Cai rượu bia bằng thuốc

Từ VLOS
(đổi hướng từ Cai Rượu bia Bằng Thuốc)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Dù không phép màu hay công thức đặc biệt nào cho phép bạn kiểm soát việc sử dụng bia rượu, một số thuốc theo toa có thể giúp điều đó trở nên khả thi. Chỉ riêng tại Mỹ, hơn 18 triệu người có vấn đề liên quan đến bia rượu, và khoảng 88.000 trường hợp tử vong mỗi năm vì dùng quá nhiều loại thức uống này.[1] Thuốc có trên thị trường đã được nghiên cứu một cách khoa học và chứng minh có khả năng hỗ trợ người sử dụng vượt qua những thời điểm khó khăn nhất trong quá trình cai rượu bia.

Các bước[sửa]

Bắt đầu[sửa]

  1. Lựa chọn việc tiến hành điều trị. Điều quan trọng và có tính quyết định nhất đến hiệu quả của toàn bộ quá trình điều trị, bao gồm sử dụng thuốc cai rượu bia, chính là quyết định tiến hành điều trị của chính bạn. Sức ép từ bạn bè và gia đình có thể đem lại ảnh hưởng nhất định, nhưng sau cùng, quyết định là ở bạn.[2]
  2. Biết điều gì đang chờ đợi bạn. Cai rượu bia cần được tiếp cận từ nhiều khía cạnh. Bạn có thể sẽ phải làm việc với bác sĩ, bác sĩ tâm lý, bác sĩ chuyên khoa, y tá, hệ thống hỗ trợ như liệu pháp gia đình và nhóm tương hỗ. Hãy lựa chọn phương thức điều trị phù hợp với bạn. Cai rượu bia có khả năng thành công rất cao, đặc biệt là khi chương trình điều trị của bạn có sự kết hợp đa dạng.[2]
    • Lạm dụng cồn và/hoặc chất gây nghiện đôi khi đi kèm với những vấn đề sức khỏe tâm lý khác như trầm cảm và vì vậy, khi bạn hoặc người thân cho rằng có thể bạn đang gặp vấn đề về bia rượu, gặp bác sỹ tâm lý để được kiểm tra toàn diện là rất quan trọng. Bên cạnh cai rượu bia, có thể bạn cũng cần được điều trị những rối loạn khác.
  3. Sẵn sàng với các kiểm tra, xét nghiệm và đánh giá sàng lọc. Ở thời điểm khởi đầu, bạn sẽ được hỏi về thói quen rượu bia. Hãy trung thực khi trả lời. Hầu hết bác sĩ và người điều trị đều dùng công cụ sàng lọc thông thường, như bảng câu hỏi CAGE, để đánh giá thói quen uống rượu bia và xác định quy trình điều trị tốt nhất dành cho bạn.[3]
    • Công cụ đánh giá sàng lọc CAGE gồm bốn câu hỏi cơ bản, tương ứng với những chữ cái C-A-G-E. Chúng bao gồm: C- Bạn đã bao giờ cảm thấy cần giảm (cutting) lượng rượu bia uống vào hay chưa? A- Mọi người xung quanh có làm phiền bạn (annoyed) bằng cách chỉ trích bạn về thói quen uống rượu?G- Có bao giờ bạn cảm thấy tội lỗi (guilty) vì uống rượu bia không? E- Bạn có từng cảm thấy cần một ly khi vừa tỉnh giấc vào buổi sáng (công cụ thức tỉnh - eye opener) để ổn định thần kinh hay hoàn toàn tỉnh táo?[4]
    • Kiểm tra thể chất và xét nghiệm là những bước quan trọng để có được sự điều trị tốt nhất. Chẳng hạn như, bạn không nên dùng thuốc cai nghiện naltrexone nếu xét nghiệm cho thấy bạn có vấn đề về chức năng thận.[3]
  4. Tìm đến bác sĩ để được giúp đỡ. Bác sĩ chăm sóc sức khỏe chính của bạn là xuất phát điểm không tồi. Bác sĩ có thể thiết lập chương trình điều trị hiệu quả dành cho bạn hoặc chuyển bạn đến một bác sĩ tâm lý, một phòng khám sức khỏe tâm thần hoặc trung tâm cai nghiện.[2]
