Kết quả nghiên cứu khảo sát thực tế tại Israel
Thực hiện chương trình hoạt động của Ban Chủ nhiệm Chương trình “Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2016-2020”, vừa qua, Ban Chủ nhiệm Chương trình đã tổ chức đợt khảo sát thực tế tại Israel. Dưới đây là một số kết quả nổi bật thu được từ đợt khảo sát.
Mục lục
1. Về phát triển kinh tế - xã hội[sửa]
Israel được nhận định là quốc gia phát triển nhất ở Tây Nam Á và Trung Đông, cũng là quốc gia được xếp hạng bền vững nhất thế giới trong việc đối diện với khủng hoảng. Tính đến 2016, GDP của Israel là 311,739 tỷ USD. GDP bình quân đầu người của Israel là 36.500 USD/năm.
- Về phát triển nông nghiệp: Israel xác định do đất đai khô cằn, 2/3 diện tích khô hạn, xung quanh có nhiều kẻ thù nên phải sản xuất tự túc cho được lương thực vừa đảm bảo an ninh lương thực vừa xuất khẩu sang các nước. Mục tiêu đặt ra là đảm bảo an ninh lương thực trong vòng 100 năm. Để xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp phải luôn tìm ra sản phẩm mới, có giá trị cao. Phát triển nền nông nghiệp sinh học để tạo ra một nền nông nghiệp hài hòa với môi trường.
Điểm nổi bật về quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Israel là tổ chức nghiên cứu khoa học của các viện, trung tâm nghiên cứu phục vụ kịp thời cho mục tiêu phát triển nông nghiệp.
Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra cho ngành nông nghiệp Israel là nguồn nhân lực chất lượng cao ngày càng giảm. Phần lớn người dân Israel muốn làm việc trong công nghiệp hay các ngành nghề dịch vụ xã hội, không muốn tham gia sản xuất nông nghiệp.
- Tổ chức Kibbutz ở Israel
Kibbutz (trang trại, công xã) là một mô hình tổ chức sản xuất phổ biến hiện đại và thành công của Israel. Thổ nhưỡng và khí hậu Israel không thuận lợi cho canh tác nông nghiệp. Tuy nhiên tính đến 2014, thì 24,2% diện tích Israel đã là đất nông nghiệp. Thành tích này có công lao lớn của các Kibbutz. Hiện nay 50% diện tích đất nông nghiệp là do các Kibbutz quản lý, canh tác. Tuy nhiên, toàn bộ ruộng đất ở Israel đều do nhà nước quản lý. Hệ thống các Kibbutz đã ứng dụng những kỹ thuật công nghệ mới, hiện đại trong sản xuất và mở ra các quan hệ hợp tác quốc tế. Không những thế Kibbutz còn trở thành những tế bào xã hội, đóng vai trò quan trọng trong quốc phòng và chính trị Israel.
Kibbutz là những cộng đồng kinh tế - xã hội trong nông nghiệp, nông thôn ở Israel được tổ chức theo nguyên tắc tự nguyện dân chủ, tự quản, cộng đồng sở hữu tư liệu sản xuất và tài sản, bình đẳng trong lao động và phân phối.
Đại hội các xã viên là thiết chế quyền lực cao nhất theo nguyên tắc dân chủ, tập trung. Hội đồng lãnh đạo Kibbutz do Đại hội xã viên trực tiếp bầu.
Mục tiêu chung của các Kibbutz là lo toàn bộ cuộc sống cho mọi thành viên, đáp ứng nhu cầu của cuộc đời một con người ăn, mặc, ở, đi lại, học hành, việc làm, khám chữa bệnh…
Khởi nghiệp
Israel được biết đến nổi tiếng là “quốc gia khởi nghiệp”. Là một quốc gia nhỏ nhưng có số doanh nghiệp khởi nghiệp chỉ đứng sau Mỹ và thu hút số lượng vốn đầu tư mạo hiểm trên mỗi đầu người nhiều nhất thế giới. Israel cũng là nơi sản sinh ra những công ty sáng tạo và đổi mới nổi tiếng, là cái nôi “nuôi dưỡng” sự sáng tạo, đổi mới và phong trào khởi nghiệp. Vì sao?
