Chữa núm vú nứt nẻ khi cho con bú

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Cho con bú sữa mẹ là cách tự nhiên nhất để cung cấp dinh dưỡng cho trẻ sơ sinh. Cảm giác đau khi bạn làm quen với trải nghiệm mới vào lúc bắt đầu cho con bú là điều bình thường. Tuy nhiên, nếu tình trạng này tiếp diễn có thể sẽ khiến núm vú nứt nẻ và chảy máu. Đa số các trường hợp nứt nẻ và chảy máu núm vú là do các vấn đề trong việc cho con bú. Vì vậy, việc học cách cho con bú sao cho đúng là điều cần thiết để phòng tránh tổn thương và chữa lành núm vú bị nứt nẻ.

Ảnh minh họa

Các bước[sửa]

Chữa lành núm vú bị đau[sửa]

  1. Xoa dịu núm vú nứt nẻ bằng sữa. Một trong những phương pháp dễ dàng nhất để xoa dịu núm vú bị nứt nẻ là thoa sữa của bạn lên vùng da bị đau. Sữa mẹ là chất lỏng vô trùng và tự nhiên nhất để thoa lên da mà không gây hại cho em bé.[1]
    • Thoa một ít sữa lên núm vú và để khô tự nhiên.
    • Ngoài tác dụng làm dịu da một cách tự nhiên, sữa mẹ còn được cho là có thành phần kháng khuẩn giúp chữa lành vết thương.[2]
    • Tuy nhiên bạn không nên ngâm da trong sữa quá lâu nếu đang bị nhiễm nấm candida. Nấm men có thể sinh sôi trong sữa và khiến tình trạng viêm nhiễm nặng hơn.[2]
  2. Rửa sạch núm vú sau khi cho con bú. Bạn nhớ rửa núm vú bằng nước và xà phòng nhẹ dịu sau khi cho con bú để làm sạch nước bọt của em bé và sữa đã khô.
    • Rửa núm vú sau mỗi lần cho con bú sẽ giảm rủi ro nhiễm trùng vốn có thể khiến da bị nứt nẻ và đau.[3]
    • Chỉ dùng loại xà phòng không mùi và nhẹ dịu để tránh bị kích ứng. Nhớ xả nước cho thật sạch, vì xà phòng sót lại trên da có thể gây kích ứng và làm tình trạng nhiễm trùng nặng thêm.[3]
    • Sau khi rửa, dùng khăn mềm nhẹ nhàng thấm núm vú và để khô tự nhiên. Điều này sẽ giúp giảm đau và ngăn ngừa núm vú bị kích ứng do áo hoặc áo ngực cọ vào.[1]
    • Bạn cũng có thể tránh núm vú cọ vào áo ngực bằng cách dùng miếng lót bảo vệ núm vú.[1]
  3. Dùng thuốc mỡ. Bạn có thể tìm các loại thuốc mỡ không kê toa để làm dịu núm vú bị nứt nẻ. Đọc kỹ nhãn thuốc để chắc chắn các thành phần của thuốc là hoàn toàn tự nhiên và không chứa các hóa chất không thích hợp cho em bé.
    • Chọn loại thuốc mỡ kháng sinh để làm dịu và chữa lành vùng da bị nhiễm trùng. Bác sĩ hoặc chuyên gia sữa mẹ cũng có thể kê cho bạn một loại thuốc mỡ mạnh.[3]
    • Dầu ô liu hoặc kem mỡ cừu (lanolin ointments) dùng trong y khoa cũng có thể hỗ trợ chữa lành núm vú bị nứt nẻ và ngăn ngừa đóng vảy. Các thành phần này hoàn toàn tự nhiên, do đó bạn không phải lo rửa giữa những lần cho con bú.[3]
    • Lớp giữ ẩm cũng có thể giúp đẩy nhanh quá trình chữa lành núm vú bị đau. Các nghiên cứu đã chứng mình rằng việc giữ độ ẩm tự nhiên và làm chậm quá trình bay hơi cũng hỗ trợ cho quá trình điều trị.[2]
  4. Chườm gạc lạnh hoặc miếng đắp hydrogel lên núm vú. Bạn có thể dùng gạc lạnh hoặc miếng đắp ẩm để chữa làn da bị nứt nẻ. Cả hai cách này đều giúp giảm ngứa, đau và viêm.