    • Điều trị tại một phòng khám hoặc nhóm ngoại trú sẽ cho phép bạn dễ dàng liên hệ với nhiều chuyên gia đa ngành được đào tạo về điều trị cai nghiện. Nhờ đó, mọi thứ trở nên dễ dàng hơn bởi giờ đây, mọi nhu cầu điều trị của bạn đều có thể được đáp ứng ở cùng một địa chỉ.[2]
  5. Cam kết với mục tiêu. Đặt ra mục tiêu điều trị dưới sự hướng dẫn của bác sĩ chính hay bác sĩ chuyên khoa, khởi đầu với sự hỗ trợ của thuốc, làm việc cùng bác sĩ chuyên khoa để điều chỉnh thái độ và tham gia các chương trình hỗ trợ.[2]
    • Cam kết bản thân với việc kiên trì hoàn thành chương trình cai nghiện. Kiêng rượu bia là vô cùng khó khăn với nhiều người, đặc biệt là ở thời điểm ban đầu. Hãy phối hợp với đội ngũ chuyên gia sức khỏe của bạn để đặt ra những mục tiêu thực tế.[2]
  6. Đồng ý điều trị nội trú. Người uống rượu bia với liều lượng lớn có thể sẽ cần đến điều trị nội trú ban đầu để được theo dõi sát sao những triệu chứng của hội chứng cai nghiện như mê sảng do cai rượu, cuồng sảng rượu cấp hay DT. Chúng có thể trở nên nghiêm trọng và đe dọa tính mạng.[3] Hãy tư vấn bác sĩ trước khi bắt đầu thực hiện bất kỳ chương trình điều trị nào.
  7. Hiểu thế nào là điều trị nội trú. Nếu bác sĩ quyết định rằng trường hợp của bạn cần đến điều trị nội trú để có được sự kiểm soát tốt nhất, bạn sẽ được kiểm tra đánh giá và các biện pháp điều trị sẽ được đưa vào thực thi để giúp bạn trải qua giai đoạn cai nghiện khó khăn. Chương trình điều trị được thiết kế để đem lại sự thoải mái hết mức có thể cho bạn và tránh những tác hại nghiêm trọng đôi khi có thể xuất hiện trong trường hợp dùng rượu bia quá nhiều.[3]
    • Chương trình điều trị này thường bao gồm một thời gian dùng thuốc ngắn hạn, giúp bạn cảm thấy thoải mái khi cai rượu bia. Benzodiazepine thường được sử dụng nhưng cách điều trị có thể khác nhau giữa các cơ sở y tế.[3]
    • Thời gian nội trú thường chỉ khoảng một vài ngày. Trong thời gian đó, kiểm tra thể chất và xét nghiệm sẽ được thực hiện để thu thập thông tin có tính quyết định đến mức điều trị dành cho bạn. Thêm vào đó, đánh giá thể chất và kết quả xét nghiệm có thể hữu ích với bác sĩ ngoại trú sau khi chuyển giao. Thông thường, bạn sẽ tiếp xúc với chuyên gia hay những bộ phận khác trong thời gian điều trị, những người có thể hỗ trợ bạn - chẳng hạn như y tá và bác sĩ chuyên khoa.[5]
    • Bộ phận nội trú có thể hỗ trợ sắp xếp cuộc hẹn đầu tiên, giúp bạn liên hệ với các nhóm hỗ trợ và bắt đầu với những mục tiêu điều trị của bạn.[3]
  8. Sử dụng thuốc kê toa theo hướng dẫn. Bên cạnh thuốc được cung cấp trong thời gian nội trú, có thể bạn sẽ được cho đơn thuốc để tiếp tục uống khi xuất viện. Đơn thuốc này giúp ngăn ngừa sự kéo dài của những vấn đề về thể chất do cai nghiện cũng như cảm giác lo lắng và căng thẳng. Đơn thuốc cai nghiện phù hợp với nhu cầu của bạn cũng có thể được kê.
