Điều gì khiến bộ não của con người có kích thước lớn?

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Nhu cầu theo dõi và kiểm soát mối quan hệ xã hội luôn thay đổi trong quá trình tiến hóa đã khiến bộ não của con người có kích thước lớn.

Con người là loài động vật có bộ não lớn, linh hoạt, phức tạp với 86 tỷ nơron thần kinh, 100 nghìn tỷ kết nối bên trong não và hơn 1.000 protein ở mỗi điểm kết nối. Bộ não giúp con người có tư duy thông minh, góp phần hình thành môi trường xã hội tiên tiến mà không sinh vật nào trên Trái Đất có được, theo Science Alert.

Con người là loài động vật có bộ não lớn và linh hoạt với 86 tỷ nơron thần kinh. Ảnh: CBS News.

Trong quá trình tiến hóa, con người tập trung thành các nhóm xã hội lớn và phức tạp. Bộ não lớn cho phép con người chuyên môn hóa các kỹ năng như làm công cụ, tạo ra lửa, săn bắn, chăm sóc con cái, chia sẻ nguồn thức ăn.

Robin Dunbar, nhà nhân chủng học tại Đại học Oxford, Anh, cho rằng bộ não lớn của chúng ta được phát triển chủ yếu để theo dõi và kiểm soát các mối quan hệ xã hội luôn thay đổi nhanh chóng. Con người cần phải có hiểu biết và khả năng nhận thức để tồn tại trong các nhóm xã hội lớn. Cá nhân bị nhóm loại bỏ sẽ mất quyền tiếp cận thực phẩm và bạn tình nên không thể truyền lại gene cho thế hệ sau.

Nhiều bằng chứng di truyền gần đây cho thấy não người hiện đại linh hoạt hơn so với não tinh tinh và bị tác động bởi môi trường xung quanh nhiều hơn. Não tinh tinh chịu sự kiểm soát chặt chẽ của gene, trong khi não người hiện đại được điều chỉnh chủ yếu bởi môi trường sống và yếu tố xã hội.

Đối với con người, cấu trúc não của thế hệ sau có thể thích ứng với thách thức của môi trường và xã hội mới mà không cần phải tiến hóa về mặt thể chất. Điều này cũng giải thích tại sao chúng ta hay phàn nàn rằng không thể hiểu được suy nghĩ của thế hệ con cháu, khi bộ não của mỗi thế hệ phát triển trong môi trường tự nhiên và xã hội khác nhau.

Một số người cho rằng bộ não của con người hoạt động như một máy tính mạnh mẽ. Robert Epstein, nhà tâm lý học tại Viện Nghiên cứu Hành vi và Công nghệ Mỹ, cho rằng đây chỉ là một suy nghĩ hạn hẹp, kìm hãm sự hiểu biết của chúng ta về não người.

Con người được sinh ra với các giác quan, cơ chế phản xạ và học tập mà không cần thuật toán, quy tắc hoạt động giống như máy tính. Máy tính có thể lưu trữ dữ liệu chính xác trong thời gian dài, ngay cả khi tắt nguồn. Trong khi đó, bộ não con người có khả năng tạo ra dữ liệu sai lệch hoặc ký ức sai lầm. Thông tin trong não chỉ tồn tại chừng nào chúng ta còn sống.

Nguồn[sửa]

  • Lê Hùng, VnExpress
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này