Kỹ năng đọc sách
Rất nhiều bạn sẽ nói "Đọc sách có cái gì mà cũng phải bày đặt kỹ năng?". Xin thưa ngay là có đấy. Đọc sách là một công đoạn của quá trình nhận thức, của việc học, vậy sao lại không cần kỹ năng? Trong bài post này tôi sẽ lưu ý những điểm quan trọng trong đọc sách, sách gì cũng vậy.
1. Hãy đọc cho kỹ về tác giả[sửa]
Tác giả là người truyền tải kiến thức của loài người cho chúng ta, là người làm việc tóm tắt, đúc kết rất nhiều các quá trình tìm tòi, nghiên cứu, thử nghiệm, các kết quả trong các phép thử-rồi sai, rồi lại thử của con người về một vấn đề nào đó và viết thành sách. Nhiều người cứ hay dè bỉu "Toàn sách vở", rằng "Cái gã này toàn là sách vở" (với ý thiếu thực tế), tuy nhiên sách vở nào có lỗi gì, chỉ có thái độ khinh thị với kiến thức (mà có một thời xuất phát từ sự hiểu sai rất ấu trĩ về lao động của trí thức, chỉ đề cao lao động của công nông - cái gì mà Trí, Phú, Địa, Hào, đào tận gốc trốc tận rễ) hoặc do người đọc sách chưa thấu hiểu và ứng dụng sai mà dẫn đến chuyện dè bỉu trên. Nói một cách công bằng, "sách vở" là kết tinh các kiến thức của con người, chỉ có ta đọc, hiểu và ứng dụng ra sao mà thôi, sách vở không có lỗi, chỉ có công. Thế còn tác giả? Hiển nhiên, tác giả càng uyên bác thì khả năng bị sai của họ càng thấp và do vậy kiến thức mà họ truyền bá qua sách mà họ viết càng đáng tin. Vì vậy chúng ta cần tìm hiểu thấu đáo nhất đến mức có thể về tác giả. Thường thì những điều cần thiết này được viết trong mục Lời giới thiệu của người dịch hay của nhà xuất bản (thường là mời một số học giả cùng lĩnh vực viết), cái mà rất nhiều bạn có thói quen xấu bỏ qua không đọc những dòng, những trang quan trọng đó.
Tất nhiên, cũng không tránh khỏi có những người, có học vị và chức vụ KH rất cao mà vẫn sai, vì lý do này hay lý do khác. Một thí dụ rất điển hình mà tôi thường lấy ra để dạy các con mình là một nhà khoa học Bắc Triều Tiên (tên thì tôi đã quên vì đã quá lâu rồi, lại là tên nước ngoài rất khó nhớ). Ông này là một chuyên gia y học của Bắc Triều Tiên, vào cuối thập kỷ 1950, đầu 1960's, ông này công bố đã tìm ra các tế bào kinh lạc (huyệt). Tôi đã được đọc cuốn "Về hệ kinh lạc" do nxb. Thể dục thể thao của ta ấn hành đầu những năm 1960. Bấy giờ tuyên truyền của bắc Triều Tiên về cái này ghê gớm lắm. Tuy nhiên sau đó, các thí nghiệm làm lại của các nhà y học Xô Viết đã bác bỏ cái gọi là "Hệ kinh lạc" của ông này. Ở Bắc Triều Tiên, bẽ bàng vì chuyện này, Kim Nhật Thành hạ ngục nhà giả khoa học đó và cho thu hồi mọi tài liệu "giả kim thuật" của ông ta.
Kể về chuyện này để chúng ta thấy rằng không phải cứ cái gì viết thành sách rồi cũng sẽ chắc chắn đúng. Chúng ta cần phải thận trọng, hãy chỉ tin những cái ta được chứng minh một cách có luận lý. Dầu sao, việc đọc và ghi nhớ về tác giả cũng là rất quan trọng, nó giúp chúng ta có cơ sở để tin hơn.
Tác dụng phụ: Nhớ tên tác giả và lĩnh vực mà tác giả trình bày cho phép chúng ta tìm kiếm cuốn sách dễ hơn trên mạng, trong thư viện và dễ dàng liên hệ với các vấn đề tương đồng khi đọc các sách khác.
2. Hãy ghi nhớ năm xuất bản và nhà xuất bản[sửa]
Trước tiên điều này giúp ích chúng ta tìm kiếm lại cuốn sách tốt hơn trong thư viện hay trên mạng vì cách phân loại sách cho tra cứu trong thư viện thường theo năm xuất bản (và cả theo các tiêu chí khác nữa). Sau nữa, nó giúp cho chúng ta ghi chú trong các trích dẫn sau này một cách chi tiết, điều mà những người làm khoa học nghiêm túc luôn tuân thủ.