  9. Hoàn thành mục tiêu điều trị của bạn. Đội ngũ điều trị cho bạn, ít nhất gồm bác sĩ chính và bác sĩ chuyên khoa, sẽ hướng dẫn bạn trong suốt quá trình điều trị. Họ có thể sẽ yêu cầu bạn tham gia một vài hoạt động không thật sự quen thuộc, chẳng hạn như các nhóm tương hỗ. Hãy hoàn thành trọn vẹn chương trình điều trị. Trao đổi với bác sĩ chính hay bác sĩ chuyên khoa nếu điều gì đó không phù hợp. Có rất nhiều cách khác nhau để đạt được mục tiêu của bạn. [2]
  10. Kiểm soát môi trường xung quanh. Loại bỏ toàn bộ rượu bia trong nhà. Nhờ đến sự hỗ trợ của bạn bè và gia đình, đặc biệt là những người chung sống. Trong giai đoạn đầu của quá trình điều trị, tránh sự kiện xã hội có thể châm ngòi ham muốn rượu bia của bạn.[2]
  11. Điều chỉnh lối sống. Tránh xa bạn nhậu, trừ khi họ muốn tham gia cùng bạn. Đăng ký các lớp buổi tối, tham gia nhóm tình nguyện, hình thành thói quen mới, luyện tập thể thao hoặc những hoạt động ngoài trời không liên quan đến rượu bia khác.[2]

Hiểu Tùy chọn Thuốc của Bạn[sửa]

  1. Cân nhắc sử dụng thuốc cai rượu disulfiram. Disulfiram được biết đến phổ biến dưới thương hiệu ban đầu Antabuse®. Nhiều người nhầm lẫn cách hoạt động của disulfiram và những loại thuốc mới hơn. Cơ chế hoạt động của chúng khác nhau trong từng trường hợp.[6]
    • Disulfiram đã và đang hỗ trợ cai bia rượu hiệu quả trong hơn 60 năm qua. Thuốc này hoạt động bằng cách ức chế một trong những enzym liên quan đến quá trình phân hủy và loại bỏ chuyển hóa của cồn ra khỏi cơ thể. Khi dùng thuốc, những chất chuyển hóa này sẽ được tích lũy trong cơ thể khi uống rượu bia, gây cảm giác rất khó chịu - tương tự trường hợp uống quá nhiều. Triệu chứng có thể xuất hiện bao gồm buồn nôn và nôn mửa, mặt đỏ bừng, đổ mồ hôi và tim đập mạnh.[6]
    • Dùng disulfiram thường cần đến sự giúp đỡ của thành viên trong gia đình hoặc bạn thân để liều lượng sử dụng được giám sát bởi thuốc sẽ hoàn toàn biến mất khỏi cơ thể và do đó không còn hiệu lực trong vòng từ hai đến ba ngày kể từ liều dùng cuối cùng. Tuân thủ chương trình điều trị là rất quan trọng để đảm bảo thuốc luôn được duy trì trong cơ thể ở mọi thời điểm. Việc có người giám sát sẽ ngăn ngừa trường hợp tự bỏ thuốc và uống bia rượu trở lại. Sử dụng disulfiram đòi hỏi một sự cam kết cao.[6]
    • Ý thức về vấn đề an toàn khi sử dụng disulfiram. Dùng thức uống có cồn trong lúc điều trị bằng thuốc có thể dẫn đến những phản ứng nguy hiểm. Thuốc bôi có chứa cồn cũng có thể châm ngòi phản ứng không mong muốn. Sản phẩm cần tránh cũng bao gồm những loại thuốc khác có chứa cồn như si-rô ho hay thuốc bổ. Không nên dùng disulfiram khi đang sử dụng metronidazole hoặc paraldehyde.[7]
    • Không dùng disulfiram cho người mắc bệnh tim, rối loạn tâm thần, mẫn cảm với thành phần của thuốc và những người tiếp xúc với hóa chất có gốc cồn trong công việc.[7]
  2. Xem xét dùng naltrexone. Naltrexone có ở dạng uống, được dùng một lần mỗi ngày, và dạng tiêm phóng thích kéo dài, được dùng mỗi tháng một lần. Không có phản ứng thể chất hoặc tình trạng bệnh lý nào xuất hiện khi uống rượu bia trong thời gian điều trị bằng naltrexone.[8]
