Cứu giúp các loài động vật nguy cấp

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Các nhà khoa học đã chỉ ra năm làn sóng tuyệt chủng của động vật suốt chiều dài lịch sử Trái đất, bao gồm sự tuyệt chủng của các loài khủng long, và rất nhiều người tin rằng chúng ta đang đối mặt với làn sóng thứ sáu.[1] Tuy nhiên lần này, con người chính là nguyên nhân chủ yếu, qua những hành động như làm suy giảm và phá hủy sinh cảnh, săn bắt động vật tràn lan, gây ô nhiễm môi trường, phá vỡ chuỗi thức ăn và du nhập những loài không có nguồn gốc bản địa. Bên cạnh rủi ro mất đi các loài động vật đó mãi mãi, sự tuyệt chủng còn đe dọa tiến bộ khoa học và y tế xuất phát từ động vật, và có thể đe dọa cả nguồn cung thực phẩm cho con người (qua quá trình ngăn cản thụ phấn). Đây dường như là vấn đề quá lớn mà một cá nhân không thể xoay chuyển được, nhưng tất cả chúng ta đều cùng có thể đem lại những thay đổi cần thiết nhằm bảo vệ các loài động vật nguy cấp khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

Các bước[sửa]

Tạo ra thay đổi tại nơi bạn sống[sửa]

  1. Tìm kiếm những loài động vật bản địa cần sự giúp đỡ. Động vật nguy cấp dường như là vấn đề xa xôi, nhưng nhiều khả năng có những loài đang bị đe dọa như chim, gấu cho tới các loài bọ, đang sinh sống gần nơi bạn ở.
    • Những loài cây cỏ xâm lấn tàn phá thực vật địa phương và những loài động vật xâm lấn chưa bị loài khác săn bắt sẽ cùng lúc phá hoại quần thể các loài động vật bản địa. Lưu ý điểm khác biệt giữa các loài xâm lấn và các loài không có nguồn gốc bản địa; cụ thể, loài xâm lấn là loài sinh sôi nhanh chóng và lấn át những loài bản địa. Rất nhiều loài sinh vật không có nguồn gốc bản địa không gây tác động xấu. Thực tế, phần lớn thực phẩm cho con người đều bắt nguồn từ động thực vật không có nguồn gốc bản địa.
    • Khi trồng cây, hãy lựa chọn những loài cây và hoa bản địa. Thực vật địa phương nhiều khả năng sẽ thu hút chim, bướm, các loài côn trùng, cũng như các loài động vật nguy cấp khác sinh sống tại khu vực đó.
    • Nhổ bỏ những khóm cần sa xâm lấn hoặc cây cỏ không có nguồn gốc bản địa để dành chỗ cho các loài của địa phương.
    • Dựng bầu chứa thức ăn chim phù hợp với các loài bản địa.
  2. Trồng trọt tự nhiên. Không sử dụng thuốc trừ sâu hóa học trong vườn nhà bạn để tạo điều kiện cho chất ức chế tự nhiên. Hãy để loài thực vật bản địa đang bị đe dọa hoặc có nguy cơ tuyệt chủng được chống chọi để phát triển mà không cần đối phó với những độc tố không cần thiết. Dòng chảy cũng có thể khiến thuốc trừ sâu hóa học lan xa khỏi khu vực nhà bạn, vì vậy, bạn đang làm điều có ích cho diện tích sinh cảnh lớn hơn mình nghĩ.
    • "Quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng" là phương án dựa trên các cách thức "tự nhiên" để chiến đấu với sâu bọ và những loài cây cỏ không mong muốn. Giả sử bạn gặp vấn đề với lũ rệp, hãy thử tìm cách thu hút bọ rùa ăn rệp. Cảm giác chung của những người làm nông nghiệp và canh tác lâu bền (cũng như nhiều người khác) là khi bạn có nhiều ốc sên hoặc sên dẹp trong vườn, vấn đề không nằm ở số lượng ốc sên hoặc sên dẹp quá lớn, mà là không có đủ các cá thể vịt để ăn thịt ốc sên và sên dẹp nhằm kiềm chế số lượng những loài này.
    • Đồng thời, hãy tự ủ phân để tạo ra loại phân bón từ nguồn địa phương thay vì dựa vào các nhãn hàng siêu thị kéo theo đầy hóa chất.
  3. Cân nhắc nhu cầu không gian của bạn. Rất nhiều người mơ ước có sân sau rộng rãi với thảm cỏ xanh mướt, nhưng việc con người ngày càng xâm phạm sinh cảnh sống của các sinh vật hoang dã là nguyên nhân chủ yếu khiến những loài này trở nên nguy cấp.
    • Cân nhắc biến sân nhà bạn thành vườn trồng các loài cây ăn được. Ở những vùng hạn hán nặng nề như bang California của Hoa Kỳ, việc tập trung sử dụng các loài thực vật bản địa và/hoặc chịu hạn sẽ giúp các loài động vật tại đây sinh tồn.
    • Khi chuyển nhà, hãy suy nghĩ thận trọng về khoảng không gian bạn thực sự cần. Đồng thời, hãy cân nhắc lợi ích của không gian sống nhỏ hơn (không phải cắt cỏ nhiều, đầu tiên là vậy!) cũng như việc sinh sống tại khu vực đã phát triển sẵn thay vì một vùng đất ngoại ô mới chia cắt.
    • Nếu không cần chuyển nhà, hãy cân nhắc liệu bạn có thể giảm thiểu dấu ấn của mình trên mảnh đất nơi bạn đang ở hay không. Liệu bạn có thể để một phần đất ở của mình trở lại trạng thái tự nhiên hơn -- ví dụ, thay thế thảm cỏ bằng những loài cây bản địa mọc tự do?

