Nhận biết dấu hiệu nhiễm trùng khi xỏ khuyên

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Bạn vừa mới xỏ khuyên và không biết là lỗ xỏ khuyên của mình có đang lành lại bình thường hay không, hoặc tệ hơn nữa là nhiễm trùng. Bạn nên học cách nhận biết các dấu hiệu bị nhiễm trùng để điều trị đúng cách, giữ gìn sao cho lỗ xỏ khuyên lành và đẹp. Chú ý đến hiện tượng đau, sưng, đỏ, nóng, mưng mủ và các triệu chứng nghiêm trọng hơn, đồng thời đảm bảo tuân theo các nguyên tắc đúng để tránh nhiễm trùng mọi lúc có thể.

Các bước[sửa]

Nhận biết các dấu hiệu nhiễm trùng[sửa]

  1. Để ý xem lỗ xỏ khuyên có đỏ hơn không. Lỗ xỏ khuyên khi mới xỏ thường hơi hồng, vì dù sao đó cũng là vết thương. Tuy nhiên, nếu có hiện tượng đỏ hơn hoặc lan rộng thì đó là dấu hiệu cho thấy khả năng nhiễm trùng.[1] Chú ý lỗ xỏ khuyên để xem hiện tượng đỏ giảm hay tăng trong vòng một hoặc hai ngày.
  2. Chú ý hiện tượng sưng. Vùng da xung quanh lỗ xỏ khuyên sẽ sưng trong vòng 48 giờ sau khi xỏ do cơ thể đang thích nghi với vết thương. Sau thời gian này, hiện tượng sưng sẽ giảm bớt. Sưng nhiều hơn, sưng sau thời gian được cho là bình thường, sưng đi kèm với đỏ và đau là các triệu chứng nhiễm trùng.[1]
    • Tình trạng sưng có thể làm giảm chức năng của cơ thể, ví dụ như nếu lưỡi bị sưng thì cũng sẽ khó cử động. Nếu vùng da xung quanh lỗ xỏ khuyên đau và sưng đến mức khó cử động, có thể bạn đã bị nhiễm trùng.
  3. Chú ý đến tình trạng đau. Đau là phản ứng của cơ thể cho thấy có điều bất thường. Hiện tượng đau sau khi xỏ khuyên sẽ giảm trong khoảng 2 ngày, trong thời gian đó vết thương cũng bắt đầu bớt sưng. Vết thương có thể nhói, đau, rát hoặc nhức. Tình trạng đau kéo dài hơn hai ngày hoặc đau nặng hơn có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng.[1]
    • Tất nhiên, nếu vô tình kích thích lỗ xỏ khuyên, bạn có thể bị đau. Đau nặng hơn hoặc không thuyên giảm trong thời gian bình thường chính là dấu hiệu cho thấy có thể nhiễm trùng.
  4. Sờ xem vùng da có nóng không. Hiện tượng đỏ, sưng và đau thường sinh nhiệt. Nếu bị nhiễm trùng, bạn sẽ cảm thấy vùng da xỏ khuyên như đang tỏa nhiệt hoặc nóng khi sờ vào.[2] Nếu muốn sờ vào chỗ xỏ khuyên để kiểm tra nhiệt độ, bạn cần phải rửa tay trước.
  5. Quan sát hiện tượng tiết dịch hoặc mủ. Lỗ xỏ khuyên mới có thể rỉ ra một chất lỏng trong hoặc trắng, sau đó đóng vảy xung quanh đồ trang sức. Hiện tượng này là bình thường và lành mạnh. Chất lỏng đó gọi là dịch bạch huyết và là một phần trong quá trình chữa lành. Tuy nhiên, chất lỏng đặc, có màu (vàng, xanh) có lẽ là mủ. Mủ thường có mùi hôi.[1] Bất cứ chất dịch đặc, trắng đục hoặc có màu đều được coi là một dấu hiệu nhiễm trùng.
  6. Xem xét thời gian xỏ khuyên. Hiện tượng khó chịu trong ngày xỏ khuyên có lẽ không phải nhiễm trùng; thông thường các dấu hiệu nhiễm trùng sẽ phát triển sau một ngày hoặc hơn. Cũng ít có khả năng nhiễm trùng khi lỗ xỏ khuyên đã lành từ lâu. Tuy nhiên, tình trạng nhiễm trùng ở lỗ xỏ khuyên cũ cũng có thể xảy ra nếu vùng xỏ khuyên bị thương; bất cứ vết thương hở nào trên da cũng có thể trở thành cửa ngõ cho vi khuẩn xâm nhập.
  7. Cân nhắc vị trí xỏ khuyên. Nếu vị trí xỏ khuyên nằm ở nơi dễ nhiễm trùng, bạn cần phải nghi ngờ nhiễm trùng ngay. Hỏi chuyên viên xỏ khuyên xem rủi ro nhiễm trùng của bạn ở mức độ nào.
    • Lỗ xỏ khuyên rốn cần được giữ vệ sinh thật cẩn thận. Vì nằm ở vị trí ấm và đôi khi ẩm ướt, lỗ xỏ khuyên rốn có rủi ro nhiễm trùng cao hơn.
    • Lỗ xỏ khuyên lưỡi cũng có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn từ vi khuẩn khu trú trong miệng. Do vị trí của lưỡi, tình trạng nhiễm trùng lưỡi có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm não.[3]

