Huấn luyện và chăm sóc chú cún Husky mới của bạn

Từ VLOS
Bước tới: chuyển hướng, tìm kiếm

Chó husky (Siberian husky) được ưa chuộng bởi tính cách thân thiện và bộ lông dễ chăm sóc. Chúng là loài chó trung thành và phù hợp với các gia đình. Tuy nhiên, husky cũng rất bướng bỉnh và khó huấn luyện. Nếu có ý định đưa một chú cún husky đáng yêu về nhà, bạn cần biết trước những điều mình sắp phải đối mặt. Những quyết định bạn đưa ra trong quá trình chăm sóc và huấn luyện chó vào những năm đầu đời có thể tạo ra khác biệt lớn tới tính cách của chó về sau.

Các bước[sửa]

Chăm sóc Sức khỏe cho Cún[sửa]

  1. Kiểm tra mắt cún. Vì husky thường có bệnh về mắt, việc cho cún đi khám mắt từ bé là rất quan trọng. Cụ thể, husky thường được chẩn đoán mắc các bệnh sau:[1]
    • Đục thuỷ tinh thể, có một lớp màng phủ trên tròng mắt.
    • Loạn dưỡng giác mạc khiến giác mạc chó bị mờ đục. Bệnh này thường xuất hiện ở chó cái.
    • Teo võng mạc tiến triển, chứng bệnh khiến mắt chó dần thoái hoá cho đến khi mù hẳn.
    • Những căn bệnh trên thường do di truyền. Hãy nghiên cứu kỹ càng về chó bố mẹ để ước đoán khả năng cún con mắc bệnh.
  2. Cho cún ăn ba bữa một ngày, rồi dần giảm còn hai bữa. Một chú husky trưởng thành chỉ nên ăn hai bữa một này. Tuy nhiên, cún con cần được cho ăn nhiều lần hơn. Hãy cho cún husky của bạn ăn ba bữa một ngày cho đến khi được ba tháng tuổi, sau đó giảm còn hai bữa.[2]
    • Trước khi đủ ba tháng tuổi, nếu cún không ăn hết thức ăn hoặc dạ dày căng đầy sau ba bữa, hãy chia khẩu phần ăn mỗi ngày làm bốn bữa.
    • Lúc cún được 12 đến 16 tuần tuổi, bạn sẽ nhận thấy cún chỉ ăn chút ít vào bữa chiều. Khi đó, bạn có thể dừng cho cún ăn bữa chiều.[2]
    • Cho cún ăn thức ăn chất lượng tốt - những món đồ không chỉ toàn chất phụ gia.[2] Điều này quan trọng với chó ở mọi độ tuổi, nhưng đặc biệt quan trọng với cún đang lớn.
    • Việc cho cún ăn điều độ sẽ hỗ trợ huấn luyện cún đi vệ sinh, vì phần lớn cún husky thường phải ra ngoài từ 15 đến 30 phút sau khi ăn.[2]
    • Đừng cho husky "ăn tự do" ở bất kỳ độ tuổi nào. Việc chỉ cho cún ăn vào giờ cố định và cất bát đi ngay sau khi cún ăn xong là cách để chú husky cứng đầu hiểu rằng bạn là chủ.
  3. Không tắm mà chỉ chải lông cho cún. Husky là giống chó sạch sẽ tự nhiên. Chúng sẽ tự liếm láp mình, do đó người chúng chỉ có mùi đôi chút. Vì vậy, bạn có thể tắm cho husky mỗi năm một lần. Tuy nhiên, bộ lông dày của chúng cần được chải chuốt thường xuyên.[3]
    • Phần lớn thời gian bạn nên chải lông chó mỗi tuần một lần, dùng cơ hội này để vệ sinh, khám tai cũng như chải răng cho cún.[3]
    • Vào mùa thay lông, việc chải lông chó mỗi ngày sẽ giúp giảm lượng lông rụng trong nhà bạn.[3]
  4. Chăm sóc bàn chân cún. Vì husky là giống chó lao động, bàn chân đóng vai trò rất quan trọng đối với chúng. Bạn nên cắt tỉa lông mọc dài xung quanh chân cũng như móng của cún.[1]
    • Chó có mạch máu trong móng, do đó điều quan trọng là bạn không cắt móng quá ngắn. Nếu chưa có kinh nghiệm cắt móng chân chó, tốt nhất bạn nên nhờ chuyên gia chăm sóc chó hoặc bác sĩ thú y làm giúp hay ít nhất là hướng dẫn bạn.[3]

Tạo Môi trường Tuyệt vời cho Cún[sửa]

