Điều trị buồn nôn

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Cảm giác buồn nôn thật kinh khủng, toàn bộ cơ thể dường như bất ổn và run lên, mùi thức ăn càng khiến bạn khó chịu hơn. Bất kể buồn nôn nhẹ hay nặng chúng ta đều có các phương pháp tự điều trị để phục hồi sức khỏe cho hoạt động cả ngày.

Các bước[sửa]

Đối phó với buồn nôn bằng thư giãn[sửa]

  1. Đáp ứng những gì cơ thể cần. Nếu buồn nôn gây ra chóng mặt, bạn hạn chế di chuyển nhiều ngay cả khi dạ dày đang sôi lên, trừ khi phải kiếm chỗ nôn.
    • Để chống chóng mặt, quan trọng nhất là bạn phải giữ đầu cố định.[1]
    • Luôn luôn đứng dậy thật chậm sau khi nằm nghỉ để tránh bị chóng mặt.
  2. Đắp khăn ướt và mát lên trán.[2] Dù phương pháp này không thể trị khỏi buồn nôn hay khiến buồn nôn hết nhanh hơn, nhưng nhiều người cảm thấy đắp khăn ướt có thể giảm khó chịu đáng kể. Nằm xuống hoặc ngửa đầu ra sau để khăn không tuột khỏi trán, sau một lúc nhúng ướt lại khăn nếu cần. Bạn có thể di chuyển khăn đắp vào các bộ phận khác để xem hiệu quả có khá hơn không, ví dụ như cổ, vai, cánh tay hoặc bụng.<
  3. Thư giãn. Lo âu khiến buồn nôn trầm trọng hơn, do đó bạn không nên lo nghĩ nhiều về việc ốm đau đang cản trở kế hoạch của mình.[3] Nhớ ngủ đủ giấc ban đêm và ngủ trưa để lấy lại sức khỏe. Bất kể sau khi thức dậy có cảm thấy khỏe hơn hay không, tối thiểu trong thời gian ngủ bạn không phải chịu cảm giác buồn nôn! Tập thở sâu để điều trị khó chịu dạ dày ở mức độ nhẹ, vì kỹ thuật thở này tạo ra nhịp điệu chuyển động khác trong dạ dày.[4][5]
    • Ngồi ở một nơi yên tĩnh.
    • Hít vào chậm qua mũi, để ngực và bụng dưới căng ra trong khi không khí đi vào phổi.
    • Hít đến khi bụng căng ra hết cỡ, sau đó thở ra chậm qua miệng.
  4. Tạo hương thơm dễ chịu ở không gian xung quanh.[6] Nghiên cứu cho thấy hơi bốc lên từ các loại tinh dầu như bạc hà cay và gừng có thể giảm buồn nôn, nhưng cho đến nay kết quả này vẫn chưa được xác nhận chắc chắn.[7] Tuy nhiên nhiều người thật sự cảm thấy khỏe hơn khi có hương thơm xung quanh, như hơi bốc lên từ tinh dầu hay nến thơm.
    • Loại bỏ mùi hôi khỏi môi trường sống. Nhờ người khác đi đổ rác và tránh ngồi trong phòng nóng.
    • Mở cửa sổ để không khí lưu chuyển hoặc mở quạt hướng vào cơ thể.
  5. Tự gây xao nhãng. Đôi khi chỉ cần đi tản bộ và hít thở không khí trong lành cũng giúp bạn khỏe hơn. Hiệu quả của phương pháp này càng rõ nếu bạn dạo bộ ngay khi mới buồn nôn.[3] Tuy nhiên bạn không được gây xao nhãng bằng các hoạt động khiến buồn nôn nặng hơn. Ngừng làm bất kì việc gì khiến tình trạng của bạn xấu thêm.
    • Cố gắng giải khuây và quên đi cơn buồn nôn. Ví dụ như xem phim, nói chuyện với bạn bè, chơi điện tử hoặc nghe các bản nhạc yêu thích.
    • "Nôn ra tốt hơn giữ lại". Bạn nên biết mình có thể nôn và cảm giác dễ chịu sẽ đến sau khi nôn. Đôi khi cố gắng cầm cự không nôn còn tồi tệ hơn cứ để nôn ra và không còn cảm giác khó chịu. Một số người chủ ý gây nôn để cảm giác khó chịu nhanh chóng trôi qua khi họ đang ở vị trí thuận tiện.

