Cai sữa cho trẻ đến tuổi chập chững

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Bình thường khi em bé đến tuổi chập chững thì mẹ của bé đã nghĩ đến việc cai sữa cho con nhiều lần, thậm chí có thể đã hơn một lần cai sữa không thành. Cai sữa cho em bé thường không dễ, cai sữa cho trẻ ở tuổi chập chững lại càng khó hơn. Tuy nhiên với một chút nỗ lực và kiên nhẫn, bạn có thể thành công khi làm theo các bước đơn giản sau đây.

Các bước[sửa]

Tìm hiểu về quá trình cai sữa[sửa]

  1. Bắt đầu bằng việc tìm hiểu điều gì sẽ xảy ra khi cai sữa cho trẻ. Bạn sẽ có khả năng ứng phó tốt hơn với những chướng ngại trên đường nếu đoán trước được những điều có thể xảy ra trong quá trình cai sữa.
  2. Tìm hiểu về thay đổi của cơ thể người mẹ trong quá trình cai sữa. Những thay đổi tự nhiên sẽ xảy ra, và khi biết rõ điều đó, bạn sẽ chấp nhận nó như là một phản ứng bình thường khi ngưng cho con bú.
  3. Hiểu rằng những thay đổi về cảm xúc rất có khả năng xảy ra. Sự thay đổi hormone không chỉ biểu hiện ở thể chất mà còn tác động đến cảm xúc và tâm trạng. Bạn hãy chuẩn bị cho chuyến tàu lượn siêu tốc của cảm xúc khi cơ thể đang thích nghi với sự thay đổi.
  4. Biết rằng em bé của bạn cũng sẽ bị tác động vì việc cai sữa. Có thể bạn sẽ rất khó khăn khi “đối phó” với đứa con đang tuổi chập chững trong thời gian cai sữa. Hiểu rằng con bạn đang trải qua giai đoạn chuyển tiếp cưỡng ép mà trẻ không hiểu.
  5. Để em bé “đạo diễn”. Để tránh phản ứng giận dữ hoặc cáu kỉnh của trẻ, tốt nhất là bạn để trẻ tự quyết định ngừng bú. Có thể bạn cần giúp trẻ phá vỡ thói quen, nhưng bạn cần nhận biết khi nào trẻ sẵn sàng ngừng bú. Đó là khi bạn thấy bầu vú vẫn còn căng sữa sau khi trẻ "xong bữa”.

Cai sữa theo từng bước[sửa]

  1. Bắt đầu cai sữa dần dần và theo từng bước. Quá trình cai sữa chậm và dần dần sẽ tốt hơn cho cả mẹ và con. Việc đột ngột ngưng cho con bú có thể gây sang chấn cho cơ thể của cả hai mẹ con, thậm chí còn khiến người mẹ dễ bị tắc tuyến sữa, sưng, hoặc viêm vú (mastitis) gây đau đớn.
  2. Giảm dần số lần cho con bú. Nếu con bạn mỗi ngày đều quen bú mẹ sau bữa trưa, bạn hãy bỏ mọi cữ bú sau bữa trưa trong một tuần. Sang tuần sau, bỏ luôn cữ bú buổi chập tối hoặc bất cứ cữ bú đều đặn nào. Bây giờ hai cữ bú theo giờ đã được loại trừ. Tiếp tục giảm mọi cữ bú khác cho đến khi bạn thành công khi ngừng cho con bú hoàn toàn.

Tránh các tác nhân kích thích[sửa]

  1. Không cho trẻ nhìn thấy vú mẹ. Không thay áo trước mặt em bé. Tránh tắm chung với em bé. Nếu nhìn thấy vú mẹ, trẻ sẽ nhớ lại thói quen cũ và đòi bú lại.
  2. Đổi tư thế bế con. Cố gắng không bế trẻ ở tư thế giống như trước đây thường cho trẻ bú. Bế trẻ ở tư thế khác để đánh lạc hướng cơn thèm của trẻ.
  3. Tránh mọi tác nhân kích thích từ môi trường xung quanh. Tránh ngồi chiếc ghế trước đây bạn vẫn thường hay ngồi cho con bú. Tránh cho con vào căn phòng trước kia bạn vẫn hay vào cho con bú mỗi ngày. Cố gắng thay đổi mọi thói quen có thể “gợi thèm” trẻ.

