trong. Đối với những quyển có chương ngắn, có khi bạn chỉ cần dùng vài từ mô tả các ý chính. Nếu soạn theo phân cảnh, bạn chỉ cần theo dõi các nhân vật và các sự kiện đáng chú ý diễn ra lúc đó. Tôi chỉ vừa đọc xong quyển The Sun Also Rises và có thể chia nó thành nhiều phân cảnh khác nhau: Paris, chuyến đi câu cá, Pamplona, và “hậu Pamplona” khi các nhân vật đi theo nhiều ngã rẽ khác nhau.
Câu hỏi 03: Quyển sách có đúng không, đúng một phần hay toàn bộ?
Chính hai câu hỏi cuối này sẽ đưa ta đến phần cốt lõi của việc đọc. Như đã đề cập trước đó, đây là câu hỏi tương đối dễ trả lời (hoặc ít nhất cũng dễ hơn những câu khác) đối với tác phẩm “người thật việc thật”. Những gì tác giả nói có đúng không? Những lập luận được trình bày có xác thực không? Đối với thể loại hư cấu, câu hỏi sẽ tập trung nhiều hơn vào việc xác định xem những gì được viết có phù hợp với trải nghiệm của con người nói chung hay thậm chí là của riêng bạn không. Trong quyển The Great Gatsby, cảm giác mất mát và vô nghĩa của sự giàu có tột bậc có giống với trải nghiệm của con người không? Theo tôi thì chắc chắn là có. Đây chính là một phần nguyên nhân biến những quyển sách tuyệt vời trở thành kinh điển. Nhìn chung, các tác phẩm này đều nêu lên những chân lý quan trọng nhất của nhân loại dưới hình thức một câu chuyện.
Câu hỏi 04: Ý nghĩa của quyển sách là gì?
Nếu sách thật sự nêu lên điều gì đó đúng với trải nghiệm của con người hoặc về tính kiên cường, vậy thì bài học rút ra là gì? Nếu có điều gì đó lay động bạn và bạn lại “trơ” ra thì bạn đã lãng phí nó một phần rồi. Người ta cho rằng giống như nghệ thuật vậy, một tác phẩm văn học tự thân nó đã tuyệt vời rồi, nhưng tôi nhận ra là tác phẩm nào cũng có một bài học ý nghĩa nào đó. Hoặc ít nhất là nó giúp ta nhìn nhận thế giới khác đi. Hiểu biết của tôi về cuộc sống ở Mỹ trong lúc sự kiện Dust Bowl (hay còn gọi là Sự kiện Cơn Bão Đen) diễn ra tăng lên đáng kể sau khi đọc The Grapes of Wrath. Tuy không hẳn tôi có hành động nào phản ứng lại tình trạng đó, nhưng sự cảm kích tôi dành cho những nông dân và những gia đình làm nghề nông trong giai đoạn ấy chắc chắn đã tăng lên. Đó tuyệt nhiên là một bài học vô cùng giá trị.
Bước 6: Phê bình và chia sẻ suy nghĩ của bạn với người khác[sửa]
Hãy lưu ý đây là bước cuối cùng. Bạn chỉ có thể phê bình hay đưa ra những lời bàn luận ý nghĩa về một quyển sách sau khi đã đọc hết quyển sách ấy và trả lời thật kỹ các câu hỏi bên trên. Khi đọc những bình luận trên Amazon, tôi thấy rõ trường hợp một người nào đó chỉ mới đọc 3 chương rồi đưa ra những nhận xét tồi tệ. Hãy thật thận trọng khi ngay lập tức nói rằng: “Tôi đã hiểu về quyển sách.” Có thể bạn chắc chắn mình hiểu một vài phần của quyển sách, nhưng nếu bạn không có bất kỳ thắc mắc nào về nội dung sách thì có thể do quyển đó không hợp với bạn, hoặc do bạn tự tin thái quá. Khi bàn luận, hãy rạch ròi về những điểm bạn tán thành hoặc phản đối. Chỉ nói “Quyển sách này thật nhảm nhí” hay “Tôi không thích quyển sách này” chẳng đem lại lợi ích gì cho cuộc thảo luận cả. Và cũng hãy hiểu rằng bạn không cần phải hoàn toàn đồng ý hay không đồng ý về toàn bộ quyển sách hay nội dung bên trong. Bạn có thể thích một vài phần nhưng lại chẳng ưa gì những phần còn lại.
Giờ bạn đã đọc một quyển sách theo đúng giá trị của nó! sẽ kiệt sức và mất thời gian. Tôi biết rằng mình sẽ giảm đi hứng thú nếu cứ làm vậy suốt. Thế nên bạn chỉ cần chọn ra vài gợi ý và áp dụng vào việc đọc sách. Cá nhân tôi khi đọc một quyển sách khó thì tôi thường xem một mạch từ đầu đến cuối (đây không phải là cách mà tôi thường làm trước đây), và ghi chú lại câu trả lời cho những câu hỏi trên một cách ngắn gọn, ít nhất là theo từng phần của mỗi quyển sách.
