Khái niệm dystopia là gì trong khoa học viễn tưởng?

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Định nghĩa dystopia[sửa]

Dystopia (phản địa đàng) là từ gốc hy lạp, dùng để chỉ các xã hội, các thế giới phát triển theo hướng tiêu cực hoặc đáng sợ. Dịch thô ra, dystopia là "nơi không tốt." Các xã hội dystopia xuất hiện nhiều trong các tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt các tác phẩm lấy bối cảnh tương lai. 1984 Brave New World là hai tác phẩm dystopia nổi tiếng nhất. Đặc trưng của các tác phẩm thuộc dòng dystopia là thể hiện sự phi nhân tính, chế độ độc tài, thảm hoạ môi trường, và các yếu tố liên quan đến sự thoái hoá xã hội khác. Các xã hội dystopia xuất hiện trong rất nhiều dòng viễn tưởng và thường dùng để nói về các vấn đề đang tồn tại trong xã hội lúc bấy giờ, chẳng hạn như về môi trường, chính trị, kinh tế, tôn giáo, tâm lý, đạo đức, khoa học và/hoặc công nghệ, những vấn đề nếu không được giải quyết sẽ đưa xã hội đến một tương lai dystopia.

Nguồn gốc từ dystopia[sửa]

Dystopia là một biến thể của từ utopia. Utopia là phiên âm tiếng Anh của từ οὐτόπος (ou-topos), tức "nơi không tưởng" trong tiếng Hy Lạp, lần đầu sử dụng bởi Thomas More trong tác phẩm cùng tên xuất bản năm 1516. Ban đầu utopia chỉ có nghĩa là “nơi không tồn tại,” nhưng về sau âm ou- (tức “không“) bị lẫn với âm eu- (tức “tốt đẹp”), và utopia trở thành “nơi hoàn hảo.” Dystopia thay tiền tố οὐ- (tức “không tồn tại”) bằng tiền tố δυσ- (tức "xấu xa"), tạo thành từ mang nghĩa “nơi xấu xa,” từ trái nghĩa của utopia. Từ này lần đầu được dùng bởi J. S. Mill trong bài phát biểu quốc hội năm 1868.

Lịch sử ra đời[sửa]

Năm 1818, nhiều thập niên trước khi từ dystopia xuất hiện, Jeremy Bentham đã đề nghị sử dụng từ cacotopia (dùng tiền tố κακόs-, tức "đồi bại, ghê tởm" để thay cho tiền tố οὐ-) để làm từ trái nghĩa với utopia. Mặc dù sau này dystopia trở nên thịnh hành hơn hẳn, cacotopia vẫn đôi khi được nhắc tới, chẳng hạn như Anthony Burgess, tác giả A Clockwork Orange, đã nói rằng từ Orwell dùng từ này trong 1984 thì hợp hơn vì "nghe nó mạnh hơn dystopia."

Theo từ điển Oxford, từ dystopia lần đầu tiên được John Stuart Mill dùng trong bài phát biểu trước Hạ Nghị Viện Anh năm 1868. Trong bài nói của mình, Mill lên án chính sách đất đai của chính phủ: "Có lẽ nói chúng nghe như utopia thì hơi quá, chúng phải bị gọi là dys-topia, hoặc caco-topia. Thứ thường được gọi là utopia sẽ quá hoàn hảo để có thể đưa vào thực tế; nhưng những chính sách này quá tệ hại để đưa vào thực tế."

Những chủ đề thường có trong dystopia[sửa]

Chính trị[sửa]

  • Trong cuốn When the Sleeper Wakes, H. G. Wells mô tả tầng lớp cai trị là những kẻ ăn chơi hưởng lạc và nông cạn. George Orwell thì ngược với Wells, coi chính quyền tàn ác và nhẫn tâm đến mức cuồng tín như trong The Iron Heel của Jack London là điều nghe khả thi hơn.
  • Trong utopia, các nguyên tắc chính trị mang màu sắc lý tưởng hoá và mang lại những kết quả tốt đẹp cho người dân. Ở dystopia, các nguyên tắc chính trị đôi khi cũng dựa trên những lý tưởng của utopia, nhưng lại dẫn tới hậu quả tiêu cực cho người dân vì các nguyên tắc ấy có tối thiểu một yếu điểm chết người.
  • Các tác phẩm dystopia thường vẽ lên bức tranh bi quan về tầng lớp thống trị, hoặc mô tả một chính quyền tàn bạo hoặc vô cảm, thống trị bằng “nắm tay sắt.” Trong các tác phẩm dystopia, thường xuất hiện một nhân vật hoặc nhóm nhân vật "kháng chiến" chống tầng lớp thống trị nhằm thay đổi xã hội, chẳng hạn như nhân vật V trong V for Vendetta của Alan Moore.
  • Nhiều tác phẩm dystopia được dùng để chỉ trích chính trị như We, Parable of the Sower, 1984, Đấu trường sinh tử, và 451 độ F.