Đối mặt với tình trạng ô nhiễm và biến đổi khí hậu[sửa]

  1. Tìm mua những sản phẩm hữu cơ được nuôi trồng tại địa phương. Hỗ trợ những người nông dân không sử dụng thuốc trừ sâu hóa học và có thể vận chuyển sản phẩm ra thị trường mà không sử dụng nhiều xăng dầu (cũng như ít gây ô nhiễm). Mỗi hành động phòng ngừa ô nhiễm sẽ cứu giúp các loài sinh vật nguy cấp, và bạn sẽ khiến nông nghiệp hữu cơ trở thành lựa chọn hợp lý về mặt xã hội và tài chính cho những người nuôi trồng.
  2. Giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế. Nếu tỉnh thành nơi bạn đang sống có chương trình tái chế, hãy tận dụng tối đa chương trình này. Nếu chưa có chương trình nào như vậy, hãy cố gắng xây dựng một chương trình. Giảm thiểu tối đa rác chuyển tới các bãi thải.
    • Các bãi rác chiếm rất nhiều không gian quý giá, và không thể tránh khỏi việc nhiều loại rác thải (như túi nilon và chai nhựa) xâm chiếm sinh cảnh sống hoang dã hoặc cuộn xoáy trên biển, ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống của các loài động vật.
    • Bất cứ khi nào có thể, hãy mua sản phẩm và đồ ăn không đóng gói. Tự mang túi của mình đến cửa hàng. Điều này sẽ giảm thiểu lượng rác thải của bạn, đồng thời giảm ô nhiễm từ hoạt động sản xuất và phân phối giấy gói.
    • Bắt đầu sáng kiến chia sẻ dụng cụ đặc thù và những món đồ gia dụng ít dùng giữa những người hàng xóm. Có rất nhiều ví dụ điển hình của những người đã từng làm việc với thư viện địa phương để xin địa điểm dựng quầy cho thuê dụng cụ.
    • Quyên góp đồ chơi, sách vở, trò chơi, quần áo, v.v. đã qua sử dụng tới các bệnh viện, nhà tình thương, vườn trẻ hoặc quỹ từ thiện.
    • Trước khi vứt thứ gì đi, hãy cân nhắc những cách thức sáng tạo để tái sử dụng chúng. Một chậu hoa từ bệ xí không hẳn là phong cách của bạn, nhưng chiếc bàn bếp cũ mèm và hỏng hóc có thể được sửa chữa thành bàn thợ nhỏ xinh.
  3. Cân nhắc những lựa chọn thay thế việc lái xe ô tô. Đi bộ hoặc đạp xe khi đi làm hoặc đi chợ. Điều đó sẽ tốt cho cơ thể của bạn và không thải ra bất kỳ chất nào ảnh hưởng tiêu cực đến sự cân bằng khí hậu mặt đất vốn dễ bị tác động. Hãy sử dụng phương tiện giao thông công cộng khi có thể.
    • Khi phải sử dụng ô tô, hãy lái xe chậm hơn. Tai nạn xe cộ va quệt vào động vật đang ngày một tăng cao khi môi trường sống của con người và động vật càng lúc càng giao thoa, và đây cũng là mối đe dọa đặc trưng tới một số loài động vật nguy cấp.[2]
  4. Tiết kiệm năng lượng bằng cách tắt đèn và các dụng cụ điện khi không sử dụng. Rút dây cắm tivi, máy tính và các món đồ khác mà vẫn có thể dẫn dòng điện ngay cả khi đã tắt đi. Điều này sẽ ngừng sự "trích hút" năng lượng của những thiết bị trên.
    • Bạn cũng sẽ cắt giảm nguồn ô nhiễm gây hại tới sinh cảnh của các loài nguy cấp và tiết kiệm được chút tiền. Không phải ý quá tồi. Hãy biến hành động này thành thói quen của bạn và chia sẻ bí quyết với người khác. Hãy nói với họ rằng bạn có thể giúp họ tiết kiệm chút tiền và cứu loài gấu Bắc cực.
  5. Đừng lãng phí nước. Hãy khóa vòi nước khi đánh răng và sử dụng thiết bị tiết kiệm nước cho bồn cầu, vòi nước và vòi hoa sen. Sửa ống nước và vòi nước rò rỉ ngay lập tức. Qua thời gian, một rò rỉ nhỏ cũng có thể gây phí phạm lượng nước lớn.
    • Sử dụng hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt hoặc những thiết bị tiết kiệm nước khác cho vườn nhà bạn. Cân nhắc đặt hệ thống "nước xám", sử dụng nước thải từ khu tắm giặt và bồn rửa cho tưới tiêu, nếu điều đó hợp pháp tại nơi bạn sinh sống. Nếu bạn liều lĩnh hơn nữa, hãy sử dụng hố xí ủ phân.
    • Sự gia tăng nhu cầu sử dụng nước của con người không chỉ giảm thiểu mực nước mà còn dẫn tới những thay đổi trong hệ sinh thái nước ngọt. Ví dụ, những đập nước được xây dựng để tạo bể chứa sẽ ngăn cản cá hồi di cư tới vùng đẻ trứng của chúng.

