Giả thiết về nguồn gốc loài người đang lung lay
Cho đến nay, người ta vẫn cho rằng tổ tiên của loài người tiến hoá từ loài vượn ở châu Phi, nhưng từ những hoá thạch khai quật ở Myanmar, nhà nhân chủng học Chris Beard lại cho rằng quá trình này xảy ra tại Châu Á.
Những hoá thạch mới phát hiện ở Myamar có thể chứng minh rằng tố tiên chung của loài người, khỉ và vượn người đều tiến hoá từ loài linh trưởng ở Châu Á chứ không phải Châu Phi. Phát hiện này được tuyên bố ngày 3/7/2009 vừa qua.
Tuy nhiên, những nhà khoa học khác tuyên bố, tuy phát hiện mới này có ý nghĩa rất lớn nhưng chưa đủ “mạnh” để kết thúc cuộc tranh cãi về nguồn gốc của vượn người – nhóm linh trưởng bao gồm những loài khỉ cổ xưa và con người hiện đại.
TS Chris Beard, một nhà nhân chủng học tại Viện Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Carnegie tại Pittsburgh (Hoa Kỳ) và các thành viên trong Đoan khảo cổ đã tìm được các hoá thạch cho biết: Những mảnh hoá thạch gồm xương hàm và răng 38 triệu năm tuổi tìm thấy gần Bagan, miền Trung Myanmar vào năm 2005, thể hiện những nét đặc trưng của loài linh trưởng.
"Khi tìm thấy những hoá thạch này, chúng tôi biết ngay rằng chúng tôi đã phát hiện một loài linh trưởng mới, đồng thời xác định ngay được về cơ bản đó là loài linh trưởng nào” - TS Beard nói trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại tại Pittsburgh - “Hàm và răng chứa đầy những thông tin đặc trưng... Chúng giống như những dấu vân tay vậy”.
Các phát hiện này được công bố trên Tạp chí Proceedings of The Royal Society B tại London. TS Beard và Đội khai quật của ông gồm những thành viên từ Pháp, Thái Lan và Myanmar đã kết luận rằng các hoá thạch ấy là di vật của 10 đến 15 cá thể của một loài linh trưởng có tên khoa học là Ganlea megacanina, một loài mới trong họ linh trưởng dạng người ở châu Á đã tuyệt chủng, có tên là Amphipithecidae.
Theo TS Beard, những chiếc răng nanh tìm được đã bị hư hại ít nhiều cho thấy đây là răng của một loài vật giống như khỉ sống ở trên cây có đuôi dài, dùng để cắn vỡ các quả nhiệt đới để ăn thịt, quả và nhân của hạt – cách sinh hoạt ấy tương tự như loài khỉ saki ở Nam Mỹ ngày nay, sống tại lưu vực sông Amazon.
"Không những loài Ganlea trông có dạng người mà còn có cách sinh hoạt tựa như vượn người 38 triệu năm về trước với cách sống rất đặc trưng”, TS Beard nói thêm. 38 triệu năm tuổi – như họ xác định – là trước những hoá thạch dạng người được tìm thấy ở châu Phi và châu Á nhiều triệu năm.
Vào năm 1994, Beard và các đồng nghiệp Trung Quốc đã tìm thấy xương chân của hoá thạch dạng người Eosimias, một trong những loài linh trưởng nhỏ nhất thế giới, có mặt trên Trái đất từ 40 đến 45 triệu năm về trước và sống lang thang trong những khu rừng ở bờ biển phía đông Trung Quốc. TS Beard cho rằng tuổi của hai loại hoá thạch là dẫn chứng thuyết phục cho giả thuyết của ông nhằm bác bỏ những giả thuyết trước đây cho rằng loài người tiến hoá từ châu Phi, nơi năm 1974 người ta phát hiện ra hoá thạch Lucy chỉ mới 3,2 triệu năm (được khẳng định là “bà tổ” của loài người).
"Hoá thạch Ganlea vừa phát hiện cho phép chúng tôi giả định tổ tiên chung của loài người, khỉ và vượn người ở châu Á chứ không phải ở châu Phi”, TS Beard quả quyết.
Vào tháng 5, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện một bộ xương loài linh trưởng có 47 triệu năm tuổi ở Đức, gọi là "Ida" đã khiến người ta bắt đầu có cái nhìn mới vào tổ tiên xa xưa của loài người.
"Chúng tôi vẫn tin rằng Ganlea liên quan nhiều đến tổ tiên của chúng ta hơn là Ida, chỉ tiếc rằng chúng tôi không có cả một bộ xương hoàn chỉnh như Ida”, ông nói.
Jorn Hurum, người đã mang Ida về Viện Bảo tàng Lịch sử tự nhiên thuộc Trường ĐH Oslo, nói rằng kết luận này là quá sớm vì chứng cớ mới chỉ là xương răng và xương hàm. Theo Hurm "Dẫn chứng như vậy là chưa đầy đủ đối với một cuộc tranh luận khoa học. Phải tìm được cả một bộ xương hoàn chỉnh như Ida, mà chắc điều này phải mất hàng trăm năm nữa”. Trong khi đó giáo sư John G. Fleagle, một nhà nhân chủng học tại ĐH Stony Brook, cho rằng việc phát hiện ra Ganlea là rất quan trọng, có thể làm cơ sở cho những giả thuyết mới, song vẫn chưa đủ để nói loài người xuất xứ từ Châu Phi hay Châu Á, thậm chí Ganlea là tiền thân của loài người hay chỉ là họ hàng đầu tiên của vượn cáo (còn gọi là khỉ lemur, hiện sống ở Madagascar).
Ông nói: "Dẫn chứng thuyết phục phải là xương sọ. Nếu không có xương sọ đặc trưng cho khỉ dạng người ở vùng mắt và tai, thì các nhà khoa học vẫn phải tiếp tục tranh luận quanh những sự tương đồng về răng để chỉ ra những thức ăn chung...”
TS Beard tiếp nhận tất cả những ý kiến tranh luận. Tháng Mười một này, ông và Đội khai quật sẽ quay lại Myanmar để tiếp tục tìm kiếm các hoá thạch và các dẫn chứng vượn người tiến hoá ở Châu Á ra sao và di cư sang Châu Phi bằng cách nào. Ông cho biết "Vấn đề là cuộc tiến hoá vĩ đại này khi nào chuyển từ Châu Á sang Châu Phi và chuyển như thế nào. Chúng tôi đang cố gắng chứng minh. Chúng tôi có một đơn vị làm việc ở Myanmar, và đội này đã có kế hoạch về các địa điểm chúng tôi sẽ đến ở Châu Phi và từ đây, chúng tôi sẽ tìm ra một đường dây”.
- Tuấn Hà (Theo AP. org)