Kinh tế[sửa]

Hệ thống kinh tế trong các tác phẩm dystopia có muôn hình vạn trạng, thường liên quan trực tiếp đến nguồn gốc khiến xã hội trở thành dystopia. Tuy nhiên, vẫn có những mô típ kinh tế thường gặp.

  • Một trong những mô típ hay xuất hiện nhất là kinh tế dưới quyền kiểm soát tuyệt đối của chính phủ chẳng hạn như trong Anthem của Ayn Rand và The Iron Standard của Henry Kuttner. Một số tác phẩm dystopia khác, chẳng hạn như 1984, cho thêm sự xuất hiện của chợ đen để mua bán hàng hoá cấm và/hoặc nguy hiểm, hoặc các nhân vật trong truyện luôn phải sống nơm nớp sợ hãi trong nền kinh tế thiếu tự do. Những hệ thống kinh tế như vậy thường thiếu hiệu quả, gây ra những hậu quả nguy hiểm. Chẳng hạn như trong Riders of the Purple Wage của Philip Jose Farmer, một hệ thống an sinh xã hội quá phát triển đã khiến con người không còn bất cứ thứ trách nhiệm nào nữa, và tầng lớp dưới thường xuyên có những hoạt động phá hoại xã hội. Player Piano của Kurt Vonnegut mô tả một thế giới dystopia với hệ thống kinh tế tập trung khiến nguyên vật liệu trở nên dồi dào, nhưng đồng thời lại khiến phần lớn loài người không được làm những công việc có ý nghĩa; gần như mọi công việc đều rất hèn mọn, không mang lại giá trị tinh thần, và chỉ một nhóm nhỏ có học thức được đưa vào tầng lớp tinh hoa và thực hiện những công việc tinh hoa.
  • Một mô típ khác là nền kinh tế tư nhân hoá và chủ nghĩa nghiệp đoàn (corporatism) phát triển quá mạnh mẽ, cả hai đều xuất phát từ chủ nghĩa tư bản. Trong mô típ này, các tập đoàn tư nhân khổng lồ không bị ai kiểm soát gần như đã thay thế chính phủ trong việc đưa chính sách và ra quyết định. Họ thao túng, thâm nhập, điều khiển, hối lộ, không cách này thì cách khác trở thành người kiểm soát đất nước thực sự. Điển hình cho mô típ này là các tác phẩm Jennifer Government và Oryx and Crake cùng các phim như Alien, Avatar, Robocop, Visioneers, Idiocracy, Soylent Green, THX 1138, WALL‑E và Rollerball. Các khu vực cộng hoà do tập đoàn công nghiệp điều hành xuất hiện rất nhiều trong dòng cyberpunk, chẳng hạn như ở tác phẩm Snow Crash của Neal Stephenson và Do Androids Dream of Electric Sheep? của Philip K. Dick.

Phân hoá xã hội[sửa]

  • Các tác phẩm dystopia thường thể hiện sự tương phản giữa các đặc quyền của tầng lớp thống trị và đời sống thê lương của tầng lớp lao động.
  • Trong tác phẩm Brave New World do Aldous Huxley viết năm 1931, việc phân tầng xã hội được thực hiện ngay từ trước khi con người sinh ra, với các tầng lớp là Alphas, Betas, Gammas, Deltas, và Epsilons. Những tầng lớp cấp thấp bị làm thui chột chức năng não bộ và được điều chỉnh để họ cảm thấy sung sướng với địa vị hiện tại.

Gia đình[sửa]

  • Một số tác phẩm dystopia, chẳng hạn như Brave New World và 451 độ F, đã xoá bỏ hoàn toàn khái niệm gia đình và không ngừng tìm cách ngăn ngừa nó được tái thiết lập. Trong Brave New World, trẻ em được chế tạo trong nhà máy, "ba" và "mẹ" bị coi là những từ tục tĩu. Trong một số tác phẩm khác, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình bị căng thẳng hoá. Chẳng hạn như 1984, trẻ em bị bắt phải do thám bố mẹ mình.

Tôn giáo[sửa]

  • Tôn giáo vừa được sử dụng dưới vai trò là đối tượng bị áp bức, vừa là kẻ đàn áp. Trong Brave New World, chính quyền yêu cầu chặt bỏ phần đầu mọi cây thánh giá (biểu thượng của đạo Cơ Đốc) để biến chúng thành chữ "T", (biểu tượng mẫu xe T của Henry Ford). Cuốn Truyện người tuỳ nữ của Margaret Atwood thì lại lấy bối cảnh là nước Mỹ trong tương lai dưới sự cai trị của chế độ thần quyền đạo Cơ Đốc.
  • Trong Do Androids Dream of Electric Sheep?, con người trên Trái Đất theo đạo Mercer, sử dụng các "hộp cảm thông" để gắn kết với nhau và nâng cao nhân tính của mình, đồng thời thể hiện sự tách biệt với rô-bốt, những tạo vật không có khả năng cảm thông.

