Tắm cho chó

Từ VLOS
(đổi hướng từ Tắm cho Chó)
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Tần suất tắm cho chó tùy thuộc vào nhiều yếu tố như là giống nòi, kích thước, kiểu lông, và hoạt động của chúng. Chó hay ra ngoài trời cần được tắm thường xuyên, trong khi những con chủ yếu ở trong nhà chỉ cần tắm vài tháng một lần. Việc tắm táp đôi khi là một hành động đáng sợ, nhưng chỉ cần tìm hiểu và chuẩn bị đầy đủ, bạn có thể giúp bản thân cũng như chú cún tận hưởng khoảng thời gian thoải mái trong khi tắm.

Các bước[sửa]

Tìm hiểu Nguyên tắc Vệ sinh[sửa]

  1. Không tắm cho chó quá nhiều. Thường thì chúng không cần tắm trừ khi bị viêm nhiễm da hoặc có mùi hôi. Bạn có thể tắm cho chó một lần một tháng để chúng luôn có mùi thơm tho.[1] Nếu tắm quá nhiều, bạn sẽ khiến cho da của chó bị kích ứng và chúng sẽ gãi thường xuyên.[2]
    • Chải lông chó thường xuyên. Bước này có tác dụng giữ gìn vệ sinh cơ thể giữa mỗi lần tắm cũng như tốt cho da và lông.[3]
    • Nếu chó bị viêm nhiễm da, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ thú y về cách tắm rửa và điều trị cho chúng.
  2. Cho chó làm quen với việc tắm táp. Nếu mới được nhận nuôi, chúng có thể sợ hãi khi tiếp xúc với nước. Bạn có thể giúp chú cún liên kết thời gian tắm rửa với những trải nghiệm tuyệt vời bằng một vài mẹo nhỏ.[4]
    • Nếu chó sợ tắm, bạn có thể đặt chúng vào bồn khô (hoặc chậu rửa). Không nên xả nước ngay. Trò chuyện với chú cún bằng giọng điệu nhẹ nhàng và cho chúng ăn vặt hoặc chơi đồ chơi. Bước này giúp cho chó hình thành trải nghiệm tích cực trong thời gian vệ sinh thân thể.[2]
    • Xối nước ấm lên cơ thể của chú cún. Mỗi lần tắm rửa, bạn có thể thưởng cho chúng ít đồ ăn.
    • Huấn luyện chó con làm quen với việc tắm rửa bằng cách bắt đầu tắm khi chúng được năm tuần tuổi. Bước làm quen này giúp chó con hình thành thái độ tích cực và chấp nhận việc tiếp xúc với nước một cách dễ dàng khi chúng lớn hơn.[2]
  3. Chọn loại dầu gội phù hợp. Dầu gội dịu nhẹ dành cho chó là sản phẩm phù hợp nhất. Bạn nên tìm dầu gội có cân bằng pH trung tính, ở mức 7. Không nên chọn dầu gội có mùi hương nhân tạo và màu sắc vì có thể khiến cho da chó bị kích ứng.[5][6]
    • Không nên dùng dầu gội dành cho người để tắm cho chó. Da chó có cân bằng pH khác với da người, vì thế dầu gội dành cho người có thể phá vỡ cân bằng trên da của chúng. Tình trạng này có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn, ký sinh trùng, và vi-rút sinh sôi nảy nở.[5]
    • Dầu gội yến mạch là loại phổ biến để tắm cho chó. Nếu bạn không chắc nên dùng loại nào, thì đây là sản phẩm nên dùng cho chú cún.
    • Nếu da chó bị phát ban hoặc gặp phải vấn đề khác, chúng sẽ gãi thường xuyên khiến cho da kích ứng thêm. Trong trường hợp này, bạn nên dùng dầu gội trà để khắc phục phần nào tình trạng rát da.[6] Không để dầu gội dính vào miệng chó, vì dầu trà có độc tính nếu nuốt phải. Bạn nên hỏi bác sĩ thú y về loại dầu gội dành cho chó mắc bệnh da liễu.
    • Một số loại dầu gội có tác dụng ngăn ngừa nhiễm bọ chét. Bạn nên tìm loại có chứa pyrethrin, pyrethrum, hoặc dầu chanh.[3]
  4. Không chạm vào túi hậu môn nếu bạn không biết cách xử lý an toàn. Chó thường có túi nhỏ ở dưới mông, tại vị trí cạnh hậu môn. Một số người vệ sinh cho chó thường ấn túi hậu môn trong khi tắm rửa. Nếu bác sĩ thú y cho phép và bạn biết cách thực hiện an toàn thì có thể tiến hành khi đang tắm cho chú cún. Nếu không thì đừng nên đụng vào bộ phận này.
    • Nếu túi hậu môn bị viêm nhiễm hoặc kích ứng, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ.[7]