Hơn nữa, có nhiều loại nhà xuất bản, có loại nhà xuất bản hạng hai hạng ba song có những nhà xuất bản có thể xem là hạng nhất. Các nhà xuất bản hạng nhất làm sách rất chọn lọc, công phu và ít lỗi, do vậy nâng cao khả năng đáng tin cậy của các tri thức có trong đó. Năm xuất bản cũng vậy, tri thức của loài người ngày càng phong phú và hiển nhiên sách bản in năm 2000 thì phải chứa đựng nhiều tri thức mới hơn sách in những năm trước đó lâu về cùng một vấn đề, thậm chí nhiều vấn đề đã được phát hiện và sửa sai, tổng hợp lại một cách hệ thống hơn... Về sách kỹ thuật chuyên ngành viễn thông, các nhà sách sau là có tiếng trên thế giới: 1. Mỹ: Prentice Hall, Wiley & Sons, McGraw-Hill; 2. Âu châu: Pentech Press, Artech House (song sách bán đắt thấy mồ), Plenum Press; (xin các bạn bổ sung thêm, tôi nhất thời trong lúc tập trung suy nghĩ viết bài post này có thể không liệt kê được đầy đủ). 3. Nga: izdatyelstvo Naiuki i Tyekhnyiki (nxb. KH&KT Moscow), izdatyelstvo Sviazi (nxb. Thông tin liên lạc). Sách văn học tiếng Việt thì tôi chỉ tín nhiệm có mỗi nhà xuất bản Văn học, Hà nội, các nxb. khác làm sách như con tườu, kể cả nxb. Tp HCM mà anh rể thứ hai của tôi là giám đốc.
3. Hãy tập cách ghi chép những điều cốt yếu căn bản nhất của cuốn sách[sửa]
Trong mỗi cuốn sách bao giờ cũng có những đoạn lột tả được vấn đề cơ bản nhất mà cuốn sách trình bày, thường là trong phần Preface hay Introduction. Nhiệm vụ của người đọc sách là phải tìm cho ra được những dòng quý báu đó và ghi nhớ. Từng chương của mỗi cuốn sách cũng có những lập luận quan trọng và chúng ta rất cần tìm cho được và ghi chép. Tất cả các ghi chép đó sẽ hình thành khung sườn của lập luận chính nhất/cuốn sách. Đôi khi, cái sườn ấy thể hiện ngay ở phần mục lục, cái mà các SV ta thường lười và bỏ qua, chỉ nhăm nhắm đi tìm cái mình cần trong cuốn sách.
3a) Về ghi chép[sửa]
Hồi còn là SV, tôi thường về Hà Nội mỗi khi được đi tranh thủ và thường ở nhà chị cả mình. Trong tủ sách vô cùng phong phú của anh chị tôi (chị tôi là phóng viên kỳ cựu từ ngày mới hòa bình của báo Lao động, sau là phó phòng Văn học hiện đại của nxb. Văn học, chuyên biên tập các tác phẩm văn học hiện đại của VN và sách nước ngoài dịch, anh rể cả của tôi là sĩ quan cao cấp quân đội, vốn đang là SV ĐH canh nông của Pháp năm 1945 thì tham gia bộ đội đi kháng chiến) tôi tìm thấy một cuốn "Các nguyên lý của chủ nghĩa Lê nin - các bài giảng của đồng chí Xít-ta-lin tại trường ĐH Xít-véc-lốp" (tôi ghi nguyên như cách phiên âm thời bấy giờ), nxb. Sự Thật, 1951 (in trong rừng Việt Bắc thời 9 năm kháng chiến chống Pháp) của anh rể tôi. Tôi đọc ngốn ngấu song có lẽ nó là khá nặng nhọc với hiểu biết chính trị còn non nớt lúc đó của mình (các vấn đề với phú nông - kulakh Nga - chẳng hạn thì tôi chỉ biết vẻn vẹn qua Đất Vỡ Hoang của Mikhail Solokhov mà thôi). Điều hay mà tôi học được từ đây là trong cuốn sách đó anh tôi đã dùng bút gạch dưới các dòng quan trọng nhất, các luận điểm rất cơ bản, chủ chốt của cả cuốn sách, cái mà tôi cũng cố thử làm song xem lại thì thấy các gạch đít của mình chả quan trọng gì cả và chả hình thành nên cái lõi của cả cuốn sách, thật không làm sao so được với các ghi chú của anh tôi. Ah, thế có nghĩa là mình chưa biết cách tìm ra những điều cốt yếu cơ bản nhất của một cuốn