Phòng ngừa viêm gan B

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Bệnh viêm gan là tình trạng viêm và rối loạn chức năng của gan. Viêm gan có thể là do tiêu thụ độc tố (đặc biệt là rượu bia), uống thuốc quá liều, chấn thương hoặc nhiễm vi-rút. Viêm gan B là vi-rút thường gặp gây nhiễm trùng và viêm gan, có thể trong thời gian ngắn (cấp tính) hoặc trong thời gian dài (mãn tính). Theo ước tính, trên thế giới có khoảng 2 tỉ người bị nhiễm vi-rút viêm gan B (HBV) và hơn 350 triệu người bị viêm gan B mãn tính, dẫn đến nhiễm trùng gan suốt đời.[1] Triệu chứng viêm gan B cấp tính gồm có vàng da và vàng mắt, sốt, mệt mỏi, nước tiểu tối màu và đau bụng.[2] Trường hợp viêm gan mãn tính sẽ bị rối loạn chức năng gan tiến triển, xơ gan và cuối cùng là suy gan. Viêm gan B không có thuốc chữa khỏi nhưng có thể ngăn ngừa bằng cách tiêm vắc-xin và thay đổi lối sống.

Các bước[sửa]

Ngăn ngừa viêm gan B bằng vắc-xin[sửa]

  1. Tiêm vắc-xin cho trẻ sơ sinh. Theo Bộ Y tế, cách phòng ngừa viêm gan B tốt nhất là tiêm vắc-xin, đặc biệt là ngay sau khi sinh. [3] Hiện có hai loại vắc-xin HBV là Recombivax HB và Engerix-B. Cả hai loại đều cần tiêm vào cơ bắp 3 lần trong khoảng thời gian 6 tháng. Trẻ sơ sinh cần được tiêm liều ngừa viêm gan B đầu tiên ngay sau khi sinh và 2 liều tiếp theo trong vòng 6 tháng. Vắc-xin thường được tiêm vào bắp đùi của trẻ.
    • Trẻ sơ sinh có mẹ bị viêm gan B cấp tính hoặc từng bị viêm gan B nên được tiêm vắc-xin trong vòng 12 tiếng sau sinh.[4]
    • Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), sau 3 liều vắc-xin, có ít nhất 95% trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và thanh thiếu niên phát triển kháng thể đủ chống lại HBV và miễn nhiễm. [1]
    • Tác dụng phụ khi tiêm vắc-xin viêm gan B thường không nghiêm trọng, bao gồm cảm giác đau ở vị trí tiêm và triệu chứng giống cảm cúm ở mức độ nhẹ.
  2. Cho trẻ tiêm liều "chích đuổi". Trẻ nhỏ hoặc thanh thiếu niên chưa tiêm vắc-xin HBV sau khi sinh cần được tiêm liều "chích đuổi" để giúp hệ miễn dịch “tăng tốc độ” phòng ngừa nhiễm viêm gan B. [4] Bước này vô cùng cần thiết đối với trẻ có hệ miễn dịch kém, trẻ cần truyền máu thường xuyên và trẻ mắc bệnh gan, thận nghiêm trọng. Bên cạnh đó, thanh thiếu niên đến tuổi dậy thì cùng cần được "chích đuổi". Cơ vai là vị trí tiêm vắc-xin viêm gan B được khuyến nghị cho trẻ nhỏ và người trưởng thành.
    • HBV là bệnh lây nhiễm nhưng không lây truyền qua nước bọt. Bệnh chỉ lây truyền qua tiếp xúc với máu và các chất dịch cơ thể khác như tinh dịch.[4] Do đó, bạn sẽ không nhiễm viêm gan B nếu dùng chung thức ăn, nước uống, khi hôn hoặc hắt hơi.
    • Vắc-xin Recombivax HB chỉ có 2 liều (thay vì 3 liều) cho thanh thiếu niên từ 11-15 tuổi nên sẽ là lựa chọn thích hợp hơn đối với trẻ sợ kim tiêm.
  3. "Tiêm nhắc" nếu thuộc nhóm nguy cơ cao. Ngay cả khi đã tiêm vắc-xin sau khi sinh, bạn cũng nên được tiêm nhắc lại (3 liều trong vòng 6 tháng) nếu thuộc nhóm nguy cơ cao. Người có nguy cơ cao bị viêm gan B gồm có nhân viên y tế, người đi du lịch thường xuyên (đặc biệt là đến các quốc gia đang phát triển), người sống ở quốc gia có nguy cơ nhiễm viêm gan B cao, bệnh nhân chạy thận nhân tạo, người quan hệ tình dục bừa bãi, người từng mắc bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, phụ nữ mang thai, người đồng tính nam, người dùng ma túy, người trong trung tâm cải huấn, người cần sản phẩm cung cấp máu hoặc truyền máu thường xuyên (bệnh nhân chạy thận nhân tạo), người có hệ miễn dịch suy yếu và người mắc bệnh gan, thận mãn tính.[3]
    • Lịch tiêm vắc-xin viêm gan B đều đặn (3 liều) chỉ hiệu quả 75% trong việc phòng ngừa viêm gan hay viêm gan lâm sàng ở người trên 60 tuổi. [1] Do đó, người trên 60 tuổi cần trao đổi với bác sĩ về việc tiêm liều cao hơn hoặc nhiều liều hơn để bảo vệ cơ thể khỏi viêm gan B.
    • Con đường lây truyền viêm gan B phổ biến: quan hệ tình dục không an toàn với người bệnh; dùng chung bơm kim tiêm nhiễm vi-rút, dùng chung dụng cụ tiêm tĩnh mạch; vô tình bị kim tiêm đâm trúng (bác sĩ, y tá, nhân viên y tế,…); người mẹ bị viêm gan B truyền sang con.[5]

Phòng ngừa viêm gan B thông qua lối sống[sửa]

  1. Quan hệ tình dục an toàn. Sự giao thoa chất dịch cơ thể (máu, tinh dịch, dịch âm đạo) trong khi quan hệ tình dục là con đường lây truyền viêm gan B phổ biến nhất ở người trưởng thành. Do đó, bạn cần hiểu rõ tình trạng có nhiễm viêm gan B hay không của đối phương và luôn mang bao cao su để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm viêm gan B.[6] Bao cao su không hoàn toàn loại bỏ được nguy cơ nhiễm viêm gan B hay các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục nhưng giúp giảm đáng kể nguy này.
    • Dùng bao cao su (latex hoặc polyurethane) mới mỗi khi quan hệ tình dục, ngay cả khi không giao hợp.
    • Vi-rút HBV không thể xâm nhập vào bao cao su chất liệu latex hoặc polyurethane nhưng đôi khi bao cao su có thể bị xước, rách hoặc sử dụng không đúng cách.
  2. Ngừng tiêm ma túy. Một số loại thuốc bất hợp pháp như herotin được tiêm bằng bơm kim tiêm không những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe mà còn làm tăng đáng kể nguy cơ viêm gan B nếu dùng chung bơm kim tiêm.[7] Việc tự hứa với bản thân sẽ không dùng chung bơm kim tiêm với các con nghiện khác thực sự không có ích vì cảm giác khó chịu khi cai nghiện có thể khiến con nghiện tuyệt vọng và bất chấp. Do đó, tốt nhất bạn nên ngừng sử dụng ma túy và các loại thuốc bất hợp pháp khác. Nếu cần sự hỗ trợ, hãy yêu cầu bác sĩ giới thiệu các chương trình cai nghiện.
    • Trong trường hợp không thể bỏ tiêm ma túy, bạn cần nhớ rằng rửa sạch bơm kim tiêm (ngay cả với thuốc tẩy) cũng không tránh được nguy cơ nhiễm viêm gan B nên không được dùng chung bơm kim tiêm.[3]
    • Các vật dụng khác để dùng ma túy cũng có thể dính máu nhiễm HBV (ví dụ như ống hút để hít cocaine) nên bạn không được dùng chung bất cứ thứ gì với con nghiện ma túy khác, ngay cả dao cạo và bàn chải đánh răng.[7]
  3. Thận trọng với việc xỏ khuyên và xăm mình. Xỏ khuyên và xăm mình không phải là những hành vi mang nguy cơ cao nhiễm viêm gan B hay các loại nhiễm trùng khác. Tuy nhiên, vi-rút HBV ở trong máu nên bạn có nguy cơ nhiễm nếu người xỏ khuyên hoặc xăm mình cho bạn không khử trùng thiết bị đúng cách, không dùng găng tay sử dụng một lần và/hoặc không thực hành vệ sinh sạch sẽ.[7] Do đó, bạn chỉ nên đến các cửa hàng uy tín và sẵn lòng trả lời các câu hỏi về cách giảm nguy cơ lây truyền các bệnh truyền nhiễm như viêm gan B.
    • Cân nhắc việc đi xỏ khuyên hoặc xăm mình vào buổi sáng (như vậy bạn sẽ là khách hàng đầu tiên trong ngày) và yêu cầu nhân viên cho bạn xem cách họ khử trùng thiết bị.
    • Giải thích rõ lý do vì sao bạn lại thận trọng với các bệnh lây truyền qua đường máu để tránh hiểu lầm rằng bạn nghi ngờ độ chuyên nghiệp của nhân viên và thực chất là bạn chỉ muốn nâng cao ý thức về vệ sinh.