Chuẩn bị Tắm cho Chó[sửa]

  1. Chọn địa điểm tắm rửa. Nếu chó có kích thước nhỏ, bạn có thể tắm trong bồn giặt hoặc bồn rửa chén. Còn đối với chó lớn thì tắm trong phòng vệ sinh hoặc bồn tắm. Nếu thời tiết không quá lạnh, bạn có thể tắm cho chúng ở ngoài trời.[6]
    • Nếu tắm trong bồn hoặc chậu, phần đáy sẽ khá trơn trượt khi thấm nước. Để giúp chó bình tĩnh và có điểm tựa, bạn có thể trải khăn dưới đáy bồn hoặc chậu.[6] Ngoài ra bạn có thể dùng thảm tắm cao su hoặc miếng dán nhám.[2]
    • Nếu có thể bạn nên chọn khu vực khép kín. Lý do là vì chú cún có thể trở nên căng thẳng hoặc khó chịu trong khi tắm sẽ cố gắng chạy thoát. Nếu tắm trong bồn thì bạn có thể đóng cửa phòng tắm lại. Còn khi tắm ngoài trời, khu vực sân vườn phải được rào kín để chú cún không chạy đi mất.[8]
  2. Chuẩn bị tắm rửa cho chó. Chải lông thật kỹ trước khi tắm cho chúng. Bước này đặc biệt quan trọng nếu chú cún có bộ lông dày, bờm xờm hoặc hai lớp. Gỡ rối hết phần lông hoặc những chỗ bị rối xù.[3]
    • Nếu cơ thể của chó nhiễm bọ ve, bạn nên đưa chúng đi khám bác sĩ thú y để diệt trừ tận gốc hoặc có thể tự làm tại nhà.
    • Nếu lông chó bị dính chất cô đặc (ví dụ như sơn, nhựa đường, nhựa thông), bạn có thể dùng dầu bôi trơn hoặc dầu thực vật để chà sạch và để trong vòng 24 giờ. Ngoài ra nước rửa chén cũng cũng có hiệu quả tương tự.[3]
  3. Cắt móng cho chó. Nếu cần thiết, bạn nên cắt móng cho chú cún trước khi tắm. Điều này giúp ngăn chặn tình trạng chó vô tình cào xước bạn khi trở nên kích động hoặc nhặng xị lên.
    • Không cắt móng quá ngắn! Bạn sẽ dễ cắt phải đệm thịt của móng làm chảy máu và viêm nhiễm. Nếu không biết cách cắt móng, bạn nên đưa cho người chuyên vệ sinh và bác sĩ thú y thực hiện với chi phí nhỏ.[8]
  4. Chuẩn bị vật dụng cần thiết. Khi bắt đầu tắm rửa, bạn cần để sẵn toàn bộ dụng cụ bên người. Bạn nên chuẩn bị sẵn khăn, bông gòn, dầu gội dành cho chó, thức ăn vặt, và khăn lau mặt hoặc miếng bọt xốp. Nếu không có vòi nước hoặc vòi hoa sen có thể tháo rời, bạn cần chuẩn bị xô hoặc ống nước để xả nước.
    • Mở sẵn nắp dầu gội hoặc chai lọ để không phải vừa tắm cho chó vừa phải cố gắng mở nắp chai.
    • Nếu chó trở nên căng thẳng trong khi tắm, bạn cần nhờ người giúp đỡ. Người này sẽ giữ cố định chú cún không cựa quậy lung tung trong khi bạn tắm cho chúng.
  5. Nhét bông gòn vào tai chó. Nếu không tai của chúng có thể dính nước và bị viêm tai.[6] Bước này giúp cho ống tai được khô ráo.[4]
    • Không nhét bông gòn quá sâu vào trong tai. Bạn chỉ nên cố định vừa phải để bông gòn không rơi ra ngoài trong lúc tắm cho chó.
  6. Tháo vòng cổ của chó. Bạn cần thực hiện bước này để phần cổ được sạch sẽ. Nếu cần phải đeo vòng cổ để giữ cố định chú cún trong khi tắm, bạn nên dùng vòng cổ có chất liệu ni-lông. Vòng cổ bằng da thường rút lại khi thấm nước và khiến cho chó bị nghẹt thở.[3]

