Có thể xóa bỏ ký ức đau buồn
Giống như trong những bộ phim viễn tưởng, các nhà khoa học giờ đây đã có thể xóa, thay đổi những ký ức đau buồn trong quá khứ mà không làm ảnh hưởng đến các phần trí nhớ khác.
Bằng cách xóa bỏ những kí ức đáng sợ, đau đớn, liệu pháp mới hứa hẹn có thể được sử dụng để hỗ trợ điều trị những bệnh nhân mắc chứng suy giảm nhận thức hoặc rối loạn căng thẳng hậu chấn thương.
Khả năng xóa ký ức có chọn lọc[sửa]
Jun-Hyeong Cho - đồng tác giả, nhà nghiên cứu của Đại học California, Hoa Kỳ, cho biết: "Các chuyên gia có thể xóa “chọn lọc” những phần ký ức gây ảnh hưởng xấu trong khi vẫn giữ được những ký ức cần thiết cho cuộc sống hàng ngày”.
Nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí Neuron đã chỉ rõ phương pháp các nhà nghiên cứu tìm hiểu về các con đường liên kết của các vùng não xử lý âm thanh và “hạch hạnh nhân” trên các con chuột biến đổi gen.
Ông Cho cho biết: "Những con chuột này đặc biệt ở chỗ chúng tôi có thể đánh dấu các con đường truyền tín hiệu cho hạch hạnh nhân trong não của chúng. Nhờ đó mà nhóm nghiên cứu có thể xác định cụ thể được con đường nào thực sự biến đổi khi con chuột học cách sợ hãi một âm thanh đặc biệt”.
Trong phần đầu của thử nghiệm, các nhà khoa học cho các con chuột nghe lần lượt các âm thanh ở các mức âm lượng cao và thấp khác nhau. Tuy nhiên, khi phát những âm thanh có âm lượng lớn, các nhà khoa học cũng chích điện lên chân trái để làm tổn thương đối tượng.
Như dự đoán, chỉ sau một thời gian thử nghiệm ngắn, hễ cứ nghe thấy âm thanh lớn thì con chuột lại run lên vì sợ hãi. Các dấu hiệu này không xuất hiện khi âm thanh nhỏ được bật lên.
Nhóm nghiên cứu sau đó đã xem xét liệu có sự khác biệt giữa các con đường liên kết khi phát âm thanh “lớn” và âm thanh “bé” trong não chuột hay không. Ngạc nhiên thay, trong não những con chuột đã từng tiếp xúc với cú sốc điện, các kết nối bên trong con đường âm thanh âm lượng lớn trở nên mạnh hơn, trong khi các con đường liên kết khác vẫn không thay đổi.
Các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng khi để chuột tiếp xúc với âm thanh với âm lượng lớn nhiều lần mà không chích điện thì chúng sẽ dần quên đi nỗi sợ hãi ban đầu - một quá trình được gọi là tuyệt diệt nỗi sợ.
Ở thời điểm hiện tại, liệu pháp tâm lý tốt nhất để chữa trị cho các bệnh nhân bị chứng rối loạn căng thẳng hậu chấn thương vẫn là “tuyệt diệt nỗi sợ”; nhưng các triệu chứng ở người bệnh không biến mất hoàn toàn mà thường tái phát sau một thời gian.
Tuy nhiên, trong nghiên cứu mới, ngay cả sau khi tuyệt diệt nỗi sợ, các con đường liên kết âm thanh “ồn” vẫn còn phát triển trong não chuột.
“Tuyệt diệt nỗi sợ không phải là xóa bỏ hoàn toàn ký ức về nỗi sợ, nó chỉ chôn sâu những kỷ niệm không mong muốn ấy vào trong sâu thẳm tiềm thức người bệnh. Và đôi khi, những ký ức chẳng mấy tốt đẹp kia lại tìm về với người sở hữu”, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.
Xóa bỏ hoàn toàn ký ức[sửa]
Thay vào liệu pháp chữa trị truyền thống, các chuyên gia đã ứng dụng thành công kỹ thuật “quang di truyền” (Optogenetic) - liệu pháp hứa hẹn có thể xóa bỏ hoàn toàn những ký ức khó chịu kia.[1]
Ứng dụng kỹ thuật mới, các chuyên gia sử dụng một loại virut để đưa một số gen đột biến vào các tế bào thần kinh đặc biệt nămg trong não của những con chuột tham gia thí nghiệm.
Một khi ở bên trong các tế bào, những gen này thúc đẩy sản xuất các protein phản ứng với ánh sáng; nhờ đó mà nhóm nghiên cứu có thể điều khiển, kiểm soát hoạt động của các tế bào thần kinh.
Khi thử nghiệm trên các con chuột có ký ức đau đớn, các chuyên gia cho các tế bào thần kinh này phơi nhiễm với luồng ánh sáng có tần số thấp; kết quả là con chuột không còn thấy sợ hãi khi nghe thấy âm thanh có âm lượng lớn.
“Tính đến thời điểm hiện tại, chúng tôi có thể khẳng định rằng phương pháp mới này có thể xóa hết các kí ức không mong muốn. Các con chuột không còn cảm thấy sợ khi được thử nghiệm nữa”, nhóm nghiên cứu nói thêm.
Peter Giese - giáo sư thần kinh học của trường King's College, London, cho biết: vẫn còn quá sớm để nghĩ đến việc sử dụng kết quả của nghiên cứu vào điều trị người bệnh tâm thần. Ông cũng bày tỏ quan điểm cho rằng phương pháp trên có thể vi phạm vấn đề đạo đức nếu được điều trị trên con người.
“Tôi còn không chắc chắn liệu pháp này có thể được ứng dụng trên người như thế nào”, giáo sư nói thêm.
Tuy nhiên, Giese cũng xác nhận thành tựu của dự án là một tiến bộ lớn; không chỉ trong việc nâng cao hiểu biết về liệu pháp tuyệt diệt nỗi sợ, mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường kết nối giữa các nơ-ron trong việc lưu lại hồi ức của con người.
Chú thích[sửa]
- ↑ Optogenetic: là phương pháp kết hợp giữa các kỹ thuật nghiên cứu quang học và di truyền trong thử nghiệm các mạch thần kinh ở tốc độ cao cần thiết, nhằm nắm được các quá trình xử lý thông tin trong não bộ.
Nguồn[sửa]
- Khám phá, Tùng Minh (The Guardian)