Cùng chung tay[sửa]

  1. Hỗ trợ các công viên quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên và vùng hoang dã đang bảo vệ sinh cảnh của những loài động vật nguy cấp. Tới thăm những nơi này, tiêu tiền tại đây hoặc làm tình nguyện tại một trong những nơi đó.
    • Dạy trẻ nhỏ cách bảo vệ các loài nguy cấp. Rất nhiều công viên có các chương trình và chuyến thăm quan đặc biệt dành cho trẻ em.
    • Khi bạn đi du lịch, hãy cân nhắc hình thức du lịch sinh thái tại những nơi đang gặp khó khăn trong công tác bảo vệ nhiều loài nguy cấp. Ví dụ, nhiều người bản xứ rất muốn bảo vệ các loài nguy cấp tại Madagascar, một hòn đảo ở phía đông châu Phi với hệ sinh thái đặc trưng và dễ bị tác động; vì vậy, hãy tạo động lực tài chính để họ thực hiện được điều đó.[1]
  2. Giữ nguyên hiện trạng của tự nhiên sau khi bạn tiếp xúc với nó. Khi tới thăm công viên quốc gia hay đơn thuần đi dạo trong rừng, hãy tuân thủ luật lệ và thực hiện những điều đơn giản để gìn giữ sự nguyên sơ của không gian đó: nhặt rác; tuân theo những quy định về phòng chống cháy nổ; để yên từng bông hoa, từng quả trứng, thậm chí là cả những viên đá và khúc gỗ ở nơi mà bạn tìm thấy chúng. Chỉ chụp ảnh và để lại dấu chân của bạn.
  3. Tham gia một nhóm bảo vệ các loài động thực vật hoang dã. Có rất nhiều tổ chức trong nước và quốc tế đang nỗ lực bảo vệ các loài nguy cấp, và bạn cũng có thể tìm tới những tổ chức hoạt động tại nơi mình sinh sống. Họ có thể đang làm những điều rất đơn giản như loại bỏ cây cần sa và trồng các loài cây bản địa ở khu bảo tồn địa phương. Hãy tham gia cùng họ, hoặc bắt đầu một nhóm riêng của bạn.
  4. Khuyến khích nông dân và những người có quyền sử dụng diện tích đất lớn gây dựng sinh cảnh sống cho các loài hoang dã và giữ nguyên những rừng cây cổ thụ. Nếu bạn quen người nào như vậy, hãy cho họ biết lợi ích đạt được khi họ thực hiện những điều trên. Bằng không, hãy tham gia tổ chức hỗ trợ nông dân và những người khác để giúp họ đưa ra quyết định.
  5. Cùng lên tiếng với những người khác để được lắng nghe. Người ta thường nói "con có khóc mẹ mới cho bú" cũng có lý do cả. Nếu bạn tin rằng các loài nguy cấp cần được bảo vệ vì lợi ích của chúng và của chúng ta, hãy để mọi người cùng biết điều đó. Tăng cường nhận thức là bước đầu tiên để đem lại thay đổi tích cực.
    • Liên lạc với đại biểu đã được bầu cử tại địa phương bạn. Hãy yêu cầu họ không chỉ ủng hộ những văn bản pháp luật bảo vệ các loài nguy cấp bản địa hay những nỗ lực bảo vệ tại nước ngoài, mà cũng ủng hộ những giải pháp giảm thiểu ô nhiễm và đối mặt với biến đổi khí hậu.
    • Lên tiếng trong cộng đồng của bạn. Hỗ trợ làm tờ rơi. Trò chuyện tại các trường học, thư viện, hoặc trung tâm cộng đồng. Với phong thái thân thiện nhưng cương quyết, hãy giúp mọi người nhìn vào bức tranh toàn cảnh, nhận ra tác động của những điều nhỏ bé mà chúng ta vẫn làm (hoặc không làm) tới toàn bộ hệ sinh thái, bao gồm sự nguy cấp của các loài sinh vật. Hãy nói với họ rằng hiệu ứng lan truyền từ sự mất mát của các loài sinh vật không chỉ tác động tới những loài động vật họ có thể nhìn thấy trong vườn thú mà còn trực tiếp ảnh hưởng tới chính họ.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]