Tắm cho Chó[sửa]

  1. Chỉnh nhiệt độ nước vừa phải. Chó cũng khá nhạy cảm với nước nóng giống như người. Trước khi tắm cho chúng bạn cần kiểm tra nhiệt độ của nước. Nhiệt độ nên ấm nhưng không quá nóng. Còn nước quá lạnh sẽ khiến cho chú cún bị run rẩy, đặc biệt đối với chó con sẽ rất nguy hiểm.[6]
    • Nếu tắm trong chậu hoặc bồn, bạn nên xả nước ấm ngang tầm đầu gối của chó.
  2. Thoa nước lên cơ thể của chó để làm ẩm. Bạn không nên tắm phần đầu hoặc rửa mặt của chúng vì có thể làm cho tai bị dính nước hoặc mắt dính dầu gội. Thay vào đó, bạn chỉ nên làm ẩm toàn bộ phần lông cổ trở xuống. Bước này có thể mất nhiều thời gian nếu chó có bộ lông dày.[6]
    • Nếu bạn có vòi nước hoặc vòi sen có thể tháo rời, lấy dụng cụ này xả nước lên cơ thể của chó. Bạn cần điều chỉnh áp lực nước vừa phải tránh trường hợp khiến cho chú cún bị giật mình.
    • Nếu dùng xô hoặc bình đựng nước để làm ẩm bộ lông của chó, bạn không nên xối nước lên đầu chúng.[2]
    • Hiện nay có kiểu vòi phun đặc biệt gắn trên vòi sen hoặc vòi nước để tắm cho chó. Bạn có thể sử dụng vòi phun nhãn hiệu Rinse Ace Pet Shower Deluxe.[2]
  3. Thoa dầu gội. Nếu lông chó khá dày hoặc dài, bạn nên trộn dầu gội với nước trong cốc nhỏ để sẵn. Điều này giúp cho dầu gội được phân bố đều lên bộ lông.[6] Đối với chó lông ngắn, bạn chỉ cần thoa trực tiếp dầu gội lên cơ thể của chúng. Mát-xa nhẹ để dầu gội tản đều trên lông.
    • Không cần dùng khăn rửa mặt hoặc miếng bọt xốp để chà xát dầu gội. Trái lại, bạn nên dùng hai bàn tay để thoa đều dầu gội. Điều này giúp bạn có thể kiểm tra cơ thể của chú cún nhằm tìm ra dấu hiệu bất thường, ví dụ như là chỗ sưng u hoặc viêm nhiễm.[2]
    • Không thoa dầu gội lên đầu hoặc khuôn mặt của chó. Nếu mặt chúng bị bẩn, bạn nên dùng khăn ẩm lau nhẹ vết bẩn.[2]
    • Nếu chó có bộ lông dài, bạn có thể mát-xa đều dầu gội theo hướng mọc của lông. Bước này giúp cho bộ lông không bị rối xù.[3]
  4. Vệ sinh cơ thể của chó. Mát-xa dầu gội lên toàn bộ cơ thể trừ phần đầu. Xoa phần da giữa tứ chi và thân mình, bụng, đuôi và háng, kể cả bàn chân.[6]