Giảm buồn nôn bằng thực phẩm[sửa]

  1. Ăn các bữa chính và bữa phụ. Dùng thực phẩm trị buồn nôn có lẽ là giải pháp cuối cùng bạn muốn nghĩ đến. Thật ra nó nên nằm ở dòng đầu tiên trên danh sách các phương pháp điều trị! Bỏ bữa, dù là bữa ăn chính hay phụ đều khiến bạn đói và buồn nôn nhiều hơn, vì vậy bạn hãy cố gắng vượt qua cảm giác ngán ăn tạm thời để tái lập trạng thái bình thường.
    • Ăn nhiều bữa nhỏ xuyên suốt ngày hoặc ăn vặt để giúp dạ dày hoạt động êm hơn. Dù vậy bạn tránh ăn quá nhiều, phải ngừng lại khi đã no.
    • Tránh thực phẩm cay và thực phẩm qua chế biến với dầu mỡ như khoai tây chiên, thức ăn chiên, bánh chiên, pizza và v.v... Các loại thực phẩm này gây buồn nôn nhiều hơn.[3]
  2. Ăn theo chế độ BRAT.[8] BRAT là cách viết tắt của các từ “Banana, Rice, Applesauce và Toast” (Chuối, Cơm, Sốt táo và Bánh mì). Chế độ ăn nhạt này khuyến khích áp dụng cho những người đang bị tiêu chảy hay khó chịu dạ dày, vì thực phẩm nhạt dễ tiêu hóa.[9] Chế độ ăn BRAT không thể trị khỏi buồn nôn nhưng sẽ hạn chế triệu chứng và ngăn ngừa phản ứng tiêu cực nếu bạn ăn phải thực phẩm không tốt.
    • Không áp dụng chế độ ăn BRAT trong thời gian dài.
    • Thông thường bạn có thể từ từ chuyển sang chế độ ăn bình thường trong 24-48 giờ.
    • Bạn có thể bổ sung những thực phẩm nhạt dễ tiêu hóa khác vào cách ăn này (súp trong, bánh quy v.v...).
    • Nên nhớ nếu bạn muốn chủ động gây nôn thì chỉ uống chất lỏng trong. Chế độ ăn BRAT chỉ khuyến nghị áp dụng sau khi bạn trải qua 6 giờ không nôn.
  3. Sử dụng gừng. Nhiều nghiên cứu cho thấy 1 gam gừng có khả năng giảm buồn nôn đáng kể. Mỗi lần dùng tối đa 1 gam gừng và 4 gam trong một ngày.[10] Nếu đang mang thai bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng - lượng gừng nên dùng trong thai kỳ khoảng 650mg tới 1 gam, nhưng không bao giờ nhiều hơn 1 gam. Có nhiều cách kết hợp gừng vào bữa ăn nhưng không được sử dụng nhiều gừng trong một bữa.
    • Nhấm nháp mứt gừng.
    • Pha trà gừng bằng cách ngâm gừng tươi nạo trong nước sôi.
    • Mua và uống thức uống ướp gừng.
    • Không phải người nào cũng phản ứng tốt với gừng. Vì lý do nào đó có một số người không thể giảm buồn nôn bằng gừng.
  4. Sử dụng bạc hà cay. Mặc dù giới khoa học chưa thống nhất quan điểm về tác dụng của bạc hà cay nhưng một vài nghiên cứu chứng minh bạc hà cay có thể giảm buồn nôn hiệu quả. Từ lâu bạc hà cay đã được dùng để xử lý các vấn đề về tiêu hóa như ợ nóng và khó tiêu, ngừng co thắt dạ dày là nguyên nhân gây nôn. Kẹo hương bạc hà như Mentos hoặc Tic-Tacs chỉ nên ăn vừa phải vì đường trong đó có thể khiến bạn buồn nôn hơn. Kẹo cao su hương bạc hà không đường là một giải pháp, nhưng bạn nên cẩn thận vì khi nhai không khí sẽ lọt vào dạ dày, gây đầy hơi và dẫn đến buồn nôn hơn. Nếu bạn đang áp dụng chế độ ăn lỏng thì trà bạc hà cay là lựa chọn tuyệt vời.
  5. Uống đủ nước. Một người bình thường cần uống 8-10 cốc nước mỗi ngày, nhưng khi ốm nhu cầu này càng quan trọng hơn. Bạn phải đặc biệt chú ý giữ cơ thể đủ nước nếu buồn nôn kèm theo nôn.
    • Nước uống thể thao có tác dụng tốt khi được điều chỉnh thích hợp. Nôn khiến cơ thể mất nước và các chất điện giải như kali và natri, trong khi đó nước uống thể thao chứa những chất này. Tuy nhiên, thức uống thể thao có nồng độ quá đậm đặc so với nhu cầu chống mất nước, chứa nhiều đường hơn cần thiết và các hóa chất có hại như chất tạo màu nhân tạo - là chất giúp thu hút người dùng thay vì mang lại lợi ích cho sức khỏe. Thế nhưng bạn dễ dàng pha loãng thức uống thể thao bằng cách:
    • Thay thế một nửa hay 1/4 dung tích bằng nước lọc.
    • Hoặc cứ uống một phần nước uống thể thao thì uống một phần nước lọc. Phương pháp này hữu ích với người nào lười uống nước lọc nhưng thích uống nước ngọt.[6]
  6. Uống sô đa đã sủi hết bọt. Mặc dù chứa nhiều đường nhưng nước sô đa đã sủi hết bọt có thể giúp dạ dày bớt khó chịu. Để có loại sô đa này bạn rót lon sô đa vào chai kín có nắp, lắc rồi mở nắp cho khí thoát ra, đóng nắp và tiếp tục lắc cho đến khi không còn khí sinh ra.
    • Trong thời gian dài người ta từng sử dụng cây cô-la chống buồn nôn, thậm chí trước khi cô-la được sử dụng để sản xuất nước ngọt.
    • Nước uống ướp gừng chứa gừng thật sự chứ không chỉ có hương gừng, do đó là loại nước chống nôn tốt.
  7. Tránh xa thức uống có hại. Cung cấp chất lỏng cho cơ thể là việc quan trọng nhưng có một số thức uống gây buồn nôn nhiều hơn. Ví dụ như rượu bia, thức uống chứa caffein hoặc được cacbonat hóa không tốt để trị buồn nôn vì chúng kích thích dạ dày nhiều hơn.[3] Nếu buồn nôn kèm theo tiêu chảy thì bạn tránh uống sữa và các sản phẩm từ sữa cho đến khi hết bệnh. Lactose trong sữa rất khó tiêu hóa và khiến tiêu chảy nặng hơn hoặc lâu khỏi.[11]