Tại sao phải đọc theo cấp độ Phân tích?[sửa]
Phương pháp này có vẻ đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, và có thể bạn đang tự hỏi liệu việc Phân tích có thật sự quan trọng và xứng đáng với công sức mình bỏ ra không. Chẳng phải đọc sách là một việc giúp bạn thư giãn hay giải trí thôi sao? Phần nào đó thì đúng vậy. Chắc chắn bạn không cần phải lập dàn ý trong khi đọc quyển Inferno của Dan Brown trên bãi biển trong hè này (mặc dù cách này có thể giúp bạn làm sáng tỏ bí ẩn trước Langdon).
Danh nhân vĩ đại Stephen Covey đã khuyên ta rằng dù sao đi nữa thì con người cũng nên không ngừng “rèn giũa bản thân”. Tức là bạn nên luôn duy trì sự nhạy bén ở mọi khía cạnh trong cuộc sống của mình. Thực hiện bất kỳ cách đọc nào cũng tốt hết, nhưng việc thỉnh thoảng áp dụng cách Phân tích có thể gia tăng những lợi ích này lên đáng kể và giúp ta trở nên tài giỏi hơn trong nhiều mặt:
Tăng phạm vi tập trung[sửa]
Internet đã cung cấp cho ta nhiều cơ hội tiếp cận việc đọc hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, đọc sách trên các phương tiện điện tử thường bao gồm việc đọc lướt và/hoặc nhanh chóng chuyển sang nội dung tiếp theo mà không hề nghĩ nhiều về những kiến thức đó. Có bao giờ bạn cố nói với một người về thông tin mà trước đó trong ngày bạn đọc được trên mạng chỉ để nhận ra mình chẳng thể nhớ nhiều về nó chưa? Phân tích một quyển sách củng cố khả năng tập trung cũng như những kỹ năng đào sâu và khai thác triệt để một thông tin vốn cần được rèn luyện. Hoạt động này sẽ mài giũa khả năng nắm bắt thông tin một cách tổng thể thay vì từng phần của bạn.
Tăng cường khả năng tư duy phản biện[sửa]
Bạn có thể đọc, nhưng khả năng đánh giá thông tin của bạn thì sao? Việc Phân tích giúp bạn cải thiện khả năng đánh giá sự thật, các bằng chứng và nguồn tài liệu, tổng hợp thông tin, xâu chuỗi nhiều kiến thức khác nhau, đánh giá những khẳng định, khám phá các ẩn ý, hiểu được động lực của người khác, giải nghĩa biểu tượng và rút ra kết luận của riêng mình. Rõ ràng những kỹ năng này không hề kìm hãm bạn thưởng thức những quyển sách một cách trọn vẹn hơn, nhưng lại tuyệt đối rất quan trọng và cần thiết trong việc giúp bạn trở thành một công dân cũng như một con người độc lập, có chính kiến và có hiểu biết.
Hướng bạn trở thành một con người tốt hơn[sửa]
Một người xem việc phát triển bản thân là quan trọng sẽ dành thời gian suy ngẫm về cuộc sống và cân nhắc những lĩnh vực mà họ có thể trau dồi. Các quyển sách trang bị cho ta những suy nghĩ tự nhìn nhận này theo một cách độc đáo bởi vì thông qua những nhân vật hay câu chuyện (có thật hoặc hư cấu), ta có thể ít nhất tìm được một sự liên hệ nhỏ cho bản thân.
Ví dụ, tôi vừa đọc xong một tác phẩm khoa học viễn tưởng nổi tiếng gần đây, Wool. Đây là một câu chuyện kỳ lạ về những nhân vật phi thường, và tác giả của quyển sách nhanh chóng trở thành một người nổi tiếng trong giới xuất bản độc lập. Đáng lẽ tôi có thể đọc nhanh quyển sách này rồi chuyển sang đọc quyển sách cùng loại tiếp theo. Thế nhưng việc dừng lại, đọc qua các đoạn mình đã đánh dấu và dành ra dù chỉ 10 phút để suy nghĩ về những gì có thể học được từ quyển sách đã cho tôi trải nghiệm trọn vẹn hơn khi đọc Wool. Wool buộc tôi tự hỏi mình xem có những lĩnh vực phát triển nào trong cuộc sống của tôi mà tôi đã đánh giá thấp chỉ vì đó là thói quen không. Tác phẩm cũng buộc tôi phải tự ngẫm nghĩ những lúc tôi hạn chế mạo hiểm chỉ vì làm vậy thì tôi sẽ sống thoải mái và dễ dàng hơn. Tôi còn học được rằng làm điều đúng đắn thường chẳng dễ chịu chút nào. Đây không phải là lần đầu tôi biết đến bài học này, nhưng việc gặp lại nó trong một câu chuyện kỳ lạ lần nữa đã cho tôi cơ hội nhớ về tầm quan trọng của bài học đó.
Cách đọc sách này mang lại cơ hội quý giá cho hoạt động tự suy ngẫm vốn cần thiết và có thể giúp bạn nhìn nhận con người thật của mình, con người mà bạn không muốn trở thành, và con người mà bạn khao khát trở thành.
Nguồn[sửa]
- Bản gốc: http://www.artofmanliness.com/2013/06/17/how-to-read-a-book/
- Bản dịch: iSach