    • Để dầu gội trên cơ thể của chó trong thời gian quy định trên chai. Một số dầu gội có chứa chất diệt bọ chét nhẹ, và cần phải thẩm thấu trong một khoảng thời gian để phát huy tác dụng.
  5. Rửa mặt cho chó. Nếu mặt chúng bị bẩn, bạn có thể dùng khăn ẩm lau sạch vết bẩn. Không dùng khăn vệ sinh bên trong tai vì có thể làm cho tai bị ướt và gây nên viêm nhiễm.[6]
    • Một số con chó bị viêm nhiễm da ở dưới cằm có tên gọi bệnh nổi mụn nhỏ với các chấm mụn nhọt nhỏ hoặc u tấy đỏ. Nếu chú cún gặp phải tình trạng này, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ thú y để vệ sinh khu vực này đúng cách. Bác sĩ có thể đề nghị sử dụng dầu gội hoặc thuốc mỡ trị viêm nhiễm.
    • Nếu khuôn mặt của chó có nếp nhăn, bạn có thể dùng khăn lau kỹ bên trong nếp gấp.
  6. Xả sạch bằng nước cho đến khi hết dầu gội. Bạn cần xả sạch phần dầu gội còn sót lại trên lông chó. Bước này mất khá nhiều thời gian, đặc biệt nếu bộ lông dày hoặc hai lớp.[2] Nếu không phần da có thể bị kích ứng và mất cân bằng pH.
    • Không xối nước lên đầu và mặt của chú cún. Nếu dùng bình hoặc xô để xả nước, bạn cần xối theo chiều dọc phần lưng, không xối trực tiếp lên mặt của chúng. Tránh xịt nước lên mặt nếu bạn dùng vòi sen hay vòi xịt.[4]
  7. Lau khô cơ thể. Bạn có thể dùng khăn sợi tơ thấm hút nhanh để lau khô bộ lông của chó; tuy nhiên, khăn thường vẫn phát huy tác dụng tốt.[4]
    • Một số người dùng máy sấy để sấy khô lông của chó. Bạn nên chỉnh nhiệt độ máy sấy ở mức thấp hoặc mát để chúng không bị bỏng nhiệt. Không nên chĩa đầu máy sấy vào mặt của chú cún.[6]
  8. Chải lông cho chó. Nếu chú cún có lông dài hoặc bờm xờm, bạn nên chải khi còn ướt để tránh bị rối hoặc dùng chất phun sương gỡ rối để hỗ trợ quá trình này.[3]
  9. Cho chú cún ăn thức ăn vặt. Để tăng cường liên kết tích cực với quá trình tắm rửa, bạn có thể thưởng cho chó sau mỗi lần tắm rửa. Khen ngợi chú cún đã có hành vi tốt để chúng nhận thấy rằng việc tắm táp không có gì quá ghê gớm mà trái lại còn mang lại niềm vui với nhiều phần thưởng và lời khen ngợi.[9]
    • Nếu chó quá căng thẳng trong khi tắm, bạn có thể cho chúng ăn ít đồ ăn trong lúc vệ sinh thân thể.

