Giúp đường viền tóc mọc trở lại

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Nhiều trường hợp đường viền tóc yếu và hư tổn có thể mọc lại một phần nếu bạn bắt đầu chăm sóc da đầu và tóc một cách tốt hơn. Phục hồi hư tổn bằng cách cung cấp dưỡng chất cho đường viền tóc từ bên ngoài. Ngăn ngừa hư tổn thêm bằng cách tránh những hành vi gây rụng tóc. Hoặc vừa phục hồi vừa ngăn tóc hư tổn bằng cách nuôi dưỡng mái tóc từ bên trong thông qua chế độ ăn phù hợp.

Các bước[sửa]

Phục hồi hư tổn[sửa]

  1. Dùng đúng dầu gội. Có nhiều sản phẩm dầu gội giúp tóc mọc nhưng một số loại sẽ có hiệu quả hơn các loại khác. Bạn cần biết nên tìm kiếm sản phẩm nào để chăm sóc tóc rụng trước khi đầu tư tiền.
    • Tìm mua dầu gội dịu nhẹ giúp làm sạch nang tóc mà không cần dùng đến hóa chất mạnh. Dầu gội thảo mộc có thể đặc biệt hữu ích. Bạn nên tìm dầu gội chứa thành phần cúc La Mã, lô hội, nhân sâm, cỏ đuôi ngựa, hương thảo, biotin, cysteine, protein, silica và/hoặc vitamin E.
    • Kiểm tra thành phần và đảm bảo dầu gội không chứa sodium lauryl sulfate. Đây là thành phần khá phổ biến trong nhiều sản phẩm dầu gội thương mại nhưng nó có thể khiến tóc yếu co lại và gãy rụng.[1]
  2. Dưỡng ẩm cho tóc. Tóc được dưỡng ẩm đúng cách sẽ khỏe hơn, dày hơn và khó gãy rụng.
    • Dầu xả tốt là sản phẩm quan trọng giúp dưỡng ẩm cho tóc. Dầu xả thảo mộc có thể là lựa chọn tuyệt vời vì ít chứa các hóa chất độc hại tiềm ẩn. Cụ thể, bạn nên tìm mua dầu xả chứa axit amin, biotin, lô hội, nhân sâm và/hoặc trà xanh. Thoa dầu xả và để trên tóc 5-10 phút trước khi xả sạch bằng nước ấm.
    • Sau khi dùng dầu xả, bạn có thể hấp hơi cho tóc để làm giãn nở lớp biểu bì và làm loãng dầu xả, giúp dầu xả thấm sâu hơn vào từng sợi tóc. [2]
      • Quấn tóc trong khăn ẩm nhúng nước nóng, sau đó quấn cả tóc và khăn trong nón trùm đầu bằng nilông.
      • Trùm một chiếc khăn ấm thứ hai qua nón trùm đầu. Cuối cùng, đội thêm một chiếc nón trùm đầu ra ngoài.
      • Ngồi ít nhất 1 tiếng để lượng hơi nước vừa đủ được hình thành. Nếu có thể, bạn nên ngồi một chút hoặc một tiếng dưới máy sấy tóc có mũ trùm đầu.
  3. Dùng sản phẩm dầu dưỡng thương mại kích thích tóc mọc. Sản phẩm dầu dưỡng, mặt nạ và serum kích thích tóc mọc tốt có thể giúp tóc dày hơn và bảo vệ phần tóc quanh trán, thái dương và gáy. Mát-xa trực tiếp sản phẩm mà bạn lựa chọn lên phần viền tóc hư tổn.[3]
    • Tìm sản phẩm kết hợp tác dụng hấp dầu nhẹ với dưỡng ẩm dịu nhẹ. Sản phẩm chứa vitamin E cũng tốt vì vitamin E có thể cung cấp dưỡng chất cho phần da hư tổn trên da đầu.
