Chăm sóc răng cho trẻ nhỏ

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Mặc dù toàn bộ răng sữa của trẻ nhỏ cuối cùng cũng được thay bằng những chiếc răng khác, việc chăm sóc răng cho trẻ vẫn luôn là việc cần thiết. Điều này đảm bảo hàm răng của trẻ được khỏe mạnh cho đến khi được thay bằng răng vĩnh viễn. Việc chăm sóc răng miệng đúng cách cũng sẽ giúp trẻ hình thành thói quen vệ sinh răng miệng khi lớn lên.

Các bước[sửa]

Chăm sóc miệng của trẻ trước và trong thời kỳ mọc răng[sửa]

  1. Kiểm tra xem nguồn nước nhà bạn có fluoride không. Fluoride có lợi cho răng của trẻ ngay cả trước khi mọc. Nói chung, fluoride giúp làm chắc men răng. Hầu hết các thành phố đều bổ sung fluoride vào nguồn nước sinh hoạt. Nếu nguồn nước nhà bạn có chứa fluoride thì bạn là người may mắn và không phải bổ sung gì thêm. Tuy nhiên nếu nguồn nước nhà bạn không có fluoride, bạn cần nói chuyện với bác sĩ hoặc nha sĩ về việc bổ sung fluoride vào chế độ ăn của em bé.[1]
    • Để biết liệu nước sinh hoạt có chứa fluoride hay không, bạn có thể xem trên trang web của chính quyền thành phố hoặc gọi điện trực tiếp để hỏi họ.
    • Nếu bạn sống ở vùng xa và dùng nước giếng để sinh hoạt, có lẽ nguồn nước đó sẽ không được cung cấp fluoride trừ khi bạn lắp đặt hệ thống xử lý. Tuy nhiên, hầu hết các nguồn nước đều có fluoride hiện diện tự nhiên ở mức độ nào đó, vì vậy bạn nên đem nước giếng đi kiểm nghiệm để xác định lượng fluoride trong nước.[2]
  2. Lau sạch lợi cho trẻ hàng ngày. Trước khi chiếc răng đầu tiên của em bé nhú lên và trong thời kỳ trẻ mọc răng, bạn nên dùng vải sạch và ẩm để lau lợi cho trẻ hàng ngày. Quấn vải vào ngón tay trỏ của bạn và cẩn thận lau sạch lợi cho trẻ.[3]
    • Bạn cũng có thể dùng bàn chải đánh răng nhỏ và mềm dành cho trẻ sơ sinh để làm vệ sinh lợi cho trẻ. Không dùng kem đánh răng, chỉ dùng nước là đủ.
  3. Dùng bàn chải đánh răng dành cho trẻ sơ sinh để đánh răng cho trẻ mỗi ngày. Khi chiếc răng sữa đầu tiên của em bé mọc lên, bạn có thể bắt đầu chải răng cho trẻ mỗi ngày một lần. Giai đoạn này chỉ cần một lượng thật nhỏ kem đánh răng (khoảng một hạt gạo) và nước.[3]
    • Dùng kem đánh răng có fluoride dành riêng cho trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ. Bạn hãy tìm kem đánh răng fluoride có đóng dấu của Hiệp hội Nha khoa Hoa Kỳ (ADA) hoặc Hiệp hội Nha khoa Canada (CDA) trên vỏ hộp.
    • Tiếp tục lau phần lợi giữa những chiếc răng đang mọc cho trẻ.
  4. Dùng chỉ nha khoa làm vệ sinh răng cho trẻ. Khi răng của em bé đã mọc nhiều chiếc sát nhau, bạn có thể bắt đầu dùng chỉ nha khoa làm sạch răng cho trẻ thường xuyên.[3]
  5. Học kỹ thuật đánh răng cho trẻ theo cách tốt nhất. Một trong những cách dễ nhất để đánh răng cho em bé là đặt trẻ ngồi trong lòng bạn, mặt trẻ hướng về phía trước. Như vậy đầu em bé sẽ dựa trên ngực bạn. Bạn và trẻ sẽ ở tư thế như bạn đang tự đánh răng cho mình, như vậy công việc sẽ dễ dàng hơn nhiều.[4]
    • Chải răng cho trẻ với động tác xoay những vòng tròn nhỏ.
    • Khi trẻ đã lớn và không ngồi trong lòng bạn được nữa, bạn có thể để trẻ đứng trước mặt mình (đứng trên ghế nếu cần). Trẻ phải hơi ngẩng đầu lên một chút để bạn có thể nhìn thấy toàn bộ hàm răng của trẻ.
  6. Lấy bình sữa ra khỏi miệng em bé khi trẻ đang ngủ thiếp đi. Tuy có thể thuận tiện, nhưng bạn không nên cho trẻ ôm bình sữa đi ngủ. Chất đường trong sữa hoặc nước quả có thể làm hại men răng của trẻ.[3]
    • Tình trạng này còn được gọi là miệng bú bình.
    • Một dấu hiệu rõ rệt của “miệng bú bình” là răng cửa của trẻ có những vết lõm lỗ chỗ hoặc ngả màu.
    • Trường hợp “miệng bú bình” nặng, có thể trẻ phải nhổ răng sữa trước khi răng rụng tự nhiên.
    • Nói chung, tốt nhất là không nên cho trẻ bú bình với nước quả, và bạn cũng nên giới hạn lượng nước quả mà trẻ nạp vào.
  7. Đưa em bé đến nha sĩ khi chiếc răng đầu tiên nhú lên. Nói chung, bạn có thể chờ cho đến khi trẻ được một tuổi hoặc khi mọc chiếc răng đầu tiên mới cần đưa trẻ đến nha sĩ, tùy vào điều kiện nào xảy ra trước. Bác sĩ sẽ cho bạn lời khuyên trong việc chăm sóc và bảo vệ răng cho trẻ để đảm bảo trẻ có hàm răng chắc khỏe vĩnh viễn.[5]

