Chơi cờ vua cho người mới bắt đầu

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Cờ vua là trò chơi thú vị, lôi cuốn, đòi hỏi ở người chơi cả kỹ năng và chiến thuật. Cờ vua đã xuất hiện từ hàng thế kỷ nay như một trò chơi dành cho giới trí thức và học giả; tuy nhiên, người chơi cờ vua thực sự phải có mức độ trí tuệ nhất định. Mặc dù vậy, điều đó không có nghĩa là trẻ em luôn thua cuộc trước người lớn trong môn cờ vua. Hãy đọc tiếp để biết cách chơi cờ vua - trò chơi với lịch sử lâu đời và được coi là một trong những loại cờ bàn (board game) hay nhất.

Các bước[sửa]

Nắm vững luật chơi, bàn cờ và quân cờ[sửa]

  1. Nắm vững các quân cờ và cách di chuyển của chúng. Mỗi loại quân cờ có các cách di chuyển khác nhau. Dưới đây là tên của các quân cờ kèm theo cách di chuyển của chúng (một số ngoại lệ sẽ được đề cập ở phần sau):
    • Tốt: Quân cờ cơ bản nhất trong cờ vua (mỗi bên có 8 quân Tốt). Trong lần di chuyển đầu tiên, Tốt có thể tiến về phía trước một hoặc hai ô, nhưng chỉ được tiến lên một ô trong các lần sau đó. Tốt chỉ tấn công được các quân khác nằm chéo về phía trước một ô và không thể đi lùi.
    • Xe: Xe trông giống như một tòa tháp trong lâu đài. Nó có thể đi ngang hoặc đi dọc tùy ý nếu không bị cản. Xe có thể tấn công các quân nằm trên đường đi của nó.
    • : Biểu tượng của Mã là hình con ngựa. Đây cũng là quân cờ phức tạp nhất. Mã đi theo hình chữ 'L' được tạo bởi hai ô ngang và một ô dọc, hoặc một ô ngang và hai ô dọc, chữ 'L' này có thể ngả theo mọi hướng. Mã là quân duy nhất có thể nhảy qua đầu các quân khác. Nó chỉ tấn công những quân nằm trong các ô mà nó có thể nhảy tới.
    • Tượng: Tượng chỉ đi chéo, nhưng có thể đi bao nhiêu ô tùy ý trừ phi bị cản. Quân cờ này có hình như chiếc mũ của vị giám mục Thiên Chúa giáo.
    • Hậu: Hậu là quân quyền lực nhất trên bàn cờ (thường có vương miện nữ tính hơn quân Vua). Nó có thể đi ngang, dọc, hoặc chéo tùy ý và tấn công theo mọi hướng.
    • Vua: Vua chỉ có thể đi một ô mỗi lượt, di chuyển theo mọi hướng. Cách quân Vua tấn công cũng tương tự như vậy. Đây là quân cờ mà bạn bằng mọi giá không thể để mất, vì bạn sẽ thua cuộc nếu mất Vua.
    • Ghi nhớ điểm mạnh của từng quân cờ.
      • Vua là quân cờ quan trọng nhất và cần được bảo vệ.
      • Hậu là quân linh hoạt nhất và cũng là quân hỗ trợ các quân khác tốt nhất, thường được dùng để tấn công bắt đôi. Hậu kết hợp cách di chuyển của cả Tượng và Xe trong cùng một quân cờ. Đây là quân quan trọng tương tự quân Vua.
      • Mã là quân cờ hữu hiệu để ra đòn tấn công bất ngờ hoặc bắt đôi. Quy luật di chuyển của Mã thường khiến những người mới chơi lúng túng và ít được họ lưu ý tới.
      • Tượng là quân cờ hữu hiệu khi ở vị trí mở. Tuy nhiên, nhiều người mới chơi thường không đánh giá cao quân Tượng và không tận dụng nó.
      • Xe là quân cờ mạnh và chúng có phạm vi di chuyển rộng. Xe hoạt động tốt nhất trên các hàng và cột trống.
      • Tốt dường như không có giá trị, nhưng chúng có thể được dùng để bẫy đối phương một cách hiệu quả, ví dụ như thí tốt để ăn quân khác mạnh hơn. Nếu biết cách sử dụng, bạn có thể dùng Tốt để chiếu tướng hết cờ!
  2. Hiểu thế nào là "chiếu tướng". Nếu Vua của bạn bị chiếu, Vua của bạn đang bị đối phương tấn công. Khi Vua bị chiếu, bạn buộc phải hóa giải nước chiếu ngay trong bước sau đó. Bạn có thể hóa giải nước chiếu bằng ba cách sau:
    • Di chuyển quân Vua tới một ô an toàn. Ô an toàn là vị trí mà Vua không bị chiếu.
    • Bắt quân đang chiếu tướng.
    • Chặn đường chiếu bằng quân cờ khác. Cách này không có tác dụng nếu quân đang chiếu tướng là Tốt hoặc Mã.
      • Nếu bạn không thể thực hiện một trong ba cách trên và quân Vua vẫn bị chiếu, ván cờ kết thúc và bạn đã thua.
  3. Hiểu rõ khái niệm của trò chơi. Trong cờ vua, bạn tìm cách bắt quân Vua của đối phương và ngược lại. Mặc dù đây là mục tiêu chính, một mục tiêu bổ trợ là bảo vệ quân Vua không bị bắt. Bạn thực hiện mục tiêu này bằng cách bắt càng nhiều quân của đối phương càng tốt, hoặc ngăn đối phương bắt quân của mình.
    • Cờ vua là trò chơi của trí tuệ và chiến thuật. Có rất nhiều nước đi và luật lệ mà những người mới chơi sẽ không thể thấy trước hoặc hiểu được khi bắt đầu. Hãy kiên nhẫn! Càng chơi bạn sẽ càng thấy được sự thú vị của bộ môn này.
  4. Xếp bàn cờ. Sau khi làm quen với các quân, bạn có thể bắt đầu xếp bàn cờ. Đặt bàn cờ sao cho ô dưới cùng bên phải bàn cờ của mỗi người chơi có màu trắng. Cách xếp các quân cờ như sau:
    • Xếp tất cả Tốt vào hàng thứ hai trước mặt bạn. Các quân cờ của bạn và của đối phương được ngăn cách bởi một "bức tường" quân Tốt.
    • Đặt một quân Xe vào mỗi góc của bàn cờ phía bạn.
    • Đặt một quân Mã cạnh mỗi quân Xe và một quân Tượng cạnh mỗi quân Mã.
    • Đặt quân Hậu vào một trong hai ô còn lại ở hàng thứ nhất, tùy vào màu của quân đó (tức là nếu bạn có quân Hậu màu đen, hãy đặt nó vào ô đen; nếu là quân Hậu trắng, đặt nó vào ô trắng).
    • Cuối cùng, đặt quân Vua vào ô cuối cùng còn lại. Kiểm tra liệu bố cục các quân của đối phương có giống vậy không. Hai quân Hậu phải đối diện với nhau, hai quân Vua cũng vậy.
  5. Nếu bạn muốn chơi chuyên nghiệp, hãy học cách gọi tên ô dùng hệ thống các hàng và cột. Mỗi ô trên bàn cờ được gắn với một chữ cái và một số tương ứng. Khi có người nói "Tượng tới C3", họ đang sử dụng hệ thống này. Hệ thống hàng và cột giúp cách gọi tên ô trở nên dễ dàng hơn.

Chơi cờ[sửa]

  1. Bên Trắng đi trước. Bên Trắng chọn bất cứ quân nào họ muốn di chuyển để tiến hành đợt tấn công đầu tiên, còn gọi là khai cuộc. Bên Trắng đi một quân, sau đó bên Đen sẽ di chuyển một quân. Khai cuộc là một trong những phần quan trọng nhất của một ván cờ. Không có cách khai cuộc nào là "đúng" -- bởi mỗi người đều có cách thức riêng và bạn cũng sẽ có cách của mình. Tuy nhiên, có một số điểm bạn cần lưu ý như sau:
    • Không tấn công khi khai cuộc. Khi khai cuộc, bạn chỉ cần đưa các quân cờ tới vị trí hữu dụng nhất của chúng. Bạn cần đặt chúng ở những vị trí có lợi an toàn.
    • Thông thường, bạn chỉ nên dành 1 đến 2 nước với quân Tốt. Sau đó, hãy tập trung vào các quân khác mạnh hơn -- Tượng, Mã, Hậu và Xe. Giai đoạn "Triển khai" (đưa quân cờ tới các ô trọng yếu, ví dụ vùng trung tâm) không được coi là hoàn thành nếu mọi quân cờ trên chưa được di chuyển.
    • Rất nhiều nước đi khai cuộc của bạn phụ thuộc vào đối phương -- bạn phải tự mình cảm nhận về trận đấu. Vì vậy, hãy quan sát và đoán xem ý đồ của đối phương là gì. Cờ vua là bộ môn chú trọng vào óc dự đoán tình huống và dự liệu nguy cơ hơn bất kỳ trò chơi nào khác.
  2. Sử dụng luật "bắt Tốt qua đường" (en passant). Bạn có thể sử dụng luật này nếu muốn. Rất nhiều người mới chơi không sử dụng luật này. Nhưng nếu bạn tò mò muốn biết làm thế nào để khiến môn cờ này mang tính "Pháp" hơn và phức tạp hơn, bạn có thể làm như sau:
    • Nếu bạn còn nhớ, quân Tốt có thể đi 2 ô trong nước đi đầu tiên của nó. Giả sử bạn di chuyển quân Tốt như vậy, sau đó quân Tốt của bạn tới đứng cạnh Tốt của đối phương trên cùng một hàng. Trong nước tiếp theo -- và chỉ trong nước tiếp theo -- đối phương có quyền bắt quân Tốt của bạn qua đường (en passant, tiếng Pháp nghĩa đen là "đi qua"). Thông thường, Tốt chỉ có thể tấn công chéo một ô -- nhưng trong trường hợp ngoại lệ này, nó vừa có thể bắt quân Tốt ở ngang nó, vừa đi chéo một ô như bình thường.
    • Cần nhấn mạnh rằng nước đi này chỉ có thể được thực hiện ngay sau khi một quân Tốt nhảy 2 ô trong bước đầu tiên. Nếu qua lượt này, bạn sẽ mất cơ hội bắt Tốt qua đường. Chỉ riêng quân Tốt mới có nước đi này, vì thế bạn không thể bắt Hậu hoặc Tượng bằng cách bắt qua đường.
  3. Đi theo lượt. Và ván cờ cứ như vậy tiếp diễn! Bạn và đối phương đi quân lần lượt, cố gắng bắt Vua và bắt quân cờ của nhau. Bạn sẽ chiếm ưu thế nếu có thể uy hiếp Hậu hoặc Vua của đối phương và buộc đối phương ở thế phòng thủ, nhưng có vô số cách thức để người chơi có thể thắng.
    • Quân Tốt dường như rất vướng víu cản trở, nhưng đừng "thí Tốt" vội. Khi quân Tốt sang tới hàng cuối của bên đối phương, nó sẽ hóa thành một quân cờ khác (ngoại trừ Vua)! Thông thường mọi người chọn hóa Hậu, nhưng bạn có thể hóa Tốt thành Xe, Mã hoặc Tượng. Bạn có thể đảo ngược hoàn toàn tình thế của ván cờ nếu đưa được quân Tốt sang bên kia khi đối phương không để ý.
  4. Luôn suy tính trước một hoặc hai nước đi. Nếu bạn đi Mã tới đó thì sao? Nước đi đó có khiến các quân khác không được bảo vệ trong lượt tới của đối phương không? Bạn có thể ra đòn tấn công không, hay bạn cần bảo vệ Vua (hoặc Hậu) của mình? Ý đồ phía sau thế cờ của đối phương là gì? Diễn biến ván cờ sẽ ra sao trong vài nước đi tới?
    • Đây không phải loại trò chơi mà bạn có thể di chuyển lung tung các quân cờ -- chúng đều ảnh hưởng lẫn nhau theo cách này hay cách khác. Nếu không hành động kịp thời, bạn có thể thấy quân Tốt của mình tự cản đường tấn công của quân Tượng, Mã lại được bảo vệ Vua, còn Hậu sắp sửa bị Xe của đối phương bắt mất. Vì vậy, hãy tính toán nước đi tiếp theo và nước đi sau đó -- cũng như nước đi của đối phương, nếu bạn có thể. Để thắng cuộc, bạn cần khôn ngoan và có một bộ óc chiến lược!
    • Luôn tính sẵn một nước đi phản kích nếu có thể. Bạn có thể nhường quân Tốt của mình cho quân Tượng của đối phương, nhưng chỉ khi quân Mã của bạn có thể bắt quân Tượng đó. Đôi khi ta phải thí quân có chủ đích.
  5. Biết cách "nhập thành". Có một nước đi đặc biệt liên quan đến quân Xe và quân Vua, nước đi duy nhất mà bạn có thể di chuyển hai quân cùng một lượt. Ngoài "bắt Tốt qua đường" của quân Tốt, một nước đi đặc biệt khác trong cờ vua là nhập thành. Nhập thành là khi Xe và Vua đổi chỗ cho nhau -- Vua được che chắn còn Xe được triển khai và sẵn sàng nhập cuộc. Thông thường, việc nhập thành khá hữu ích.
    • Bạn chỉ có thể nhập thành khi:
      • Cả Vua và Xe được dùng nhập thành chưa bao giờ di chuyển.
      • Quân Vua không bị chiếu.
      • Giữa Vua và Xe không còn quân cờ nào khác.
      • Quân cờ đối phương không kiểm soát những ô nằm giữa vị trí sau nhập thành và vị trí trước nhập thành.
    • Bạn di chuyển cả Xe và Vua của mình trong cùng một lượt. Nếu nhập thành cánh Vua, Vua di chuyển về bên phải hai ô và Xe được đặt ngay cạnh Vua (tức là Xe di chuyển hai ô về bên trái). Nếu nhập thành cánh Hậu, Vua di chuyển về trái hai ô và Xe được đặt ngay cạnh Vua (tức là Xe di chuyển ba ô về bên phải).
  6. Thắng ván cờ bằng cách chiếu hết Vua của đối phương. Nghĩa là bạn chiếu tướng Vua của đối phương, nhưng lần này không còn đường để Vua chạy nữa. Khi điều này xảy ra, bạn có thể nói "Chiếu tướng!", nhưng điều này là không cần thiết. Lúc này, đối phương gạt đổ quân Vua của mình, ra dấu thất bại.
    • Cũng có thể xảy ra tình huống "Hết nước đi" (stalemate) -- ván cờ kết thúc với kết quả hòa. Hết nước đi xảy ra khi Vua bạn ở vào tình thế không bị chiếu nhưng cũng không còn ô an toàn nào để đi tới.
    • Có một vài trường hợp để ván cờ có kết quả hòa:
      • Thỏa thuận hòa. Nếu hai người chơi cùng đồng ý rằng không bên nào có thể thắng hoặc không còn cách nào để thắng, họ có thể đồng ý hòa.
      • Thế cờ lặp lại. Nếu một thế cờ y hệt được lặp đi lặp lại tại ba thời điểm khác nhau trong ván cờ, hai bên được tuyên hòa. Ví dụ, nếu hai bên tiếp tục di chuyển quân Mã đi qua đi lại trên một số ô, ván cờ đó có kết quả hòa.
      • Hòa bằng luật 50 nước đi. Nếu cả hai người chơi không di chuyển một quân Tốt nào hoặc không ăn quân nào trong 50 lượt liên tục, ván cờ được tuyên là hòa. Luật này khiến các bên không kéo dài ván cờ và cũng ngăn các bên cố ý làm cho bên kia kiệt sức.
      • Khi không đủ lực lượng. Nếu cả hai bên đều không còn đủ lực lượng để chiếu hết Vua đối phương, ván cờ được coi là hòa. Ví dụ, một Mã và một Vua không thể chiếu hết quân Vua đơn độc của đối phương.
      • Nếu tất cả các quân khác trừ quân Vua đã bị bắt và bị loại khỏi ván cờ. Đây là một ví dụ của trường hợp không đủ lực lượng, vì một quân Vua không thể tự mình chiếu hết hoặc thậm chí chiếu tướng quân Vua kia. Ván cờ sẽ có kết quả hòa.