sách. Từ đó, tôi rất cố gắng tập tìm kiếm và đánh dấu những đoạn hay nhất, cốt yếu nhất trong sách và tập ghi tóm tắt những cái quan trọng nhất của từng cuốn sách mình đã đọc. Cứ từng tí một, không nản lòng (hồi đó làm gì có bút đánh dấu màu như ngày nay). Dần dần nó thành thói quen khi đọc sách. Tôi bây giờ chịu không thể đọc sách được nếu không có một cuốn sổ/vở và cây bút trên tay để sẵn sàng ghi chép những điều cơ bản quý báu. Chỉ sau 2 năm tập như thế, năm thứ 4 ĐH tôi đã có thể tóm tắt toàn bộ Kinh Tân Ước trong một tập giấy mỏng cắt ra từ 2 tờ giấy mà ngày xưa hay gọi là giấy năm hào hai theo giá của tập giấy, đóng lại thành một cuốn sổ bỏ túi mỏng dính, trong đó ghi chép những điểm quan trọng bậc nhất trong giáo lý mà Giê-su đã truyền dạy các học trò của mình; à hà, cuối năm thứ 5, khi ôn thi chính trị quốc gia, trong cuộc tranh luận về vấn đề giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm với trung tá trưởng bộ môn triết của trường tôi mà tôi đóng vai một giáo sĩ, tôi đã làm cho ông giáo phát cáu lên vì không sao bẻ được các lập luận của tôi, bẽ mặt với các học viên khác trong lớp. Năm về nước, do quá nặng (tôi đã vứt bỏ hết quần áo và đồ dùng cá nhân để lấy trọng lượng được mang cho sách, chỉ mặc nhõn một bộ trên người với một cái palto thùng thình nhét đầy sách bỏ túi và đĩa mềm mà tôi kiếm được bên Hung, trong đó tôi rất quý cuốn New Testament bằng tiếng Anh, bản mới do hội truyền bá cơ đốc quốc tế ở Mỹ ấn hành) nên tôi đã bỏ lại chồng giấy vở gần một thước các ghi chép trong gần 6 năm đọc sách của mình bên Hung về mọi lĩnh vực kỹ thuật, tôn giáo, lịch sử, ngôn ngữ học, giải phẫu sinh lý người (y-sinh), kinh tế, chính trị... giờ tiếc hùi hụi. May là một số ghi chép tóm tắt của tôi khi đọc các tạp chí mà tôi có bản photo thì tôi thường ghi ngay vào trang báo hay ở mặt sau nên vẫn còn (có lần đưa cho ông giáo xem lại một bài báo, cụ rất thích thú cách ghi chép tóm tắt của tôi và hỏi xem tôi được ai dạy cho cái kỹ năng ấy và rất vui khi biết tôi đã tự rèn luyện được từ những năm ĐH).
Chính nhờ cách đọc sách và ghi chép ấy nên đọc sách gì tôi cũng chỉ cố đọc và ghi nhớ lấy những điểm lớn, chủ yếu và cốt lõi. Thế mới có thể nhớ được nhiều (về vấn đề rèn luyện trí nhớ trong đọc sách, tôi sẽ viết ở một mục khác sau).
Với người đọc/học thì các ghi chép ấy luôn tốt hơn chính nguyên bản, bởi vì văn bản nguyên bản thì đối với người đọc/học là thông tin chưa được gia công, còn bản ghi chép lại là thông tin đã được gia công, đã là một phần kiến thức của người đọc/học rồi. Theo kinh nghiệm 1/2 thế kỷ đọc sách suốt từ tấm bé của tôi (4 tuổi tôi đã biết chữ và đọc sách vanh vách, các con tôi sau này cũng vậy, đứa chậm nhất là thằng lớn thì 5 tuổi đã đọc được sách, thằng bé thì chưa đầy 3 tuổi, còn đang phải quỳ trên ghế và bò xoài người trên bàn phím máy tính để gõ phím, đã nằm gác chân chữ ngũ đọc sách như một ông cụ non - tôi thường chưa bao giờ mất quá 1 tuần để dạy chữ cho các con mình cả và bọn chúng chưa bao giờ học chữ theo kiểu học đánh vần theo phương pháp i-tờ của GS Hoàng Xuân Hãn cả nên đọc sách là chỉ đọc thầm, từ ngày đầu tiên - dạy viết thì kỳ công hơn nên tôi phó mặc cho các cô ở trường khi chúng vào lớp 1), thì cách đọc sách như thế là tốt nhất, không có cách tốt hơn.