  4. Tăng cường hệ miễn dịch. Đối với bất cứ bệnh nhiễm trùng nào (nhiễm vi-rút, vi khuẩn hoặc nấm), phương pháp phòng ngừa thực sự chính là dựa vào hệ miễn dịch khỏe mạnh. Hệ thống miễn dịch bao gồm các tế bào chuyên biệt sẽ tìm kiếm và cố gắng phá hủy vi-rút HBV. Tuy nhiên, khi hệ miễn dịch suy yếu và không thể thực hiện chức năng, HBV sẽ tăng sinh trong máu và gây viêm, tổn thương gan.[8] Vì vậy, tập trung giúp hệ miễn dịch được khỏe mạnh và hoạt động đúng cách là cách tiếp cận hợp lý, tự nhiên để ngăn ngừa viêm gan B và hầu như tất cả các bệnh truyền nhiễm khác.
    • Ngủ đủ giấc (và ngủ ngon giấc), ăn nhiều rau củ quả tươi, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, uống nhiều nước tinh khiết và tập bài tập cơ tim đều đặn là những cách được chứng minh giúp tăng cường chức năng miễn dịch.[9]
    • Phản ứng miễn dịch cũng sẽ tốt hơn khi bạn cắt giảm tiêu thụ đường tinh luyện (soda, kẹo, kem, hầu hết các loại bánh nướng), giảm tiêu thụ rượu bia và bỏ thuốc lá.
    • Thực phẩm chức năng tăng cường hệ miễn dịch gồm có vitamin A, C, D, kẽm, selen, cúc Echinacea, chiết xuất lá ôliu và rễ hoàng kỳ.[9]
  5. Tiêm HBIG. Nếu chưa tiêm vắc-xin ngừa HBV và lo lắng rằng bản thân có thể đã tiếp xúc với vi-rút (ví dụ như bị kim châm hoặc quan hệ tình dục không an toàn), bạn nên trao đổi với bác sĩ về việc tiêm một liều HBIG (Hepatitis B Immune Globulin) (HBIG) để phòng ngừa nhiễm viêm gan B.[10] Vắc-xin HBIG được khuyến nghị tiêm sau khi tiếp xúc với vi-rút HBV (tốt nhất là trong vòng 24 tiếng) vì vắc-xin giúp ngăn tăng sinh vi-rút, bảo vệ cơ thể khỏi viêm gan B một cách tức thời và trong thời gian ngắn.[3]
    • Bên cạnh tiêm HBIG, một liều vắc-xin HBV cũng có thể được tiêm cùng lúc cho người chưa tiêm vắc-xin trước đó.
    • Tiêm HBIG không đảm bảo bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm HBV và vắc-xin cũng trở nên kém hiệu quả hơn nhiều nếu tiêm sau 24 tiếng kể từ thời điểm tiếp xúc với vi-rút.
    • Trẻ sơ sinh có mẹ bị viêm gan B cần được tiêm vắc-xin HBV và HBIG.

Lời khuyên[sửa]

  • Viêm gan B cấp tính thường tự khỏi sau vài tuần và thường không cần điều trị y tế.
  • Không có phương pháp y tế nào ngăn ngừa viêm gan cấp tính phát triển thành mãn tính. Do đó, bạn cần tăng cường hệ miễn dịch khỏe mạnh.
  • Viêm gan B mãn tính có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng, bao gồm sẹo ở gan (xơ gan), ung thư gan và suy gan.[8]

Warning[sửa]

  • Nếu không tiêm vắc-xin, trẻ sơ sinh có mẹ bị viêm gan B có thể mắc viêm gan mãn tính và các vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]