    • Đạt kết quả tốt nhất với naltrexone là những người quyết tâm cai rượu. Không phải bất kỳ ai cũng sẵn sàng cho cam kết đó, đặc biệt là vào thời điểm ban đầu. Nhưng, điều này là hoàn toàn bình thường.[8]
    • Naltrexone hoạt động bằng cách phong bế những thụ thể ở não bộ đem lại trạng thái sảng khoái và hưng phấn khi uống rượu bia. Nhờ việc đánh vào trung tâm tưởng thưởng của não, naltrexone đồng thời cũng làm giảm ham muốn bia rượu.[8]
    • Nghiên cứu về dạng thuốc uống của naltrexone cho thấy nguy cơ tái phát trong 3 tháng điều trị đầu tiên giảm 36%. Đồng thời, khoảng 25% bệnh nhân sử dụng dạng tiêm có số lần uống rượu trong ngày thấp hơn.[8]
    • Sử dụng naltrexone một cách an toàn. Naltrexone cần được gan chuyển hóa và đồng thời, phụ thuộc vào chức năng của gan để nồng độ thuốc trong máu được giữ ở mức an toàn. Nếu có vấn đề hoặc dấu hiệu vấn đề về gan (chẳng hạn như sưng chân, bụng phình to hay buồn nôn dữ dội) trong lúc dùng naltrexone, hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức.[9]
    • Tránh dùng thuốc phiện khi sử dụng naltrexone bởi naltrexone hoạt động bằng cách phong bế những thụ thể mà thuốc phiện hướng tới. Biến chứng nghiêm trọng có thể xuất hiện nếu dùng naltrexone trong lúc thuốc phiện hoặc dẫn xuất từ thuốc phiện vẫn còn trong cơ thể. Phản ứng có thể sẽ vô cùng trầm trọng.[9]
    • Hãy lường trước việc bác sĩ yêu cầu thực hiện xét nghiệm để việc điều trị được tiến hành an toàn. Sử dụng naltrexone trong lúc cơ thể còn chứa thuốc phiện có thể dẫn đến hội chứng cai nghiện một cách bất ngờ và đôi khi dữ dội. Nếu điều này xảy ra, chăm sóc y tế cần được đảm bảo. Hãy tránh hoàn toàn thuốc phiện khi điều trị với naltrexone.[9]
  3. Hỏi ý kiến bác sĩ về việc dùng acamprosate. Acamprosate, hiện đang được tung ra thị trường dưới thương hiệu Campral®, hoạt động theo một cách khác. Thuốc này cũng không gây phản ứng thể chất khi uống rượu bia trong thời gian sử dụng.[8]
    • Acamprosate được dùng ở dạng uống, 3 lần một ngày. Thuốc tác động vào não bộ bằng cách đối phó với những thụ thể gây triệu chứng khó chịu khi dừng uống rượu bia.[8]
    • Một số triệu chứng có thể được tối thiểu hóa nhờ acamprosate bao gồm mất ngủ, bồn chồn và lo lắng, bất an và cảm giác chán nản với cuộc đời.[8]
    • Nghiên cứu cho thấy acamprosate có thể đặc biệt hữu ích với những người uống rượu bia trong thời gian dài. Thêm vào đó, đạt kết quả tốt nhất với loại thuốc này là những người muốn đạt mục tiêu cai rượu bia. Đến 36% người dùng acamprosate có thể duy trì kiêng rượu bia trong ít nhất 6 tháng.[8]
    • Hiểu hơn về việc sử dụng acamprosate an toàn. Tránh dùng thuốc nếu bạn có vấn đề nghiêm trọng về thận. Khi được dùng thường xuyên, acamprosate cần đến chức năng thận để được loại bỏ khỏi cơ thể. Đừng nên dùng thuốc khi mắc bệnh nghiêm trọng về thận.[10]
    • Đừng dùng thuốc khi phản ứng với một số thành phần nhất định. Người dị ứng với natri sunfit hoặc sản phẩm có chứa gốc sunfit không nên dùng acamprosate. Nhạy cảm với gốc sunfit phổ biến hơn ở người mắc bệnh suyễn. Chất này có ở rất nhiều thực phẩm.[10]
