Chăm sóc rùa cạn

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Rùa cạn có thể là loài vật rất thú vị và xứng đáng để nuôi làm thú cưng. Chúng bao gồm rùa hộp và tất cả các giống rùa cạn khác. Trước khi chọn nuôi một chú rùa, bạn hãy nhớ rằng rùa cần sống ở môi trường trong nhà lẫn ngoài trời để được khỏe mạnh. Ngoài ra, rùa nước có thể sống trên 30 năm, rùa cạn sống trên 50 năm (thậm chí một số có thể sống trên 100 năm). Một chú rùa cạn có thể làm thú cưng của bạn suốt đời.[1]

Các bước[sửa]

Chọn rùa[sửa]

  1. Xem xét các lựa chọn của bạn. Bạn có sẵn sàng nuôi một chú rùa cạn? Rùa sống lâu, có thể phát triển đến kích cỡ khá lớn, không phải là thú cưng lý tưởng cho trẻ nhỏ, đồng thời chi phí chăm sóc và thức ăn cho rùa có thể khá đắt (ánh sáng, rào chắn, bác sĩ thú y). Rùa có tuổi thọ cao, do đó bạn cũng cần hiểu rằng nó có thể sống lâu hơn bạn nếu được chăm sóc tốt.[2]
  2. Quyết định nuôi rùa nước hay rùa cạn. Rùa nước là động vật ăn tạp và đôi khi cần ở dưới nước. Rùa cạn chỉ ăn thực vật và sống trên cạn. Cả hai loài đều cần cả môi trường ngoài trời lẫn trong nhà, đồng thời đòi hỏi được chăm sóc cẩn thận để có thể sinh trưởng tốt. Rùa cạn nổi tiếng là thú cưng “dễ nuôi”, nhưng thực ra chúng cũng đòi hỏi đôi chút công sức chăm sóc.[3]
  3. Đến gặp người gây giống rùa và nói chuyện với những chủ nuôi rùa khác trên mạng. Quan sát những con rùa và xem ảnh một số lựa chọn khác. Bạn thích những con nào? Những người nuôi rùa lâu năm giới thiệu những con nào? Nếu đây là lần đầu tiên nuôi rùa, bạn cũng nên hỏi xem loài rùa nào dễ chăm sóc nhất và thích hợp cho người chưa có kinh nghiệm nuôi rùa. [4]
  4. Chú ý về khí hậu nơi bạn đang sống. Nếu được chăm sóc đúng, loài rùa cạn ít nhất cũng cần ra ngoài trời trong một khoảng thời gian. Chọn loài rùa có thể sinh trưởng tốt trong vùng bạn ở. Điều này nghĩa là bạn cần chọn loài rùa thích sống trong điều kiện ẩm ướt nếu bạn đang sống ở vùng khí hậu ẩm. Ngược lại, nếu đang sống ở sa mạc, bạn nên chọn loài rùa sinh trưởng tốt trong những nơi có khí hậu khô. Như vậy bạn sẽ dễ dàng chăm sóc hơn nhiều vì không phải tạo môi trường mới ở ngoài trời cho rùa và duy trì sự ổn định.[4]
  5. Chọn loài rùa có kích thước nhỏ. Điều này là cần thiết nếu bạn phải di chuyển và thay đổi môi trường mà rùa đang sinh sống. Việc cố gắng tạo một môi trường mới giống như ở ngoài trời cho loài rùa ưa khí hậu ẩm khi ở trong vùng khí hậu lạnh giá có thể rất khó khăn và tốn kém.[5]
  6. Tìm loài rùa bản địa. Cũng như việc chọn loài rùa sinh trưởng tốt trong khí hậu nơi bạn ở để chăm sóc dễ dàng hơn, bạn cũng nên chọn loài rùa bản địa ở khu vực bạn đang sống. Không phải nơi nào cũng có rùa bản địa, nhưng bạn có thể hỏi về các loài rùa có khả năng sống tốt trong vùng.
  7. Mua rùa từ người gây giống hoặc tổ chức cứu trợ động vật. Rùa ở những chỗ khác thường được bắt từ nơi hoang dã, một hành động khiến số lượng rùa bị sụt giảm trên toàn thế giới. Để bảo vệ môi trường và loài rùa bản địa, lựa chọn tốt nhất là mua rùa được nhân giống nội địa hoặc rùa ở nơi cứu trợ.[6]

Tạo môi trường trong nhà cho rùa[sửa]