3b. Cách ghi chép bài giảng (khi đi học)[sửa]
Ghi bài giảng thì khác. Thời chúng tôi đi học ĐH thì giáo trình hiếm lắm, nhiều môn không có giáo trình mà chỉ có bài giảng của các thày. Từ năm thứ 3 ĐH tôi đã cố gắng tạo một phong cách ghi bài giảng như sau (nhẽ ra cái này tôi định viết vào mục kinh nghiệm học tập ở ĐH cơ song đã tiện thì viết ra đây cũng được). Tập vở của tôi thường được gập 3 theo chiều dọc. Một trang như vậy tôi chỉ ghi ở 2/3 bên phải trang, 1/3 bên trái trang để trống để ghi chép bổ sung (a hà, trên 4R này cũng có một mem nào đó là SV của tôi đã nói ở đâu đó về cách ghi vở mà tôi truyền lại cho các em). Sau khi về nước thì tình hình kinh tế đã khá hơn, sách vở không hiếm như vàng như thời còn bao cấp nữa thì tôi chỉ ghi một mặt mỗi khi đi nghe giảng, mặt kia để trắng để ghi chép bổ sung (sau khi về nước tôi còn lần mò đi nghe giảng rất nhiều courses của các GS Việt kiều hay GS nước ngoài, nhờ vào các courses dành cho học viên cao học của các trường mà tôi kiếm được suất đi nghe, ngồi học như học viên, không bỏ buổi học nào - ô hô, trong lớp thường chỉ có 2 mái đầu bạc là tôi và PGS Nguyễn Viết Kính của ĐHQG Hà Nội hóa ra là chăm chỉ đi học nhất - về nhà đọc sách và làm bài tập nghiêm chỉnh như học trò chứ không có chuyện cưỡi ngựa xem hoa, chủ yếu là để nắm kiến thức mới, mở rộng hiểu biết của mình, mặt khác với các môn mà tôi dạy thì đi nghe để rút kinh nghiệm về cách đặt vấn đề, phong cách dẫn dắt SV của các bậc tổ sư trong nghề). Thường là trên lớp tôi không mấy khi nói chuyện riêng mà tập trung cao độ nghe và ghi bài giảng (rất mệt đấy, nhiều khi tan lớp xong là người rời rã cả ra, máu nóng bốc lên thái dương giần giật, nhất là thời ĐH ăn uống vô cùng kham khổ - giờ nghĩ lại/kể lại cho các học trò của mình tôi vẫn còn cảm thấy rất bùi ngùi vì những năm tháng đói/khát/gian khổ nhường ấy, bụng đói quay quắt mà vẫn phải cố chắt lấy từng con chữ một, các SV ngày nay thì sướng vô chừng so với chúng tôi ngày ấy), chỗ nào chưa thật hiểu hay còn ngờ vực thì tôi ghi ngay ra bên lề 1/3 bên trái trang, các suy nghĩ ngay trong lớp của tôi cũng ghi ra đó, các liên hệ với các môn khác, các lĩnh vực khác cũng được ghi cả ra chỗ đó. Buổi chiều tôi chỉ phải bỏ ra chừng 1h, cùng lắm là 1,5h cho việc xem lại và giải quyết các phần ấy, không hiểu là tức tốc tìm các thày để hỏi ngay (hoặc hỏi ngay trên lớp), không để tồn đọng, các chú giải cũng lại ghi ngay vào chỗ đó. Học như thế thì tiếp thu ngày càng nhanh và rất chắc chắn, hồi ấy tôi cứ đùa bảo anh em trong tiểu đội là tôi chỉ cần học vào giờ thể thao buổi chiều là đủ, dành thời gian còn lại cho đọc sách và học ngoại ngữ. Thế mà tôi thi ít khi bị 4 (theo thang điểm 5) lắm. Kể cả các môn chính trị/quân sự (SV thường chỉ được 4 các môn CT/QS đã là vinh quang lắm rồi!, là do thành kiến củ chuối rằng quân học kỹ thuật thì biết gì về CT với QS) thì điểm thi bình quân cả 5 năm học của tôi là hơn 4.62 một chút, vừa đủ đạt loại xuất sắc (A+) theo cách tính bây giờ ở các nước có nền giáo dục tiên tiến như Mỹ, các môn kỹ thuật của tôi thì chưa bao giờ biết nhận 3 điểm, 4 điểm là về đã "đau khổ" lắm rồi, nếu chỉ tính các môn kỹ thuật và cơ bản/cơ sở chuyên ngành thì điểm bình quân của tôi là 4.75 hay 9.5 theo cách tính ngày hôm nay.