    • Một số ví dụ bao gồm sản phẩm thức ăn chế biến sẵn như trái cây khô, rau quả đóng hộp, một số loại động vật có vỏ và thực phẩm được chế biến từ khoai tây như khoai tây nghiền ăn liền. Hãy thông báo với bác sĩ nếu bạn dị ứng với bất kỳ thực phẩm nào có khả năng chứa gốc sunfit.[10]
    • Cẩn thận với trạng thái trầm cảm hoặc ý nghĩ tự tử. Trao đổi với bác sĩ ngay lập tức nếu chúng xuất hiện khi bắt đầu sử dụng acamprosate. Những cảm xúc này đã được ghi nhận khi dùng acamprosate và khi xuất hiện, chăm sóc y tế cần được đảm bảo.[10]
  4. Tìm hiểu cách thức hoạt động của topiramate. Dù cho thấy kết quả hứa hẹn trong thử nghiệm lâm sàng, topiramate vẫn chưa được FDA cho phép sử dụng trong điều trị cai nghiện bia rượu. Điều đó có nghĩa là bác sĩ có thể sẽ dùng topiramate bằng cách kê đơn ngoài hướng dẫn.[8]
    • Topiramate được dùng ở dạng uống với liều lượng tăng dần để đạt được kết quả mong muốn. Thuốc này hoạt động bằng cách điều chỉnh những hóa chất liên quan đến trung tâm tưởng thưởng ở não. Nhờ đó, giảm lượng bia rượu nạp vào và cảm giác thèm muốn đi kèm.[11]
    • Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng bao gồm những người vẫn uống bia rượu vào thời điểm bắt đầu dùng thuốc. Những người tham gia tiếp tục thể hiện sự tiến bộ sau khi kết thúc 14 tuần nghiên cứu.[8]
    • Nhìn chung, topiramate kéo dài thời gian kiêng rượu bia ở một số người và giảm số ngày uống nhiều ở một số khác. Dù vẫn chưa có kết quả so sánh, nghiên cứu cho thấy topiramate có thể hiệu quả hơn cả naltrexone lẫn acamprosate.[11]
    • Dùng topiramate an toàn. Một trong những biến chứng nghiêm trọng của sử dụng topiramate liên quan đến thị giác. Nếu không chú ý, thay đổi thị giác có thể dẫn đến khả năng tổn thương vĩnh viễn. Bất kì thay đổi thị giác nào cũng cần được báo cáo ngay lập tức với bác sĩ.[12]
    • Nhận biết những thay đổi về nhận thức có thể xảy ra. Một số người gặp vấn đề lú lẫn hoặc tỉnh táo tinh thần khi dùng thuốc. Trong nhiều trường hợp, những triệu chứng này có thể giải quyết bằng cách thay đổi liều lượng sử dụng.[12]
    • Cẩn thận với trạng thái trầm cảm hoặc ý nghĩ tự tử. Những cảm xúc này có thể hình thành khi dùng topiramate. Liên hệ bác sĩ ngay lập tức khi chúng xuất hiện.[12]
    • Lưu ý không ngừng sử dụng topiramate. Nồng độ topiramate trong máu cần được giảm từ từ để tránh những tác dụng phụ nghiêm trọng như co giật. Hãy trao đổi với bác sĩ trước khi ngừng dùng thuốc. Bác sĩ sẽ giúp bạn giảm dần liều lượng để tránh những tác dụng không mong muốn.[12]

Xác định Sự phù hợp của Thuốc[sửa]

  1. Cân nhắc ưu điểm và nhược điểm của mỗi loại thuốc. Thông tin về thuốc có thể rất rộng. Nắm tắt cả những tác dụng phụ, cảnh báo, chống chỉ định, tương tác và biến chứng có thể phát sinh. Tài liệu được công bố về thuốc có thể khiến bạn choáng ngợp. Hãy tập trung vào những điểm chính của mỗi loại thuốc và lập danh sách câu hỏi dành cho bác sĩ.
