Chuẩn bị mang thai ở tuổi 40

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Rất nhiều phụ nữ quyết định sinh con muộn và cũng rất nhiều trong số đó đã có một thai kỳ khỏe mạnh. Với khoa học kỹ thuật ngày càng tiên tiến, các sản phụ lớn tuổi ngày càng được bảo vệ an toàn hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, mang thai ở độ tuổi 40 vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và biến chứng đối với cả mẹ và thai nhi. Việc tự chuẩn bị trước khi mang thai sẽ giúp cơ thể bạn ở điều kiện tốt nhất cho một thai kỳ khỏe mạnh.

Các bước[sửa]

Gặp Bác sĩ[sửa]

  1. Lên lịch hẹn tư vấn với bác sĩ riêng hay bác sĩ sản khoa. Càng lớn tuổi, con người càng có nhiều nguy cơ gặp các vấn đề về sức khỏe như huyết áp cao hay tiểu đường. Phụ nữ có tuổi còn có thể dễ mắc các vấn đề gây ảnh hưởng xấu đến thai nhi.
    • Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám và có thể thực hiện xét nghiệm tế bào cổ tử cung cũng như kiểm tra khung xương chậu. Thời gian khám thường không quá 15 đến 20 phút nhưng bạn cũng cần thời gian để nói chuyện với bác sĩ về việc mang thai.[1]
    • Hỏi bác sĩ làm thế nào để tăng khả năng thụ thai và bạn cần thay đổi lối sống ra sao để đảm bảo cho một thai kỳ khỏe mạnh. Hãy trung thực khi nói về lối sống hiên tại của bạn và cố gắng tiếp thu những lời khuyên về các thay đổi trong lối sống.[1]
    • Thảo luận với bác sĩ xem bạn có thể tiếp tục sử dụng loại thuốc nào trong số những loại bạn đang dùng khi bạn đang có ý định mang thai, cũng như trong thai kỳ và khi cho con bú. Hỏi bác sĩ để biết các liệu pháp hay thuốc thay thế có an toàn cho việc mang thai của bạn, và với tiền sử sử dụng thuốc của bạn, liệu những thuốc này có thực sự hiệu quả.[1]
    • Cùng bác sĩ đánh giá vấn đề sức khỏe nào là quan trọng nhất đối với bạn trước khi mang thai. Vì có một số bệnh như cao huyết áp có thể trở nên trầm trọng hơn khi tuổi bạn ngày càng cao, việc tìm ra giải pháp kiểm soát những vấn đề này là vô cùng cần thiết.[1]
    • Tiêm chủng theo lời khuyên của bác sĩ. Bác sĩ có thể tiến hành xét nghiệm máu để kiểm tra bạn đã có kháng thể với các bệnh như rubella hay thủy đậu chưa. Hãy chờ một tháng sau khi tiêm vắc xin trước khi bạn có ý định thụ thai.[1]
    • Bác sĩ có thể cần làm xét nghiệm để đánh giá dự trữ buồng trứng hoặc xác suất trứng tốt vẫn còn.
  2. Thảo luận về nguy cơ tiểu đường thai kỳ và huyết áp cao. Nguy cơ về một số vấn đề sức khỏe liên quan trong quá trình mang thai sẽ tăng lên theo độ tuổi. Hãy thảo luận về các nguy cơ của bạn với bác sĩ cũng như xem bạn có thể làm gì để hạn chế chúng.
    • Đôi khi, tình trạng huyết áp cao có thể tạm thời phát triển ở phụ nữ mang thai, và một số nghiên cứu cho thấy nguy cơ này sẽ tăng theo độ tuổi. Phụ nữ ở bất kỳ độ tuổi nào đều cần kiểm tra huyết áp thường xuyên trong suốt thai kỳ, vì vậy bác sĩ sẽ cố gắng để đảm bảo huyết áp của bạn nằm trong mức có thể kiểm soát. Bạn cũng có thể cần uống thuốc điều tiết huyết áp trong khi mang thai để đảm bảo việc sinh nở an toàn.[2]
    • Tiểu đường thai kỳ là loại tiểu đường chỉ xuất hiện khi phụ nữ mang thai và càng phổ biến hơn ở những thai phụ lớn tuổi. Tiểu đường thai kỳ khi không được điều trị có thể khiến thai nhi phát triển lớn hơn bình thường, vì vậy bạn cần kiểm soát lượng đường máu bằng việc tập luyện, chế độ ăn uống và dùng thuốc khi cần thiết nếu bị chẩn đoán mắc bệnh này.[2]
  3. Cân nhắc kỹ lựa chọn sinh nở. Rất nhiều phụ nữ ở độ tuổi 40 có thể sinh thường. Tuy nhiên, vì các biến chứng liên quan đến mang thai ở độ tuổi này tăng cao, khả năng phải sinh mổ cũng sẽ tăng theo độ tuổi.
    • Cân nhắc kế hoạch sinh nở cụ thể với bác sĩ của bạn và đảm bảo rằng bạn có tính đến khả năng sinh mổ trong kế hoạch này. Nếu bạn đã từng sinh mổ, một số bác sĩ sẽ không cho phép bạn sinh thường trong lần này. Hãy thảo luận mọi vấn đề bạn quan tâm với bác sĩ và nói rõ nguyện vọng sinh của bạn.[2]
    • Bạn càng lớn tuổi thì sự căng thẳng khi mang thai càng lớn. Các vấn đề liên quan đến huyết áp cao và nhau thai trong khi sinh cũng sẽ nhiều hơn theo độ tuổi. Bác sĩ cần kiểm tra sức khỏe của bạn cẩn thận trong suốt thai kỳ. Nếu bác sĩ cho rằng bạn có nguy cơ gặp biến chứng khi sinh, có thể bạn sẽ được yêu cầu sinh mổ.[3]
  4. Cân nhắc các phương pháp chữa hiếm muộn. Thụ thai với phụ nữ ở độ tuổi 40 có thể trở nên khó khăn hơn, vì vậy bạn có thể cần cân nhắc phương pháp chữa hiếm muộn. Trao đổi với bác sĩ về khả năng thụ thai khi dùng thuốc hoặc biện pháp phẫu thuật.
    • Thuốc uống, như clomiphene hay clomiphene citrate, được sử dụng trong ngày, từ ngày thứ ba đến ngày thứ bảy hoặc ngày thứ năm đến ngày thứ chín của chu kỳ kinh. Những loại thuốc này sẽ làm tăng khả năng rụng trứng. Có 10% khả năng mang song thai khi sử dụng các thuốc này. Tỷ lệ thụ thai và sinh nở thành công khi sử dụng thuốc là 50%, nhưng chỉ khi người dùng đang không rụng trứng. Các thuốc này thực chất không làm tăng tỷ lệ mang thai nếu người dùng đã tự rụng trứng.[4]
    • Gonadotropins và Human Chorionic Gonadotropin (hCG) là các loại thuốc tiêm hormone được sử dụng để tăng khả năng mang thai ở phụ nữ lớn tuổi. Việc tiêm thuốc sẽ được tiến hành sau 2 đến 3 ngày đầu của chu kỳ kinh và kéo dài từ 7 đến 12 ngày. Bạn sẽ cần được siêu âm đầu dò trong quá trình dùng thuốc để kiểm tra kích cỡ trứng. Tỷ lệ mang đa thai khi sử dụng phương pháp này khá cao. Khoảng 30% phụ nữ thụ thai bằng phương pháp tiêm hormone mang đa thai, và hai phần ba trong số này là thai đôi.[4]
    • Nếu có bất kỳ tổn thương nào ở hệ sinh sản gây khó khăn trong việc sinh nở, bác sĩ có thể tiến hành phẫu thuật để giải quyết vấn đề. Nếu thành công, việc phẫu thuật sẽ làm tăng đáng kể khả năng thụ thai.[4]

Thay đổi Lối sống[sửa]

  1. Kiểm soát mọi vấn đề sức khỏe trước khi mang thai. Nếu bạn đang có bất kỳ vấn đề gì về sức khỏe, hãy đảm bảo chúng được kiểm soát trước khi bạn cố gắng để có thai.
    • Các bệnh lây qua đường tình dục (STI) có thể cản trở khả năng thụ thai của bạn, vì vậy hãy đi khám để xem bạn có nguy cơ mắc bệnh STI nào không. Hầu hết các bệnh STI đều có thể được chữa trị hiệu quả bằng kháng sinh. Hãy điều trị triệt để các bệnh này ngay lập tức và không cố thụ thai cho đến khi bạn hoàn toàn khỏi.[5]
    • Nếu đang dùng thuốc cho một bệnh mãn tính như bệnh suy tuyến giáp, bạn nên tiến hành thử máu trước khi mang thai để đảm bảo mọi vấn đề trong tầm kiểm soát. Bạn sẽ cần kiểm tra định kỳ trong suốt thai kỳ và bác sĩ cũng sẽ phải thay đổi liều lượng thuốc một cách từ từ.[6]
  2. Bắt đầu một chế độ ăn lành mạnh hơn. Thay đổi chế độ ăn là việc rất quan trọng trong thời gian mang thai bởi bạn sẽ cần tăng lượng dinh dưỡng nhất định trong thai kỳ. Hãy đảm bảo bạn đã chuẩn bị sẵn sàng cho một chế độ ăn lành mạnh.
    • Hơn một nửa lượng ngũ cốc bạn ăn hàng ngày nên là ngũ cốc nguyên cám như lúa mạch nguyên cám, gạo nâu, pasta nguyên cám và bánh mỳ nguyên cám. Bạn cũng nên ăn đa dạng các loại hoa quả và rau xanh trong suốt thai kỳ của mình.[7]
    • Cố gắng thêm đạm, tốt nhất là đạm từ thịt gầy, các loại hạt, trứng và các loại quả đậu. Cá là một nguồn cung cấp chất dinh dưỡng và đạm dồi dào, nhưng bạn nên tránh các loại cá như cá thu, cá mập, cá kiếm và cá đổng quéo bởi chúng có hàm lương thủy ngân cao.[7]
    • Các chế phẩm từ sữa cũng đóng vai trò quan trọng khi bạn mang thai nhờ có lượng canxi và Vitamin D dồi dào. Nếu bạn không thể dung nạp các sản phẩm từ sữa, hãy xin tư vấn từ bác sĩ về các loại sản phẩm bổ sung canxi.[7]
    • Có nhiều loại thực phẩm cần được hạn chế hoàn toàn trong suốt quá trình mang thai bởi chúng có thể gây hại cho thai nhi. Các loại thịt sống, thịt nguội có thể chứa chất độc gây hại cho thai nhi. Hải sản hun khói cũng có thể là nguồn thực phẩm độc hại. Bất kỳ loại đồ ăn nào có chứa trứng hoặc lòng đỏ trứng sống đều có thể gây hại, vì vậy hãy nhớ luôn ăn trứng chín hoàn toàn. Nên tránh các loại phô mai mềm như phô mai Brie vì chúng thường được làm từ sữa chưa tiệt trùng. Bạn cũng nên giảm lượng caffein tiêu thụ trong tam cá nguyệt đầu tiên.[8]
  3. Duy trì một mức cân nặng hợp lý. Nếu bạn bị thừa cân hay thiếu cân, bác sĩ sẽ muốn bạn điều chỉnh cân nặng về mức hợp lý trước khi bạn mang thai. Hãy nói chuyện với bác sĩ về việc làm thế nào để tăng hay giảm cân một cách lành mạnh và cùng bác sĩ xây dựng một chế độ ăn cũng như tập luyện hiệu quả với bạn.[6]
    • Thiếu cân là khi chỉ số BMI của bạn dưới 18,5, còn thừa cân là khi chỉ số này trên 25. BMI từ 30 trở lên được coi là béo phì. Nếu bạn bị thiếu cân trước khi mang thai, bạn nên tăng cân nhiều hơn trong suốt quá trình mang thai, còn nếu bị thừa cân, bạn nên tăng ít cân hơn. Vì sẽ rất khó để kiểm soát cân nặng trong thai kỳ, tốt nhất là bạn nên có một cân nặng hợp lý trước khi mang thai.[9]
    • Việc thừa cân trong khi mang thai sẽ làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ và huyết áp cao. Trong khi đó, việc thiếu cân có thể tăng nguy cơ sinh non, và cơ thể bạn cũng không đủ khỏe mạnh để nuôi dưỡng thai nhi.[9]
    • Xin tư vấn từ chuyên gia dinh dưỡng trước khi mang thai để đạt được cân nặng hợp lý, cân đối với chiều cao của bạn. Thảo luận về các bài tập và chế độ dinh dưỡng, cũng như xem bạn cần thay đổi gì trong lối sống để có được một mức cân nặng hợp lý.[9]
  4. Tránh các chất có hại. Trong quá trình mang thai, bạn cần tránh thuốc lá, đồ uống có cồn và các loại thuốc kích thích, vì vậy, ngay từ khi có dự định mang thai, bạn cũng nên hạn chế toàn toàn những chất này. Giảm thiểu sử dụng caffeine vì caffeine chỉ nên được sử dụng một cách hạn chế trong quá trình mang thai. Nếu bạn là người nghiện cà phê, hãy cố gắng cắt giảm dần trước khi mang thai để hạn chế tối đa các triệu chứng thiếu caffeine. Bạn chỉ nên dùng khoảng 150 mg caffeine một ngày, tương đương hai cốc cà phê.[6]
  5. Luyện tập. Việc luyện tập không những an toàn mà thậm chí còn được khuyến khích khi bạn mang thai. Có nhiều loại bài tập an toàn cho phụ nữ mang thai mà bạn nên tham gia trước cũng như trong suốt thai kỳ.
    • Các bài tập aerobic, tăng sức bền và độ dẻo dai rất quan trọng đối với phụ nữ mang thai. Đi bộ, đạp xe tại chỗ, yoga, bơi lội và đẩy tạ cũng rất an toàn. Tuy nhiên, mỗi phụ nữ lại có một tình trạng thai kỳ khác nhau, vì vậy, hãy thảo luận với bác sĩ về sức khỏe của bạn trước khi tập luyện. Bác sĩ có thể tư vấn thêm hoặc bớt đi các bài tập, tùy thuộc vào tình hình sức khỏe tổng thể của bạn.[10]
    • Khi tập luyện, nhịp tim của bạn sẽ tăng nhanh, nhưng nếu đã trên 40 tuổi, điều quan trọng là bạn cần giữ cho nhịp tim ở mức 125 đến 140 nhịp một phút. Bạn có thể đo nhịp tim bằng cách kiểm tra mạch ở cổ hoặc cổ tay và đếm số nhịp trong khoảng thời gian 60 giây.[10]
    • Cẩn trọng với những bài tập có tư thế nằm ngửa. Những bài tập này có thể gây nguy hiểm cho thai nhi bởi máu sẽ bị hạn chế lưu thông.[10]