    • Bạn có thể dùng miếng đắp hydrogel giữa các lần cho con bú để giúp núm vú khỏi bị khô. Nhớ không chạm tay vào núm vú, vì vi khuẩn có thể truyền sang núm vú.[3]
    • Không dùng miếng đắp hydrogel nếu núm vú đang bị nhiễm vi khuẩn hoặc nấm, vì việc đắp kín núm vú trong môi trường ẩm có thể làm tình trạng nhiễm trùng nặng hơn.[2]
    • Bạn có thể làm gạc lạnh bằng nước đá hoặc mua túi nước đá ở cửa hàng thuốc. Gạc lạnh giúp làm dịu núm vú và có thể giảm viêm.[3]
  5. Dùng phụ kiện bảo vệ núm vú với sự hướng dẫn của chuyên gia về sữa mẹ. Một số bác sĩ có thể khuyên các bà mẹ dùng phụ kiện bảo vệ núm vú bằng silicone trong khi cho con bú. Lưu ý rằng phụ kiện này có thể gây hại nhiều hơn lợi nếu được sử dụng không đúng cách, kể cả việc khiến em bé khó bú.[1] Nhờ bác sĩ hoặc chuyên gia sữa mẹ hướng dẫn cách sử dụng đúng.
    • Việc cho em bé bú không đúng cách do dùng phụ kiện bảo vệ núm vú sẽ khiến núm vú của bạn bị bóp chặt và gây tổn thương nhiều hơn.[1]
  6. Thử rửa bằng nước muối. Bạn có thể pha dung dịch muối có độ mặn như nước mắt để rửa và sát trùng núm vú bị nứt nẻ.
    • Hòa nửa thìa cà phê muối ăn vào một cốc (240 ml) nước vô trùng. Ngâm núm vú trong dung dịch muối không quá 5 phút.[4]
    • Rửa núm vú để làm mất vị mặn trước khi cho em bé bú.[4]
  7. Nhận biết các nguyên nhân khác gây tổn thương núm vú. Miệng của trẻ sơ sinh rất nhỏ, do đó gần như bạn không thể tránh được tình trạng đau núm vú trong vòng vài tuần đầu tiên sau khi sinh. Tư thế bú và cách ngậm đầu vú của trẻ thường là các nguyên nhân chính gây đau và nứt núm vú khi bạn cho con bú. Tuy nhiên cũng có những nguyên nhân khác làm tổn thương núm vú mà bạn cần lưu ý.
    • Em bé có thể bị nhiễm nấm trong miệng hoặc trong họng, còn gọi là tưa miệng, và truyền sang bạn khi bú mẹ. Các triệu chứng nhiễm nấm bao gồm đau, đôi khi nứt nẻ núm vú, đỏ và ngứa bầu vú. Nếu nghi ngờ bị nhiễm nấm, bạn cần tìm cách điều trị cho mình và em bé.[5]
    • Viêm vú, tình trạng nhiễm khuẩn ở các ống dẫn sữa, có thể khiến núm vú bị nứt, các ống dẫn sữa bị viêm và cản trở dòng chảy của sữa. Tình trạng viêm nhiễm này cũng có thể gây sốt, lạnh và đau nhức người với các biến chứng nghiêm trọng khác.[6]
    • Hội chứng Raynaud cũng có thể gây khó chịu ở núm vú, khiến núm vú chuyển màu xanh hoặc trắng sau mỗi lần cho con bú, đồng thời bạn sẽ thấy đau khi máu chảy về núm vú.[7]
  8. Biết khi nào cần tìm sự chăm sóc y tế. Nếu núm vú vẫn đau sau tuần đầu tiên cho con bú hoặc nếu nghi ngờ núm vú bị nhiễm trùng, bạn cần tìm sự giúp đỡ của bác sĩ hoặc chuyên gia tư vấn về sữa mẹ. Có thể bạn còn gặp vấn đề tiềm ẩn khác ngoài việc em bé ngậm đầu vú không đúng cách.[4]
    • Báo với bác sĩ nếu có bất cứ triệu chứng viêm nhiễm nào xuất hiện, bao gồm chảy máu hoặc tiết dịch đầu vú, đau xung quanh quầng vú, đau trong và sau khi cho em bé bú, sốt và lạnh.[4]