  2. Xem thuốc như là công cụ giúp bạn đạt được mục tiêu. Trao đổi với bác sĩ về việc sử dụng thuốc trong chương trình điều trị. Hãy chắc rằng bạn hiểu rõ cách sử dụng an toàn loại thuốc được bác sĩ đề nghị. Khi cân nhắc những phương án điều trị khả thi, đừng xem nhẹ rủi ro an toàn liên quan.
  3. Trao đổi với bác sĩ về những loại thuốc bạn đang dùng. Tương tác thuốc có thể trở nên nghiêm trọng bởi loại thuốc đang sử dụng có thể gây nguy hiểm khi thuốc mới được bổ sung để giúp bạn cai rượu bia.
    • Hãy chắc rằng mọi tình trạng y tế bạn có thể có và mọi thuốc đang dùng, kể cả thuốc không kê toa, được thông báo với bác sĩ.
  4. Làm phần việc của bạn. Dùng thuốc hỗ trợ kiểm soát chứng nghiện rượu bia có thể giữ vai trò quan trọng trong thành công của bạn. Hãy mở rộng kiến thức về cách hoạt động của chúng, cách dùng an toàn và cách ngưng sử dụng thuốc khi không phù hợp.
    • Ấn phẩm và tài liệu trực tuyến có thể tiếp cận rất dễ dàng. Đồng thời, bác sĩ có thể cung cấp cho bạn những thông tin bổ sung khi cân nhắc sử dụng thuốc. Thông tin chi tiết miêu tả tác dụng phụ và tương tác thuốc vượt ngoài nội dung truyền tải ở bài viết này. Hiểu biết tốt về những loại thuốc có trên thị trường có thể giúp bạn lên danh sách câu hỏi cho bác sĩ. Chọn lựa thuốc phù hợp nhất với nhu cầu có thể giúp bạn đánh bại chứng nghiện bia rượu.

Lời khuyên[sửa]

  • Tự thưởng cho thành quả của bản thân. Hãy thưởng cho chính mình khi đạt mốc nhất định (1 ngày, 1 tuần, 30 ngày, 3 tháng, 1 năm…)
  • Trao đổi với bác sĩ chính hoặc bác sĩ chuyên khoa nếu gia đình hoặc bạn thân cản trở tiến độ của bạn. Khi trở nên mạnh mẽ và có sức khỏe tốt hơn, điều này có thể đe dọa một số mối quan hệ hiện có của bạn.
  • Ham muốn rượu bia có thể xuất hiện bất ngờ, đôi khi sau hàng tháng hay thậm chí hàng năm trời. Hãy chuẩn bị tinh thần cho điều đó.
  • Ăn uống lành mạnh. Một chế độ ăn cân bằng dinh dưỡng, bao gồm cả vi sinh vật, có thể bù đắp bất kỳ sự mất cân bằng vitamin nào đến từ việc dùng rượu bia.
  • Yếu tố tâm linh thường giữ vai trò quan trọng trong thành công của cai nghiện. Dù lựa chọn một tín ngưỡng truyền thống hay theo đuổi một tôn giáo mới, sự phản ánh, tự ngã và hỗ trợ đều có thể đem lại sức mạnh to lớn.
  • Xây dựng một hệ thống hỗ trợ vững chắc. Đó có thể là sự hậu thuẫn của một chương trình cai rượu bia, một người bạn thân, bạn đời hoặc giáo sĩ. Hãy nhờ ai đó hỗ trợ bạn: người bạn luôn có thể dựa vào ở những thời điểm khó khăn và thử thách trong quá trình điều trị.
  • Phương pháp điều trị thay thế đang ngày một phổ biến hơn trong cai rượu bia. Hãy xem xét những lựa chọn như châm cứu, kỹ thuật giải phóng cảm xúc (EFT), thôi miên, thiền chánh niệm và xoa bóp điều trị.
  • Đừng bỏ cuộc khi tái phạm. Con đường thành công thường bao gồm cả những lần vấp ngã.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây