Chăm sóc trẻ đang mọc răng

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Mọc răng là một phần trong quá trình phát triển của trẻ nhỏ. Việc mọc răng có thể gây đau đớn và khó chịu khiến cho trẻ quấy khóc. Tuy nhiên, bạn có thể áp dụng nhiều cách để giảm cơn đau khi trẻ mọc răng như liệu pháp điều trị tại nhà hoặc chăm sóc y tế bên ngoài.

Các bước[sửa]

Phương pháp xử lý tại nhà[sửa]

  1. Dùng ngón tay sạch xoa lên nướu của trẻ. Thỉnh thoảng dùng áp lực sẽ giúp làm dịu cơn đau khi trẻ mọc răng. Dùng ngón tay sạch để xoa lên nướu của trẻ. Nếu bạn không thoải mái khi dùng ngón tay, có thể dùng miếng gạc ẩm.[1]
  2. Làm mát miệng của trẻ. Cách này có thể giúp giảm cơn đau khi trẻ mọc răng. Hãy dùng một số vật liệu để làm mát cho nướu và miệng của trẻ.
    • Bạn có thể dùng khăn lạnh, thìa lạnh hoặc vòng ngậm ướp lạnh để trẻ cảm thấy dễ chịu.[1]
    • Bạn chỉ nên dùng vật liệu mát, đừng dùng bất kỳ thứ gì được đông lạnh vì không tốt cho sức khỏe của trẻ. Tiếp xúc với vật có nhiệt độ cực lạnh sẽ gây tổn hại đến miệng và nướu. Hãy ướp lạnh vật dụng bằng bạc hoặc vòng ngậm trong ngăn mát tủ lạnh thay vì cho vào tủ đông.[1]
  3. Mua dụng cụ ngậm cho trẻ. Bạn có thể mua trên mạng hoặc ở hiệu thuốc. Dụng cụ ngậm là vòng ngậm truyền thống được làm bằng nhựa có kích thước nhỏ mà trẻ có thể gặm khi nướu ngứa ngáy. Ngoài ra, bạn cũng có thể mua chăn gặm nướu để tiện lợi hơn. Một số dụng cụ có chế độ rung để mát xa nướu và giúp giảm đau.[2]
  4. Cho trẻ ăn thức ăn cứng. Thức ăn cứng cũng giúp ích nếu trẻ đủ lớn để ăn loại thức ăn này. Trẻ có thể nhai hoặc gặm thức ăn cứng như dưa chuột đã bào vỏ hoặc cà rốt hoặc bánh quy dành cho trẻ đang mọc răng và sức ép có thể giúp làm giảm cơn đau.[1]
    • Quan sát kỹ khi bạn cho trẻ ăn thức ăn cứng hoặc cho thức ăn vào túi lưới chuyên biệt dành cho trẻ để đảm bảo trẻ không bị mắc nghẹn.[1]
  5. Lau khô dãi. Trẻ thường chảy nước dãi khi mọc răng. Khi có nhiều dãi đọng lại ở miệng trẻ, nó có thể gây kích ứng. Hãy dùng khăn sạch để lau mỗi khi trẻ chảy nước dãi.[1]
    • Lotion dạng nước hoặc kem có thể được bôi xung quanh miệng trẻ. Cách này sẽ tránh được việc da bị khô do nước bọt.[1]
    • Trong trường hợp mẩn đỏ xuất hiện, hãy lót một miếng khăn trên gối khi trẻ ngủ. Ngoài ra, bạn cũng nên bôi lotion trẻ em hoặc thuốc mỡ ở miệng và hai bên má cho trẻ trước khi ngủ.[3]
    • Nếu trẻ thường xuyên chảy nước dãi, hãy cho trẻ đeo khăn yếm để dễ dàng thấm nước bọt.

Phương pháp chăm sóc y tế[sửa]

  1. Dùng thuốc có bán sẵn ở quầy thuốc. Nếu các phương pháp điều trị tại nhà không hiệu quả, thì bạn có thể sử dụng một số loại thuốc dành cho trẻ mọc răng có bán sẵn ở hiệu thuốc. Hãy cho trẻ dùng thuốc giảm đau nếu tình trạng mọc răng làm cho trẻ khó chịu.
    • Acetaminophen (Tylenol) hoặc ibuprofen (Advil, Motrin dành cho trẻ) có thể giúp ích cho tình trạng mọc răng của trẻ. Tuy nhiên, tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về liều lượng và cảnh báo khi dùng thuốc.[1] Không nên cho trẻ dưới 6 tháng tuổi dùng ibuprofen.
    • Tránh dùng thuốc có chứa benzocaine, một chất giảm đau phổ biến. Trong một số ít trường hợp, loại thuốc này có thể gây tình trạng nguy hiểm nghiêm trọng là giảm lượng oxy trong máu.[1]
    • Bạn nên đưa trẻ đến bác sĩ nhi để thăm khám trước khi dùng bất kỳ loại thuốc nào nếu tình trạng mọc răng trở nên nghiêm trọng. Bạn cần phải chắc rằng cơn đau là do mọc răng chứ không phải là một tình trạng bệnh khác như viêm tai.[4]
  2. Dùng kem bôi lợi. Bạn có thể mua sản phẩm này ở hiệu thuốc hoặc siêu thị nếu các phương pháp kể trên không hiệu quả. Kem bôi lợi có chứa chất khử trùng hoặc gây mê. Hãy dùng kem bôi lợi không đường được khuyên dùng cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, kem thường bị nước bọt rửa trôi nên hiệu quả sẽ không kéo dài. Hãy trao đổi với bác sĩ trước khi cho trẻ dùng sản phẩm này.[5]
    • Tránh dùng kem bôi lợi có chứa benzocaine và không nên dùng sản phẩm không được bác sĩ khuyên dùng.
  3. Hãy cẩn trọng khi dùng phương pháp vi lượng đồng căn. Nhiều cha mẹ dùng phương pháp này cho trẻ đang mọc răng. Mặc dù một số phương pháp có thể không gây hại nhưng có rất ít bằng chứng khoa học về hiệu quả của nó. Do đó, một số phương pháp vi lượng đồng căn có thể gây hại cho trẻ.
    • Bột hoặc hạt vi lượng đồng căn được bán ở hiệu thuốc thường không có hại nếu chúng không có đường. Tuy nhiên, chứng minh về hiệu quả của phương pháp này vẫn đang là một ẩn số. Nếu các phương pháp khác không giúp cải thiện tình trạng của trẻ, bạn có thể dùng loại bột này nhưng hiệu quả của nó thì không đảm bảo.[5]
    • Một số cửa hàng bán vòng tay hoặc vòng cổ hổ phách vốn giúp ích trong việc giảm đau khi mọc răng bằng cách tiết một ít dầu vào da của trẻ. Bạn nên cực kỳ thận trọng khi quyết định dùng phương pháp này. Vòng tay và vòng cổ có thể gây nguy cơ mắc nghẹn cho trẻ nhỏ. Trẻ có thể ngậm hoặc nhai sản phẩm này và những hạt rơi ra có thể khiến trẻ bị nghẹn. Tuy nhiên, vẫn chưa có nghiên cứu khoa học chứng minh hổ phách hiệu quả trong việc giảm đau khi trẻ mọc răng.[5]
  4. Biết khi nào nên đưa trẻ đến bác sĩ. Mọc răng là quá trình bình thường trong sự phát triển của trẻ. Việc này có thể xử lý tại nhà mà không cần sự hỗ trợ của bác sĩ. Tuy nhiên, nếu trẻ bị sốt hoặc trở nên khó chịu một cách lạ thường thì có thể trẻ gặp phải tình trạng viêm nhiễm hoặc bệnh nào đó. Khi đó, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.[6]

Chăm sóc khi trẻ mọc răng[sửa]

  1. Đưa trẻ đến nha sĩ. Khi chiếc răng đầu tiên của trẻ mọc lên, hãy đưa trẻ đến gặp nha sĩ. Cho trẻ đến nha sĩ trong vòng 6 tháng sau khi chiếc răng đầu tiên mọc lên và trước sinh nhật lần thứ nhất của trẻ. Nha sĩ sẽ kiểm tra và đảm bảo răng trẻ phát triển khỏe mạnh.[7]
  2. Chăm sóc cho những chiếc răng đầu tiên của trẻ. Khi trẻ mọc răng, hãy chăm sóc cẩn thận cho răng. Răng và nướu khỏe mạnh là rất quan trọng cho sức khỏe của trẻ.
    • Vệ sinh nướu của trẻ với khăn ướt mỗi ngày để tránh làm sản sinh vi khuẩn.[6]
    • Cho trẻ dùng bàn chải mềm khi những chiếc răng mới mọc lên. Trẻ sẽ không biết cách nhổ kem đánh răng cho đến khi 3 tuổi. Do đó, hãy dùng một ít kem đánh răng có fluoride dành riêng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bạn chỉ nên lấy lượng kem đánh răng bằng hạt gạo.[6]
  3. Tránh cho trẻ bị sâu răng bằng chế độ ăn lành mạnh. Khi trẻ bắt đầu chuyển sang ăn thức ăn cứng, hãy cho trẻ chế độ ăn khoa học và ít đường. Hãy nhớ chải răng cho trẻ sau khi ăn. Hạn chế cho trẻ uống sữa trong đêm và tránh để trẻ ngậm chai nước có nước hoa quả hoặc nước ngọt vào buổi tối.[7]

Lời khuyên[sửa]

  • Hãy kiên nhẫn. Trẻ đang mọc răng sẽ cảm thấy khó chịu nhưng đây chỉ là tình trạng tạm thời.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]