Khử mùi trong phòng

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm
Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này

Vào lúc nào đó ai trong số chúng ta đều có thể gặp phải cảnh này: phát hiện có mùi không mấy dễ chịu trong phòng mà chẳng thể nào khử được mùi. Các thứ sạch sẽ thường sẽ không bốc mùi, nhưng một số mùi lại có cách len lỏi vào mọi thứ. Bài viết này sẽ bày cho bạn nhiều phương pháp thực sự có tác dụng khử mùi trong phòng tương đối hiệu quả và dễ thực hiện. Hãy dùng cách nào có vẻ thích hợp nhất với tình huống, nhưng có thể bạn phải kết hợp nhiều phương pháp để đẩy lùi những mùi thực sự khó chịu. Cuối cùng, bạn đừng hoảng hốt; các giải pháp gợi ý sau đây thực sự công hiệu. Chỉ cần chút thời gian và công sức, mùi khó chịu trong phòng bạn có thể giảm rõ rệt trong vài ngày.

Ảnh minh họa

Các bước[sửa]

Phương pháp khử mùi tự nhiên[sửa]

  1. Mở cửa sổ. Hãy để không khí trong lành và ánh nắng mặt trời tràn vào phòng, trừ khi bạn nghĩ mùi từ ngoài bay vào. Nắng và gió sẽ xua bớt mùi nồng nặc trong phòng. Nếu không có gì tốt hơn, việc mở cửa sổ sẽ giúp công việc dọn dẹp còn lại sẽ dễ chịu hơn. Đây là bước rất quan trọng, vì không có gì khử mùi tốt hơn là không khí trong lành.
    • Nếu thời tiết không cho phép, bạn hãy thử làm thông gió trong phòng bằng cách nào đó, chẳng hạn như bật quạt hướng ra ngoài cửa.
  2. Nếu có thể, bạn nên đem các vật bốc mùi ra phơi dưới nắng. Ban đêm lại đem vào. Ngửi thử. Không đem vật nào bốc mùi vào phòng. Xử lý bằng cách nào bạn cho là thích hợp: vứt bỏ, làm sạch bằng hơi nước, bọc lại nệm, v.v…

Loại bỏ nguồn gây mùi hôi[sửa]

  1. Loại bỏ nguồn gây mùi hôi. Đừng phí công sức để khử mùi hôi khỏi phòng khi nguồn gây mùi vẫn còn hiện hữu. Đem rác ra ngoài, tắm cho chó, làm vệ sinh tủ lạnh, hoặc thực hiện bất cứ việc gì để ngăn chặn mùi hôi tiếp tục bốc ra.
  2. Kiểm tra lỗ thông gió và ổ cắm điện trên tường. Một con chuột nhắt chết trên tường sẽ làm cả phòng bốc mùi, nhưng dễ nhận thấy nhất là ở quanh ổ cắm điện. Bạn sẽ phải chờ cả tháng mới hết mùi hoặc phải dỡ một phần tường để lấy xác chuột ra. Bạn cũng sẽ phải bịt lại lỗ hổng trên tường (thường ở tầng thượng), chỗ chuột nhắt chui vào.

Lau dọn để khử mùi[sửa]

  1. Hút bụi phòng. Công việc này không chỉ là hút bụi thảm mà còn bao gồm hút bụi nệm và rèm cửa. Nếu muốn, bạn có thể rắc muối nở hoặc chất khử mùi thảm lên thảm trước. Chờ một lúc để hút dầu và mùi hôi, sau đó hút bụi kỹ lưỡng nhiều lượt. Chất khử mùi thảm thường cũng có mùi của nó và sẽ lưu lại trong phòng một thời gian, vì vậy bạn nên chọn mùi mà bạn thích. Hút bụi cũng giúp làm sạch bụi và sạn trên thảm.
    • Đảm bảo thay túi rác trong máy hút bụi thường xuyên khi làm vệ sinh khu vực có mùi hôi.
  2. Lau rửa các bề mặt cứng. Các bề mặt này bao gồm lớp sơn bóng, sàn lát bằng vật liệu cứng, tường (chỉ áp dụng cho tường sơn bóng hoặc sơn bóng mờ), mặt kệ, bồn rửa, mặt bàn, v.v… Mọi chất tẩy rửa nhẹ đều có thể lau sạch dầu mỡ mà không làm hư hại bề mặt đồ vật và nước sơn.
    • Hỗn hợp đơn giản gồm nửa nước, nửa giấm trắng sẽ rất hiệu quả. Giải pháp này cũng tận dụng được đặc tính khử mùi của giấm. Nếu không thích mùi giấm, bạn hãy thử thêm vào vài giọt tinh dầu. Tinh dầu cây trà, chanh và cam cũng là những chất kháng khuẩn và giúp đẩy lùi mùi hôi. Thực tế đây là chất tẩy rửa rất công hiệu, thường được dùng để tẩy rửa thường xuyên.
    • Sơn mờ và giấy dán tường là các vật liệu khó rửa. Thay vì rửa, bạn hãy thử dùng loại mút lau khô để lau sạch lớp màng bám trên tường và trần[1]. Bạn có thể tìm mua sản phẩm này tại các cửa hàng bán đồ gia dụng. Mút lau khô là chất cao su tự nhiên đã được xử lý, có tác dụng làm sạch các bề mặt khô, thường có màu nâu hoặc đỏ.
      • Gấp miếng mút sao cho chỉ một phần chạm vào tường, sau đó kéo dọc theo tường.
      • Gấp miếng mút sang mặt khác khi mặt đầu tiên đã bẩn.
      • Khi toàn bộ miếng mút đã bẩn, tức là tất cả các mặt đều chuyển thành màu đen hoặc nâu và không còn tác dụng lau bụi nữa, bạn hãy vứt đi và dùng miếng khác hoặc thử giặt sạch.
  3. Giặt thảm bằng xà phòng hoặc đem đến chỗ chuyên làm sạch thảm. Nếu bạn nghĩ rằng mùi trong phòng xuất phát từ thảm, hoặc mùi vẫn còn lưu lại trên thảm, bạn hãy giặt sạch thảm hoặc đem đến dịch vụ làm sạch thảm. Nếu biết chính xác mùi hôi xuất phát từ chỗ nào trên thảm, bạn có thể xử lý chỗ đó.
    • Xem bài “Cách để làm sạch nước tiểu thú cưng trên thảm” hoặc “Cách để làm sạch chất nôn của thú cưng trên thảm” nếu đó là nguyên nhân gây ra vấn đề.
    • Nếu biết rằng thảm là nguyên nhân gây mùi hôi, có thể bạn phải thay thảm, hoặc ít nhất là đem thảm ra ngoài để loại bỏ hoàn toàn mùi khó chịu, nhất là khi còn có vết ố bẩn, ướt hoặc nhiễm nấm mốc.
  4. Giặt quần áo, vải trải giường và các loại vải vóc khác nếu thấy chúng có mùi giống như mùi mà bạn đang cố gắng loại bỏ. Phơi ngoài trời cho khô cũng có ích, nhất là vào ngày nắng nếu chúng chịu được ánh nắng trực tiếp. Đừng quên giặt những tấm thảm, chăn, và bất cứ vật nào bằng vải đã thành vật cố định trong phòng. Đem giặt khô những thứ không giặt được, nhưng bạn phải hỏi trước, vì quá trình giặt khô có thể tạo ra các mùi khác (chẳng hạn như mùi băng phiến).
  5. Lau các bóng đèn. Nếu bạn hút thuốc lá hoặc thứ gì đó lan tỏa khắp phòng, các bóng đèn sẽ bị bao bọc bởi một lớp hóa chất từ thuốc lá hoặc các thứ khác. Khi bạn bật đèn, bóng đèn sẽ nóng lên và "mùi" sẽ quay trở lại. Giữ sạch các bóng đèn, và chúng sẽ không còn là vấn đề nữa.
    • Thử dùng bóng đèn huỳnh quang compact (CFL). Một số bóng đèn huỳnh quang có lớp titanium dioxide phủ bên ngoài, có tác dụng hút mùi khi bật lên.[2] Không phải tất cả các loại bóng đèn huỳnh quang compact đều có lớp phủ như vậy, do đó bạn hãy chú ý tìm đúng loại nếu muốn sử dụng bóng đèn với mục đích này.
  6. Đem đệm bọc ghế đi giặt hoặc tự giặt bằng chất tẩy rửa đệm. Thử trước vào chỗ không dễ nhìn thấy để đảm bảo nệm không bị biến màu. Đừng quên hút bụi cả bên dưới đệm ngồi.
    • Với đệm bọc da, bạn có thể lau bằng xà phòng dành riêng cho chất liệu da.
  7. Thay tấm lọc trong quạt thông gió, máy sưởi hoặc hệ thống điều hòa nhiệt độ. Dù gì thì những hệ thống này sẽ làm việc có hiệu quả hơn nếu được làm vệ sinh thường xuyên. Và nếu bạn đang cố gắng khử mùi trong phòng thì không có lý do gì bạn để mùi đó lưu thông trong hệ thống thông gió. Nếu bạn cho rằng hệ thống thông gió là nguồn gốc của vấn đề nhưng việc thay tấm lọc không có tác dụng, bạn cần cân nhắc làm vệ sinh đường ống.