Dùng các chiến thuật đánh lạc hướng[sửa]

  1. Làm cho trẻ xao lãng. Trẻ con rất dễ bị đánh lạc hướng. Cho trẻ ra ngoài đi dạo. Hát bài hát mà trẻ yêu thích hoặc thử dùng thức ăn để khiến trẻ xao lãng. Bạn hãy sáng tạo và làm bất cứ việc gì để chuyển hướng tập trung của trẻ.
  2. Bày trò chơi cho trẻ “bận rộn”. Một đứa trẻ “bận rộn” sẽ ít có khả năng ngừng việc đang làm để đòi bú. Khi trẻ con lớn lên, tự nhiên trẻ sẽ không muốn ngủ trưa mà muốn tiếp tục khám phá thế giới đầy những điều kỳ diệu xung quanh cho đến khi ngủ thiếp đi hoặc đến lúc mệt và rơi vào giấc ngủ.
  3. Tìm cách khác để dỗ em bé ngủ. Một vòng dạo chơi trên xe hơi hoặc xe đẩy có thể dỗ trẻ ngủ thay vì ngậm ti mẹ. Thậm chí nằm đung đưa trên võng với bố cũng giúp trẻ buồn ngủ.

Dùng các biện pháp thay thế[sửa]

  1. Thay thế các cữ bú bằng cốc tập uống với những món trẻ thích. Nhớ rằng những thức ăn lành mạnh cũng có thể ngon miệng, do đó bạn nên tránh các món thay thế không tốt cho sức khỏe. Đừng quên rằng trẻ nhận chất dinh dưỡng và miễn dịch từ sữa mẹ; do đó bạn cần bổ sung chất dinh dưỡng cho trẻ khi cai sữa để trẻ được khỏe mạnh.
  2. Thay thế vú mẹ bằng bình sữa. Những trẻ bú sữa mẹ thường không chịu bú bình. Bạn nên cho trẻ làm quen với bình sữa vào những giờ trẻ không buồn ngủ. Con bạn có thể quen với việc vừa bú vừa ngủ thiếp đi trong vòng tay mẹ nên sẽ không muốn thay thế mẹ và bầu vú mẹ bằng bình sữa. Bạn hãy cho trẻ bình sữa khi trẻ không “rảnh rỗi”, ví dụ như khi sắp ngồi xe đẩy đi chơi. Điều này sẽ giúp trẻ chấp nhận bình sữa mà không cần suy nghĩ nhiều hoặc phải chờ mẹ nựng nịu.
  3. Dùng thức ăn đặc thay thế sữa mẹ. Trẻ đã ăn no thường không đòi bú mẹ. Đảm bảo chọn thức ăn lành mạnh và không “mua chuộc” trẻ bằng những món khoái khẩu không tốt cho sức khỏe.
  4. Cho trẻ ăn những món ăn vặt lành mạnh. Trẻ thường thích thú với những món ăn vặt và có thể dễ dàng quên cơn thèm bú mẹ khi nhìn thấy món ăn ưa thích.

Lưu ý những biến chứng[sửa]

  1. Sẵn sàng đối phó với cảm giác khó chịu trong cơ thể. Biết rằng bầu vú sẽ sưng và đau vì sữa không có “đầu ra” thường xuyên như trước. Bạn có thể giảm tức sữa bằng cách vắt bớt một ít sữa. Không vắt quá nhiều, vì như vậy cơ thể sẽ nhầm tưởng rằng cần phải tiết thêm nhiều sữa. Cần có thời gian để cơ thể giảm sản xuất sữa vốn dành cho em bé.
  2. Ngăn ngừa tắc tuyến sữa. Nhẹ nhàng mát-xa bầu vú để giúp tuyến sữa không bị tắc và hình thành các khối sưng trong vú. Mát-xa khi đang tắm dưới vòi sen thường dễ dàng và ít đau hơn dù vú bị sưng.
  3. Chườm gạc lạnh nếu vú bị đau nhức. Có một cách khác là thử đắp vài lá bắp cải lên vú. Lá bắp cải giúp giảm đau và có ích trong quá trình cai sữa.
  4. Mặc áo ngực vừa vặn. Bạn nên mặc áo ngực nâng đỡ bầu vú nhưng không có gọng kim loại bên trong. Áo ngực không đúng cỡ có thể gây đau và khó chịu không đáng có cho bầu vú.
  5. Gạt cảm giác tội lỗi khi ngừng cho con bú. Khi em bé nài nỉ đòi bú, có thể bạn sẽ thấy tội nghiệp, có cảm giác như mình ích kỷ và cảm thấy nản lòng. Tuy nhiên bạn cứ yên tâm rằng con bạn sẽ thích nghi với chế độ ăn mới sớm thôi.
  6. Chuẩn bị đối phó với nỗi buồn thỉnh thoảng xuất hiện trong quá trình cai sữa. Sợi dây đặc biệt gắn kết tình mẹ con qua việc cho con bú đang đến hồi kết. Cảm giác buồn trong giai đoạn này là bình thường, nhưng rồi sẽ sớm qua.

Cảnh báo[sửa]

  • Nói chuyện với bác sĩ chuyên khoa nếu chứng trầm cảm trở nên nghiêm trọng trong thời gian cai sữa.
  • Tìm sự chăm sóc y tế nếu bị đau nhiều và sốt trong khi cai sữa.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]