Điều trị buồn nôn bằng thuốc[sửa]

  1. Sử dụng thuốc không kê toa. Nếu chắc chắn nguyên nhân gây buồn nôn chỉ là tạm thời và đó không phải là triệu chứng của một vấn đề tiềm ẩn khác, bạn có thể uống thuốc không kê toa để điều trị. Trước khi mua thuốc bạn nên xác định nguyên nhân gây buồn nôn - có thể do dạ dày khó chịu hoặc say xe. Những loại thuốc này dùng để trị buồn nôn có nguyên nhân cụ thể.
    • Ví dụ, buồn nôn do khó chịu dạ dày hoặc viêm dạ dày-ruột có thể trị bằng thuốc Pepto-Bismol, Maalox hoặc Mylanta. Nhưng buồn nôn do say tàu xe nên điều trị bằng Dramamine.
  2. Khám bệnh để được kê thuốc nếu cần. Một số thủ thuật y khoa như phẫu thuật hoặc điều trị ung thư có thể gây buồn nôn dữ dội và bạn buộc phải sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó buồn nôn cũng có thể là triệu chứng của nhiều căn bệnh khác như bệnh thận mãn tính hoặc loét dạ dày tá tràng.[12] Có nhiều loại thuốc khác nhau để trị buồn nôn và bạn cần khám bệnh để được bác sĩ kê thuốc đúng với nguyên nhân cụ thể.[13]
    • Ví dụ, Zofran (ondansetron) thường được dùng để triệt tiêu buồn nôn do điều trị bằng hóa học trị liệu và phóng xạ.[14]
    • Phenergan (promethazine) được kê sau khi bệnh nhân trải qua phẫu thuật và trị say xe, và scopolamine chỉ được dùng để điều trị say tàu xe.[15][16]
    • Sử dụng thuốc domperidone (Motilium) khi dạ dày rất khó chịu, và đôi khi thuốc này cũng được dùng trong quá trình điều trị bệnh Parkinson.[17]
  3. Uống thuốc theo chỉ định. Đối với thuốc không kê toa bạn phải đọc kỹ thông tin về liều lượng sử dụng trên nhãn và tuân thủ nghiêm ngặt. Thuốc bán theo toa cũng có hướng dẫn trên bao bì nhưng bạn nên ưu tiên làm theo hướng dẫn của bác sĩ. Họ có thể thay đổi liều lượng chút ít dựa trên thông tin về tiền sử bệnh của bạn.
    • Vì có hoạt lực mạnh nên những thuốc kê toa có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng nếu uống sai chỉ định. Ví dụ, uống quá liều thuốc Zofran sẽ gây mù tạm thời, táo bón nặng, hạ huyết áp và ngất xỉu.[18]

Xử lý nguyên nhân gây buồn nôn[sửa]