  1. Trang bị nhà và sân vườn để hạn chế chó chạy mất. Husky là nghệ sĩ đào tẩu trong thế giới loài chó. Bạn sẽ cần trang bị căn nhà của mình, làm mọi điều có thể để chó khó xổng ra ngoài.[1]
    • Để nuôi một chú husky, ít nhiều bạn cần cẩn trọng không lơi lỏng. Bạn cũng cần dựng hàng rào cao ít nhất 1,8 mét và khó đào xuống đất. Gia cố chân hàng rào bằng bê tông hoặc lưới thép là cách thức hiệu quả.[4]
  2. Cho cún vận động nhiều. Do bản tính năng động, cún husky cần được cho vận động RẤT NHIỀU.
    • Husky được nuôi như chó lao động, do đó chúng sẽ dễ chán khi không có nhiệm vụ. Để giữ cún husky vui vẻ, bạn cần đảm bảo cún được vận động mạnh từ 30 đến 60 phút mỗi ngày.[3]
    • Husky là giống chó tuyệt vời cho việc chạy bộ, khi chúng đã lớn hơn một chút. Chúng thích chạy nhảy, vui chơi và rượt đuổi các thứ.
    • Husky có nhiều năng lượng và rất mau chán. Nếu bạn không để chúng vận động đủ, husky sẽ buồn chán, liên tục tru lên và phá tung căn nhà của bạn.[5]
  3. Giới thiệu cún với mọi người cũng như các loài vật nuôi khác. Husky có bản tính thân thiện. Nhưng cũng như những chú chó khác, cún husky cần được giao lưu để phát triển cảm giác thoải mái với con người và các loài động vật khác. Đảm bảo đưa cún thăm thú xung quanh khi còn bé và giới thiệu cún với nhiều người cũng như các chú chó khác.
    • Nếu cún của bạn có vẻ lo lắng hay e dè con người hoặc những chú chó khác, đưa chúng tới lớp huấn luyện và giao lưu dành cho chó có thể là ý tưởng hay. Những lớp học này sẽ giúp chó của bạn học cách tương tác với con người cũng như các chú chó khác.[1]
    • Việc cho cún giao lưu khi còn nhỏ sẽ tạo ra ảnh hưởng lớn tới tính cách cún về sau. Những hành vi không mong muốn như cắn, sủa, và "chiếm hữu" thường là hậu quả của việc thiếu giao lưu.[6]

Huấn luyện Cún của bạn[sửa]