Vở ghi của tôi rất lớp lang, dùng thước (về sau tập gạch tay thẳng băng được thì gạch tay) gạch đít các tiêu đề cẩn thận, từ năm thứ 3 thì tôi quyết tâm tập viết chữ đều và đẹp như cắt. Do vậy mà lúc ra trường tôi không còn một cuốn vở ghi bài giảng nào vì anh em khóa sau xin tất để học. Ngày ôn thi NCS, nhiều bạn tôi cũng thường học bằng vở ghi của tôi và đến tận bây giờ, hơn 20 năm sau, vẫn kể rằng ngày ấy học vở của ông Bình dị rất sướng. Ngay cả các bài tập giải tích hồi ôn thi NCS (hơn 750 bài) tôi làm và ghi chép cũng rất cẩn thận, đến nỗi thi xong đem khoe với thày Khải luyện thi toán bên ĐHBK cho chúng tôi, cụ ấy bảo: "Anh đem đưa nhà xuất bản in luôn thành sách giải bài tập được đấy". Thi xong, anh em khóa ôn thi NCS sau trong HVKTQS đến tước hết mọi vở ghi của tôi để học, sau khi học tiếng ở Thanh Xuân cũng vậy, các bản tóm tắt ngữ pháp tiếng Hung và Anh của tôi cũng bị khóa sau lấy hết. Bây giờ già rồi nên chữ viết đã xiên xẹo đi rất nhiều nhưng vẫn còn rất dễ đọc, viết bảng thì không bao giờ bị học trò kêu ca cả nhé.
Trích dẫn[sửa]
Nói về sách quan trọng thì nhiều lắm vì để hình thành nên một tính cách nói chung là phức tạp của một con người thì số sách (và không chỉ có sách, quan trọng nhất vẫn là thực tiễn cuộc sống) ảnh hưởng đến họ phải lớn lắm. Song nếu cần phải nêu ra một vài cuốn mà tôi xem là quan trọng với tôi, có ảnh hưởng rất mạnh đến tôi thì tôi xin kể ra đây chỉ 1 cuốn duy nhất đã từng tác động mạnh tới tôi ghê gớm, đó là cuốn "Những nguyên lý của công tác tổ chức" của Platon Mikhailovits Kergientsev viết từ những năm 1920 của thế kỷ 20. Cuốn này là sách dịch, nxb. nào thì đã quá lâu nên tôi quên mất rồi (đầu óc bây giờ tệ quá), mà sách thì khi chuyển nhà tôi để lại trong tủ sách nhà cũ và đã bị mất (tôi đã kể chuyện này ở đâu đó). P. M. Kergientsev là người phụ trách công tác tổ chức của nhà nước và Đảng cộng sản B (Bolsevic) của Liên xô trước đây, là cánh tay phải của Lenin vĩ đại trong công tác tổ chức tạo nên nhà nước kiểu mới của Liên xô những ngày đầu non trẻ. Trong sách này ông nêu ra những nguyên tắc trong công tác tổ chức (7 nguyên tắc cơ bản, mà trong đó ông nhấn mạnh công tác kiểm tra: cái feed-back kỳ diệu của một tổ chức - có thể thấy rất nhiều cái tốt đẹp trong những ý tưởng tốt đẹp của các lãnh đạo ta ngày nay đã trở thành bong bóng xà phòng là do không làm tốt, và nói ngay là không làm được khâu này, cứ như là họ sợ cái việc feed-back này như sợ tà ấy, cái mà các nền dân chủ Tây phương làm rất tốt nên khả năng điều chỉnh của họ tốt lắm -, P.M.K. nói rằng cách tốt nhất để phá vỡ một tổ chức là "cắt đứt cái feed-back ấy"!), các khiếm khuyết mà các tổ chức Cộng sản thường gặp phải và đã tiên đoán về các sai sót chết người của họ (như sau này tôi nghiệm thấy nhà nước Xô Viết đã tiêu vong vì chính những nguyên nhân sâu xa ấy), các thí dụ của ông đưa ra bình dị và gần gũi, rất dễ hiểu và rất đắt. Đặc biệt, cuối sách có hẳn một chương với tựa đề: Hãy tổ chức bản thân mình!, trong đó hướng dẫn và kêu gọi những người cộng sản hãy tổ chức chính bản thân mình, trong công việc và trong sinh hoạt để hiệu quả công việc của họ cao nhất. Một thời SV của tôi, ở bất cứ cuốn sổ tay