  1. Cân nhắc xem có phải bạn mắc bệnh nào đó. Bệnh lý là một trong những nguyên nhân chính gây ra buồn nôn, ví dụ như cúm, bệnh về dạ dày và một số bệnh khác.
    • Đây là thời điểm cần thiết để kiểm tra thân nhiệt, dù không phải bệnh nào cũng gây sốt nhưng nó giúp bạn thu hẹp danh sách nguyên nhân khiến buồn nôn.
    • Có phải thực phẩm là nguyên nhân? Hiện nay ngộ độc thực phẩm khá phổ biến, vì vậy bạn nên chú ý những thành viên khác trong gia đình, nếu tất cả đều đau bụng sau khi ăn bữa tối hôm qua thì có khả năng là ngộ độc thực phẩm.
    • Nếu vấn đề kéo dài liên tục vài ngày, nhiều khả năng bạn mắc bệnh về dạ dày-ruột chứ không phải "đau bụng" thông thường. Nói chung có nhiều lý do khiến bạn buồn nôn, từ đơn giản đến phức tạp, vì vậy có thể bạn phải đi khám bệnh. Thậm chí buồn nôn nặng và kéo dài có khi là nguyên nhân khiến người ta phải đi cấp cứu (thảo luận sâu hơn ở phần sau).
  2. Xem xét nguyên nhân bị dị ứng hoặc không dung nạp thực phẩm. Nếu các cơn buồn nôn thường xuyên xảy ra, bạn viết nhật ký trong vài tuần về vấn đề này để tìm ra thủ phạm. Khi nghi ngờ cơ thể không thể dung nạp hay phản ứng không tốt với thực phẩm, bạn nên tránh hoặc hạn chế ăn thực phẩm đó và cho bác sĩ biết.
    • Không dung nạp lactose là nguyên nhân phổ biến gây buồn nôn.[19] Hầu như chỉ những người gốc châu Âu mới có khả năng tiêu hóa sữa dễ dàng, thế nhưng vẫn có nhiều người trong số họ không thể dung nạp sữa. Sử dụng những loại thuốc như Lactaid hay Dairy Ease để hỗ trợ tiêu hóa sản phẩm từ sữa, hoặc chỉ ăn những sản phẩm đã được xử lý bằng enzim như sữa chua và phô mai.
    • Dị ứng hoặc nhạy cảm với thực phẩm cũng gây ra vấn đề. Nếu bạn cảm thấy buồn nôn ngay sau khi ăn dâu tây hoặc thực phẩm có dâu, đây có thể là dấu hiệu nhạy cảm với thực phẩm.
    • Chỉ có bác sĩ chuyên khoa mới chẩn đoán được tình trạng nhạy cảm và không dung nạp thực phẩm.
    • Ở một số nơi người ta có khuynh hướng tự chẩn đoán là "không dung nạp gluten" hoặc đưa ra kết luận tương tự mà không cần xét nghiệm y khoa. Cẩn thận với trào lưu như vậy! Có những người phản ứng dữ dội với gluten, nhưng đôi khi cách "chữa trị" chỉ nhờ vào liều thuốc tâm lý hoặc đơn giản sau một thời gian người đó tự khỏe lại, và họ mặc nhiên gán kết quả này là do thay đổi chế độ ăn, trong khi không có gì chứng minh kết luận đó hoặc đơn giản là cơ thể tự hồi phục.
  3. Xem xét có phải thuốc là nguyên nhân gây buồn nôn. Trước khi uống thuốc để trị buồn nôn, đầu tiên bạn phải chắc chắn rằng những loại thuốc mình đang uống không phải là nguyên nhân của vấn đề. Nhiều loại thuốc như codeine hoặc hydrocodone có thể dẫn đến buồn nôn và nôn.[20] Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ để biết liệu có loại thuốc nào mình đang uống có tác dụng phụ là buồn nôn. Họ sẽ thay thế bằng thuốc khác hoặc chỉ định liều lượng thấp hơn.
  4. Xem xét nguyên nhân say tàu xe.[21] Một số người buồn nôn khi đi máy bay, tàu thuyền hoặc ngồi xe ôtô, tình trạng này cũng xảy ra khi bạn ngồi trên kiệu rước trong các lễ hội. Để ngăn chặn buồn nôn bạn nên chọn vị trí ngồi ít cảm thấy chuyển động nhất - là hàng ghế đầu trên xe hoặc chỗ ngồi cạnh cửa sổ trên máy bay.
    • Hít thở không khí trong lành bằng cách kéo cửa sổ xuống hoặc ra ngoài tản bộ chốc lát.
    • Tránh hút thuốc lá.