Sử dụng giấm[sửa]

  1. Khử mùi bằng giấm. Đặt một bát giấm trắng trong phòng qua đêm. Sáng hôm sau không khí sẽ trong lành hơn. Bạn cũng có thể dùng cách này để khử mùi quần áo mà không cần giặt. Cho ít giấm trắng vào bồn tắm với chút nước nóng và treo quần áo bên trên. Một số cách khác để khử mùi bằng giấm là:[3]
    • Đặt một bát giấm trong phòng khoảng 24 tiếng để khử mùi khói thuốc lá.
    • Một chút giấm rảy vào thanh củi đang cháy sẽ khử mùi khói trong phòng.
    • Khử mùi hôi trong tủ lạnh bằng cách lau rửa thường xuyên bằng nước nóng và xà phòng, sau đó dùng giẻ nhúng nước nóng pha chút giấm để lau lại.
    • Rót khoảng nửa cốc giấm và nước vào đĩa chịu nhiệt. Cho vào lò nướng và đun sôi. Sau đó tắt lò và để như vậy qua đêm. Ngày hôm sau lau sạch bằng khăn nhúng nước nóng pha giấm. Mùi hôi sẽ hết.
    • Đổ khoảng 600 ml giấm vào bồn cầu. Chờ 30 phút và sau đó chỉ cần giật nước. Bồn cầu sẽ sạch trở lại.
  2. Khi nấu một món ăn đậm mùi, bạn hãy đặt một bát sâu lòng cỡ trung đựng giấm bên cạnh lò. Giấm sẽ giúp hút mùi và ngăn mùi thức ăn bay ra khắp phòng.

Át mùi khó chịu[sửa]

  1. Át mùi khó chịu bằng liệu pháp mùi hương.
    • Thắp nến thơm. Hương thơm tỏa ra khi nến được thắp lên sẽ xua đi mùi khó chịu. Tuy nhiên bạn nên nhớ rằng nhiều loại nến chỉ có tác dụng át mùi, do đó đây chỉ là biện pháp tức thời và là biện pháp cuối cùng nếu bạn chưa xử lý được mùi hôi.
    • Dùng máy khuếch tán tinh dầu để tỏa mùi hương.
    • Dùng nước hoa xịt phòng.
    • Nếu thích liệu pháp không mùi hơn, bạn có thể thử dùng chai xịt hoặc gel hút mùi. Dùng sản phẩm này xử lý nệm bọc hoặc đồ vật không dễ giặt bằng nước và cũng không dễ giặt khô.
    • Thắp hương. Đôi khi không có gì át mùi tốt hơn mùi hương đang cháy. Cũng như nến thơm, liệu pháp này cũng chỉ có tác dụng át mùi.

Khử mùi mốc[sửa]

  1. Tiêu diệt bào tử mốc bằng chlorine dioxide. Liệu pháp này được sử dụng trên tàu thuyền để át mùi mốc và dùng trong thư viện để kiềm chế sự sinh sôi của nấm mốc.
    • Có nhiều nguồn cung cấp từng lượng nhỏ chlorine dioxide tiện lợi cho việc sử dụng trên tàu thuyền và trong tủ. Ví dụ như một sản phẩm thích hợp là túi khử mùi nấm mốc có bán trên mạng. Một sản phẩm thích hợp khác là túi thơm (ví dụ như túi thơm MB DeoTrex-30 Sachets), bạn cũng có thể tìm mua trên mạng.

Sơn hoặc trang trí lại[sửa]

  1. Trước khi quyết định sơn lại khá tốn kém, bạn hãy vò thật nhiều tờ báo và bỏ vào phòng có mùi hôi và để trong nhiều ngày. Càng nhiều báo thì khả năng hút mùi càng cao. Nếu không muốn mực in làm ố bẩn các thứ trong phòng, bạn hãy trải một tấm vải cũ và sạch bên dưới đống báo. Đóng kín phòng trong nhiều ngày. Một hoặc hai tuần càng tốt.
    • Phương pháp này rất hiệu quả để xử lý mùi trong cốp xe.
  2. Sơn phòng. Nếu mọi biện pháp khử mùi đều thất bại, bạn hãy thử sơn lại phòng. Và nếu cần thiết, thay luôn cả thảm và giấy dán tường. Các vật liệu mới cũng có mùi của nó, nhưng sẽ mau chóng bay hết mùi.
    • Nếu muốn sơn để khử mùi, bạn phải chuẩn bị kỹ. Rửa tường bằng dung dịch TSP (trisodium phosphate) theo hướng dẫn trên bao bì trước khi sơn. Để khô, sau đó phủ một lớp lót chống ố trước khi sơn.
    • Nếu mùi khó chịu vẫn bám dai dẳng, chẳng hạn như mùi nước tiểu thú cưng ngấm vào thảm, có thể bạn phải thay thảm mới lớp lót bên dưới. Nếu phải đến bước này thì bạn cần sơn sàn trước khi trải thảm mới để bịt kín bất cứ mùi nào còn sót lại dưới sàn.