Trước hết, đó là nguồn lực được đào tạo từ quân đội. Hai là, vai trò to lớn của các trường đại học. Ba là, sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính phủ. Chính phủ Israel đã giành 4% GDP cho doanh nghiệp mới. Bốn là, huy động lực lượng và phát huy vai trò dẫn dắt của những thế lực khởi nghiệp đã “nghỉ hưu”.
2. Về xã hội, văn hóa, khoa học công nghệ[sửa]
Ở Israel, việc quản lý phát triển xã hội được thực hiện rất tốt. Chính sách quản lý được kết hợp rất thành công giữa tính kỷ luật nghiêm khắc với chế độ dân chủ cao trong xã hội. Người dân Israel có ý thức cao trong tuân thủ luật pháp, kỷ cương xã hội, nhưng cũng rất cởi mở, thân thiện và lịch sự trong quan hệ xã hội. An ninh trật tự, an toàn xã hội ở Israel được bảo đảm tốt.
Israel có nền giáo dục phát triển, nhất là về chất lượng và phương pháp giảng dạy tiên tiến. Các trường Đại học ở Israel được xếp hạng trong số 100 trường đại học hàng đầu thế giới về toán học, vật lý, hóa học… và là nước có nhiều nhà khoa học đạt giải Nobel. Là một quốc gia dẫn đầu thế giới về kĩ thuật công nghệ nước, bao gồm công nghệ lọc nước ngọt từ nước biển, công nghệ xử lý nước thải thành nước tưới, công nghệ tưới nhỏ giọt trong nông nghiệp, hệ thống quản lý, phân phối nước trên phạm vi toàn quốc gia…, là quốc gia đi tiên phong về sử dụng năng lượng mặt trời.
Du lịch là ngành kinh tế quan trọng của Israel, đặc biệt là du lịch tôn giáo. Hàng năm Israel đón gần 4 triệu du khách.
3. Về đảng cầm quyền Likud và Quốc hội Israel[sửa]
Đảng Likud
Đảng Likud thành lập 1973 do bốn đảng phái nhỏ theo chủ nghĩa phục quốc Do thái. Đảng Likud chủ trương cạnh tranh tự do tư bản tư nhân, xây dựng “một xã hội tự do, công bằng, không có sự nghèo khổ”, mở rộng quan hệ với các nước trên thế giới.
Đảng Likud là đảng chính trị lớn nhất Israel có 130.000 Đảng viên (Đảng Lao động lớn thứ hai, cũng là đảng đối lập trong quốc hội, có 50.000 đảng viên). Nhiệm kỳ Đại hội Đảng là 4 năm. Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương, Ban Bí thư và Ban Thư ký. Toàn bộ bộ máy hành chính của Đảng chỉ có 30 người hưởng lương của nhà nước, việc quản lý đảng viên và đảng phí của Đảng trong toàn quốc do 3 nhân viên nữ thực hiện thông qua mạng máy tính.
Việc kết nạp vào Đảng Likud được thực hiện theo nguyên tắc rất đơn giản. Bất cứ ai là công dân Israel đủ 17 tuổi, không phải là tội phạm, nếu có nguyện vọng vào đảng kê khai một trang hồ sơ theo mẫu, gửi về Văn phòng Trung ương Đảng theo đường Internet và nộp đảng phí mỗi tháng 15 USD.
Ngoài các hoạt động vận động thông qua giao tiếp trực tiếp, Đảng Likud đặc biệt quan tâm sử dụng mạng xã hội để chuyển tải chính sách của Chính phủ tới người dân, thăm dò dư luận xã hội, đánh giá tâm trạng người dân, những tư tưởng, vấn đề và sự việc mà người dân đang bức xúc để kịp thời phục vụ cho hiệu quả cho hoạt động của Đảng. Tất cả các nhà lãnh đạo của Đảng Likud đều sử dụng mạng xã hội để tương tác với người dân, đấu tranh phản bác những thông tin sai trái, xuyên tạc.