Học kỹ thuật cho con bú đúng cách[sửa]

  1. Để em bé tự ngậm đầu vú. Trẻ sơ sinh có bản năng bú mẹ ngay từ khi mới sinh. Trừ khi vú bạn có cấu trúc bất thường, bạn có thể tránh đau đớn khi cho con bú bằng cách cho trẻ tự ngậm vú mẹ.[1]
    • Ngồi ở tư thế hơi ngả ra sau, đặt em bé nằm sấp trên ngực bạn và để đầu trẻ sát vào vú.[1]
    • Để trẻ tự tìm và ngậm đầu vú.[1]
  2. Đặt em bé ở tư thế đúng. Bạn có thể học cách giữ tư thế tốt nhất cho cả mẹ và con. Tư thế này sẽ giúp trẻ ngậm núm vú đúng cách.
    • Ngồi thoải mái và đặt em bé trong lòng. Dùng cánh tay đỡ dưới hai vai trẻ nhưng không giữ đầu trẻ để em bé có thể tự tìm đầu vú.[1]
    • Hướng đầu vú về phía mũi em bé để trẻ có thể ngậm vú đúng cách và đầu vú phải hướng lên vòm miệng trẻ.[1]
  3. Sửa tư thế của trẻ trong khi vẫn để trẻ ngậm vú mẹ. Nếu thấy đau khi em bé bắt đầu bú, bạn có thể chỉnh lại tư thế của trẻ thay vì dứt trẻ khỏi vú. Khi bị dứt khỏi vú mẹ, trẻ có thể nổi cáu và nghiến vào núm vú, gây thêm tổn thương cho bạn.
    • Chỉnh lại vị trí của em bé cao lên hoặc thấp xuống sao cho đầu của trẻ ở một góc thích hợp để giúp trẻ ngậm núm vú đúng cách.[1]
    • Thử ôm em bé sát vào người của bạn hơn sao cho đầu trẻ hơi ngập vào vú mẹ. Như vậy trẻ có thể ngậm núm vú sâu hơn.[1]
  4. Sớm nhận ra khi em bé đói. Đứa trẻ cáu kỉnh vì đói có thể ngoạm chặt vú mẹ mà không ngậm núm vú đúng cách. Bạn cần quan sát dấu hiệu em bé cần ăn và cho bú trước khi trẻ nổi cáu vì quá đói.
    • Xoa dịu em bé bằng cách cho bú ngay khi thấy trẻ có dấu hiệu đói.[1]
  5. Kiểm tra xem trẻ có bị dính thắng lưỡi không. Con của bạn có thể không bú đúng cách vì bị dính thắng lưỡi. Một mẩu da nhỏ dính lưỡi của trẻ xuống dưới khiến trẻ không thể đưa lưỡi ra phía trước.
    • Kiểm tra xem lưỡi của trẻ có thể chạm xuống môi dưới hoặc chạm lên vòm miệng khi khóc không.[1]
    • Bác sĩ có thể cắt mảnh da dính lưỡi của trẻ để giúp cải thiện cách trẻ ngậm vú mẹ khi bú. Đây là một thủ thuật đơn giản và trẻ có thể hồi phục rất nhanh.[1]

Lời khuyên[sửa]

  • Việc nhờ chuyên gia về sữa mẹ tư vấn là rất hữu ích khi nuôi con bằng sữa mẹ.
  • Tham khảo bác sĩ nếu bạn đang cân nhắc uống thuốc giảm đau để xoa dịu cơn đau nghiêm trọng. Một số thuốc giảm đau không thích hợp khi bạn đang cho con bú.

Cảnh báo[sửa]

  • Nối chuyện với bác sĩ càng sớm càng tốt nếu bạn thấy có mủ xuất hiện hoặc bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng nào khác.
  • Không dùng các liệu pháp tại nhà (ví dụ như mật ong) để chữa lành đầu vú nứt nẻ mà không tham khảo trước ý kiến bác sĩ.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này