Sử dụng khí ozone[sửa]

  1. Tạo khí ozone. Các máy tạo ozone sản xuất ra khí O3, một chất khí có tác dụng ô-xy hóa các phân tử hữu cơ (là nguyên nhân phổ biến gây mùi hôi). Liệu pháp ozone thường được sử dụng trong các trường hợp nghiêm trọng như hỏa hoạn hay lũ lụt bằng cách bơm khối lượng lớn ozone vào vùng cần khử mùi trong 1-10 tiếng tùy vào loại máy tạo ozone. Một lượng nhỏ khí ozone nói chung được cho là an toàn, nhưng lượng ozone ở mức trung bình hoặc cao có thể gây kích ứng họng, chảy nước mắt hoặc làm nặng thêm các triệu chứng của bệnh hen suyễn. Để làm mất mùi hôi, một máy tạo ozone cần có khả năng sản xuất 1000mg/giờ và duy trì mức đó khoảng 1 giờ trong diện tích 9 mét vuông. Ozone cũng để lại mùi đặc trưng của nó, thông thường được mô tả là “mùi sấm sét” (hiện tượng sét tạo ra một lượng lớn ozone). Tuy nhiên, tùy thuộc vào thứ mà ozone kết hợp, chẳng hạn như một số loại mốc, nó có thể tạo ra một mùi khác còn lưu lại đến nhiều tuần sau. Không có nhiều tài liệu nghiên cứu về hiệu quả của ozone, ngoài ra, nhiều tuyên bố của các nhà sản xuất có tính chất phóng đại và thiếu căn cứ. (Xem http://www.epa.gov/iaq/pubs/ozonegen.html).
    • Xem phần "Cảnh báo" bên dưới về cách sử dụng ozone an toàn. Luôn đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất trước khi sử dụng.

Muối nở và nước cốt chanh[sửa]

  1. Trộn một lượng nhỏ muối nở với nước cốt chanh và rót vào bình xịt.
  2. Xịt xung quanh phòng nơi có mùi bốc ra. Bạn không cần xịt đẫm nước mà chỉ cần phun nhẹ. Tốt nhất là làm việc này vào ngày nắng.
  3. Mở cửa sổ cho khô nhà.

Lời khuyên[sửa]

  • Dùng cây lau nhà hơi nước (hoặc dùng dụng cụ bóc giấy dán tường hơi nước và giẻ) để làm sạch trên các bề mặt cứng và vải, bao gồm sàn nhà, đồ chơi của em bé và thú cưng, vải trải giường. Hơi nước sẽ tiêu diệt vi khuẩn, nó cũng an toàn vì không chứa hóa chất và là một chất khử mùi hiệu quả.
  • Đặt túi nước xả vải dưới chỗ ngồi. Hương thơm sẽ nhanh chóng tỏa ra. Khi nước xả đã nhạt mùi, bạn có thể đem vào phòng giặt và mua gói mới để vào phòng.
  • Cách tốt nhất và dễ dàng nhất là không bao giờ để mùi khó chịu xuất hiện trong phòng ngay từ đầu. Nếu đã khử mùi thành công, bạn hãy thực hiện các bước để đảm bảo nguồn gây mùi hôi không xuất hiện lần nữa.
  • Nếu bạn có nuôi thú cưng, việc giữ cho các bề mặt sạch sẽ cũng giúp ích. Thú cưng bẩn sẽ làm hôi cả căn nhà.

Cảnh báo[sửa]

  • Nếu nghi ngờ mùi hôi xuất phát từ nấm mốc, hóa chất, chuột hoặc các thứ gây hại khác, bạn cần xử lý nguồn gây hại mà không chỉ xử lý mùi hôi.
  • Khí ozone cũng độc đối với con người, do đó bạn cần đọc mọi hướng dẫn trước khi sử dụng máy tạo ozone. Khí ozone nặng hơn không khí và có thể tích tụ trên sàn. Điều này gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ và thú cưng. Mèo nhà đặc biệt dễ bị ngộ độc ozone.
  • Một số bình xịt khử mùi và nước hoa xịt phòng dễ cháy khi tiếp xúc với lửa hoặc nhiệt độ cao, do đó bạn cần đọc kỹ trước khi sử dụng.
  • Nấm mốc có thể gây độc. Bạn hãy kiểm tra nếu nấm mốc là một phần của vấn đề.
  • Chlorine dioxide là một chất kích thích. Nếu dùng chlorine dioxide, bạn cần thông khí trong phòng trước khi dùng hoặc đóng cửa tủ nếu bạn khử mùi trong tủ.

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Chia sẻ lên facebook Chia sẻ lên twitter In trang này