hay vở học nào tôi cũng trịnh trọng ghi lên bìa cái khẩu hiệu kỳ diệu đó như một lời trong kinh Thánh, và cố gắng hết sức mình để hình thành các tác phong, cách làm việc (việc đọc sách của tôi là một thí dụ điển hình của việc áp dụng công tác tổ chức bản thân mình chẳng hạn). Một câu của ông (không rõ của P. M. K. hay của Lenin mà ông nhắc lại) mà tôi rất yêu thích là "Phải có trái tim nóng bỏng cộng sản Nga và đầu óc lạnh của người Mỹ" mà sau này chị tôi đã đem vào trong thơ:
- Trái tim nóng phải có đầu óc lạnh
- Tôi dặn mình từng phút từng giây
- Hãy mạnh mẽ như chim ưng vỗ cánh
- Và dịu dàng thùy mị tựa áng mây.
Có thể nói là cả cuộc đời tôi, tôi đã không ngừng học tập, luyện tập và điều chỉnh mình để làm việc tốt hơn, để yêu thương người khác hơn, để trở nên một người cộng sản chân chính theo những điều tôi đã học được từ cuốn sách ấy (còn có đạt được đến đâu thì tôi cũng chưa biết, ta sẽ chỉ biết được điều đó khi ta sắp nhắm mắt xuôi tay từ giã cuộc đời đẹp đẽ mà đầy khó khăn đau khổ muộn phiền này thôi nhỉ).
PS: Nói thêm chút, là cũng chính trong cuốn sách này, lần đầu tiên tôi đã gạch đít thành công, sau bao lần tập luyện, những ý tưởng quan trọng nhất của tác giả, sau này nhiều lần xem lại tôi vẫn rất đắc ý với các chỗ gạch đít của mình và gần như không thêm/bớt được gì
4. Hãy đọc từng chương, đọc lướt trước, đọc cẩn thận và ghi chép sau[sửa]
Một cuốn sách thường gồm nhiều chương. Đấy là cấu trúc thường thấy, thể hiện tác giả định trình bày các vấn đề của cuốn sách thành những phần lớn, tương đối độc lập theo một logic như thế nào. Vấn đề là ta sẽ đọc chúng ra sao.
Tuỳ theo yêu cầu của từng người và thời gian mà người ấy có, hãy đọc từng chương theo phần kiến thức mà ta cần tìm kiếm hoặc đọc cả cuốn. Từng chương một trong mỗi cuốn sách đều có những đoạn rất quý báu vạch ra những điều cơ bản nhất mà chương đó đề cập đến, việc đọc lướt qua thường không mấy khi cho chúng ta cơ hội tìm thấy ngay những đoạn ấy, bù lại, chúng cho ta hình dung được cấu trúc và logic của các vấn đề được sắp xếp (thường là có/đầy dụng ý của tác giả) như thế nào. Sau khi nắm được cái logic ấy, việc đọc kỹ sẽ bắt đầu dễ dàng hơn nhiều. Trong quá trình đọc kỹ cuốn sách hay đọc kỹ từng chương, chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ về các lập luận, các chi tiết và phải tìm cho ra được những điểm mấu chốt của từng chương và ghi chép chúng một cách vắn tắt, tập trung vào những ý chính nhất. Các kết luận sau những lập luận gian nan và có khi tẻ nhạt ấy, nhiều khi chỉ là một vài dòng mà ta có thể ghi chú được. Hãy đóng khung các kết luận ấy bởi bạn vừa xong một quá trình nhận thức sơ bộ: xem xét từ cách đặt vấn đề (cách nhìn sự vật của tác giả), các bước logic của phân tích và chứng minh, các ý nghĩa và các thí dụ minh hoạ và bạn đã đi đến (cùng với tác giả) các kết luận. Cái đó đáng ghi nhớ nhất bởi sau này, bạn có thể quên một vài bước trong cách phân tích hay chứng minh, quên đi một số bước của quá trình dẫn dắt, bạn vẫn cứ yên tâm được với các kết luận đó (bởi bạn đã thực sự, với sự giúp đỡ của tác giả, chứng minh, thấu hiểu vấn đề của chương) để có thể áp dụng chúng cho các tình huống thực tế trong cuộc sống.