Giữ cho răng của em bé khỏe mạnh suốt đời[sửa]

  1. Xoa dịu hàm lợi đau của em bé khi trẻ đang mọc răng. Phần lớn trẻ con sẽ mọc chiếc răng đầu tiên khi được khoảng 6 tháng tuổi (mặc dù có không ít trường hợp chênh lệch rất lớn về độ tuổi mọc răng). Thông thường em bé sẽ mọc hai răng cửa hàm dưới trước, tiếp theo là hai răng cửa hàm trên. Khi mọc răng, trẻ sẽ chảy nước dãi, muốn cắn các vật cứng, khó chịu hoặc bị đau lợi. Bạn có thể thực hiện một số việc để giúp trẻ bớt khó chịu:[6]
    • Dùng ngón tay xoa và ấn lên lợi em bé. Động tác ấn có thể giúp giảm đau cho trẻ trong thời gian ngắn. Đảm bảo rửa tay sạch trước khi xoa và ấn cho trẻ.
    • Độ lạnh đôi khi cũng giúp giảm đau khi mọc răng. Bạn có thể cho trẻ cắn hoặc mút thứ gì đó mát để giảm đau. Khăn mặt, thìa hoặc vòng ngậm cho trẻ mọc răng được làm mát là tốt nhất. Đảm bảo các vật chỉ mát chứ không đông lạnh .
    • Thử cho trẻ nhai thức ăn tương đối cứng và mát trong khi mọc răng. Dưa chuột hoặc cà rốt mát có tác dụng rất tốt. Bạn nên bỏ thức ăn vào túi lưới được thiết kế cho mục đích này, hoặc trông chừng em bé để thức ăn không trở thành nguy cơ gây nghẹn.
    • Tùy vào mức độ đau khi trẻ mọc răng, bạn có thể thử cho trẻ uống thuốc. Thuốc acetaminophen và ibuprofen dành cho trẻ em có thể giúp giảm đau. Nói chuyện với bác sĩ hoặc dược sĩ nếu bạn không biết chắc về liều lượng dùng cho em bé. Ibuprofen chỉ dùng cho trẻ trên 6 tháng tuổi.
  2. Bắt đầu đánh răng cho trẻ mỗi ngày hai lần. Khi răng sữa của em bé đã mọc đầy đủ, bạn có thể chuyển sang đánh răng cho trẻ mỗi ngày hai lần. Trong thời gian trẻ chưa biết tự nhổ kem đánh răng ra ngoài, bạn chỉ nên dùng một lượng kem đánh răng bằng hạt gạo.[5]
  3. Ngăn chặn hành vi mút tay khi răng vĩnh viễn bắt đầu mọc. Mút ngón tay, núm vú cao su hay các vật khác là hành vi hoàn toàn tự nhiên của trẻ nhỏ. Tuy nhiên, việc mút ngón tay sau khi răng vĩnh viễn bắt đầu mọc có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho sự phát triển miệng, cách sắp xếp răng và hình dạng của vòm miệng.[7]
    • Nói về tổn hại lâu dài cho răng miệng, núm vú cao su cũng không hề tốt hơn ngón tay.