  1. Làm nơi ở trong nhà cho rùa. Chỗ ở của rùa phải được quây kín. Có nhiều cách làm nhà cho rùa, nhưng nói chung phải tương đối rộng rãi, dù là dành cho rùa nhỏ. Nhiều tài liệu cho rằng ban đầu có thể dùng chậu nhựa rộng và sâu làm nhà cho rùa; nhưng khi chú rùa của bạn lớn lên, nó sẽ cần không gian rộng hơn. Bạn có thể tận dụng kệ sách cũ và tháo các ngăn kệ để làm nhà cho rùa, hoặc sử dụng bể bơi nhựa của trẻ em. Lựa chọn cuối cùng của bạn sẽ tùy thuộc vào từng loài rùa.[2]
  2. Trang bị tiện nghi cho rùa. Rùa có các nhu cầu đặc thù, và chi tiết cụ thể sẽ tùy thuộc vào giống rùa bạn chọn. Đảm bảo chuẩn bị đầy đủ mọi thứ trước khi mua rùa. Bạn không thể vừa nuôi vừa mua các vật dụng cho rùa – rùa cần có ngay mọi thứ.
  3. Mua loại đất nền thích hợp cho giống rùa của bạn. Rùa cần lớp đất nền để đào và cũng để xử lý chất thải. Điều thiết yếu là chọn được loại đất nền thích hợp có chất lượng tốt, vì rùa sẽ tiếp xúc nhiều với đất.[7]
  4. Cung cấp ánh sáng đặc biệt cho rùa cạn. Rùa cần ánh sáng cung cấp tia UV-B để thu nạp vitamin B. Bạn cần nhớ thay bóng đèn mới sau mỗi 6 tháng đến một năm vì khả năng tạo tia UV-B của bóng đèn sẽ bị mất đi sau một thời gian.[8]
  5. Tạo thêm độ ẩm cho rùa tùy từng loài. Các loài rùa khác nhau cần độ ẩm khác nhau, do đó bạn cần kiểm tra nhu cầu của loài rùa bạn nuôi. Nhu cầu này có thể thấp, trung bình hoặc cao tùy theo môi trường bản địa của chúng. Đa số các loài rùa cần một lớp sương trên đất nền.[9]
  6. Duy trì nhiệt độ thích hợp cho loài rùa bạn nuôi. Bạn có thể mua đèn sưởi để tạo môi trường thích hợp cho rùa. Điều này đặc biệt quan trọng nếu chú rùa của bạn không phải là loài bản địa trong vùng bạn sinh sống. Nhiệt độ có thể là yếu tố quan trọng nhất đối với rùa.[10]
  7. Cung cấp nước cho rùa. Rùa hộp và rùa cạn cần nước trong khu vực chúng ở. Nhu cầu này cũng tùy vào từng loài rùa, nhưng nói chung rùa cần một đĩa nước nông hoặc một bát nước để ngâm mình (và có thể đi vệ sinh trong đó).[3]
  8. Tạo nơi ẩn náu cho rùa. Đây là một phần thiết yếu trong cách tương tác với môi trường của rùa. Nơi ẩn náu của rùa có thể đơn giản chỉ là chiếc hộp nhựa nhỏ hoặc bát có lỗ thủng.[2]

Tạo môi trường ngoài trời cho rùa[sửa]

  1. Làm nơi ở ngoài trời cho rùa. Điều này cũng quan trọng như nơi ở trong nhà cho nhiều loài rùa cạn. Đảm bảo nhà của rùa phải rộng rãi và an toàn. Bạn cần bảo vệ rùa khỏi các loài thú săn mồi, đồng thời không để rùa đi mất. Nơi ở của rùa phải đủ cao để chúng không trèo được ra ngoài và phải được rào chắn dưới đất để chúng không thể đào bên dưới. Thông thường nơi ở của rùa cũng cần có mái che bên trên.[11]
  2. Đảm bảo sử dụng đất nền để làm nền cho nơi ở của rùa. Không sử dụng đất trong sân nhà – loại đất đó không thích hợp cho rùa cạn. Bạn nên biết rằng cỏ - đặc biệt là cỏ ướt – cũng có hại cho rùa cạn. Nó có thể khiến rùa bị trầy xước và đau.[12]
  3. Cung cấp các loài thực vật mà rùa thích ăn. Chú rùa của bạn sẽ dành nhiều thời gian ở ngoài trời, do đó việc trồng cây cho rùa ăn là điều rất hợp lý. Bạn sẽ không phải lo tìm thức ăn cho chúng, và chúng có thể tùy ý chọn ăn những gì chúng muốn.[13]
  4. Tạo nơi ẩn náu và khám phá cho rùa bằng các vật liệu như đá, gỗ, v.v…. Không nên chỉ cho rùa một khu bằng phẳng và đơn điệu ngoài trời. Làm những ngọn đồi nho nhỏ để rùa trèo lên, nhiều khu vực cho chúng khám phá và nhiều môi trường phong phú khác bên trong nơi ở của chúng.[12]