5. Hãy liên hệ với các kiến thức khác[sửa]
Hãy liên hệ với các kiến thức khác để có được cái nhìn đa chiều và củng cố hệ thống kiến thức, tăng khả năng nhớ lâu
Một cách đọc rất kém hiệu quả là chỉ đọc mà không suy nghĩ, cái này cũng giống như việc bạn vào giờ học ở nhà, bạn ngồi rất nghiêm chỉnh trước bàn học với đầy ứ sách vở song lại không mấy chú tâm, hoặc là nản lòng vì không hiểu bài, lại chỉ nắn nót tô tô vẽ vẽ cái gì đó hoặc giả thay vì phải đọc và hiểu cho được vấn đề cần đọc/học, bạn lại lướt web và phí thời gian vào việc đọc những cái không mấy cần thiết - song hỡi ôi, thường là giật gân, chủ yếu do cung cách giật tít của những người đã quẳng những cái đó lên Internet. Tuy nhiên, là nói thế, rằng cần phải suy nghĩ, bắt não hoạt động, song ta bắt não phải làm việc gì? Ta sẽ phải bắt não chăm chú vào từng bước của lập luận, từng bước từng ý của các phân tích và chứng minh. Thêm vào đó, một cái không kém phần quan trọng là bắt não lục lọi lại những hiểu biết đã có của mình để so sánh và tìm những điểm tương đồng giữa những kiến thức mới đã tích luỹ với những kiến thức đã có. Tại sao lại phải như vậy?
Thứ nhất[sửa]
Kiến thức của loài người về các lĩnh vực khác nhau có rất nhiều điểm tương đồng, nhiều cách giải quyết của lĩnh vực này lại bắt nguồn từ cách giải quyết của lĩnh vực khác tưởng như hết sức xa vời. Ta có thể kể ra đây một vài thí dụ khá tiêu biểu. Trong hệ thống ghép kênh, việc ghép kênh không (hay cận) đồng bộ tỏ ra không hiệu quả với các cấp ghép ngày càng cao, nảy sinh từ yêu cầu tăng dung lượng do có quá nhiều dịch vụ mới như tự động hoá văn phòng, Internet, các dịch vụ thanh toán điện tử... hệ thống truyền dẫn với cấp ghép cao, do vậy, sẽ phải là một hệ thống ghép kênh đồng bộ nhằm bảo toàn hiệu quả sử dụng đường truyền. Vấn đề là sẽ ghép theo kiểu gì. Những chuyên viên NC của CCITT lúc bấy giờ đã mượn ý tưởng Container của giao thông vận tải (vận tải hàng hải). Trước đây, trong vận tải đường biển người ta thường xếp hàng hoá lên tàu theo kiểu đánh đống, cái này chồng lên cái khác sao cho tận dụng hết dung tích của khoang chứa hàng. Cái này lại làm giảm hiệu quả bốc dỡ tại các cảng trung chuyển, khi người ta phải hạ hàng này xuống và bốc xếp lên các hàng mới, khiến các tàu nằm chờ ở cảng lâu hơn. Vấn đề đã được xem xét lại theo cách nghĩ: vấn đề là ta cần gì trong vận tải, dung tích hay tải trọng? A, hoá ra nếu ta xếp các hàng hoá trong các container và bố trí các container này một cách hợp lý ta vẫn có thể vận chuyển hàng hoá không kém (dẫu từng container có thể không đầy) bởi cuối cùng thì cái đáng quan tâm là tải trọng của tàu là bao nhiêu chứ không phải dung tích khoang chứa hàng là mấy. Việc bốc dỡ trở nên đơn giản hơn nhiều và nhờ vậy hiệu quả vận tải tăng lên. Ô, thế thì trong ghép kênh cũng y như vậy. Việc ghép các luồng tin nhánh theo lối ghép kênh vẫn dùng trong ghép kênh cận đồng bộ sẽ làm cho việc tách/ghép tại các trạm xen/rẽ trung gian trở nên cồng kềnh, trong khi nếu ta đóng các luồng nhánh (bây giờ ta có khái niệm mới hẳn hoi là các payload - hơ hơ, trước năm 1989 tôi đố bác nào tra tự điển xuất bản trước đó ra được cái từ payload là cái gì nhé) như các tải tin thành các container và sắp các container ấy một cách lớp lang nhờ các POH (nó như cái nhãn container dán trên thành từng