Chải chuốt cho chó sau khi tắm[sửa]

  1. Lau sạch tai của chó. Tháo bông gòn ra khỏi tai của chúng. Bạn nên lau sạch ráy tai để tránh gây kích ứng hoặc viêm nhiễm.[10] Bạn có thể sử dụng dung dịch vệ sinh tai đặc biệt như là Vetericyn Ear Rinse.[10]
    • Ngâm bông gòn vào dung dịch vệ sinh tai. Không dùng gạc bông vì có thể gây tổn hại màng nhĩ nếu đưa vào quá sâu bên trong.[10]
    • Chà nhẹ bông gòn theo đường tròn bên trong tai. Kiểm tra ráy tai còn bám trên bông gòn hay không. Nếu không còn thì tai của chú cún đã sạch. Ngoài ra, bạn có thể nhúng bông gòn vào dung dịch vệ sinh để lau mặt ngoài của tai (mảng da lớn bên ngoài được gọi là loa tai).[6]
    • Không đổ hoặc xịt dung dịch trực tiếp vào tai chó. Nhiều chú cún không thích điều này, và bạn cần tránh tạo cho chúng trải nghiệm tồi tệ với việc tắm rửa.[6]
    • Nếu ống tai của chó mọc lông, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ. Một vài giống chó thường mọc lông tai rối xù khiến chúng dễ bị viêm nhiễm.[11]
  2. Thấm khô nước mắt. Một vài chú chó gặp phải tình trạng tràn nước mắt khi mà nước mắt chảy túa trên mặt chúng. [12] Hiện tượng này phổ biến ở giống chó đầu ngắn như là chó xù hoặc chó Chihuahua.[12]
    • Bạn có thể dùng keo bạc vì loại này an toàn khi sử dụng quanh vùng mắt. Keo thường ở dạng xịt hoặc dung dịch. Thoa keo bạc lên bông gòn và lau sạch mắt của chó.[13]
    • Dặm ít dầu dừa ở phía bên dưới mắt còn sót lại vệt nước mắt để da không bị kích ứng.[13]
    • Nhiều cửa hàng bán vật dụng dành cho thú cưng thường cung cấp dung dịch vệ sinh vệt nước mắt và miếng gạc chưa bão hòa. Đây là những loại dễ dàng sử dụng. Bạn chỉ cần bảo đảm rằng sản phẩm không gây dị ứng và không chứa chất tylosin tactrat. Chất kháng sinh này không được phép sử dụng lên chó mèo.[13]
    • Một số giống chó như là chó xù và chó sư tử thường mắc chứng lông mi kép, phần lông mi mọc hướng vào trong thay vì ra ngoài. Điều này có thể khiến chúng bị kích ứng mắt và chảy nước mắt liên tục. Nếu nhận thấy mắt của chú cún hay chảy nước mắt, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ. Có thể đây chỉ là do hình dạng khuôn mặt, nhưng bạn cần phải đảm bảo an toàn chắc chắn.[12]
    • Không dùng hydrogen peroxide, giấm táo, nước tẩy trang, thuốc nhỏ mắt dành cho người, hoặc ma-giê ô-xít đê rửa mắt của chó.[13]
  3. Cho chó ăn thêm thức ăn vặt. Khi chó đã hoàn toàn sạch sẽ, bạn có thể thưởng thêm cho chúng. Khen ngợi chú cún vì hành tốt. Âu yếm vuốt ve và cho chúng chơi trò chơi.[2]

Lời khuyên[sửa]

  • Trò chuyện với chó để trấn an chúng.
  • Vệ sinh bàn chân kỹ lưỡng để loại sạch bụi bẩn và vi khuẩn tích tụ.
  • Chải lông cho chó trước khi tắm để sau khi vệ sinh xong bạn có thể chải chuốt bộ lông của chúng dễ dàng cũng như để cho lông không bị rối xù.
  • Xả sạch dầu gội còn sót lại. Nếu không có thể gây kích ứng da.
  • KHÔNG BAO GIỜ để nước dính vào tai chó, vì có thể làm cho tai bị kích ứng dẫn đến tình trạng rát da gây khó chịu cho chú cún!
  • Bạn sẽ bị ướt! Vì thế tốt nhất không nên mang bộ cánh ưa thích khi tắm cho chó mà chỉ cần mang quần jeans và áo thun cũ.
  • Không để nước/xà phòng dính vào mũi, tai, và mắt của chó.
  • Khi thời tiết ấm áp bạn có thể tắm cho chó ở ngoài trời trong hồ bơi dành cho trẻ em.
  • Bạn có thể tắm cho chó nhỏ trong chậu hoặc bồn tắm.
  • Nếu chó không cảm thấy thoải mái, bạn không nên ép buộc chúng đi tắm!

Cảnh báo[sửa]

  • Nếu chó bị nổi mẩn ngứa, hoặc dấu hiệu phản ứng dị ứng khác, bạn cần liên lạc với bác sĩ thú y ngay lập tức.
  • Không nhuộm lông chó. Điều này có thể gây nên vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.[14]

Những thứ bạn cần[sửa]

  • Bồn tắm hoặc chậu rửa (nếu là chó nhỏ)
  • Khăn tắm
  • Dầu gội dành cho thú cưng
  • Nước
  • Miếng bọt xốp hoặc khăn rửa mặt
  • Xô hoặc bình đựng nước, hay vòi sen hoặc vòi xịt có thể tháo rời
  • Bông gòn
  • Bàn chải/Lược chải lông chó

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Bài cùng chủ đề[sửa]

chăm sóc thông thường ...

ngăn và chữa bệnh ...

chăm sóc và huấn luyện chuyên biệt ...

Liên kết đến đây