    • Không ăn thực phẩm cay hoặc nhiều dầu mỡ.
    • Cố gắng giữ đầu cố định tối đa để chống say do chuyển động.
    • Các thuốc kháng histamin như Dimenhydrinat hoặc Vomina là thuốc trị say tàu xe hiệu quả. Bạn nên uống thuốc trước khi xe chạy khoảng 30 phút tới 1 giờ, tuy nhiên thuốc có tác dụng phụ là buồn ngủ.
    • Scopolamine là thuốc bán theo toa dành cho các ca nặng.
    • Gừng và sản phẩm từ gừng hiệu quả với một số người, chẳng hạn nước uống ướp gừng (với hương thiên nhiên), củ gừng hay kẹo gừng, tất cả đều hữu ích.
    • Tránh đi tàu xe khi bụng quá no hay quá đói.
  5. Chứng "buồn nôn buổi sáng" trong thai kỳ sẽ tự khỏi. Mặc dù người ta hay gọi là “buồn nôn buổi sáng” nhưng tình trạng này, vốn thường xuất hiện trong giai đoạn đầu (đôi khi trễ hơn) của thai kỳ, có thể xảy ra bất kì lúc nào trong ngày. Thông thường buồn nôn sẽ hết sau tam cá nguyệt đầu tiên, vì vậy bạn phải mạnh mẽ lên và chờ đợi. Tuy nhiên nếu tình trạng quá nặng, xảy ra thường xuyên hoặc tiến triển, bạn nên gặp bác sĩ.[22]
    • Ăn bánh quy, đặc biệt là bánh quy mặn giúp bạn cảm thấy khá hơn, nhưng tránh ăn quá no trong bữa. Thay vào đó bạn nên ăn các bữa nhỏ cách nhau 1-2 giờ.
    • Sản phẩm từ gừng như trà gừng cũng cho thấy hiệu quả giảm buồn nôn buổi sáng.[23]
  6. Cung cấp nước cho cơ thể sau khi uống rượu bia. Nếu tối hôm trước đã uống quá chén, sáng hôm sau bạn phải bổ sung nước để hồi phục sức khỏe. Cũng có một số thuốc như Alka-Seltzer Morning Relief được bào chế để đẩy nhanh quá trình phục hồi sau khi uống rượu bia.
  7. Cung cấp nước để điều trị viêm dạ dày-ruột.[24] Cúm dạ dày có thể gây buồn nôn từ nhẹ tới nặng và nôn, thường kèm theo đau bụng, tiêu chảy và sốt. Nôn và tiêu chảy khiến cơ thể mất nước, vì vậy bạn phải tái cung cấp nhiều nước và thức uống thể thao. Nếu bạn không thể uống nhiều nước một lúc thì chia thành nhiều ngụm nhỏ và uống thường xuyên hơn.
    • Dấu hiệu mất nước bao gồm nước tiểu thẫm màu, chóng mặt và khô miệng.
    • Tìm biện pháp điều trị nếu bạn không thể hấp thu nước.
  8. Xem xét nguyên nhân mất nước. Trong nhiều trường hợp đuối sức do thời tiết nóng và các tình huống khiến mất nước, buồn nôn có thể là triệu chứng của tình trạng cơ thể mất nước.
    • Không uống nước quá nhanh. Uống vài ngụm nhỏ mỗi lần hoặc ngậm nước đá viên để không kích thích phản ứng nôn.
    • Tốt nhất nước uống không quá lạnh, mát hoặc ấm là lý tưởng. Đặc biệt khi cơ thể bạn quá nóng, uống nước lạnh khiến dạ dày co thắt và nôn ra.
  9. Biết khi nào phải đi khám bệnh. Có nhiều căn bệnh nghiêm trọng cũng gây buồn nôn như viêm gan, nhiễm toan ketone, chấn thương đầu nặng, ngộ độc thực phẩm, viêm tụy, tắc ruột, viêm ruột thừa và v.v... Đi khám bệnh nếu bạn:[3]
    • Không thể hấp thu thức ăn hoặc nước
    • Nôn từ 3 lần trở lên trong 1 ngày
    • Buồn nôn lâu hơn 48 giờ
    • Mất sức
    • Sốt
    • Đau bụng
    • Không thể đi tiểu từ 8 giờ trở lên
  10. Đến phòng cấp cứu nếu cần. Buồn nôn không phải là lý do để bạn phải đi cấp cứu trong đa số các trường hợp. Tuy nhiên, nếu thấy bất kì triệu chứng nào dưới đây thì bạn có thể phải đi cấp cứu:[9]
    • Đau ngực
    • Đau hoặc co thắt bụng dữ dội
    • Mờ mắt hoặc ngất xỉu
    • Lơ mơ
    • Sốt cao và căng cứng cổ
    • Nhức đầu dữ dội
    • Chất nôn có máu hoặc giống như bã cà phê