Vận dụng chiến thuật[sửa]

  1. Tận dụng tối đa toàn quân. Đừng liên tục di chuyển Mã chỉ vì nó có thể thực hiện nhiều nước chiếu tướng. Hãy huy động toàn quân của bạn! Một trong những sai lầm lớn nhất của người mới chơi là chỉ dùng một vài quân cờ. Làm như vậy, toàn bộ các quân cờ khác sẽ bị bỏ lại đằng sau, đối phương sẽ dễ dàng bắt được các quân đó. Hãy giữ cho thế cờ được linh hoạt và biết kiềm chế, ngăn cản đối phương.
    • Trong khai cuộc, bạn chỉ nên di chuyển vài quân Tốt lên trước, sau đó chuyển sang di chuyển các quân khác. Các quân ở hàng đầu tiên dễ dàng "qua sông" để gia nhập cuộc chơi, tăng cường sức mạnh tấn công của bạn.
  2. Kiểm soát trung tâm. Kiểm soát trung tâm có lợi hơn kiểm soát hai bên, vì nhiều quân cờ có thể di chuyển theo đủ mọi hướng. Khi làm chủ trung tâm, quân cờ của bạn có khả năng di chuyển linh hoạt hơn vị trí cạnh hoặc góc. Ví dụ, quân Mã chỉ có hai lựa chọn di chuyển từ góc, nhưng có đến tám lựa chọn di chuyển từ trung tâm. Hãy làm chủ khu vực trung tâm nhanh nhất có thể.
    • Cũng vì lý do này mà nhiều người đẩy Tốt ở vị trí giữa lên để bắt đầu ván cờ. Nhưng cần chú ý không để Vua quá sơ hở, vì chỉ một nước đi hiểm hóc của quân Tượng hoặc Hậu có thể khiến Vua bị chiếu hết ngay đầu trận!
  3. Đừng thí quân một cách không cần thiết. Điều này khá hiển nhiên, nhưng nhiều người vẫn bỏ mặc quân của mình, kể cả các đại kiện tướng! Khi bắt buộc phải bỏ quân, hãy dùng nó để trao đổi ngang bằng. Không bao giờ bỏ quân cờ một cách thiếu suy nghĩ -- mọi quân đều có giá trị, dù là Tốt hay Hậu. Nếu bạn tò mò, trong cờ vua có cả một hệ thống tính điểm. Một quân cờ càng có giá trị thì điểm của chúng càng cao:[1]
    • Tốt là 1 điểm
    • Mã là 3 điểm
    • Tượng là 3 điểm
    • Xe là 5 điểm
    • Hậu là 9 điểm
      • Vua là vô giá bởi nếu mất Vua, bạn sẽ thua cuộc.
  4. Bảo vệ Vua của bạn. Bạn nên dành sự quan tâm đặc biệt tới điều này. Điều duy nhất bạn cần làm -- nếu bạn không thích tấn công -- là phải bảo vệ Vua của mình. Nhập thành để đưa Vua vào góc, xếp quân tạo bức tường bảo vệ xung quanh Vua nhưng vẫn dành một ô để chạy phòng khi đối phương chiếu tướng thành công. Bạn cần khiến đối phương rút chạy thay vì tấn công nhanh nhất có thể.
    • Một mình quân Vua không tạo được tác động lớn, nhưng nó có thể tự bảo vệ bản thân. Khi khai cuộc và trong cuộc đấu, quân Vua hầu như luôn cần một vài quân khác bảo vệ khỏi bị chiếu. Tuy nhiên khi tàn cuộc, trên bàn cờ chỉ còn lại một vài quân Tốt và những quân khác, quân Vua lúc đó trở thành một quân tham gia tấn công và nên được đặt ở trung tâm bàn cờ để kiểm soát vùng này.

Lời khuyên[sửa]

  • Học từ sai lầm của bạn. Là người mới chơi bạn chắc chắn sẽ phạm sai lầm. Kể cả những đại kiện tướng hàng đầu cũng mắc sai lầm dẫn tới thua trận.
  • Một thế cờ đã hoàn toàn triển khai khi Vua nhập thành, Tượng và Mã đã rời khỏi vị trí ban đầu và hai Xe được kết nối với nhau.
  • Luôn nhớ đặt nhiều quân cờ cấp cao ở phần trung tâm bàn cờ. Càng để lại nhiều Tốt, quân Vua càng được bảo vệ tốt hơn.
  • Đừng cảm thấy bực bội nếu bạn thua nhiều. Cờ vua là bộ môn cần nhiều thời gian, nhiều kiện tướng cờ vua có kinh nghiệm lên tới hơn 10 năm chơi cờ!
  • Học cách đặt bẫy trong cờ vua để bạn có thể sử dụng bẫy hoặc tránh bẫy nếu ai đó muốn bẫy bạn!
  • Di chuyển Tốt một cách thông minh. Khác với các quân khác, quân Tốt không thể rút lui về ô mà nó vừa đứng. Chúng phần lớn khá tĩnh và có thể quyết định tới lối chơi của trận đấu.
  • Đừng tìm cách chiếu hết nhanh gọn. Nhiều khả năng bạn sẽ trúng đòn đáp trả của đối phương khi tìm cách chiếu hết mau lẹ.
  • Không có chỉ dẫn nào là luôn luôn đúng, và không có một phương pháp cụ thể nào dẫn tới chiến thắng.
  • Bốn ô ở trung tâm là vị trí tốt nhất để đặt các quân cờ, vì các quân cờ ở vị trí này có thể di chuyển tự do hơn so với bên cạnh. Tăng cường phạm vi di chuyển của bản thân cũng chính là hạn chế phạm vi di chuyển của đối phương.
  • Đôi khi nhập thành là một nước đi tai hại có thể khiến bạn bị chiếu hết. Nhưng trong những trường hợp khác, nhập thành lại giúp bạn chiếu hết đối phương! Vì vậy, cần đánh giá thế cờ để đưa ra nước đi tốt nhất.

Cảnh báo[sửa]

  • Cờ nhanh không dành cho người mới chơi. Đây là thể loại cờ với độ khó và tính cạnh tranh cao, gây ức chế đặc biệt với những người mới bắt đầu chơi cờ.
  • Các quân cờ có thể rất nguy hiểm đối với trẻ nhỏ nếu nuốt phải.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]