Chăm sóc chú rùa cưng của bạn[sửa]

  1. Cho rùa ăn với chế độ dinh dưỡng thích hợp. Một số chất dinh dưỡng như can-xi hoặc đạm nếu dùng quá nhiều có thể làm chú rùa của bạn còi cọc, thậm chí có thể chết. Nhớ rằng rùa cạn là loài động vật ăn cỏ, còn rùa hộp ăn tạp. Bạn nên cho rùa hộp ăn sên trần, ốc sên, dế và các thức ăn từ động vật khác hai lần một tuần. Phần còn lại chúng sẽ ăn hoa quả như dưa hấu, quả mọng và cà chua. Rau xanh cũng là nguồn bổ sung tuyệt vời cho chế độ ăn của rùa. Rùa cạn không ăn động vật, và chế độ ăn của chúng tương đối khác nhau. Bạn cần tìm hiểu và xác định chế độ ăn nào là tốt nhất cho loài rùa bạn nuôi. [14]
  2. Cân nhắc xem bạn có nên cho chú rùa của mình ngủ đông không. Ngủ đông là một vấn đề gây tranh cãi trong những người nuôi rùa. Tham khảo bác sĩ thú y xem chú rùa bạn nuôi có cần ngủ đông không. Nhớ rằng những con rùa không có đủ lớp mỡ dự trữ có thể dễ bị chết khi ngủ đông. Ngủ đông cũng không được khuyến khích áp dụng cho những con rùa có thể trạng yếu ớt. Một số chuyên gia về loài rùa cảnh báo chống lại việc ngủ đông.[9]
    • Nếu chọn cách cho rùa ngủ đông, bạn cần chuẩn bị chỗ ở cho rùa thật cẩn thận. Thậm chí bạn có thể làm một hộp ngủ đông đặc biệt cho rùa, tùy vào nhu cầu của từng loài. Hộp ngủ đông cần đặt nơi có nhiệt độ ổn định và không bị ngập nước. Hai tuần trước thời gian dự định cho rùa ngủ đông, bạn cần ngưng cho rùa ăn, và bắt đầu giảm nhẹ nhiệt độ nơi ở của rùa. Thời kỳ ngủ đông có thể kéo dài từ 3-5 tháng. Đảm bảo kiểm tra nhiệt độ theo nhu cầu của loài rùa bạn nuôi.[12]
  3. Tạo môi trường tốt cho chú rùa và gia đình bạn. Rùa cạn không nên sống trong nhà có chó (loài vật săn mồi của rùa). Nhớ rằng rùa không phải là người bạn lý tưởng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nhiều chuyên gia khuyến cáo trẻ em dưới 12 tuổi không nên tiếp xúc với rùa. Phần lớn những loài rùa nhỏ đều mang khuẩn salmonella, khi lây nhiễm có thể gây nguy hiểm đến tính mạng đối với trẻ sơ sinh, người già và người có sức khỏe kém. Ngay cả khi chú rùa của bạn không thuộc loại “rùa nhỏ”, trẻ em vẫn có rủi ro bị nhiễm bệnh từ rùa.[15]
  4. Đem rùa đến bác sĩ thú y để khám định kỳ. Phần lớn loài rùa đều có ký sinh trùng và có thể mang các mầm bệnh khác, trong đó có một số bệnh nguy hiểm cho người. Tùy thuộc vào việc bạn mua rùa ở đâu, chú rùa của bạn có thể có nguy cơ suy dinh dưỡng hoặc mất nước. Đối với loài rùa, bạn có thể khó biết liệu chúng có vấn đề về sức khỏe hay không, do đó bạn hãy chọn một bác sĩ thú y chuyên trị các động vật đặc biệt.[5]
  5. Thay đổi môi trường cho rùa khi chúng lớn lên. Đa số rùa cạn sẽ tăng kích cỡ khá lớn khi chúng trưởng thành. Điều này đồng nghĩa với việc bạn phải điều chỉnh môi trường sống của rùa cả trong nhà lẫn ngoài trời, cách cho ăn, và có thể là việc ngủ đông. Rùa nước cần 0,3 mét vuông diện tích cho mỗi 20 cm chiều dài rùa. Rùa cạn còn cần nhiều không gian hơn – tối thiểu 2,5 mét vuông diện tích cho mỗi 30 cm chiều dài rùa.[16]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]