Giúp trẻ tránh mất nước

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Tình trạng mất nước ở trẻ nhỏ xảy ra khi lượng nước trẻ uống không đủ bù đắp lượng nước bài tiết. Các điều kiện thường khiến trẻ bị mất nước bao gồm: thời tiết nóng, vấn đề ăn uống, sốt, tiêu chảy và nôn mửa. Bạn có thể giúp trẻ tránh bị mất nước bằng cách nhận biết triệu chứng, hạn chế các điều kiện gây ra mất nước, và biết khi nào cần sự giúp đỡ y tế. Mất nước nghiêm trọng có thể gây ra những vấn đề lớn về sức khỏe ở trẻ nhỏ và gây tử vong.

Các bước[sửa]

Nhận biết tình trạng mất nước[sửa]

  1. Biết các nguyên nhân chính gây ra mất nước ở trẻ nhỏ. Sốt, tiêu chảy, nôn mửa, thời tiết nóng bức và giảm khả năng ăn uống là một vài nguyên nhân thường gặp nhất. Các bệnh như xơ nang hoặc tiêu chảy phân mỡ hạn chế hấp thụ thức ăn và có thể gây ra tình trạng mất nước.[1] Các dấu hiệu mất nước ở trẻ bao gồm:[2]
    • Mắt trũng xuống.
    • Giảm tần suất tiểu tiện.
    • Nước tiểu màu sẫm.
    • Phần mềm ở phía trước đỉnh đầu trẻ nhỏ (gọi là thóp) có thể bị lõm xuống.
    • Trẻ khóc không ra nước mắt.
    • Màng nhầy (lớp nhầy trong miệng hoặc lưỡi) bị khô hoặc dính.
    • Trẻ hoạt động lờ đờ (chậm hơn thông thường).
    • Khóc hoặc quấy không dỗ được nhiều hơn.
  2. Nhận biết các triệu chứng mất nước của trẻ nhỏ ở mức độ nhẹ đến vừa phải. Nhiều trường hợp mất nước nhẹ hoặc vừa phải có thể xử lý tại nhà. Nếu không được chăm sóc, tình trạng mất nước có thể nghiêm trọng. Hãy chú ý để nhận biết những triệu chứng này trước khi chúng diễn biến nặng hơn. Những triệu chứng nói trên bao gồm:[3]
    • Trẻ ít hoạt động.
    • Phản xạ bú ở trẻ chậm.
    • Trẻ không muốn ăn.
    • Thay tã ít hơn bình thường.
    • Vùng da quanh miệng khô, nứt nẻ.
    • Miệng và môi trẻ bị khô.
  3. Nắm bắt được triệu chứng mất nước nghiêm trọng ở trẻ nhỏ. Trong trường hợp như vậy, cần chăm sóc y tế. Hãy gọi điện cho bác sĩ ngay lập tức nếu trẻ bị mất nước trầm trọng. Các triệu chứng bao gồm:[3]
    • Trẻ khóc không ra nước mắt hoặc có rất ít nước mắt.
    • Tã không ướt trong vòng 6 đến 8 giờ hoặc thay tã chưa đến ba lần trong vòng 24 giờ, hoặc chỉ có một chút nước tiểu màu vàng sậm.
    • Thóp và mắt bị trũng.
    • Tay chân lạnh hoặc tím tái.
    • Da hoặc màng nhầy trong miệng rất khô
    • Thở gấp
    • Trẻ cử động chậm chạp (vận động rất ít) hoặc rất quấy

Kiểm soát chất lỏng[sửa]

  1. Bổ sung chất lỏng đối với các bệnh có thể dẫn đến mất nước.[4] Quá nóng hoặc thậm chí nhiệt độ xung quanh cao hơn mức bình thường có thể dẫn đến mất nước nhanh chóng. Sốt, tiêu chảy và nôn mửa cũng dẫn đến mất nước. Trong những trường hợp như vậy, bạn cần cho trẻ uống thêm chất lỏng.
    • Cho trẻ ăn nửa giờ một lần thay vì vài giờ một lần.
    • Khuyến khích trẻ bú thường xuyên hơn nếu cho bú mẹ.
    • Cho trẻ bú bình nhiều hơn với lượng sữa mỗi bình ít hơn.
  2. Bổ sung các chất lỏng khác ngoài nước nếu trẻ hơn 4 tháng tuổi. Nếu trẻ chưa ăn dặm, không cho trẻ uống quá 120 ml. Bạn có thể cho trẻ uống thêm nước nếu trẻ bắt đầu ăn dặm. Pha loãng nước hoa quả nếu cho trẻ uống.[5] Bạn cũng có thể cho trẻ uống dung dịch điện giải như Pedialyte, Rehydralyte, hay Enfalyte.
  3. Liên hệ với bác sĩ hoặc chuyên gia về sữa mẹ nếu trẻ không ngậm bú chính xác. Nếu bạn không cho trẻ bú đúng cách, mất nước là rủi ro thực sự. Môi trẻ phải ngậm vào quầng vú chứ không chỉ núm vú. Nếu bạn nghe thấy âm thanh lớn phát ra khi trẻ bú, có thể trẻ không mút được nhiều sữa. Chuyên gia có thể giúp chẩn đoán và đưa ra biện pháp giải quyết vấn đề khi cho trẻ bú.
  4. Trao đổi những lo ngại của bạn với bác sĩ nếu trẻ không muốn ăn. Theo dõi lượng tã thay mỗi ngày và lượng thức ăn/tần suất ăn của trẻ. Bác sĩ có thể sử dụng những thông tin này để đánh giá liệu trẻ có uống đủ nước không.[6]