    • Mát-xa nhẹ nhàng cho da đầu khi thoa các sản phẩm này có thể giúp ích. Mát-xa da giúp cải thiện tuần hoàn máu đến da đầu. Tăng tuần hoàn máu đến bất kỳ vị trí nào trên cơ thể đều giúp tăng cường chức năng của vị trí đó. Vì vậy, tăng tuần hoàn máu đến da đầu có thể giúp tăng khả năng kích thích tóc mọc lại của da đầu.
  4. Làm dầu dưỡng đường viền tóc tại nhà. Dầu tự nhiên giúp dưỡng ẩm và làm dày sợi tóc. Hơn nữa, chính tay bạn kết hợp dầu với nhau nên chắc chắn không có hóa chất tiềm ẩn đáng lo ngại.
    • Một công thức bao gồm 1 phần dầu thầu dầu hữu cơ, 3 phần dầu ôliu nguyên chất và 5 giọt tinh dầu tràm trà. [4]
      • Dầu ôliu hoạt động như dầu dẫn, giúp bạn dễ dàng thoa đều hỗn hợp dầu lên da đầu. Ngoài ra, dầu ôliu còn chứa các chất chống oxy hóa và vitamin E có lợi. Dầu thầu dầu kích thích các nang tóc không hoạt động, còn tinh dầu tràm trà giúp giảm tình trạng nang tóc bít tắc quá mức khiến tóc khó mọc một cách hiệu quả.
    • Một lựa chọn khác là hỗn hợp 60 ml dầu dừa, 10 giọt tinh dầu hương thảo và 10 giọt tinh dầu hoa oải hương.
      • Dầu dừa có khả năng dưỡng ẩm sâu. Tinh dầu hoa oải hương làm sạch và giúp thư giãn da đầu đang chịu áp lực, còn tinh dầu hương thảo kích thích tuần hoàn máu và đánh thức các nang tóc không hoạt động.
  5. Thoa dầu dưỡng đường viền tóc tự làm tại nhà. Sau khi đã chọn công thức dầu dưỡng đường viền tóc cụ thể, bạn cần mát-xa dầu dưỡng lên da đầu đề dầu phát huy tác dụng.
    • Cân nhắc việc pha dầu trong chai thủy tinh có đầu dài. Tận dụng đầu nhọn của chai để thoa đều dầu dưỡng trực tiếp vào chân tóc.
    • Nếu chỉ muốn dùng sản phẩm cho đường viền tóc, bạn nên cân nhắc dùng tăm bông hoặc cọ vẽ mascara sạch để thoa dầu.
    • Dù thoa bằng cách nào thì bạn cũng cần dùng tay để mát-xa dầu vào da đầu. Tập trung vào đường viền tóc và mát-xa ít nhất 10 phút trước khi gội sạch. Mát-xa đúng cách có thể kích thích và cải thiện tuần hoàn, từ đó kích thích tóc mọc.
  6. Trao đổi với bác sĩ. Nếu đã cố gắng hết mức nhưng không có kết quả, bạn nên đi khám bác sĩ da liễu hoặc bác sĩ đa khoa.
    • Bác sĩ da liễu là lựa chọn tốt nhất vì ngành y tế này xử lý trực tiếp các vấn đề về da và tóc. Tuy nhiên, bạn cũng có thể đi khám bác sĩ đa khoa hoặc bác sĩ gia đình nếu đường viền tóc chỉ hư tổn nhẹ.
    • Bác sĩ sẽ cho bạn biết liệu có thể giúp đường viền tóc mọc lại hay không. Nếu có, bác sĩ sẽ sẵn sàng kê đơn thuốc kích thích tóc mọc hoặc khuyến nghị việc tiến hành một quy trình kích thích tóc mọc đặc biệt. [5]