Lời khuyên[sửa]

  • Nếu cảm thấy sắp nôn bạn không nên kháng lại, vì đây là phản ứng để cơ thể đẩy những thứ không thuộc về nó ra ngoài. Khả năng bạn sẽ thấy khỏe sau khi nôn ra hết.
  • Nếu không thể ngủ vì buồn nôn, bạn thử nằm trên hông trái và cong đầu gối như tư thế thai nhi nằm trong bụng.
  • Uống viên gừng sấy khô (bán ở cửa hàng thực phẩm sạch) để chống say tàu xe và buồn nôn, nó rất hiệu quả mà cũng không gây ra tác dụng phụ.
  • Nếu hóa học trị liệu hay căn bệnh nào đó là nguyên nhân dẫn đến buồn nôn, ở một số khu vực trên thế giới người ta có thể sử dụng cần sa. Về vấn đề này bạn nên tìm hiểu luật pháp ở nơi mình sống.
  • Làm mát cơ thể. Đôi khi buồn nôn xảy ra khi bạn quá nóng, khi đó bạn nên uống nước lạnh hoặc mở quạt.
  • Nhỏ nước cốt chanh lên cục nước đá và ngậm trong miệng, bạn sẽ cảm thấy khỏe hơn.
  • Không nghĩ đến chuyện nôn ọe vì cảm giác buồn nôn dễ đến khi bạn đang lau rửa bằng các sản phẩm nặng mùi, chẳng hạn thuốc tẩy. Việc này có tác động đáng kể!
  • Không ăn thực phẩm cay hoặc thực phẩm quá nhão vì chúng khiến tình hình xấu hơn. Chỉ nên ăn ít trong thời gian này, đôi khi ăn nhiều gây ra buồn nôn.
  • Ngồi với đầu tựa ra sau và kê cao chân, cảm giác buồn nôn sẽ tạm hết cho đến khi bạn đứng dậy.
  • Tránh âm thanh ồn ào và ánh đèn mạnh. Thư giãn trong phòng tối và yên tĩnh, có không khí tươi lùa vào càng tốt.
  • Không nhai kẹo cao su. Nhai kẹo cao su không chỉ làm đầy hơi mà còn khiến dạ dày tưởng rằng bạn đang muốn tiêu hóa thức ăn, vì vậy nó sẽ tiết ra axít và gây buồn nôn nhiều hơn.