  1. Đặt ra giới hạn hợp lý. Vì giống husky rất bướng bỉnh, việc đặt ra giới hạn ngay lập tức là vô cùng quan trọng. Chúng cần hiểu bạn là chủ.
    • Đừng cho cún ngủ trên giường bạn, điều đó sẽ gây khó hiểu cho cún về vai trò của chúng trong gia đình. Bạn có thể thi thoảng tạo ngoại lệ khi cún đã lớn hơn.[1]
    • Để mọi người trong nhà chỉ cho cún ăn một vốc thức ăn khô. Hành động này sẽ dạy husky hiểu rằng tất cả mọi người trong gia đình đều có thể kiểm soát nguồn thức ăn của nó.[1]
    • Kiên định thực hiện tất cả những quy tắc do mình đặt ra. Nếu bạn không kiên định, chó sẽ hiểu là đôi khi chúng có thể đạt được thứ mình muốn nếu cố gắng đủ nhiều. Hãy chắc chắn tất cả mọi người trong nhà cùng nhất mực tuân theo các quy tắc này.[5]
    • Hãy kiên nhẫn. Chó của bạn có thể được huấn luyện nếu bạn cứng rắn và kiên định. Husky thường thích những nhiệm vụ trong quá trình huấn luyện bởi chúng là chó lao động.[4]
  2. Luyện cho cún đi vệ sinh. Cũng như bất kỳ chú cún nào, husky của bạn cần được dạy đi vệ sinh. Có ba yếu tố chính để dạy chó đi vệ sinh:
    • Theo dõi cún. Theo dõi khi cún ở trong nhà để tránh rủi ro cún tiểu tiện hoặc đại tiện bừa bãi. Thao tác này dễ thực hiện nhất khi bạn giữ cún ở một góc nhà.[7] Nếu bắt quả tang chó tiểu tiện hoặc đại tiện trong nhà, hãy tạo tiếng động lớn và nói “không được!” Sau đó, ngay lập tức đưa chó ra ngoài.[8]
    • Thường xuyên đi dạo ngoài trời. Cún con cần đi vệ sinh thường xuyên hơn chó trưởng thành. Để hạn chế tối đa tình trạng đi vệ sinh bừa bãi trong nhà, hãy đưa chó ra ngoài trời thường xuyên hết mức có thể và theo một thời gian biểu đều đặn.[7]
    • Thưởng cho những hành vi tốt. Khi chó đi vệ sinh bên ngoài, hãy khen ngợi chó và thưởng bằng một món ngon nho nhỏ. Thao tác này sẽ giúp chó hiểu đâu là nơi đi vệ sinh và củng cố hành vi này.[7] Sử dụng clicker (dụng cụ bấm nút) sẽ giúp chó của bạn học đi vệ sinh nhanh hơn (xem dưới đây).
  3. Dạy cún dùng cũi. Một phần quan trọng khi dạy chó đi vệ sinh là huấn luyện chó dùng cũi. Đây là khi bạn dạy chó vui vẻ khi ở trong cũi của mình. Chó sẽ không muốn làm bẩn không gian riêng của chúng.[9]
    • Đối với husky, đây cũng là phương pháp tốt để hạn chế tối đa thiệt hại cho căn nhà khi bạn không ở nhà.[1]
    • Khi bạn không thể trông chừng cún, hãy cho cún vào cũi cùng với ít đồ ăn hoặc thức ăn khô và một món đồ chơi để gặm. Sau một thời gian, chó sẽ bắt đầu tận hưởng thời gian trong cũi, và thậm chí có thể rúc vào đó mỗi khi căng thẳng.[10]
    • Huấn luyện chó dùng cũi sẽ dễ dàng nhất nếu bạn bắt đầu bằng cách đặt một ít thức ăn bên trong cũi mà không chốt cửa lại. Sau một hoặc một vài ngày, bạn có thể chốt cửa cũi trong một khoảng thời gian ngắn. Từ đó, bạn có thể dần dần tăng khoảng thời gian trong cũi lên.[11]
    • Cún con dưới mười tuần tuổi không nên bị nhốt trong cũi lâu hơn một tiếng đồng hồ. Từ tuần thứ 11 đến 14, cún con có thể dành đến ba tiếng trong cũi. Vào tuần thứ 15 và 16, khoảng bốn tiếng là phù hợp. Sau 17 tuần, một chú cún có thể dành năm tiếng trong cũi.[11]
    • Không bao giờ dùng cũi như một hình phạt nếu bạn muốn huấn luyện cún dùng cũi thành công.[3]
  4. Dạy cún đeo dây xích. Huấn luyện đeo dây xích cũng vô cùng quan trọng đối với husky. Vì bản tính thích chạy trốn của husky, bạn phải dạy chúng cách phối hợp khi đi dạo đeo dây xích.
    • Husky sẽ dễ dàng chạy mất và đi lạc nếu không được đeo dây xích.[3]
    • Giúp chó của bạn làm quen với vòng cổ bằng cách đeo vòng cho chó khi ăn. Chó sẽ dần thoải mái khi đeo vòng và thậm chí còn hình thành một mối liên kết tích cực với chiếc vòng.[12]
    • Sau đó, hãy bắt đầu bằng cách dắt chó đi dạo vài vòng quanh nhà, cho chó thức ăn mỗi khi chó đi cạnh bạn và không giật xích. Khi đã thành công, hãy thử dắt chó ra ngoài![12]
  5. Huấn luyện chó với clicker. Tương tự như các loài chó khác, huấn luyện với clicker là phương pháp hữu hiệu để chỉ các câu lệnh cho chó và dạy chúng tuân theo.[1]
    • Trong các buổi huấn luyện với clicker, mỗi khi chó của bạn tuân lệnh, hãy bấm clicker và thưởng cho cún. Sự kết hợp giữa âm thanh và phần thưởng sẽ giúp chó nhanh nhẹn hơn trong quá trình học những điều bạn mong muốn chúng thực hiện.[13]
    • Hãy bắt đầu bằng cách dạy chó liên hệ tiếng bấm clicker với quà thưởng. Chỉ cần bấm clicker ngẫu nhiên rồi ngay lập tức thưởng cho chó.[14]
    • Một khi chó đã học được mối liên kết này, bạn có thể phối hợp clicker-thức ăn để thưởng cho những hành vi tốt.