Ngăn ngừa hư tổn thêm[sửa]

  1. Cắt tóc ngắn. Chải tóc bằng lược hoặc bàn chải có thể tạo áp lực lên đường viền tóc. Cắt tóc ngắn giúp giảm thời gian chải tóc, nhờ đó giảm áp lực lên tóc do hành động chải.
    • Trên thực tế, nếu bạn không ngại cạo trọc đầu thì đây là giải pháp lâu dài tốt nhất để phục hồi đường viền tóc.
  2. Chải tóc nhẹ nhàng. Khi cần chải tóc, bạn nên chải nhẹ hết mức có thể để tránh làm gãy sợi tóc từ phần chân tóc.
    • Đặc biệt thận trọng khi chải đường viền tóc. Không dùng lược nặng để chải đường viền tóc và nên chọn bàn chải lông mềm. Đối với đường viền tóc hư tổn nghiêm trọng, bạn nên cân nhắc việc dùng bàn chải đánh răng thay vì bàn chải tóc.
  3. Làm khô tóc nhẹ nhàng. Sau khi gội đầu, bạn nên để tóc khô tự nhiên hoặc dùng khăn mềm thấm khô nhẹ nhàng.
    • Không chà xát cho tóc khô hoặc vắt nước từ tóc. Hai hành động này tạo thêm áp lực cho phần tóc còn lại trên da đầu.[6]
  4. Tránh các kiểu tóc tạo áp lực lên tóc. Tóc tết, búi, kiểu Cornrow, nối tóc hay thậm chí là kiểu tóc đuôi ngựa đơn giản cũng tạo áp lực lên đường viền tóc. Bạn nên thả tóc xuống để giảm áp lực lên nang tóc.
    • Khi tóc được cột ra sau, sợi tóc có thể bị gãy từ phần rễ, dẫn đến rụng tóc mái, tóc mai, tóc quanh thái dương và trán.
    • Có nhiều cách giúp giảm thiếu áp lực nếu vì lý do nào đó mà bạn cần buộc tóc ra sau. Buộc tóc đuôi ngựa, búi hoặc tết tóc lỏng hết mức có thể. Tương tự, thay vì buộc cao, bạn nên buộc đuôi ngựa hoặc búi thấp dưới tai để giúp giảm áp lực lên chân tóc.[7]
    • Tương tự, nếu muốn khâu nối tóc, bạn nên trao đổi với chuyên viên làm tóc về việc khâu tóc nối vào lưới thay vì khâu trực tiếp vào sợi tóc. Giải pháp này mặc dù không lý tưởng nhưng lưới sẽ giúp giảm áp lực và hạn chế hư tổn cho sợi tóc.[8]
  5. Hạn chế sử dụng hóa chất. Thuốc duỗi tóc và nhuộm tóc hóa chất chỉ gây hư tổn nhẹ cho tóc khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu dùng cho tóc yếu, các sản phẩm phổ biến này có thể khiến vấn đề trở nặng.
    • Tác động tiêu cực của các hóa chất mạnh là quá rõ ràng nhưng bạn còn phải hạn chế sử dụng các sản phẩm chứa hóa chất nhẹ. Ví dụ, hầu hết sản phẩm gel tạo kiểu tóc thương mại đều chứa cồn. Cồn lấy đi độ ẩm từ tóc, khiến tóc giòn hơn nên dễ gãy hơn.
  6. Không đội tóc giả. Tóc cần oxy để phát triển mạnh. Việc đội tóc giả nặng sẽ cản trở nguồn cung cấp oxy đến đường viền tóc, làm thu nhỏ biểu bì, từ đó khiến từng sợi tóc trở nên yếu đi.
    • Tác động này cũng tương tự như khi dùng tóc nối với lưới hoặc nón Beanie dài. Mặc dù tóc nối kiểu này ít gây hư tổn hơn so với tóc khâu trực tiếp vào tóc nhưng vẫn làm giảm đáng kể lượng oxy mà sợi tóc yếu nhận được.

Tăng cường đúng dưỡng chất[sửa]