Tránh nhiễm trùng[sửa]

  1. Làm vệ sinh lỗ xỏ khuyên đúng cách. Chuyên viên xỏ khuyên sẽ có hướng dẫn cụ thể về cách làm vệ sinh lỗ xỏ khuyên mới và giới thiệu các sản phẩm rửa vết thương. Các loại xỏ khuyên khác nhau có các yêu cầu khác nhau trong việc làm vệ sinh, do đó bạn nên lấy bản hướng dẫn được viết ra rõ ràng. Nói chung, bạn hãy tuân theo các hướng dẫn đơn giản dưới đây:[4]
    • Rửa sạch lỗ xỏ khuyên bằng nước ấm và xà phòng diệt khuẩn không mùi như Dial.
    • Không sử dụng cồn tẩy rửa hoặc ô xy già để rửa lỗ xỏ khuyên mới. Những chất này quá mạnh nên có thể làm tổn thương hoặc kích ứng da.
    • Tránh dùng kem hoặc thuốc mỡ kháng sinh. Những sản phẩm này bắt bụi và các mảnh vụn, hơn nữa còn không để cho lỗ xỏ khuyên được “thở”.
    • Không dùng muối ăn để rửa lỗ xỏ khuyên. Bạn chỉ nên dùng muối biển không chứa i-ốt pha với nước ấm để rửa.
    • Rửa lỗ xỏ khuyên thường xuyên như được chuyên viên hướng dẫn, không nhiều hơn cũng không ít hơn. Ít làm vệ sinh có thể khiến bụi đất, vảy và da chết tích tụ. Rửa quá nhiều cũng có thể gây kích ứng và làm khô da. Cả hai đều không tốt cho quá trình chữa lành.
    • Nhẹ nhàng tháo hoặc vặn đồ trang sức khi rửa để dung dịch vào trong lỗ xỏ khuyên và bao bọc đồ trang sức. Điều này có thể không thích hợp với mọi kiểu lỗ xỏ khuyên, do đó bạn nên hỏi chuyên viên xỏ khuyên trước.
  2. Tuân theo hướng dẫn về cách chăm sóc lỗ xỏ khuyên mới. Ngoài thao tác làm vệ sinh đúng, việc chăm sóc đúng có thể giúp ngăn ngừa đau và nhiễm trùng. Sau đây là một số hướng dẫn chung về cách chăm sóc lỗ xỏ khuyên mới:[4]
    • Không đè lên lỗ xỏ khuyên khi ngủ. Trang sức đeo trên lỗ xỏ khuyên có thể cọ vào chăn, vải trải giường hoặc gối, gây kích ứng và làm bẩn vùng da. Nằm ngửa nếu xỏ khuyên rốn; nếu xỏ khuyên trên mặt, bạn có thể thử dùng gối kê cổ khi đi máy bay và điều chỉnh cho lỗ xỏ khuyên khớp với khoảng trống ở giữa.
    • Rửa tay trước khi chạm vào lỗ xỏ khuyên và vùng da xung quanh.[5]
    • KHÔNG tháo trang sức trước khi lỗ xỏ khuyên lành.[5] Điều này có thể khiến lỗ xỏ khuyên bị khép kín lại. Nếu bị nhiễm trùng, vi trùng sẽ khu trú trong da.
    • Cố gắng không để quần áo cọ vào lỗ xỏ khuyên mới. Ngoài ra, không vặn trang sức trừ khi cần phải rửa.[5]
    • Tránh bể bơi, sông hồ, bồn tắm nóng và không ngâm trong nước trong thời gian chờ lỗ xỏ khuyên lành lại.[5]