Bản ngã[sửa]

  • Trong cuốn We do Yevgeny Zamyatin xuất bản năm 1921, con người chỉ được phép ra nơi công cộng hai lần một tuần, mỗi lần một tiếng và phải gọi nhau bằng số hiệu chứ không phải tên.
  • Trong một số tác phẩm dystopia, chẳng hạn như Harrison Bergeron của Kurt Vonnegut, xã hội ép các cá nhân phải tuân theo chủ nghĩa bình đẳng cực đoan, ngăn cấm, cản trở các thành tựu hay thậm chí thể hiện tài năng vì nó sẽ gây ra bất bình đẳng.

Bạo lực[sửa]

  • Bạo lực xuất hiện rất nhiều trong các tác phẩm dystopia, nhất là dưới dạng chiến tranh (như 1984); các băng đảng tội phạm thành thị (như A Clockwork Orange); tội phạm bị một kẻ ngoài vòng pháp luật trừng phạt (như Mad Max); hoặc các môn thể thao đẫm máu (như Battle Royale). Đấu trường sinh tử và Divergent là hai ví dụ về các tác phẩm dystopia gần đây với đề tài chiến tranh và bạo lực là chủ đạo.

Thiên nhiên[sửa]

  • Nhiều tác phẩm dystopia lấy bối cảnh thành thị và cấm các nhân vật tiếp xúc với thế giới tự nhiên. Chẳng hạn như trong 451 độ F của Ray Bradbury, đi dạo bị coi là hành vi gây rối xã hội. Trong That Hideous Strength của C. S. Lewis, chính phủ dùng khoa học để loại bỏ các bản năng hướng về tự nhiên của con người. Trong Brave New World, các giai cấp thấp của xã hội được huấn luyện cho trở nên hãi sợ tự nhiên, nhưng lại muốn đi về các vùng đồng quê chơi thể thao để mua nhiều dụng cụ, dùng phương tiện di chuyển, từ đó kích thích kinh tế. Người truyền ký ức của Lois Lowry vẽ lên một xã hội muốn tạo ra utopia bằng cách dùng công nghệ để kiểm soát khí hậu, đồng thời loại bỏ mọi sinh vật không được thuần dưỡng, đồng thời cung cấp thuốc kìm hãm sự phát triển bản năng của con người.
  • Ô nhiễm nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến tự nhiên cũng xuất hiện nhiều trong các tác phẩm dystopia, ví dụ như các phim Avatar, Robocop, Wall-E, và Soylent Green. The Punishment of Luxury của Michael Carson và Riddley Walker của Russell Hoban là những truyện mang thông điệp cảnh tỉnh người đọc hãy bảo vệ môi trường. Trong số đó, quyển Riddley Walker lấy bối cảnh là hậu chiến tranh hạt nhân.

Công nghệ[sửa]

Nếu những tác phẩm utopia coi công nghệ là phát minh có lợi về mọi mặt cho nhân loại, dystopia tập trung chủ yếu vào những ảnh hưởng tiêu cực của công nghệ.

  • Công nghệ làm bộc lộ và khuyến khích những bản tính xấu xa nhất của con người.Jaron Lanier, một trong những người đi tiên phong trong công nghệ kỹ thuật số, đã trở thành chuyên viên phân tích công nghệ theo hướng dystopia. “Ôi, do máy làm đấy chứ, phải tôi đâu.’ ‘Tàng lớp trung lưu biến mất rồi à? Ôi, phải tôi đâu, do máy làm đấy chứ’” Lanier đưa ra ví dụ.
  • Công nghệ có những hệ quả không lường được. Trong tác phẩm I Have No Mouth, and I Must Scream của Harlan Ellison, một siêu máy tính được tạo ra để giúp con người tiến hành chiến tranh hiệu quả hơn, nhưng rồi đột nhiên siêu máy tính đó trở nên có nhận thức và quay sang huỷ diệt toàn bộ loài người.
  • Công nghệ gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Trong tác phẩm Funscreen của Craig A. Falconer, công nghệ đã phát triển quá cao khiến hàng triệu người không có việc làm; nhân vật chính hàng ngày phải xem quảng cáo và đánh giá quảng cáo để kiếm tiền, và vì công nghệ theo dõi đánh giá sắc mặt và độ chú ý quá tối tân, nhân vật chính buộc phải tập trung vào từng mẩu quảng cáo một, không được rời măt.
  • Công nghệ mới không thể giải quyết vấn đề của công nghệ cũ, hoặc gây ra nhiều vấn đề hơn. Trong tác phẩm The Fold của Peter Clines, các nhà khoa học phát minh ra hệ thống dịch chuyển tức thời, nhưng hệ thống ấy lại khiến xáo trộn các chiều không gian và tạo ra những vấn đề rất nguy hiểm.
  • Công nghệ huỷ diệt môi trường. Trong The Road của Cormac McCarthy, vũ khí hạt nhân đã tàn phá toàn bộ thế giới, và để lại một vùng đất cằn cỗi, nơi con người không thể sinh sống được.

Nguồn[sửa]

  • Bookism
  • Chúng Ta, Long Nguyen (tổng hơp)
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này