container, trỏ rằng trong đó chứa hàng gì, chủ hàng là ai, từ đâu và đi đâu), giỗ thẳng hàng chúng trên con tàu (khung STM-N) bằng các con trỏ (pointer) thì việc ghép và tách chúng trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Một thí dụ khác nữa có thể kể ra ở đây là các thuật toán điều khiển lưu lượng trong mạng viễn thông có tương đồng không với các thuật toán điều khiển giao thông nhằm giải quyết vấn đề tắc nghẽn? Ngay cả cái tưởng chừng vô cùng đơn giản với mọi người học viễn thông là khuếch đại thì xét cho cùng khi chúng ta làm việc với các bộ khuếch đại tuyến tính, chúng ta làm việc với một phép nhân: tín hiệu lối ra là tích của tín hiệu lối vào với hệ số khuếch đại K của bộ khuếch đại, hay ta làm việc với một hệ số tỷ lệ: K bằng tỷ số giữa tín hiệu đầu ra với tín hiệu lối vào. Ô hô, thế thì có khác gì so với cái bập bênh ngoài công viên không? Tỷ lệ giữa hai trọng lượng cơ thể trên hai đầu bập bênh khi cân bằng đúng bằng tỷ lệ K giữa hai độ dài cánh tay đòn mà hai đứa trẻ cần ngồi cho cân. À, ra chúng (KĐ trong điện tử-viễn thông và bập bênh trong công viên) có chung thuật toán toán học.
Thứ hai[sửa]
Đó là do bản chất của hệ thống kiến thức và bản chất của trí nhớ.
Các kiến thức của một con người được tích luỹ dần theo năm tháng với quá trình nhận thức diễn ra liên tục và phát triển có hệ thống nhờ việc giáo dục trong trường cũng như các hoạt động học tập nói chung tuân thủ theo một tiến trình khá ngặt nghèo. Trong quá trình học suốt đời như vậy, các khu vực trong bộ nhớ của con người được điền đầy dần và liên kết với nhau nhờ các liên kết giữa các nơ-ron thần kinh ở các khu vực lân cận nhau. Việc liên tưởng, so sánh giữa các vấn đề tương đồng sẽ tạo nên các liên kết, dẫn đến hệ thống kiến thức có thể được sắp xếp tốt hơn và nhất là hình thành nhiều cách sắp xếp/hệ thống hoá kiến thức tốt hơn, cho phép người ta truy cập và vận dụng các kiến thức đó đa dạng hơn, nhanh hơn.
Về mặt trí nhớ, trí nhớ của con người hình thành từ các kích thích điện hoá tuần hoàn và kéo dài, dẫn đến các nơ-ron thần kinh chịu trách nhiệm nhớ chuyển vào trạng thái kích thích (điện thế ở vỏ nơ-ron cao hơn). Các kích thích điện hoá như thế truyền từ nơ-ron này sang nơ-ron khác qua các axon, tới các synaps, truyền sang nơ-ron lân cận, tạo nên các vùng gồm các nơ-ron lưu giữ một thông tin nào đó. Việc liên tưởng, so sánh giữa các vấn đề tương đồng của các lĩnh vực khác nhau sẽ tạo các liên kết giữa các vùng khác nhau của bộ nhớ. Nhờ vậy, nếu sau một thời gian dài không có kích thích, một vùng nào đó các nơ-ron chuyển sang trạng thái mỏi khiến chúng ta có thể quên một thông tin nào đó thì nhờ vào việc truy cập vào các vùng khác, sẽ tạo nên các kích thích thông qua các liên kết ngang đã có, nhắc cho vùng nơ-ron mỏi có thể trở lại trạng thái kích thích và nhờ đó trí nhớ về thông tin đã quên có thể khôi phục lại được. Do vậy, việc liên tưởng, so sánh các vấn đề tương đồng giữa các lĩnh vực có vẻ như xa vời sẽ giúp cho chúng ta nhớ các vấn đề đã đọc/học được bền hơn.
Thứ ba[sửa]
Đối với những người làm công tác giảng dạy, việc liên tưởng, so sánh giữa các vấn đề tương đồng sẽ có thể giúp người học dễ hiểu hơn. Đây là một kỹ năng góp phần làm cho một ông thày được học trò đánh giá là giảng hay hay có kỹ năng sư phạm tốt.
Nguồn: Fber: Nguyễn Quốc Bình