  3. Chọn nơi xỏ khuyên có uy tín. Cứ 5 trường hợp xỏ khuyên thì có 1 trường hợp nhiễm trùng, thông thường là do quy trình xỏ khuyên không khử trùng hoặc chăm sóc không đúng cách sau đó.[6] Bạn chỉ nên xỏ khuyên ở nơi sạch sẽ, uy tín và do chuyên viên có tay nghề thực hiện. Trước khi tiến hành xỏ khuyên, bạn nên yêu cầu họ cho xem các dụng cụ được khử trùng như thế nào – họ cần phải có nồi hấp và làm vệ sinh mọi bề mặt bằng thuốc tẩy và chất khử trùng.
    • Chuyên viên xỏ khuyên chỉ được dùng kim mới lấy ra từ bao bì vô trùng, KHÔNG BAO GIỜ được dùng kim tái sử dụng, và họ phải đeo găng tay mới và vô trùng khi xỏ khuyên.[5]
    • KHÔNG BAO GIỜ nên dùng súng xỏ khuyên. Tránh xa nơi xỏ khuyên đó nếu bạn nhìn thấy súng xỏ khuyên. Đến nơi xỏ khuyên chuyên nghiệp để đảm bảo quy trình khử trùng.
    • Kiểm tra luật lệ quy định ở địa phương về giấy phép và chứng chỉ đào tạo mà chuyên viên xỏ khuyên cần có.
    • KHÔNG tự xỏ khuyên hoặc nhờ một người bạn không có tay nghề xỏ khuyên giúp.
  4. Sử dụng trang sức ít dị ứng khi xỏ khuyên. Mặc dù hiện tượng dị ứng với trang sức không giống như nhiễm trùng, nhưng bất cứ thứ gì gây kích ứng cho lỗ xỏ khuyên mới cũng đều làm gia tăng rủi ro nhiễm trùng. Trường hợp nhiễm trùng nghiêm trọng có thể khiến bạn phải tháo trang sức mới đeo. Luôn luôn chọn trang sức ít gây dị ứng để tạo điều kiện tốt nhất cho quá trình chữa lành.
    • Chọn trang sức bằng thép không rỉ, titan, niobi, hoặc vàng 14-18 kara.[5]
  5. Biết thời gian chữa lành của lỗ xỏ khuyên. Có nhiều bộ phận trên cơ thể mà bạn có thể xỏ khuyên, xuyên qua nhiều loại mô, những nơi có thể có nhiều hoặc ít máu lưu thông, do đó thời gian chữa lành cũng sẽ rất khác nhau. Bạn nên tìm hiểu về các đặc điểm của các kiểu xỏ khuyên để biết cần phải chăm sóc thêm trong thời gian bao lâu (với lỗ xỏ khuyên đặc biệt không được liệt kê ở đây, bạn nên tham khảo ý kiến chuyên viên xỏ khuyên):[7]
    • Sụn tai: 6-12 tháng
    • Mũi: 6-12 tháng
    • Má: 6-12 tháng
    • Núm vú: 6-12 tháng
    • Rốn: 6-12 tháng
    • Da/bề mặt da: 6-12 tháng
    • Dái tai: 6-8 tuần
    • Chân mày: 6-8 tuần
    • Vách ngăn: 6-8 tuần
    • Môi hoặc các nốt xỏ khuyên trên mặt: 6-8 tuần
    • Dương vật: 6-8 tuần
    • Âm vật: 4-6 tuần
    • Lưỡi: 4 tuần

Xử lý trường hợp nhiễm trùng[sửa]