    • Tốt nhất là bạn nên khuyến khích trẻ ngừng mút ngón tay (hoặc núm vú cao su) trước khi răng vĩnh viễn mọc lên. Một cách để làm điều này là khen ngợi khi trẻ không mút ngón tay. Bạn cũng có thể cho trẻ một vật nào đó như thú nhồi bông hoặc tấm chăn để chơi khi trẻ buồn chán hoặc muốn mút ngón tay hay núm vú cao su.
    • Hành vi mút ngón tay thường là do trẻ có cảm giác bất an hoặc không thoải mái. Vì vậy, một trong những cách tốt nhất để trẻ ngưng mút ngón tay là xử trí nguyên nhân ẩn đằng sau. Nếu con bạn cảm thấy không yên tâm hoặc khó chịu, bạn hãy giải quyết nguyên nhân trước, và tật mút ngón tay sẽ chấm dứt khi trẻ cảm thấy yên tâm và dễ chịu hơn.
    • Nếu gặp khó khăn trong việc giúp trẻ ngừng mút ngón tay, bạn có thể tham khảo nha sĩ về các phương pháp khác, thậm chí cả thuốc nếu có hiệu quả.
  4. Dạy trẻ nhổ kem đánh răng ra khi trẻ bắt đầu vào tuổi chập chững. Khi em bé được khoảng hai tuổi, bạn có thể bắt đầu dạy trẻ việc này. Bạn nên khuyến khích trẻ nhổ kem đánh răng ra ngoài thay vì nuốt vào.[3]
    • Mặc dù trẻ sẽ dễ dàng nhổ kem ra ngoài hơn khi dùng nước, nhưng cảm giác nước trong miệng thực ra lại khiến trẻ muốn nuốt xuống. Hơn nữa súc miệng bằng nước sau khi đánh răng cũng làm fluoride vốn có lợi cho răng bị trôi đi.
  5. Tạo một tấm gương tốt về việc vệ sinh răng miệng bằng cách cho trẻ quan sát bạn đánh răng. Trẻ con học được nhiều điều qua việc quan sát những hành động của cha mẹ. Để dạy cho con bạn biết rằng đánh răng và dùng chỉ nha khoa là những thói quen tốt cần học tập, bạn hãy cho phép trẻ nhìn bạn thực hiện những việc đó. Thậm chí bạn có thể cho trẻ bắt chước khi bạn đánh răng và dùng chỉ nha khoa vệ sinh răng miệng.[4]
  6. Tăng lượng kem đánh răng. Khi trẻ đã biết nhổ kem đánh răng ra ngoài, bạn có thể tăng lượng kem đánh răng lên bằng cỡ hạt đậu, thông thường khi trẻ được khoảng ba tuổi.[3]
  7. Giám sát khi trẻ đánh răng. Ngay cả khi con bạn đã đủ lớn để tự đánh răng, bạn vẫn nên tiếp tục giám sát ít nhất cho đến khi trẻ được sáu tuổi. Lý do chủ yếu là để đảm bảo trẻ không dùng quá nhiều hoặc nuốt kem đánh răng.[3]