Chuẩn bị cho Tương lai[sửa]

  1. Nghiên cứu về những đặc tính cơ thể của husky. Tương tự với những loài chó khác, việc hiểu biết về đặc tính cơ thể quan trọng của giống chó đem tới nhiều ích lợi. Husky là một loài chó cứng cáp được phối giống để phục vụ lao động tại những miền khí hậu giá rét.
    • Trung bình con đực trưởng thành sẽ có chiều cao từ 53,3 đến 59,7 cm. Chúng sẽ nặng từ 20,4 đến 27,2 kg.[3]
    • Trung bình con cái trưởng thành sẽ có chiều cao từ 50,8 đến 55,9 cm và nặng từ 15,9 đến 22,7 kg.[3]
    • Husky không có nhiều vấn đề sức khoẻ. Tuy nhiên, có một số bệnh mà bạn cần lưu ý. Ngoài vấn đề về mắt, chứng loạn sản xương hông và xương khuỷu cũng có thể phát triển ở giống này.[1] Đó là khi các khớp xương bị biến dạng, dẫn tới những cơn đau và khó khăn khi di chuyển.
    • Husky thay lông rất nhiều, đặc biệt khi thời tiết bắt đầu ấm lên. Hãy chuẩn bị để dọn dẹp rất nhiều lông chó.[3]
    • Trừ khi gặp tai nạn, cún husky trung bình có thể sống tới 12 đến 15 năm.[1] Bạn nên chuẩn bị để chăm sóc chúng ít nhất trong khoảng thời gian đó.
    • Husky không sống khỏe mạnh trong môi trường đặc biệt nóng ẩm. Bạn nên bỏ kế hoạch chuyển nhà đến những thành phố nhiệt đới ẩm trong thời gian tới.[5]
  2. Hiểu tính khí của husky. Bạn nên biết một vài nét tính cách và hành vi đặc trưng của husky để hỗ trợ quá trình huấn luyện bé cún mới và đưa cún đi giao lưu.
    • Husky đặc biệt năng động và độc lập. Chúng hiếu động, giàu năng lượng và rất dễ chán.[5] Đây là lý do husky có thể phá hoại nhà cửa, sân vườn và đồ đạc của bạn nếu chúng phải ở một mình quá lâu. Điều này cũng khiến chúng không phù hợp cho cuộc sống ở những căn hộ nhỏ.[1]
    • Husky có ý chí mạnh mẽ và rất thông minh. Đặc điểm này khiến chúng trở thành người đồng đội tuyệt vời, nhưng đồng thời khiến chúng khó huấn luyện hơn các loài khác.[5]
    • Husky là loài thân thiện và trung thành. Chúng sống theo bầy đàn và thích hợp nuôi bởi một gia đình hơn là một người chủ độc thân. Chúng cũng rất thân thiện với người lạ.[1]
  3. Hãy chuẩn bị đón nhận những tiếng tru. Tin tốt là husky ít khi sủa. Nhưng tin xấu, chúng thường tru lên khá to.[3]
    • Việc huấn luyện và vận động điều độ sẽ hạn chế hành vi này.[3] Tuy nhiên khi mới bắt đầu nuôi, những tiếng tru lớn chắc chắn sẽ thường xuyên xuất hiện.

Lời khuyên[sửa]

  • Husky là những nghệ sĩ đào tẩu, do đó bạn nên luôn luôn đeo xích cho chúng khi ra ngoài. Hãy kiểm tra hàng rào cẩn thận để tìm điểm rào yếu hoặc bị hổng trước khi cho bé cún vào sân.
  • Lược rút rất thích hợp để chải lông cho những chú cún husky.
  • Bạn có thể mua clicker huấn luyện chó tại bất kỳ cửa hàng thú cưng nào. Đây là công cụ hữu dụng trong huấn luyện, sử dụng song song với thức ăn.
  • Nếu husky của bạn bị nóng vào mùa hè, hãy sử dụng hồ bơi nước lạnh cho chó và để chó nằm trong bóng râm. Vào ban đêm, hãy để quạt gần nơi chó ngủ.

Cảnh báo[sửa]

  • Đừng nhận nuôi husky nếu bạn sống trong môi trường khí hậu nóng ẩm. Chúng không thể chịu được khí hậu như vậy. Loài chó này được phối giống để làm việc tại Bắc Cực. Chúng sẽ khốn khổ trong môi trường nóng nực.
  • Ngoài việc dạy chó cách tương tác với trẻ con, bạn cũng cần dạy trẻ tại nhà cách tương tác với chó. Bạn không bao giờ được để trẻ nhỏ lại gần bất kỳ loài chó nào mà không có sự giám sát của người lớn.[3]

Nguồn và Trích dẫn[sửa]

Bài liên quan[sửa]

Bài cùng chủ đề[sửa]

chăm sóc thông thường ...

ngăn và chữa bệnh ...

chăm sóc và huấn luyện chuyên biệt ...

Liên kết đến đây

Xem thêm liên kết đến trang này.