  1. Thử áp dụng liệu pháp tại nhà nếu nhiễm trùng nhẹ. Hòa tan 1 thìa cà phê (5 ml) muối biển không chứa i-ốt và 1 cốc (250 ml) nước ấm, đựng trong cốc sạch, tốt nhất là cốc dùng một lần cho mỗi lần rửa. Ngâm hoặc dùng khăn sạch nhúng nước muối và đắp lên vùng xỏ khuyên. Thực hiện 2-3 lần mỗi ngày, mỗi lần 15 phút.[8]
    • Nếu vết thương không cải thiện trong vòng 2-3 ngày hoặc nếu các triệu chứng xấu đi, bạn cần liên lạc với chuyên viên xỏ khuyên hoặc bác sĩ để được giúp đỡ.
    • Đảm bảo ngâm toàn bộ vùng da xỏ khuyên trong nước muối, ở cả hai bên lỗ xỏ. Tiếp tục rửa hàng ngày bằng nước ấm và xà phòng diệt khuẩn nhẹ dịu.
    • Bạn cũng có thể chấm một lượng nhỏ thuốc mỡ kháng sinh lên vết thương nếu bị nhiễm trùng.
  2. Gọi cho chuyên viên xỏ khuyên khi xuất hiện các vấn đề nhẹ. Nếu nhận thấy có các dấu hiệu nhiễm trùng nhẹ như đỏ hoặc sưng và hiện tượng này không giảm, bạn có thể gọi cho chuyên viên xỏ khuyên và hỏi về cách chăm sóc. Bạn cũng có thể đến nơi xỏ khuyên để hỏi nếu có hiện tượng tiết dịch – họ biết nhiều trường hợp xỏ khuyên nên có thể nói cho bạn biết đó có phải là hiện tượng bình thường hay không.
    • Điều này chỉ áp dụng với chuyên viên xỏ khuyên chuyên nghiệp đã thực hiện cho bạn. Nếu không, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
  3. Đến bác sĩ khám bệnh nếu bạn bị sốt, lạnh hoặc rối loạn chức năng dạ dày. Nhiễm trùng lỗ xỏ khuyên thường chỉ khu trú ở vùng xỏ khuyên. Tuy nhiên, tình trạng nhiễm trùng lan rộng hoặc vào máu có thể dẫn đến nhiễm trùng toàn thân nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng. Khi bị nhiễm trùng nặng, bạn có thể bị sốt, lạnh buồn nôn, nôn hoặc chóng mặt.[2]
    • Nếu thấy hiện tượng đau, sưng và đỏ gần lỗ xỏ khuyên bắt đầu lan rộng, bạn cần nhanh chóng đến bác sĩ. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy tình trạng nhiễm trùng xấu đi và lan sang các bộ phận khác của cơ thể.
    • Bác sĩ có thể sẽ kê toa thuốc kháng sinh để ngăn chặn tình trạng nhiễm trùng nặng. Nếu nhiễm trùng đã lan vào máu, có lẽ bạn cần nằm viện và truyền kháng sinh qua tĩnh mạch.

Lời khuyên[sửa]

  • Cảnh giác với hiện tượng nhiễm trùng lỗ xỏ khuyên trên mặt hoặc trong miệng; vị trí ở gần não khiến tình trạng nhiễm trùng ở các bộ phận này đặc biệt nguy hiểm.
  • Các vẩy đóng xung quanh lỗ xỏ khuyên không phải lúc nào cũng là dấu hiệu nhiễm trùng; đa phần đó chỉ là một phần của quá trình chữa lành.
  • Không dùng xà phòng hoặc thuốc mỡ thoa lên lỗ xỏ khuyên nghi ngờ nhiễm trùng! Bạn chỉ nên dùng nước muối ấm để rửa (1/4 thìa cà phê muối không chứa i-ốt và 1 cốc nước). Chỉ dùng các liệu pháp khác nếu chuyên viên xỏ khuyên hoặc bác sĩ khuyến nghị. Nếu nghi ngờ, bạn cần đến nơi xỏ khuyên uy tín trước khi xảy ra vấn đề.

Cảnh báo[sửa]

  • Đến bác sĩ khám ngay lập tức nếu xuất hiện các triệu chứng toàn thân như buồn nôn, nôn, lạnh, chóng mặt hoặc lú lẫn. Nhiễm trùng máu là tình trạng rất nghiêm trọng và có thể nguy hiểm đến tính mạng.[3]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]