  1. Hiểu rõ vai trò của chế độ ăn. Hầu hết phương pháp chăm sóc đường viền tóc đều chú trọng vào việc chăm sóc từ bên ngoài. Tuy nhiên, tóc là từ trong mọc ra nên giữ sức khỏe bên trong cũng quan trọng tương tự như chăm sóc tóc từ bên ngoài.
    • Cơ thể đưa dưỡng chất mà bạn tiêu thụ đến các cơ quan và các mô thiết yếu khác trước. Vì vậy, ngay cả khi cơ thể nhận đủ dinh dưỡng để luôn khỏe mạnh thì vẫn có thể không đủ để giữ tóc khỏe.[9]
    • Một số dưỡng chất đóng vai trò quan trọng hơn trong việc chăm sóc tóc so với các dưỡng chất khác. Tiêu thụ thực phẩm giàu các dưỡng chất này có thể tăng cường sức khỏe đường viền tóc yếu từ bên trong.
    • Thực phẩm chức năng bổ sung dinh dưỡng chứa các dưỡng chất có lợi này cũng giúp tạo nên sự khác biệt. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, đường viền tóc sẽ tiếp nhận được lợi ích lớn hơn từ nguồn thực phẩm trực tiếp thay vì từ nguồn thực phẩm chức năng nhân tạo.
  2. Tăng cường tiêu thụ axit béo omega-3. Nguồn thực phẩm giàu omega-3 gồm có các loại cá nhiều chất béo như cá hồi, cá ngừ, hạt lanh, quả óc chó, cải xoăn và mầm cải Brussel.
    • Omega-3 bám vào sợi tóc và màng tế bào trong da đầu để tăng cường sức mạnh nang tóc và kích thích tóc mọc. Ngoài ra, omega-3 còn giúp tóc ít giòn hơn, nhờ đó sợi tóc quanh đường viền tóc sẽ ít bị gãy trong khi mọc dài ra.
  3. Tăng cường chất kẽm trong chế độ ăn. Một số nguồn chất sắt đáng cân nhắc bao gồm đậu gà, phôi lúa mì, thịt bò, gan dê và hàu.
    • Kẽm kích thích sự phát triển và phục hồi của mô trong cơ thể. Vì vậy, nếu vấn đề về đường viền tóc liên quan đến da đầu bị thương tổn thì tăng cường thêm chất kẽm có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể.
    • Bên cạnh đó, kẽm còn kích thích các tuyến dọc theo da đầu sản sinh dầu, giúp sợi tóc trở nên khỏe mạnh và bóng mượt.
  4. Tăng cường protein. Thịt và đậu là một trong những nguồn protein tuyệt vời nhất. Bạn nên tăng cường thịt gà, trứng, lạc, các loại đậu và đậu lăng trong chế độ ăn. Sữa chua Hy Lạp cũng cung cấp lượng protein đáng kể.
    • Tóc chủ yếu được cấu thành từ protein nên nếu bạn không tiêu thụ đủ protein, tóc rụng sẽ không thể mọc lại. Thiếu hụt protein cũng khiến sợi tóc còn lại trở nên mỏng dần và chuyển màu xám.
  5. Tìm thực phẩm chứa sắt. Sắt có trong nhiều loại thực phẩm, bao gồm rau lá xanh, ngũ cốc nguyên hạt, thịt đỏ, hàu, đậu và sò.
    • Sắt cải thiện tuần hoàn máu trong cơ thể. Nếu thiếu sắt, máu không thể mang đủ oxy đến các tế bào quanh da đầu và bạn không thể đánh thức các nang tóc không hoạt động.
  6. Tăng cường vitamin A và vitamin C. Khoai lang, cà rốt, rau lá xanh, bí đỏ và quả mơ đều giàu vitamin A. Quả ổi, ớt chuông, kiwi, cam và bưởi đều giàu vitamin C.
    • Cả hai vitamin này đều giúp nang tóc sản sinh lượng dầu tự nhiên gọi là "bã nhờn". Lớp dầu này cung cấp nước cho tóc và giảm nguy cơ tóc gãy rụng.
    • Tuy nhiên, lưu ý rằng bổ sung hơn 15.000 IU vitamin A mỗi ngày có thể khiến tóc gãy rụng.
  7. Tránh để bị thiếu hụt magiê và selen. Các loại hạt và cá đều là nguồn giàu hai dưỡng chất này. Cá bơn Halibut, hạnh nhân và hạt điều giàu magiê. Cá bơn Halibut cũng giàu selen, tương tự như cá ngừ, tôm, cá mòi và hạt Brazil.
    • Magiê đóng vai trò quan trọng trong nhiều chức năng sinh-hóa trong cơ thể, bao gồm kích thích mọc tóc.
    • Selen giúp cơ thể tạo selenoprotein để kích thích nang tóc không hoạt động.

Những thứ bạn cần[sửa]

  • Dầu gội đầu chứa thảo mộc
  • Dầu xả thảo mộc
  • Khăn
  • Nón trùm đầu bằng ni lông
  • Dầu dưỡng, mặt nạ hoặc serum kích thích tóc mọc
  • Dầu dưỡng đường viền tóc
  • Chai nhựa có đầu dài
  • Tăm bông
  • Bàn chải lông mềm
  • Khăn mềm
  • Thực phẩm giàu dinh dưỡng
  • Thực phẩm chức năng bổ sung vitamin

Nguồn và Trích dẫn[sửa]