Cho trẻ ăn thức ăn thích hợp để ngăn ngừa sâu răng[sửa]

  1. Cho trẻ bú mẹ đến sáu tháng tuổi. Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho em bé. Ngay cả khi bắt đầu ăn thức ăn đặc vào khoảng 6 tháng tuổi, trẻ vẫn có thể tiếp tục bú sữa mẹ hoặc uống sữa công thức. Miễn là bạn làm sạch răng và lợi của trẻ sau khi bú, sữa mẹ không có tác động xấu nào đến sức khỏe răng miệng của trẻ.[8]
  2. Áp dụng chế độ ăn cân bằng và lành mạnh. Khi bạn cho con bú, mọi thứ bạn ăn vào đều có thế ảnh hưởng đến em bé. Do đó, bạn cần ăn theo một chế độ dinh dưỡng lành mạnh và cân bằng để cả mẹ và con đều khỏe mạnh.[8]
    • Can-xi là khoáng chất thiết yếu cho sự phát triển răng và xương. Do đó bạn cần đảm bảo nạp đủ can-xi cho cả bạn và em bé khi bạn đang cho con bú.
  3. Bắt đầu cho em bé ăn đặc khi trẻ được sáu tháng tuổi. Trẻ cần bắt đầu ăn đặc khi được khoảng sáu tháng tuổi. Tốt nhất là thức ăn đặc của trẻ được tăng cường sắt và không thêm đường.[9]
    • Ngũ cốc trộn sữa sẽ giúp giảm tác động của đường lên răng của trẻ.
    • Bạn không nên cho trẻ ăn vặt bằng ngũ cốc có đường giữa các bữa ăn. Việc để răng tiếp xúc với đường trong thời gian dài sẽ có hại hơn là chỉ ăn ngọt trong một lúc.
  4. Tránh cho em bé bú sữa bò cho đến khi trẻ được một tuổi. Để phòng tránh bệnh thiếu máu do thiếu sắt, bạn không nên cho em bé bú sữa bò, ít nhất là cho đến khi trẻ được một tuổi. Nếu muốn cho em bé ăn ngũ cốc trộn sữa, bạn nên dùng sữa mẹ hoặc sữa dành riêng cho trẻ sơ sinh, không dùng sữa bò. Khi em bé được một đến hai tuổi, bạn có thể bắt đầu cho trẻ uống sữa bò, nhưng chỉ giới hạn ở mức 700 ml một ngày.[9]
  5. Chuyển từ bình sữa sang cốc tập uống khi em bé được sáu tháng tuổi. Để đảm bảo em bé không bị tình trạng miệng bú bình, bạn có thể cho em bé chuyển từ bú bình sang cốc tập uống khi trẻ được sáu tháng tuổi. Động tác bú bình thực ra có thể gây tổn hại miệng của trẻ, do đó chuyển sang dùng cốc tập uống an toàn là một ý tưởng tốt.[3]
  6. Giảm lượng đường trẻ nạp vào. Đường có thể gây sâu răng ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Nếu con bạn ngày nào cũng ăn ngọt, trẻ sẽ có nguy cơ cao bị sâu răng. Bạn hãy giảm lượng đường trẻ nạp vào - kể cả thức uống có đường - để ngăn ngừa bất cứ sự can thiệp nha khoa nào.[4]
    • Răng bị sâu và hư hại cũng có thể do các thức uống chứa nhiều a-xít gây ra, chẳng hạn như nước quả.
    • Chủ yếu cho em bé uống sữa và nước thay vì uống nước ngọt hay nước quả.
    • Kiểm tra lượng đường có trong thức ăn dành cho em bé và chọn loại có ít đường nhất.
    • Pha loãng nước quả bằng cách thêm lượng nước gấp 10 lần lượng nước quả.
    • Dùng các đồ vật như hình dán, v.v.. làm phần thưởng cho trẻ thay vì bánh kẹo.
    • Nếu em bé cần uống thuốc, bạn hãy đề nghị bác sĩ kê toa loại thuốc không chứa đường.
  7. Cảnh giác với nước quả ép. Nước quả ép chứa nhiều đường, do đó trẻ sơ sinh không nên uống quá 120-180 ml nước quả mỗi ngày. Chỉ nên cho trẻ uống nước quả vào ban ngày, không uống trước khi ngủ.[9]
    • Bạn nên cho trẻ sơ sinh ăn hoa quả nghiền hoặc hoa quả nguyên chất chuẩn bị ở nhà. Không may là nhiều loại hoa quả nghiền dành cho em bé được cho thêm đường. Nếu không thể tự tay chuẩn bị hoa quả cho con, bạn hãy tìm thương hiệu nào không có hoặc có ít đường.
    • Khi cho em bé uống nước quả, bạn cần cho trẻ uống hết trong thời gian ngắn. Càng tiếp xúc lâu với đường, răng của trẻ càng bị tác động mạnh.
    • Lời khuyên về nước quả cũng áp dụng cho nước ngọt và bất cứ thức uống nào có chứa đường (ví dụ như Kool-Aid).

Lời khuyên[sửa]

  • Để biết thêm thông tin về thời gian trung bình khi răng của trẻ bắt đầu xuất hiện (hoặc mọc lên), bạn có thể xem biểu đồ trên trang web sau — http://www.mouthhealthy.org/en/az-topics/e/eruption-charts.
  • Để biết thông tin chi tiết về việc chăm sóc răng miệng cho trẻ em, bạn hãy xem văn bản PDF sau trên trang web của Viện Nha khoa Nhi đồng Hoa Kỳ — http://www.aapd.org/assets/1/7/FastFacts.pdf.
  • Trẻ mới sinh không có vi khuẩn gây sâu răng. Nhưng cha mẹ hoặc các trẻ khác có thể truyền loài vi khuẩn nguy hiểm cho em bé qua việc dùng chung thìa, bình bú hoặc núm vú cao su.[10]
  • Các triệu chứng cho thấy trẻ đang mọc răng có thể bao gồm: chảy nước dãi, cắn tay hoặc các đồ vật khác, chán ăn, sưng lợi, quấy khóc hoặc bứt rứt nhiều hơn.[11]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]