Cảnh báo[sửa]

  • Đi khám bệnh nếu buồn nôn kèm theo sốt, đặc biệt với người lớn tuổi.
  • Có khả năng nguyên nhân của buồn nôn là do mang thai, bạn nên tránh uống thuốc hay rượu, hoặc bất kì thứ gì có thể làm tổn thương thai nhi.
  • Buồn nôn liên tục hoặc kéo dài có khi là triệu chứng của nhiều căn bệnh khác nhau, như cúm, ngộ độc thực phẩm, bệnh đường ruột, khối u và v.v... Bạn nên đi khám bệnh nếu buồn nôn mà không rõ lý do. Cho dù bạn biết chắc nguyên nhân, chẳng hạn say tàu xe, thì cũng nên đi gặp bác sĩ nếu buồn nôn không hết sau 1-2 ngày.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

  1. http://www.entnet.org/content/dizziness-and-motion-sickness
  2. https://www4.mdanderson.org/pe/index.cfm?pageName=opendoc&docid=98
  3. 3,0 3,1 3,2 3,3 3,4 http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/patientinstructions/000122.htm
  4. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/10596772
  5. http://www.health.harvard.edu/mind-and-mood/relaxation-techniques-breath-control-helps-quell-errant-stress-response
  6. 6,0 6,1 http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/patientinstructions/000122.htm
  7. http://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/22784340
  8. http://familydoctor.org/familydoctor/en/prevention-wellness/food-nutrition/weight-loss/brat-diet-recovering-from-an-upset-stomach.printerview.html
  9. 9,0 9,1 http://www.mayoclinic.org/symptoms/nausea/basics/when-to-see-doctor/sym-20050736
  10. https://nccih.nih.gov/health/ginger
  11. http://www.mayoclinic.org/first-aid/first-aid-gastroenteritis/basics/art-20056595
  12. http://www.mayoclinic.org/symptom-checker/nausea-or-vomiting-adult/related-factors/itt-20009075
  13. http://www.aafp.org/afp/2004/0301/p1169.html
  14. http://www.webmd.com/drugs/2/drug-30/zofran-oral/details
  15. http://www.webmd.com/drugs/2/drug-6606/phenergan-oral/details
  16. http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/druginfo/meds/a682509.html
  17. http://www.mayoclinic.org/drugs-supplements/domperidone-oral-route/description/drg-20063481
  18. http://www.rxlist.com/zofran-drug/overdosage-contraindications.htm
  19. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/lactose-intolerance/basics/lifestyle-home-remedies/con-20027906
  20. https://provider.ghc.org/open/caringForOurMembers/patientHealthEducation/conditionsDiseases/nauseaMedicine.pdf
  21. http://www.mayoclinic.org/first-aid/first-aid-motion-sickness/basics/ART-20056697?p=1
  22. http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/morning-sickness/basics/definition/con-20033445
  23. http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/ency/article/003119.htm
  24. http://www.webmd.com/digestive-disorders/gastroenteritis

Liên kết đến đây