Chăm sóc tai mới xỏ khuyên

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Việc chăm sóc đúng cách sau khi xỏ khuyên tai luôn là điều cần thiết. Nếu không, bạn có thể bị nhiễm trùng nghiêm trọng. Bài viết này của wikiHow sẽ hướng dẫn cho bạn cách chăm sóc tai sau khi xỏ khuyên.

Các bước[sửa]

Xử lý lỗ xỏ khuyên cẩn thận[sửa]

  1. Không tháo hoa tai cho đến khi lỗ xỏ khuyên đã lành. Khi xỏ khuyên tai, thợ xỏ khuyên sẽ đeo cho bạn đôi hoa tai ban đầu. Đôi hoa tai này được làm bằng vật liệu ít gây dị ứng và được thiết kế để đeo vào tai sau khi xỏ một cách an toàn. Nếu bạn tháo hoa tai ra sớm, lỗ xỏ khuyên có thể bị khép liền lại hoặc không lành đúng cách.
    • Nếu lỗ xỏ khuyên ở phần dái tai, đôi hoa tai ban đầu thường có thể tháo ra sau 6 tuần.
    • Nếu lỗ xỏ khuyên ở phần sụn, thông thường bạn có thể tháo hoa tai ban đầu sau 8 đến 12 tuần.
  2. Không sờ lên tai quá nhiều. Việc chạm vào lỗ xỏ khuyên quá nhiều có thể dẫn đến nhiễm trùng. Không chạm vào lỗ xỏ khuyên trừ khi làm vệ sinh. Nếu phải chạm vào, bạn cần rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn trước.
  3. Cẩn thận với những món đồ có thể vướng vào hoa tai. Mũ, khăn quàng và các vật khác có thể vướng vào hoa tai và gây đau. Tránh dùng các vật dụng như nút bịt tai hoặc mũ che tai chặt khiến tai phải chịu áp lực.
    • Nếu choàng khăn, bạn cần chọn loại vải không dễ bị vướng. Cố gắng choàng lỏng và không dùng nhiều lần một chiếc khăn mà không giặt.
    • Cẩn thận khi thay quần áo, nhất là khi bạn mặc loại vải dễ vướng.
  4. Không để các chất khác tiếp xúc với tai. Tránh để dầu gội đầu, dầu xả tóc và các sản phẩm khác dính lên tai, vì các thành phần trong sản phẩm có thể dẫn đến nhiễm trùng.
    • Bạn có thể dùng túi ni lông trùm qua tai để bảo vệ lỗ xỏ khuyên khi tắm dưới vòi sen.
    • Nếu muốn đi bơi, bạn cần làm sạch lỗ xỏ khuyên tai trước và sau khi bơi bằng dung dịch chuyên dùng sau khi xỏ khuyên. Nhớ rửa tai bằng nước sạch sau khi bơi, trước khi làm vệ sinh.
  5. Cố gắng nằm ngửa khi ngủ. Tai áp vào gối khi ngủ có thể gây kích ứng lỗ xỏ khuyên, hơn nữa còn gây đau.
    • Nếu thấy khó nằm ngửa khi ngủ, bạn cần đảm bảo vỏ gối phải sạch mỗi đêm. Vi khuẩn từ vỏ gối có thể xâm nhập vào lỗ xỏ khuyên tai và làm nhiễm trùng.
    • Bạn cũng có thể dùng áo thun để tránh nhiễm trùng: phủ một chiếc áo thun sạch lên gối và thay mỗi đêm.

Làm vệ sinh lỗ xỏ khuyên[sửa]

  1. Rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn. Đây là bước quan trọng vì những ngón tay có thể dễ dàng truyền vi khuẩn vào tai. Đảm bảo tay của bạn phải sạch mỗi khi chạm vào tai.
  2. Nhúng bông gòn vào dung dịch làm sạch. Dùng dung dịch muối do thợ xỏ khuyên cung cấp hoặc dung dịch chuyên dùng cho việc xỏ khuyên.
    • Không dùng cồn tẩy rửa, nước ô-xy già hoặc thuốc mỡ diệt khuẩn. Những chất này có chứa các thành phần cản trở các tế bào da tái tạo và phục hồi.
    • Dung dịch muối biển có thể thay thế cho các dung dịch làm sạch bán sẵn. Pha 1/8 thìa cà phê muối biển với 240 ml nước. Không dùng muối ăn vì trong muối ăn có chứa i-ốt.
  3. Dùng bông gòn nhúng vào dung dịch và lau lỗ xỏ khuyên. Lau cả trước và sau lỗ xỏ. Lau toàn bộ xung quanh vùng xỏ tai. Đảm bảo dung dịch vào được bên trong lỗ xỏ.
  4. Xoay hoa tai. Nhẹ nhàng xoay hoa tai hai hoặc ba lần để đảm bảo chất diệt khuẩn vào trong lỗ xỏ khuyên. Bạn cũng nên xê dịch hoa tai tới lui. Động tác này giúp cho lỗ xỏ khuyên không lành lại quá sát quanh hoa tai.
  5. Dùng miếng bông mới để lau tai bên kia. Vứt miếng bông cũ vừa lau tai bên này đi và dùng bông mới để lau tai bên kia.
  6. Lau lỗ xỏ khuyên mỗi ngày ba lần. Không bỏ qua việc làm vệ sinh, đặc biệt là trong những tuần đầu sau khi xỏ khuyên. Sát trùng tai thường xuyên là điều cần thiết, vì bụi bẩn từ không khí cộng với các chất sinh ra trong tai có thể gây kích ứng cho lỗ xỏ khuyên và dẫn đến nhiễm trùng.
    • Lau tai sau khi tắm, đề phòng trường hợp dầu gội hoặc dầu xả dính vào lỗ xỏ khuyên.
    • Lau tai sau khi đi bơi hoặc đổ mồ hôi trong khi tham gia các hoạt động ngoài trời.