Quốc hội phân bổ ngân sách hoạt động cho các đảng chính trị dựa vào sức mạnh của các Đảng, cụ thể là dựa vào số lượng đảng viên tham gia Quốc hội.
Nhìn chung, Đảng Licút được tổ chức theo mô hình mở, không chặt chẽ cả về tổ chức và hệ tư tưởng. Cương lĩnh bầu cử để giành quyền lãnh đạo nhà nước là quyết sách quan trọng nhất của Đảng. Khi đã cầm quyền, mọi chính sách của Đảng được “chuyển” vào hoạt động của Quốc hội và của Chính phủ mà đứng đầu là Thủ tướng.
Quốc hội Israel
Quốc hội Israel từ khi thành lập đến nay đều có 120 thành viên (từ khi dân số là 700 ngàn dân đến nay hơn 8,5 triệu dân), theo mô hình 1 viện, gọi là Knesset - mô hình cộng hòa dân chủ cùng quyền phổ thông đầu phiếu. Thủ tướng là người đứng đầu Chính phủ và có quyền lực chính trị lớn nhất. Hiện có 10 đảng tham gia quốc hội, trong đó 6 đảng trong liên minh cầm quyền và 4 đảng đối lập.
Bầu cử nghị viện Israel 4 năm 1 lần và nhiệm kỳ chính phủ cũng là 4 năm. Israel không có hiến pháp chung mà chỉ có 12 đạo luật cơ bản có chức năng hiến pháp bất thành văn. Các quyết định đưa ra trái với các đạo luật cơ bản sẽ bị Quốc hội bác bỏ.
Từ năm 2000, Quốc hội Israel rất chú trọng công tác xây dựng pháp luật, nên đã thành lập Ban Luật pháp của Quốc hội để tách công việc xây dựng pháp luật ra khỏi sự chi phối của nhánh hành pháp.
Các chuyên gia Israel đưa ra một số gợi ý đối với Việt Nam, đó là:
- Việt Nam cần quan tâm đến phát triển nông nghiệp. Bài học thành công của Israel chính là đã xác định chính sách ưu tiên hàng đầu là phát triển nông nghiệp để tự túc lương thực, song song với phát triển quốc phòng để bảo vệ Tổ quốc. Israel đã tạo ra một nền nông nghiệp công nghệ cao nhất trên thế giới theo tư duy mới và bằng trí tuệ sáng tạo.
Chính nền nông nghiệp công nghệ cao, năng xuất và chất lượng đã trở thành cơ sở vững chắc cho sự phát triển công nghiệp hiện đại, tạo ra một nền kinh tế toàn diện và bền vững có năng lực cạnh tranh cao.
Để phát triển nền nông nghiệp mạnh, hiện đại, năng suất, chất lượng cao, thân thiện với môi trường, Việt Nam cần quan tâm hai vấn đề: áp dụng công nghệ cao và có chiến lược quản lý nguồn nước, nâng cao hiệu quả sử dụng nước lâu dài. Phải xử lý hài hòa giữa sản phẩm và giá cả, hài hòa giữa đất - nước - tín dụng (nguồn vốn).
- Phát triển khoa học, kỹ thuật, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực là then chốt để phát triển kinh tế. Công nghệ mới là sức bật cho phát triển.
- Cần có chính sách phát triển vùng hợp lý, như xây dựng các viện, trung tâm nghiên cứu ở các vùng và có chính sách đầu tư tích cực để các trung tâm đó phát huy vai trò xúc tác, thúc đẩy phát triển./.
Nguồn[sửa]
- www.hdll.vn (Hội đồng lý luận Trung ương)