Tránh tình trạng quá nóng[sửa]

  1. Kiểm tra xem trẻ có bị quá nóng bằng cách sờ nhẹ vào gáy. Thông thường, sờ là cách tốt nhất để kiểm tra thân nhiệt của trẻ. Nếu da trẻ nóng và ra mồ hôi, điều đó chứng tỏ trẻ mặc quá ấm. Quá nóng có thể gây ra tình trạng mất nước ở trẻ nhỏ.[7]
  2. Giảm thiểu thời gian trẻ tiếp xúc với nhiệt độ nóng. Tạo môi trường mát mẻ xung quanh trẻ sẽ giảm tốt đa việc mất nước. Nhiệt độ xung quanh cao hơn cũng là nguyên nhân dẫn đến hội chứng đột tử ở trẻ (SIDS). Các nghiên cứu cho thấy trẻ tiếp xúc với nhiệt độ trung bình là 28,9 °C có nguy cơ đột tử cao gấp hai lần so với nhiệt độ trung bình là 20 °C.[8]
    • Dùng nhiệt kế để theo dõi nhiệt độ phòng của trẻ.
    • Sử dụng điều hòa nhiệt độ vào mùa hè.
    • Đừng dùng lò sưởi quá nóng vào mùa đông.
  3. Dùng chăn hoặc quần áo phù hợp với thời tiết bên ngoài và nhiệt độ trong nhà. Đừng quấn trẻ trong chăn dày nếu trong nhà đã quá ấm dù ngoài trời lạnh. Tình trạng quá nóng do nhiều đồ bao bọc bên ngoài bị coi là nguyên nhân dẫn đến hội chứng đột tử ở trẻ.[9]
    • Đừng bao bọc trẻ quá nhiều khi ngủ.
    • Cho trẻ mặc quần áo phù hợp với thời tiết.
    • Tránh những loại vải dày, áo khoác, mũ trùm đầu, quần áo dài trong mùa hè trừ khi chúng được làm từ chất liệu thoáng khí.
  4. Giữ trẻ trong bóng mát khi đi ra ngoài.[10] Cách này cũng giúp bảo vệ da trẻ. Sử dụng xe đẩy có mái che di động. Mang theo ô che nắng nếu bạn ở những nơi nhiều ánh nắng, như bãi biển. Dùng màn che cửa kính ô tô để bảo vệ trẻ khỏi ánh nắng khi bạn lái xe.

Giữ cho trẻ không bị mất nước khi bị ốm[sửa]

  1. Đặc biệt chú ý cho trẻ uống nhiều nước khi bị ốm. Trẻ bị sốt, tiêu chảy hoặc nôn mửa dễ bị mất nước. Tăng tần suất cho trẻ bú hoặc uống sữa công thức. Cho trẻ ăn mỗi lần với khẩu phần ít hơn nếu bị nôn mửa.
    • Với trẻ đang bị nôn mửa, thậm chí chỉ nên cho trẻ uống 5-10ml nước lọc bằng xilanh y tế hoặc thìa cứ 5 phút một lần. Bác sĩ có thể hướng dẫn bạn liều lượng và tần suất cho trẻ ăn.
  2. Hãy quan sát xem trẻ có nuốt không. Trẻ bị tắc mũi hoặc đau họng do ốm có thể khó nuốt. Trong trường hợp đó, bạn cần xử lý các triệu chứng này.
    • Hỏi bác sĩ về việc dùng thuốc giảm đau cho trẻ nếu trẻ không muốn nuốt do bị đau họng.
    • Nhỏ dung dịch nước muối cho trẻ nhỏ để thông các hốc xoang khi trẻ bị tắc mũi và dùng xilanh để hút dịch nhầy. Hỏi bác sĩ cách sử dụng phù hợp và dùng biện pháp điều trị khác nếu tình trạng của trẻ không đỡ hoặc trầm trọng hơn.
  3. Dùng dung dịch bù nước qua đường uống (ORS). Có những loại được sản xuất chuyên để bù nước cho trẻ nhỏ, giúp bù nước, đường và muối bị mất.[10] Cho trẻ uống theo hướng dẫn của bác sĩ nếu trẻ không thể nuốt và tiếp tục bị tiêu chảy, nôn mửa. Cho trẻ bú và uống ORS luân phiên nếu bạn đang nuôi con bằng sữa mẹ. Nếu dùng sữa công thức, hãy ngừng cho uống loại sữa này và các đồ uống khác khi sử dụng ORS.
    • Các loại ORS phổ biến là Pedialyte, Rehydralyte, và Enfalyte.
  4. Hãy chăm sóc y tế khẩn cấp nếu trẻ bị ốm và mất nước nghiêm trọng. Mất nước ở trẻ nhỏ có thể nguy hiểm đến tính mạng. Nếu tình trạng sốt, tiêu chảy hoặc nôn mửa ở trẻ tiếp tục hoặc có chiều hướng xấu, hoặc trẻ có dấu hiệu mất nước trầm trọng, hãy gặp bác sĩ hoặc đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức.[11]

Cảnh báo[sửa]

  • Tránh cho trẻ dùng nước ép hoa quả khi bị tiêu chảy vì có thể khiến bệnh trầm trọng hơn.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]