Hiểu các Nguy cơ[sửa]

  1. Nguy cơ về rối loạn nhiễm sắc thể. Tỷ lệ rối loạn nhiễm sắc thể ở trẻ sơ sinh có mẹ trên 40 tuổi sẽ cao hơn các trẻ khác. Bạn cần để ý đến nguy cơ này và sẵn sàng tâm thế để làm các xét nghiệm cần thiết liên quan.
    • Lệch bội, một dạng đột biến số lượng nhiễm sắc thể, có xu hướng xuất hiện nhiều hơn theo độ tuổi của thai phụ và có thể gây các rối loạn như Hội chứng Down. Mỗi phụ nữ có một số lượng trứng nhất định trong cơ thể, và số trứng khỏe mạnh hơn có xu hướng rụng khi còn trẻ. Các trứng có đột biến nhiễm sắc thể thường rụng và thụ tinh ở độ tuổi 40. Khi bạn 40 tuổi, nguy cơ mắc Hội chứng Down là 1 trong 60 trẻ và con số này còn tiếp tục tăng lên theo độ tuổi.[6]
    • Có nhiều loại xét nghiệm được sử dụng để kiểm tra đột biến nhiễm sắc thể. Mẫu dịch ối hoặc tế bào nhau thai có thể được sử dụng cho việc kiểm tra. Những loại xét nghiệm này có thể làm tăng nhẹ nguy cơ sẩy thai. Hiện tại đã có một loại xét nghiệm mới được thực hiện mà không gây ảnh hưởng tới thai nhi, đó là loại xét nghiệm máu đơn giản có tên xét nghiệm sàng lọc DNA tự do, có thể phát hiện những bất thường của thai nhi.[6]
  2. Nguy cơ sẩy thai cao. Việc sẩy thai có khả năng gây những thương tổn sâu sắc, và nguy cơ này, bao gồm cả thai chết lưu hay sẩy thai, lại có nguy cơ tăng cao theo độ tuổi, đặc biệt là khi bạn trên 40.
    • Cẩn trọng với nguy cơ sẩy thai trước khi bạn có ý định mang thai. Rất nhiều phụ nữ sinh con khỏe mạnh ở độ tuổi 40, nhưng nguy cơ sẩy thai do tình trạng sức khỏe trước đó cũng như những bất thường về hormone còn phổ biến hơn. Cần chuẩn bị tinh thần cũng như cảm xúc khi đón nhận nếu nguy cơ này xảy đến với bạn.
    • Nếu bạn trên 40 tuổi, việc khám thai cẩn thận trong suốt thai kỳ là điều vô cùng quan trọng để giúp ngăn chặn nguy cơ sẩy thai. Hãy nói chuyện với bác sĩ về bất kỳ nguy cơ nào có liên quan đến độ tuổi của bạn và yêu cầu bác sĩ tăng cường thăm khám trong suốt thai kỳ.[2]
    • Ở độ tuổi 40, tỷ lệ sẩy thai tăng lên 33% và con số này còn tiếp tục tăng theo độ tuổi của bạn. Ở độ tuổi 45, tỷ lệ sẩy thai là 50%. Hãy trao đổi với bác sĩ về việc bạn có thể làm gì để phòng tránh nguy cơ này.[11]
  3. Hiểu rằng khả năng mang đa thai là cao. Khả năng sinh đôi hay sinh ba cũng tăng lên theo độ tuổi, đặc biệt nếu bạn sử dụng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm hoặc thuốc hỗ trợ sinh sản để tăng khả năng thụ thai.
    • Bạn cần đảm bảo chuẩn bị đủ tài chính khi mang đa thai. Tự trang bị cho mình những kiến thức về việc sinh đôi, sinh ba, bao gồm cả lựa chọn sinh nở. Nhiều phụ nữ sinh đôi phải sử dụng phương pháp sinh mổ.[2]
  4. Kiên nhẫn. Việc thụ thai khi bạn trên 40 tuổi có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn. Trứng của những phụ nữ lớn tuổi không dễ thụ thai như của phụ nữ trẻ tuổi, thậm chí có thể mất tới sáu tháng để thụ thai. Nếu bạn vẫn không thành công sau sáu tháng, hãy xin tư vấn của bác sĩ.[2]
    • Khả năng mang đa thai phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng một số liệu pháp hỗ trợ sinh sản nhất định có thể làm tăng tỷ lệ này. Việc tiêm hormone làm tăng khả năng mang đa thai lên 30%, trong khi các loại thuốc đường uống cũng giúp tăng khả năng sinh đôi lên 10%.

Cảnh báo[sửa]

  • Nếu gia đình bạn có tiền sử mắc bệnh di truyền nào đó, bạn cũng nên xin tư vấn về bệnh di truyền. Một bác sĩ chuyên khoa sẽ xem xét tổng quát tình hình gia đình bạn cũng như xét nghiệm máu của bạn và chồng bạn để đánh giá nguy cơ mắc bệnh.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Liên kết đến đây