Quan sát các dấu hiệu nhiễm trùng[sửa]

  1. Kiểm tra hiện tượng đỏ và sưng. Các triệu chứng này xuất hiện trong vài ngày đầu sau khi xỏ khuyên là bình thường, nhưng nếu chúng không nhanh chóng giảm bớt, có thể bạn đã bị nhiễm trùng hoặc dị ứng.[1]
    • Nếu thấy hoa tai có vẻ quá chặt, có thể bạn chỉ cần nới nút hoa tai ra một chút. Nếu sau đó vẫn thấy không bớt đau, bạn hãy đến bác sĩ.
    • Các vấn đề do phản ứng dị ứng thường có thể giải quyết dễ dàng bằng cách tháo hoa tai ra. Tuy nhiên khi đó lỗ xỏ khuyên sẽ bị khép liền lại.
    • Nếu muốn giữ lỗ xỏ khuyên, bạn hãy đến bác sĩ. Bác sĩ có thể điều trị tai và cho bạn lời khuyên liệu có cần tháo hoa tai ra không.
  2. Đến bác sĩ nếu xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng. Rỉ mủ, ngứa nhiều, đỏ và đau dữ dội là các dấu hiệu nhiễm trùng. Lập tức tháo ngay hoa tai hoặc đến bác sĩ nhờ tháo ra nếu thấy quá đau. Bôi thuốc mỡ kháng sinh lên tai bị nhiễm trùng và băng lại cho đến khi lành.
  3. Tìm sự chăm sóc y tế ngay lập tức nếu tai bị rách. Nếu hoa tai vướng vào vật nào đó và làm rách tai, có thể bạn cần phải được khâu. Đến phòng cấp cứu để được xử lý kịp thời.

Chăm sóc lâu dài[sửa]

  1. Tháo đôi hoa tai ban đầu. Khi tai đã lành trong khoảng 6-9 tuần, bạn có thể đổi hoa tai khác. Đeo loại hoa tai chuyên dùng sau khi xỏ lỗ tai trong 6 tháng đầu để đảm bảo lỗ xỏ khuyên không bị giãn nhiều vì sức nặng của hoa tai. Sau 6 tháng, bạn có thể đeo khuyên tròn và hoa tai ‘’toòng teng”.
    • Khi thay hoa tai, lưu ý phản ứng của tai với các kim loại khác nhau. Một số người nhạy cảm với các kim loại khác ngoài vàng và bạc nguyên chất.
    • Bạch kim là một lựa chọn khác ít gây dị ứng dành cho những người có da nhạy cảm hoặc dị ứng.

Lời khuyên[sửa]

  • Cẩn thận khi chải đầu!
  • Không day lỗ xỏ khuyên tai. Động tác này có thể làm kích ứng tai.
  • Đảm bảo gội đầu ít nhất hai ngày một lần, vì dầu trên tóc có thể dính và tai và gây nhiễm trùng.
  • Luôn thử phản ứng dị ứng trước khi dùng hoa tai có chất liệu kim loại khác nhau, đề phòng trường hợp bị dị ứng với một kim loại nào đó.
  • Đảm bảo cơ sở xỏ khuyên tai phải sạch sẽ, vệ sinh và đủ điều kiện trước khi xỏ khuyên tai.
  • Nếu bạn có mái tóc dài, thử buộc tóc cao để tránh bị vướng vào lỗ xỏ khuyên.
  • Đừng mua hoa tai mới khi chưa qua hết 6 tuần đầu, như thế bạn sẽ không bị cám dỗ thay đôi hoa tai ban đầu quá sớm.
  • Bạn có thể xoay hoa tai, nhưng chỉ trong khi làm sạch.
  • Nếu lỗ xỏ tai bị đóng vảy, bạn nên hòa chút nước muối và chấm lên tai để làm lỏng lớp vảy và vặn hoa tai lại.
  • Không đeo hoa tai toòng teng cho trẻ sơ sinh vì tai có thể bị rách.
  • Thay vì dùng tăm bông để lau tai, bạn nên dùng miếng bông gòn vì nó mềm hơn và không làm đau tai nhạy cảm.
  • Nếu tai quá đau, thử chườm đá lên tai. Bạn sẽ thấy bớt đau và dễ chịu hơn.
  • Không bao giờ cho phép ai xỏ khuyên tai cho mình bằng súng bấm lỗ. Dụng cụ này được thiết kế để dùng một lần và rất đắt. Việc sử dụng lại để giảm chi phí có thể làm lây truyền các bệnh truyền nhiễm, kể cả HIV. Chỉ để thợ xỏ khuyên tai có giấy phép xỏ tai cho bạn bằng kim vô trùng. Tai của bạn sẽ lành tốt hơn và trông cũng đẹp hơn.

Cảnh báo[sửa]

  • Nếu không được làm sạch, lỗ xỏ khuyên sẽ bị nhiễm trùng.
  • Không liên tục day lỗ xỏ khuyên; bạn sẽ làm kích ứng hoặc gây nhiễm trùng.
  • Đến nơi xỏ khuyên chuyên nghiệp để xỏ khuyên tai. Đảm bảo các dụng cụ của họ phải an toàn và vệ sinh.
  • Không tháo hoa tai ra trước 6 tuần. Lỗ xỏ khuyên có thể bị nhiễm trùng hoặc bị khép liền lại.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]